Thước đo giá trị Lọc dầu Dung Quất

Là doanh nghiệp được giao quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, trong những năm qua, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã thể hiện tốt vai trò của mình trong công tác quản trị doanh nghiệp.
Vượt chuẩn quốc tế

Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất có công nghệ tiên tiến và hiện đại của các nhà bản quyền đi đầu trong lĩnh vực lọc hóa dầu, như: UOP (gồm Phân xưởng xử lý Naphtha bằng Hydro, Phân xưởng Reforming xúc tác và Phân xưởng đồng phân hóa Naphtha nhẹ), Axens (gồm Phân xưởng Cracking xúc tác tầng sôi cặn chưng chất khí quyển và Phân xưởng xử lý dầu căn nhẹ bằng Hydro), Merichem (Phân xưởng xử lý Kerosen, Phân xưởng xử lý Naphtha từ RFCC, Phân xưởng xử lý khí hóa lỏng và Phân xưởng trung hòa kiềm), SINI (Phân xưởng thu hồi lưu huỳnh). Các thiết bị công nghệ chính được sản xuất từ các nước G7 và được đánh giá là nhà máy lọc dầu hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á tính ở thời điểm 2009 - khi nhà máy cho ra dòng sản phẩm đầu tiên. Thời điểm đó có khoảng gần 200 chuyên gia nước ngoài trực tiếp đảm nhận những vị trí kỹ thuật chủ chốt. Khi ấy, không ít những chuyên gia hoài nghi về năng lực vận hành của đội ngũ kỹ sư người Việt. Thế rồi chỉ 5 năm sau, 4 nhà bảo hiểm quốc tế là Công ty Môi giới Bảo hiểm JLT, Công ty SCOR Global P&C Asia-Pacific, Công ty Alianz Global Corporate & Specialty SE, Công ty Liberty Mutual Insurance Europe Limited và 4 nhà bản quyền công nghệ là UOP, Axens, Merichem và SINI đã trao cho BSR Chứng chỉ là đơn vị “Vận hành xuất sắc” (Operational excellence) để ghi nhận thành tích vận hành NMLD Dung Quất hơn 630 ngày đêm liên tục (tháng 8/2012 đến ngày 12/4/2014), an toàn, ổn định và hiệu quả.

Trên thế giới, hầu hết các NMLD đều có công suất lớn hơn Dung Quất nên việc vận hành liên tục gần 2 năm là điều hiếm thấy. Cũng phải nói thêm rằng, NMLD Dung Quất thường xuyên vận hành ở công suất từ 100% đến 107%, là thành tích hiếm khi đạt được trong lịch sử các nhà máy Lọc - Hóa dầu khu vực Đông Nam Á. Ngay cả những cường quốc lọc hóa dầu như Mỹ, Nhật Bản, nhiều nhà máy của họ cũng chỉ vận hành ở 85 - 90% công suất thiết kế.

Việc vận hành an toàn, ổn định và vượt công suất thiết kế của Lọc dầu Dung Quất làm bất ngờ các nhà cung cấp bản quyền công nghệ và cả những chuyên gia lọc dầu gạo cội. Quốc tế ghi nhận thành quả trên không chỉ giúp Lọc dầu Dung Quất nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn khẳng định công tác quản trị, điều hành của BSR đã tiệm cận trình độ quốc tế.

Thế rồi những kỹ sư năm nào còn phải được chuyên gia “cầm tay chỉ việc”, nay đã nắm vững, làm chủ được công nghệ. Hầu hết các vị trí đã thay thế được chuyên gia nước ngoài. Từ chỗ gần 200 vị trí làm việc có bóng dáng ngoại quốc, nay chỉ còn 22 nhân sự đảm đương nhiệm vụ chủ yếu là tư vấn và hỗ trợ vận hành. Đại diện nhà thầu O&M (tư vấn vận hành và bảo dưỡng) có lần nói vui: “Tôi không ngờ ngày chúng tôi phải về nước sớm đến thế”.

Việc điều hành một nhà máy lọc dầu hoàn toàn không phải chuyện đơn giản. Trong điều hành nhà máy lọc dầu có một bộ Hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật (KTKT) rất phức tạp và là chỉ số khó vượt qua. BSR đã xây dựng bộ định mức dựa trên chuẩn quốc tế, ban hành và áp dụng từ năm 2011 với khởi điểm 4 bộ định mức. Hiện tại BSR đã xây dựng và phát triển được 9 bộ định mức bao trùm lên hầu hết các chỉ số tiêu hao, hao phí từ hoạt động sản xuất kinh doanh cho tới hoạt động quản lý điều hành. Hệ thống định mức này giúp sức các cấp thẩm quyền, cơ quan thuế trong việc đánh giá hiệu quả, hao phí thực so với định mức.

Một số định mức đã được BSR đạt và vượt như tiêu hao dầu thô (được đánh giá bằng chỉ số: số tấn dầu thô/1 tấn sản phẩm thương mại) có định mức lần đầu là 1,1; đến nay đã giảm xuống còn 1,097%. Hay như định mức hao hụt xuất xăng A92 đã giảm từ 0,15% còn 0,08%; định mức tiêu hao năng lượng nội bộ nhà máy cũng giảm từ 7,80% còn 7,60%.

Các bộ định mức khác như lưu kho dầu thô sản phẩm (07-LK), vật tư dự phòng cho công tác bảo dưỡng sửa chữa (03-DP); vật tư tiêu hao cho công tác bảo dưỡng sửa chữa (04-BD); tiêu hao xăng dầu cho phương tiện thiết bị cơ giới (05-TH), tiêu hao trang thiết bị bảo hộ lao động (08-BHLĐ); tiêu hao trang thiết bị văn phòng, văn phòng phẩm (09-TTB-VPP) cũng được theo dõi áp dụng quyết liệt và cải tiến kịp thời đáp ứng nhu cầu vận hành thực tế của Nhà máy. Năm 2015, việc áp dụng, kiểm soát hệ thống định mức KTKT của BSR đã đem lại mức tiết kiệm chi phí tiêu hao nguyên vật liệu, chi phí hao hụt khoảng 394 tỷ đồng.

Các phân xưởng công nghệ của Lọc dầu Dung Quất

Tối ưu hóa năng lượng

Tối ưu hóa năng lượng là hoạt động quan trọng nhằm tiết giảm chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty BSR. Theo kết quả đánh giá của tổ chức Solomon 2015 dựa trên số liệu vận hành năm 2014, chi phí năng lượng ở BSR chiếm 73% chi phí vận hành Nhà máy, tổng tiêu thụ năng lượng 480 ngàn tấn - tương đương 7,6% tổng lượng dầu thô chế biến, chỉ số tiêu thụ năng lượng % EII = 118.

Qua đánh giá năng lượng, Shell Global đã đề xuất một giải pháp cải hoán thiết bị/công nghệ và một số giải pháp điều chỉnh thông số vận hành. Kỳ vọng giảm tiêu thụ năng lượng thông qua các giải pháp vận hành do Shell đề xuất khoảng 0,2% tính trên tổng lượng dầu thô chế biến. Để giảm chi phí năng lượng, công tác tối ưu hóa không chỉ dừng lại ở điều chỉnh thông số vận hành mà cần phải đầu tư cải hoán.

Năm 2015, BSR tập trung rà soát và sơ loại các cơ hội tối ưu hóa năng lượng, điều chỉnh tối ưu các thông số vận hành, đồng thời nghiên cứu và đề xuất các dự án đầu tư cải hoán khả thi nhằm nâng cao hiệu quả sản suất kinh doanh của Công ty. Công tác tối ưu hóa năng lượng đã giúp giảm đáng kể phần trăm tiêu thụ năng lượng từ 7,55% năm 2014 xuống còn 7,38% tính trên lượng dầu thô chế biến (tương đương giảm 0,17% hay tiết kiệm 10.456 tấn dầu) thông qua các giải pháp điều chỉnh các thông số vận hành.

Để có được kết quả trên, năm 2015, BSR đã tập trung tối ưu hóa thông số vận hành trên thực địa. Bên cạnh đó, BSR cũng đã lên chương trình và lập tiến độ chi tiết thực hiện các các giải pháp năng lượng, bao gồm các giải pháp vận hành và đầu tư cải hoán, đồng thời kết hợp một số giải pháp đầu tư cải hoán vào nghiên cứu trong giai đoạn thiết kế tổng thể (FEED) của dự án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất như: Thu hồi nhiệt ở công đoạn xử lý khí ở phân xưởng Cracking xúc tác tầng sôi cặn chưng chất khí quyển (RFCC); Tái bố trí thiết bị trao đổi nhiệt trong công đoạn gia nhiệt sơ bộ dầu thô phân xưởng Chưng cất dầu thô (CDU); Thu hồi nhiệt thải bằng nước cấp thiết bị khử khí; Chuyển đổi turbine máy nén TR-2101 từ kiểu đối áp sang kiểu ngưng.

Theo Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên, tính từ năm 2009 đến nay, Lọc dầu Dung Quất đã tiết kiệm chi phí năng lượng khoảng hơn 5.000 tỷ đồng - tương đương với thu ngân sách của một tỉnh trung bình của nước ta.

Đa dạng nguồn dầu thô

NMLD Dung Quất được thiết kế để chế biến 100% dầu thô Bạch Hổ hoặc hỗn hợp dầu thô bao gồm 85% dầu thô Bạch Hổ và 15% dầu thô Dubai. Cần nói thêm, dầu thô Bạch Hổ là loại dầu tốt nhất thế giới, chứa ít hàm lượng lưu huỳnh nên các nhà máy lọc dầu ưu dùng bởi tính ít ăn mòn máy móc của nó. Công nghệ của Lọc dầu Dung Quất cho phép pha trộn tối đa 15% dầu chua nhập khẩu với giá rẻ hơn dầu ngọt Bạch Hổ nên BSR đã nghiên cứu tìm các loại dầu chua thích hợp để có thể chế biến ra sản phẩm đạt chất lượng tương đương.

Như vậy, để đáp ứng nguồn nguyên liệu dầu thô đủ cho Nhà máy vận hành ổn định trong thời gian dài thì Nhà máy phải tìm kiếm các nguồn dầu thô khác thay thế cho dầu thô Bạch Hổ. Từ các bảng phân tích tính chất dầu thô (crude assay) được cung cấp bởi các nhà sản xuất, buôn bán dầu (PV Oil, BP, Shell, Chevron, Total, Exxon Mobil, Petronas,…), BSR đã sơ loại các loại dầu thô không nằm trong giới hạn vận hành của Nhà máy.

BSR đã xây dựng được danh sách các loại dầu thô có thể đưa vào chế biến, nâng danh sách các loại dầu thô có khả năng chế biến tại Nhà máy từ 48 loại năm 2012 lên 73 loại ở thời điểm hiện tại. Đồng thời đã thiết lập được tỷ lệ phối trộn của từng nhóm dầu thô làm cơ sở cho việc lập kế hoạch sản xuất, mua dầu, lập kế hoạch nhập dầu, xuất kho phù hợp, đảm bảo cho nhà máy vận hành ổn định ở công suất cao. Bằng cách đánh giá và tính toán công thức phối trộn dầu thô hợp lý, giải pháp đã góp phần cung cấp đủ nhu cầu dầu thô nguyên liệu cho vận hành sản xuất trong bối cảnh sản lượng dầu Bạch Hổ ngày càng sụt giảm. Khối lượng dầu thô phối trộn đã tăng lên 42 - 43% năm 2015 và dự kiến lên khoảng 44-50% trong năm 2016. Việc đa dạng hóa nguồn dầu thô và pha trộn thành công nguồn dầu chua đã làm lợi cho Công ty BSR hơn 37 triệu USD.

Giải pháp quản trị, điều hành tiên tiến và hiệu quả ở BSR

- Công ty BSR đang triển khai chuẩn hóa hệ thống Quy trình nghiệp vụ (Business Process Design) hướng đến hệ thống quản trị điều hành minh bạch, hiệu quả theo chuẩn hóa quốc tế. Lợi nhuận dự kiến mang lại khoảng 6-8 triệu USD/năm.

- Xây dựng và áp dụng hệ thống điều hành theo KPI (Key Performance Indicator) nhằm đưa ra quyết định dựa trên thông tin điều hành, sản xuất theo thời gian thực (real time): đã hoàn thiện xây dựng trên 500 KPI bao gồm các lĩnh vực của toàn nhà máy. Hiệu quả dự kiến 5-10 triệu USD/năm.

- Triển khai các dự án tối ưu hóa: Điều khiển cấp cao đa biến APC giai đoạn I, lợi nhuận dự kiến đạt 4,5 triệu USD/năm.



Phương Trà