Thuế bảo vệ môi trường được sử dụng cho công tác bảo vệ môi trường như thế nào?

Thuế bảo vệ môi trường thu theo Luật Ngân sách Nhà nước và thực hiện chi theo Luật Ngân sách Nhà nước, không nói là thu thuế bảo vệ môi trường chỉ dùng để chi cho bảo vệ môi trường.

Hiện nay, nhiều người vẫn hiểu thuế bảo vệ môi trường thì phải được dùng trực tiếp để chi cho công tác bảo vệ môi trường. Lâu nay, thuế bảo vệ môi trường được dùng không đúng mục đích, thu nhiều chi ít! Điều này khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi về hiệu quả sử dụng số thu thuế bảo vệ môi trường có thực sự để phục vụ mục đích bảo vệ môi trường?

Theo ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) thì cách hiểu như vậy là chưa đúng.

Lý giải cho vấn đề trên, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017, thuế bảo vệ môi trường là khoản thu ngân sách nhà nước và được sử dụng chi thực hiện các nhiệm vụ chi theo Luật Ngân sách Nhà nước, không nói là thu thuế bảo vệ môi trường để chi cho bảo vệ môi trường. Hiện nay, tỷ lệ chi 1% tổng thu ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường chỉ là phần chi trực tiếp, chưa tính đến phần chi gián tiếp.

“Khi ngân sách nhà nước chi đầu tư phát triển như chi đầu tư cho các dự án, chi đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp... chẳng hạn, chi cho các công trình xử lý nước thải, chi xây dựng các công trình, dự án giao thông thì đã gián tiếp bảo vệ môi trường rồi”, đại diện Bộ Tài chính khẳng định.

Riêng đối với kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường vẫn phải đảm bảo chi theo nhiệm vụ. Bộ Tài chính đã có Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 6/01/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường (thay thế Thông tư liên tịch số 45/2010/TTLT-BTC-BTNMT ngày 30/3/2010). Tại điểm c Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 02/2017/TT-BTC quy định: “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách nhà nước trong dự toán ngân sách hàng năm”.

Theo Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 5/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ thì một trong các giải pháp thực hiện là tăng dần tỷ lệ chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, phấn đấu đạt 2% tổng chi ngân sách.

Như vậy, hàng năm, Ngân sách Nhà nước vẫn bố trí riêng cho hoạt động sự nghiệp môi trường.