Ngày 15/3/2022, Bộ Công Thương phối hợp cùng Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức Hội nghị “Một năm thực thi UKVFTA: Thành tựu nội bật và Định hướng sắp tới”. Được tổ chức đồng thời tại cả hai đầu cầu Hà Nội và Luân Đôn, Hội nghị có sự tham gia của Lãnh đạo Bộ Công Thương, Lãnh đạo cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại của Việt Nam và Vương quốc Anh; đại diện các Bộ, ngành liên quan; đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu song phương của hai nước.
Nhiều kết quả tích cực
Hiệp định UKVFTA được ký kết chính thức tại Luân Đôn, Vương quốc Anh ngày 29/12/2020, được áp dụng tạm thời từ ngày 01/01/2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/5/2021. Sau 1 năm Hiệp định có hiệu lực, nhiều kết quả tích cực và những điểm sáng trong hợp tác phát triển kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UK) đã được ghi nhận.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch song phương Việt Nam - UK trong năm 2021 đạt 6,61 tỷ USD, tăng trưởng 17,24%, cơ bản đã phục hồi về mức kim ngạch năm 2019 sau một năm giảm sâu do tác động của dịch COVID-19.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang UK năm 2021 đạt 5,7 tỷ USD, tăng 16,4% so với năm 2020. Nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam đạt tăng trưởng xuất khẩu cao sang thị trường này như: Rau quả tăng 67%; sản phẩm may, tre, cói, thảm tăng 56%; hạt tiêu tăng 49%; phương tiện vận tải, phụ tùng tăng 34%; sản phẩm gốm sứ tăng 32%; máy móc thiết bị tăng 16%...
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ UK sang Việt Nam đạt 850 triệu USD, tăng 23,6% so với năm 2020. Các mặt hàng của UK tăng mạnh nhập khẩu sang Việt Nam cũng là những sản phẩm thế mạnh của nước này, gồm: Dược phẩm tăng 35%; ô tô tăng 29%; máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện tăng 25%; nguyên liệu dệt may, da giày tăng 25%...
Với tác động tích cực của Hiệp định UKVFTA, tình hình đầu tư trực tiếp từ UK vào Việt Nam cũng ghi nhận tăng trưởng khá. Năm 2021, năm đầu thực thi Hiệp định, UK đã cải thiện từ vị trí thứ 17 vươn lên vị trí đối tác thứ 12 đầu tư vào Việt Nam, với vốn đăng ký cấp mới đạt 53 triệu USD, tăng 157%; số dự án cấp mới tăng 14%; tổng vốn đầu tư tăng 18% lên con số 4 tỷ USD.
Nhờ các cam kết ưu đãi của UKVFTA dành cho các nhà đầu tư Vương quốc Anh tại Việt Nam, các cơ hội luôn sẵn có trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ như giáo dục, Vương quốc Anh là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ngành giáo dục của Việt Nam bởi thị trường rộng lớn cho các cơ sở tư nhân, trung tâm đào tạo tiếng Anh và trường dạy nghề. Ngoài ra, lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam tiếp tục mở rộng nhanh chóng và mang lại cơ hội lớn cho các nhà đầu tư Vương quốc Anh.
Nhằm thực thi UKVFTA, đến nay Việt Nam đã ban hành, sửa đổi các văn bản pháp luật để thực thi Hiệp định: thuế quan, quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại. Ngoài ra, đang hoàn thiện, trình ban hành các văn bản pháp luật về chứng nhận chủng loại gạo để hưởng hạn ngạch thuế quan; mua sắm của Chính phủ. Chính phủ cũng đã hoàn thành chỉ định các cơ quan đầu mối về thực thi theo từng lĩnh vực/Chương của Hiệp định.
Để triển khai thực hiện đồng bộ hiệu quả UKVFTA, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 721/QĐ-TTg ngày 18/5/2021; Bộ Công Thương phê duyệt Kế hoạch thực hiện UKVFTA theo Quyết định số 1449/QĐ-BCT ngày 24/5/2021. Ngoài ra, đã có 5 bộ, ngành và 45 tỉnh, thành đã ban hành Kế hoạch thực hiện hiệp định.
Bộ Công Thương được chỉ định là đầu mối thực hiện nhiều nội dung, đã phối hợp với bộ ngành có liên quan triển khai cuộc họp cấp kỹ thuật, tổ chức họp các Ủy ban chuyên môn: biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật (SPS), hải quan, thương mại hàng hóa, thương mại và phát triển bền vững để rà soát tình hình thực thi trong thời gian vừa qua, cũng như những vướng mắc, thảo luận, bàn định hướng để đảm bảo thực thi UKVFTA hiệu quả nhất, đầy đủ nhất.
Động lực thúc đẩy thương mại song phương tăng trưởng cao và cân bằng hơn
Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp của cả hai bên cùng thảo luận, đánh giá những thành tựu đã đạt được trong năm đầu tiên thực thi UKVFTA; trong đó đánh giá cao vai trò và mức độ hỗ trợ của Hiệp định UKVFTA đối với các ngành xuất khẩu và doanh nghiệp của hai bên trong việc phục hồi từ đại dịch và tạo đà tăng trưởng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định: Năm vừa qua có thể nói là một năm “vạn sự khởi đầu nan” cho Hiệp định thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. Thời điểm Hiệp định chính thức có hiệu lực cũng là lúc cả Việt Nam và Vương quốc Anh phải đối mặt với diễn biến phức tạp của đại dịch gây gián đoạn không nhỏ đến chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu cũng như các hoạt động kinh tế và thương mại khác. Mặc dù khởi đầu trong bối cảnh khó khăn như vậy nhưng trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh vẫn đạt 6,61 tỉ USD, tăng trưởng hơn 17% so với năm 2020.
Mức tăng trưởng hai chữ số này giúp kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh quay trở lại mức của năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch vào năm 2020, trong đó, xuất khẩu sang Vương quốc Anh tăng hơn 16%, còn Vương quốc Anh được xuất khẩu sang Việt Nam tăng 24%.
“Số liệu này cho thấy Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh thực sự là một con đường cao tốc hai chiều, giúp thúc đẩy trao đổi thương mại song phương theo hướng ngày càng cân bằng hơn”, Thứ trưởng Khánh nhận định.
Bên cạnh đó, trong năm 2021 đã có 48 dự án đầu tư trực tiếp của Vương quốc Anh vào Việt Nam được cấp mới với số vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 53 triệu USD, tăng trưởng 157% so với cùng kỳ năm 2020, duy trì mức đầu tư trực tiếp của Vương quốc Anh tại Việt Nam mức 4 tỷ USD. Hiện nay Vương quốc Anh nằm trong số 15 quốc gia hàng đầu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Theo Thứ trưởng, những kết quả tích cực như vậy cho phép chúng ta lạc quan và tác động tích cực của Hiệp định UKVFTA đối với cả Việt Nam và Vương quốc Anh.
Thành công từ sự chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), Hiệp định UKVFTA là một trong những tác nhân giúp giảm bớt những khó khăn mà nền kinh tế hai bên gặp phải do COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Mặc dù mới trải qua thời gian ngắn nhưng những số liệu ban đầu cho thấy quá trình thực thi Hiệp định đã cho thấy những điểm sáng.
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang UK năm 2021 tăng 16,4% - mức tăng khá so với các thị trường khác. Trong đó nhiều mặt hàng tăng trưởng mạnh như rau quả, hạt tiêu, sản phẩm chế biến, chế tạo... là những tín hiệu rất tích cực. Ngược lại, xuất khẩu hàng hóa của UK sang Việt Nam cũng đạt mức tăng trưởng cao so với các thị trường khác, đạt 23,6%; đặc biệt ở những sản phẩm thế mạnh của UK như: dược phẩm, nguyên vật liệu, linh kiện máy tính, điện tử...
Ông Thái cho biết: Có được những kết quả tích cực đó bởi so với các hiệp định khác, đây là một trong những hiệp định mà chúng ta đã có những bước chuẩn bị kỹ trước đó và đã có kế hoạch hành động mang tính tổng thể được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tất cả các văn bản để thực thi hiệp định đều được ban hành rất sớm, từ những chương trình hành động chung cho đến những văn bản thực thi về thuế, về mua sắm của Chính phủ, về những lĩnh vực như phòng vệ thương mại... đều được các bộ, ngành ban hành rất sớm.
Bên cạnh đó, Việt Nam cùng Vương quốc Anh đã thiết lập những cơ chế trao đổi thường xuyên thông qua các ủy ban để giải quyết những vấn đề cụ thể phát sinh trong quá trình thực thi Hiệp định.
Song song đó, chúng ta đã thúc đẩy quá trình phổ biến, tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp thể cập nhật, nắm được khuôn khổ, nội dung Hiệp định. Những hoạt động này có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, cơ quan Chính phủ Việt Nam với Vương quốc Anh, đặc biệt là Đại sứ quán Anh tại Hà Nội. Hai bên đã phát hành nhiều ấn phẩm, thông tin nhằm giúp doanh nghiệp ở cả hai nước thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác, phát triển. Hai bên cũng đã xây dựng Cổng thương mại theo tiêu chuẩn của ASEAN, do Chính phủ Anh giúp đỡ với những tiêu chuẩn cao nhất để đưa thông tin không chỉ về hiệp định UKVFTA với Vương quốc Anh mà còn về những FTA khác đến tất cả doanh nghiệp, người dân quan tâm, muốn tìm hiểu.
Còn nhiều dư địa để phát triển hơn nữa
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng dư địa để hai nước khai thác tiềm năng của Hiệp định thương mại tự do này vẫn còn rất lớn. Hiện nay, Vương quốc Anh đang tích cực đẩy mạnh quá trình đàm phán và ký kết các thỏa thuận thương mại sau khi hoàn thành Brexit; Việt Nam đã và đang tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có các Hiệp định thương mại tự do lớn như Hiệp định CPTPP, Hiệp định RCEP, Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu và đặc biệt là cả hai nước đang cùng thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do song phương này sẽ tạo ra những cơ hội hấp dẫn để cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác và tận dụng các thế mạnh của nhau, từ đó thúc đẩy hơn nữa giá trị gia tăng từ hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại.
Đại diện các cơ quan, hiệp hội tham gia tọa đàm chuyên sâu tại Hội nghị cũng tán thành nhận định này.
Theo ông Lương Hoàng Thái, trong thời gian tới, nhiều ngành hàng xuất khẩu còn dư địa phát triển lớn như: thủy sản, gạo... chưa được tận dụng hết tiềm năng trong thời gian qua. Mặt khác, đối với các FTA thì tác động về thu hút đầu tư cần có thời gian hơn so với tác động về thương mại, điều này có thể có sự thay đổi tích cực trong thời gian tới.
Từ đầu cầu Luân Đôn, nghị sỹ Graham Stuart, Đặc phái viên thương mại của Thủ tướng Vương quốc Anh phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia khẳng định: Hiệp định UKVFTA là trụ cột quan trọng hiện thực hóa quan hệ thương mại song phương Việt Nam – UK. Đây là động lực, căn cứ thúc đẩy thương mại dịch vụ hàng hóa tăng trưởng cao hơn nhiều so với kết quả thương mại song phương những năm trước khi có Hiệp định.
Thời gian tới, việc thực thi Hiệp định hướng tới mục tiêu bao trùm, nâng cao khả năng chống chịu của doanh nghiệp hai nước trong bối cảnh biến động, khó khăn của tình hình thế giới hiện nay. “Đặc biệt, có nhiều cơ hội đầu tư các dự án điện gió, thúc đẩy năng lượng tái tạo, giảm phát thải cacbon phù hợp với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đây cũng là những lĩnh vực thế mạnh mà UK có thể hợp tác, hỗ trợ Việt Nam”, nghị sỹ Graham Stuart dự báo.
Bà Nguyễn Khánh Ngọc – Phó Vụ trưởng Vụ Châu Âu – Châu Mỹ (Bộ Công Thương) đánh giá: Sau 1 năm thực thi Hiệp định, thương mại UK và Việt Nam có sự tăng trưởng theo hướng cân bằng hơn. Các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam đã xuất hiện trên kệ hàng hóa tại UK như: rau quả, thực phẩm... Theo bà Ngọc, thời gian tới trong bối cảnh biến động của thế giới có thể tác động tới nguồn cung một số mặt hàng như phân bón, lúa mỳ... sang châu Âu nói chung, UK nói riêng thì Việt Nam có thể có cơ hội đẩy mạnh giao thương, xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của mình như: nông sản, gạo, trái cây nhiệt đới... vào thị trường này.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Hội nhập và WTO nhận định: Hiệp định UKVFTA có những lợi thế nhất định so với các FTA khác. Các cơ quan tổ chức thực thi Hiệp định và các doanh nghiệp đã có khoảng thời gian “chạy đà”, làm quen với các FTA khác trước khi thực thi Hiệp định này.
Một lợi thế nữa trong việc thực thi Hiệp định này là quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh là cơ cấu bổ sung cho nhau một cách gần như tuyệt đối, không có sản phẩm nào của hai bên là cạnh tranh trực tiếp. “Thậm chí có những sự bổ sung thích hợp một cách ngạc nhiên, ví dụ Việt Nam rất cần dược phẩm thì Anh có thế mạnh về dược phẩm; Việt Nam là nước xuất khẩu lớn về hàng dệt may thì Anh là nước cung cấp nguyên phụ liệu dệt may”, bà Trang cho biết.
Từ thực tiễn doanh nghiệp, ông Đinh Cao Khuê – Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo dư địa thị trường rau quả UK còn rất lớn, nhiều mặt hàng rau quả của Việt Nam có cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới như: xoài, thanh long, chanh leo... với khả năng cạnh tranh tốt với các nguồn cung khác các nước Nam Mỹ, Nam Á. Chúng ta có một lượng bạn hàng UK từng bước quen thuộc, tin tưởng các sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam như: chanh leo cô đặc, dứa cô đặc... Chúng ta cũng có lợi thế về rừng trồng các loại rau quả thế mạnh tại các địa phương.
Theo ông Christopher Jeffery - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BRITCHAM), tiềm năng tăng trưởng hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước còn rất lớn. Thời gian tới, Chính phủ hai nước, các Bộ ngành của hai bên cần tăng cường phối hợp, hợp tác hơn nữa để giúp doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác, đầu tư giao thương song phương hơn nữa. Các cơ quan chức năng của hai bên cần tăng cường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực thi Hiệp định UKVFTA cũng như xúc tiến cơ hội hợp tác, giao thương thông qua các hoạt động gặp gỡ, tham quan nhà xưởng sản xuất, tiếp xúc tại các hội chợ...
Dẫn kết quả khảo sát mức độ hiểu biết và vận dụng cam kết các FTA của doanh nghiệp, bà Trang cho rằng cần có sự hỗ trợ của các cơ quan xúc tiến thương mại, thương vụ Việt Nam tại UK... trong việc phổ biến, hướng dẫn các cơ chế thực thi Hiệp định, cách thức tiếp cận thị trường để doanh nghiệp thực thi Hiệp định hiệu quả và tận dụng tốt các cơ hội giao thương.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để tận dụng Hiệp định hiệu quả hơn thì bên cạnh sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan quản lý Nhà nước thì các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu, nắm vững nội dung, cam kết của Hiệp định. Cần chú trọng tìm hiểu thông tin thị trường UK, nhu cầu tiêu dùng, các quy định của thị trường UK để tuân thủ bởi đây là thị trường kỹ tính hàng đầu châu Âu và thế giới. Đồng thời các doanh nghiệp cần quan tâm, chú trọng việc cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu cũng như tăng tính cạnh tranh với hàng hóa của các nước xuất khẩu khác.