Thương hiệu bia nội vẫn vững vàng ngôi đầu bảng

Thực hiện Quyết định 125/QĐ-TTg ngày 28/1/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới tổng công ty nhà nước và DNNN thuộc Bộ Công nghiệp giai đoạn 2003-2005, ngày 6/5/2003,

Đã có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, chủ yếu cho rằng, TCT Rượu-Bia-Nước giải khát Việt Nam đang trên đà phát triển thành một tập đoàn kinh tế mạnh, nay tách ra sẽ làm yếu đi sức cạnh tranh của sản phẩm bia nội trong khi ta đang cần sức mạnh để hội nhập. Dù sao thì hai tổng công ty cũng đã được thành lập, thay cái cũ để làm cái mới tốt hơn là điều ai cũng mong muốn. Đã qua nửa năm 2003, Việt Nam cũng bắt đầu lịch trình giảm thuế theo AFTA được hơn một tháng. Chúng ta hãy cùng nhìn lại những bước khởi động của hai tổng công ty mới sau 6 tháng đầu năm 2003.

Thương hiệu vẫn còn, sản xuất ổn định và tăng trưởng

Nhiều người cho rằng, thành lập hai TCT là đã làm mất đi hai công ty có bề dày trên 100 năm. Nhưng trên thực tế, hai công ty này đã trải qua rất nhiều lần thay đổi tên gọi và lần này, nó được nâng lên một cấp cao hơn, trở thành TCT. Trên thế giới, chuyện sáp nhập công ty này vào công ty kia, hay một công ty này biến mất, một công ty mới xuất hiện thực ra không được chú ý lắm, người ta chỉ quan tâm đến thương hiệu sản phẩm đó có còn tồn tại hay không và tồn tại như thế nào. Với Công ty Bia Sài Gòn và Công ty Bia Hà Nội, chỉ có tên gọi tiếng Việt và bộ máy tổ chức quản lý là thay đổi, còn tên giao dịch quốc tế và thương hiệu sản phẩm vẫn được giữ nguyên. Tất nhiên, một sự thay đổi lớn như vậy, không tránh khỏi những xáo trộn về tâm lý của đội ngũ CBCNV. HABECO còn có bộ máy giúp việc của TCT cũ nên nhanh chóng ổn định, dù chưa hoàn hảo. Còn SABECO thì mới hoàn toàn, phải nâng cấp bộ máy của Bia Sài Gòn lên và phải có thời gian để bộ máy quen dần với vai trò mới. Sau một thời gian rất ngắn tổ chức, sắp xếp nhân sự và củng cố sản xuất, đến nay, bộ máy của hai TCT đã tương đối ổn định.

Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2003, HABECO đạt giá trị tổng sản lượng 346,679 tỉ đồng, đạt gần 50% kế hoạch năm và tăng 29,16% so cùng kỳ năm 2002; doanh thu đạt 50,49% kế hoạch năm và tăng 32,69% so cùng kỳ; nộp ngân sách tăng 26,99% và lợi nhuận tăng 12,78% so cùng kỳ. Tương tự SABECO cũng tăng trưởng thuận lợi. Giá trị tổng sản lượng đạt 1.223,581 tỉ đồng, bằng gần 50% kế hoạch năm và tăng 2,08% so cùng kỳ năm 2002; doanh thu đạt 57,91% kế hoạch năm và tăng 18,11% so cùng kỳ; nộp ngân sách tăng 2,63%, riêng lợi nhuận giảm so cùng kỳ do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Nhiều người cũng quan tâm là liệu hai TCT có cạnh tranh thị trường của nhau không? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Việt – TGĐ HABECO và ông Nguyễn Bá Thi – ủy viên thường trực HĐQT SABECO đều cho rằng, không thể tránh khỏi việc cạnh tranh trong kinh doanh, nhưng chắc chắn, hai TCT sẽ thống nhất với nhau về chiến lược đầu tư và phát triển thị trường của ngành Đồ uống không để ảnh hưởng đến hai TCT với mục tiêu là cạnh tranh với bia ngoại chứ không cạnh tranh nhau trên sân nhà.

Vấn đề hội nhập thêm một lần nữa được nhắc đến khi thời điểm Việt Nam bắt đầu lịch trình giảm thuế (từ 1/7/2003) được hơn một tháng. Trước thềm hội nhập, ông Nguyễn Anh Dũng –  TGĐ SABECO đã nói: “Chúng tôi tự tin khi hội nhập, vì sản phẩm của chúng tôi đang được khách hàng ưa chuộng”. Còn gì đáng mừng hơn khi các doanh nghiệp Việt Nam tự tin vào chính mình trước cuộc thử sức cùng hàng ngoại nhập với nền công nghiệp tiên tiến hiện đại hơn mình gấp nhiều lần.

Đầu tư mở rộng sản xuất, quan tâm tới người lao động 

Để tiến tới hoạt động theo mô hình công ty mẹ –  công ty con thì việc cần làm là phải sử dụng đồng vốn của TCT đầu tư cho các đơn vị thành viên. Điều này đã được ông Lê Bá Cơ - Chủ tịch HĐQT HABECO khẳng định. Theo ông Cơ thì, HABECO sẽ mở rộng theo hướng đầu tư gia công tại các doanh nghiệp bia địa phương và sau đó khi công việc thuận lợi, TCT sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp này mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, tiến tới quản lý theo mô hình công ty mẹ –  công ty con một cách thực sự thông qua điều hành vốn.  Trước mắt, HABECO đã lập dự án đầu tư xây dựng một nhà máy bia mới công suất 100 triệu lít/năm ở ngoại thành Hà Nội, dự kiến cuối năm 2004 sẽ khởi công xây dựng.

Về vấn đề đầu tư của SABECO, ông Nguyễn Bá Thi - ủy viên thường trực HĐQT SABECO cho biết, để đạt được mục tiêu trong chiến lược phát triển ngành, TCT sẽ tập trung vào 3 giải pháp chủ yếu: Tập trung cho Dự án xây dựng Nhà máy bia Củ Chi công suất ban đầu 100 triệu lít/năm (dự kiến hoàn thành thủ tục vào cuối năm 2003 và khởi công xây dựng đầu quí I năm 2004); Đầu tư một số nhà máy bia công suất vừa (khoảng 50 triệu lít/năm) theo phương thức cổ phần hoặc công ty TNHH do TCT giữ cổ phần chi phối (có thể kết hợp với HABECO và một số thành phần kinh tế khác); Kết nạp thêm thành viên là các nhà máy bia địa phương đã tiến hành gia công sản phẩm bia Sài Gòn đạt chất lượng, nhằm nâng cao sản lượng. Song song với các giải pháp trên, để đáp ứng nhu cầu cấp bách của thị trường và giúp các nhà máy bia địa phương khai thác khả năng sẵn có, TCT vẫn duy trì hình thức gia công sản phẩm bia Sài Gòn với công suất bình quân khoảng 60-80 triệu lít/năm. Với hơn 2.100 tỉ vốn điều lệ, lợi nhuận bình quân hơn 600 tỉ/năm, SABECO có điều kiện rất thuận lợi để thực hiện chiến lược phát triển của TCT trong thời gian tới.

Riêng về vấn đề lao động, sau khi có Quyết định tách VINABECO thành SABECO và HABECO, hai Công đoàn mới cũng được thành lập. Mỗi Công đoàn lâm thời gồm 9 người, phía Nam do bà Phạm Thị Hồng Hạnh làm Chủ tịch Công đoàn lâm thời và phía Bắc do ông Trần Quý Cộng làm Chủ tịch Công đoàn lâm thời. Tiếp nhận vào thời điểm này, hai Công đoàn có thuận lợi là hoạt động Công đoàn của VINABECO lâu nay đã tương đối nề nếp. Nhất là phong trào văn hóa thể thao đang được xếp vào loại mạnh với truyền thống hai năm một lần tổ chức Hội diễn nghệ thuật quần chúng và năm sau đó tổ chức Hội thao.

Với hơn 3.400 lao động của SABECO và hơn 2.000 lao động của HABECO, phạm vi quản lý hẹp hơn và gọn hơn theo khu vực, thì việc theo dõi tâm tư nguyện vọng của quần chúng lao động chắc sẽ sâu sát hơn, nắm bắt sự việc nhanh hơn và giải quyết mọi vấn đề cho người lao động sẽ thỏa đáng hơn.

Và kiến nghị

Theo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế Giá trị gia tăng trước kia, nhà sản xuất những mặt hàng chịu thuế TTĐB không phải chịu thuế GTGT khi bán hàng, nhưng cũng không được khấu trừ đầu vào. Nay theo Luật thuế mới sửa đổi, bổ sung thì các nhà sản xuất mặt hàng chịu thuế TTĐB khi bán hàng vẫn phải chịu thêm 10% thuế GTGT, nhưng được khấu trừ đầu vào không đáng kể (khoảng 3-5% chi phí sản xuất). Cụ thể, với mặt hàng bia: Bia chai, bia lon, bia tươi chịu thuế TTĐB 75%; bia hơi thuế TTĐB 30% nay chịu thêm thuế GTGT 10%. Qua tính toán của các doanh nghiệp sản xuất bia, việc thay đổi thuế TTĐB, đưa thêm thuế GTGT vào sẽ làm tăng thêm khoản phải nộp ngân sách vào khoảng 7% so với các luật thuế trước đó. Nghĩa là, nếu doanh nghiệp nào đạt lợi nhuận thấp hơn 7% doanh thu sẽ bị lỗ, còn đạt trên 7% thì hoặc là hòa vốn, hoặc là lợi nhuận ít hơn trước rất nhiều lần.

Từ đây phân ra hai hướng: Với các đơn vị lớn như Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội sẽ chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ nguyên giá bán, dẫn đến ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất kinh doanh và thu nhập của người lao động. Còn với các đơn vị khác, nhất là các công ty bia địa phương, đặc biệt là với các công ty có tỉ lệ kết cấu bia hơi và bia lon cao sẽ phải nâng giá bán để giữ lợi nhuận, trong khi bia ngoại đang tràn ngập thị trường, việc cạnh tranh ngày càng gay gắt trong tiến trình hội nhập, dẫn đến mất dần thị phần, giảm dần sản lượng.

Bài toán chung là khi thuế tăng, Nhà nước sẽ thu được nhiều hơn trên một đơn vị sản phẩm, nhưng ít hơn trên tổng sản phẩm. Nhà sản xuất thiệt là vậy, nhưng nhà kinh doanh thương mại lại chẳng thiệt hại gì, vì họ vẫn được khấu trừ đầy đủ. Do vậy, các nhà sản xuất mặt hàng chịu thuế TTĐB rất mong muốn các ban ngành hữu quan nên xem xét lại mức thuế GTGT sao cho phù hợp (khoảng 5%) để sản xuất kinh doanh đảm bảo ổn định, nhà sản xuất có điều kiện tái đầu tư cho dây chuyền công nghệ, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm, phục vụ người tiêu dùng ngày càng tốt hơn và có một tiềm lực tài chính nhất định để đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn lớn của nước ngoài khi họ xâm nhập vào thị trường Việt Nam.

  • Tags: