Chitin-Chitosan chứa trong vỏ tôm, nguyên liệu ứng dụng cho nhiều ngành kinh tế
Các công trình nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh, trong vỏ tôm có chứa 27% chất Chitin, từ chất Chitin này, họ có thể chiết tách thành chất Chitosan để ứng dụng cho nhiều ngành kinh tế: hoá dược, mỹ phẩm và đặc biệt trong ngành dược phẩm, chất Chitosan đã hỗ trợ đắc lực trong việc bào chế ra rất nhiều sản phẩm thuốc chữa được nhiều loại bệnh khác nhau.
Vỏ tôm, thu gom tại các cơ sở chế biến đông lạnh, sau khi rửa sạch, sau đó sấy khô được đưa vào nồi phản ứng để loại bỏ muối vô cơ (muối canxi, muối phốt-pho) và các Protein. Sản phẩm thu được từ công đoạn này có tên là Chitin, tiếp theo được đưa vào ngâm trong dung dịch kiềm, sau 2h mới cho ra Chitosan. Theo một số nhà khoa học thì Chitosan có khả năng khống chế sự gia tăng của tế bào ung thư. Qua thí ngiệm thực hiện trên 60 bệnh nhân tuổi từ 35-76 của nhóm các bác sĩ Bệnh viện K Hà Nội vào năm 2003 đã chứng minh, Chitosan có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư. Một công trình nghiên cứu thí nghiệm tiêm Chitosan với liều 100mg/kg trên da chuột cống, sau đó gây viêm bằng Canageenin. Công trình có sự kết hợp của 2 tác giả thuộc Trường Đại học Y Hà Nội và Viện Hoá học đã cho biết, Chitosan còn có khả năng chống viêm cấp trên mô lành. Tại cuộc chiến Iraq vừa qua, Mỹ cũng đã sử dụng loại băng cứu thương kiểu mới, kỹ thuật cao, có thành phần cấu tạo bởi chất Chitosan. So với các loại băng thường, tốc độ cầm máu, tính sát khuẩn và thời gian lành mô khi sử dụng loại băng này có hiệu quả hơn gấp nhiều lần. Và từ lâu, một số chuyên gia ở Trung tâm Huyết học thuộc Viện Hàn lâm Y học Nga cũng đã phát hiện, Chitosan có thể ngăn chặn sự phát triển của chứng nhồi máu cơ tim và bệnh đột quỵ.
Nhờ vào tính ưu việt của Chitosan, cộng với đặc tính không độc, hợp với cơ thể, tự tiêu huỷ được, nên Chitosan đã được ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả trong kỹ nghệ bào chế dược phẩm, làm thuốc chữa bỏng, giảm đau, thuốc hạ cholesterol, thuốc chữa bệnh dạ dày, chống đông tụ máu, tăng sức đề kháng, chữa xương khớp và chống đựợc cả bệnh ung thư... Ngoài ra, Chitosan còn được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác như: hoá chất, mỹ phẩm, xử lý nước thải...
Năm 1961, nhà khoa học Nga BousBeloisov đã khởi xướng việc bào chế thuốc chống nhiễm xạ từ Chitosan. Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm tiêm thuốc cho động vật chó và khỉ trước khi chúng bị nhiễm xạ, kết quả cho thấy, khả năng sống sót tới 45%. Rất tiếc, trong thảm hoạ hạt nhân Chernobyl năm 1968, các thuốc chống xạ trên chưa được công bố rộng nên không được áp dụng cứu người. Đến sau thảm hoạ tàu nguyên tử Komsomlets, các nhà khoa học đã lên tiếng kêu gọi nên sử dụng Chitosan làm vật liệu kết cấu
trong xây dựng các lò phản ứng nguyên tử và làm vỏ cách ngăn cho các con tầu nguyên tử.
Tại Nhật Bản, năm 1975, Chitosan đã được đưa vào làm chất xúc tác để xử lý nước thải. Hiện nay, các hãng mỹ phẩm trên thế giới đã ứng dụng thành phần Chitosan vào hàng loạt các sản phẩm của mình. Chúng ta có thể tìm thấy chất này trong các sản phẩm kem đánh răng, kem chống nắng, phấn mắt, nước xúc miệng, kẹo chewing-gun... Riêng hãng Mỹ phẩm Wella đã dùng Chitin-Chitosan trong ít nhất 15 sản phẩm bảo vệ tóc, và hãng Shiseido, thương hiệu nổi tiếng có mặt nhiều năm tại thị trường Việt Nam cũng đã dùng chất này trong 13 sản phẩm mỹ phẩm của hãng.
Vỏ tôm – hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp
Thế giới ngày càng có xu hướng sử dụng dược phẩm chiết xuất từ nguồn gốc thiên nhiên. Vì thế, trong nhiều năm qua, các nhà khoa học trên thế giới và cả ở Việt Nam đã tích cực nghiên cứu chiết tách Chitosan từ hàng ngàn tấn vỏ tôm đang được thải ra tại các cơ sở chế biến đông lạnh, để sản xuất ra nhiều loại thuốc điều trị bệnh phục vụ cho cuộc sống con người. Điển hình trên thị trường dược hiện nay là loại thuốc chữa khớp làm từ vỏ tôm có tên Glucosamin đang được thịnh hành trên toàn thế giới. So với sản phẩm cùng loại thì Glucosamin có ưu thế hơn, do sản xuất từ nguồn vỏ tôm tự nhiên nên sản phẩm ít gây phản ứng, không độc hại và không bị rối loạn tiêu hoá cho người bệnh. Vì thế, chỉ trong năm 1998, nước Mỹ đã tiêu thụ được hơn 1 tỷ viên nang Glucosamin. Thận chí tại các siêu thị, thuốc bán không cần đơn, chúng được coi như một loại thực phẩm chức năng. Những năm gần đây, loại thuốc chữa khớp này còn đựợc phổ cập rộng ở nhiều nước như: Nhật, Pháp, ấn Độ, Thái Lan và cả Việt Nam.
Một điều đáng mừng hơn cả là, ngay tại Viện Vacxin Nha Trang, công nghệ bào chế thuốc chống béo phì và điều trị khớp từ vỏ tôm đã thành công. Một nhóm các nhà khoa học của Viện đã nghiên cứu, sản xuất ra 2 sản phẩm thuốc Chitozan chữa béo phì và Glusivac chuyên đặc trị thoái hoá khớp. Cả hai sản phẩm thuốc này đã được Bộ Y tế đánh giá rất cao và cấp phép lưu hành trên toàn quốc ngay từ đầu tháng 6 năm 2005. Giá thành của 2 loại thuốc trên rẻ hơn một nửa so với giá thuốc ngoại nhập. Trong Hội chợ triển lãm quốc tế chuyên ngành Y dược Việt Nam Medi- Pharm Expo 2005 tại Hà Nội vào cuối tháng 05/ 2005, Viện Vacxin Nha Trang tham gia và chào bán thử nghiệm 2 sản phẩm thuốc mới này và đã gây được sự quan tâm, chú ý cho người tiêu dùng tới tham quan. Sau hơn hai tháng lưu hành, đến nay thì 2 loại thuốc này đã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận và đánh giá khá cao.
Ngày nay, nghề nuôi tôm và chế biến đông lạnh ở nhiều nước trên thế giới đang phát triển và nhất là ở Việt Nam. Song song với nó, mỗi năm lại có hàng triệu tấn vỏ tôm bị vứt bỏ, nhưng bên trong nó lại chứa cả một kho tàng quý báu chất Chitosan- hữu dụng cho nhiều ngành kinh tế. Như vậy, nếu ngày càng có nhiều các công trình nghiên cứu ứng dụng thuốc chế từ vỏ tôm của các nhà khoa học được thực hiện, hẳn cuộc sống của con người sẽ hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp: chữa bệnh nhờ Chitosan, chống ô nhiễm môi trường do vỏ tôm thải ra.