Khối lượng thương mại hàng hóa và dịch vụ tăng
Theo Báo cáo tổng quan dự báo tình hình kinh tế thế giới quý III và 9 tháng đầu năm 2024 của Tổng cục Thống kê, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết, chỉ số thương mại hàng hóa tháng 9/2024 đạt 103,0 và có xu hướng tăng trong Quý III/2024. Tuy nhiên, triển vọng tăng vẫn chưa chắc chắn do chính sách tiền tệ thay đổi ở các nền kinh tế phát triển và đơn đặt hàng xuất khẩu giảm. Phần lớn các chỉ số thành phần đều bằng hoặc trên xu hướng, ngoại trừ chỉ số thành phần điện tử (95,4) dưới xu hướng và đang giảm. Các chỉ số thành phần của sản phẩm ô tô (103,3), vận chuyển container (104,3) và vận tải hàng không (107,1) đều đang vững chắc trên xu hướng, mặc dù các sản phẩm ô tô gần đây đã giảm đà tăng. Đơn hàng xuất khẩu mới (101,2) có xu hướng giảm. Chỉ số nguyên vật liệu thô (99,3) gần như theo xu hướng nhưng có dấu hiệu giảm trong thời gian tới.
Liên hợp quốc (UN) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng đồng quan điểm khi nhận định thương mại toàn cầu tiếp tục phục hồi từ nửa đầu năm 2024, thể hiện qua khối lượng thương mại hàng hóa và dịch vụ tăng, đặc biệt trong Quý II/2024, do gia tăng xuất khẩu của khu vực châu Á và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, tăng trưởng thương mại dịch vụ đang chậm lại vì hoạt động du lịch gần như quay về mức trước đại dịch ở hầu hết các khu vực.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) chế biến, chế tạo toàn cầu tăng trong nửa đầu năm 2024, phản ánh thương mại toàn cầu và các hoạt động sản xuất đều tăng. Tuy nhiên, việc sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại nhiều hơn, chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn và địa chính trị bất ổn cũng đe dọa sự phục hồi của thương mại và giá trị sản xuất công nghiệp toàn cầu.
Lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm về mức mục tiêu
Trong bối cảnh áp lực giá cả giảm trên diện rộng, UN và OECD đều nhận định lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2024. Ở nhiều nước phát triển, lạm phát đang dần tiến gần đến mức mục tiêu của ngân hàng trung ương, ngay cả khi tăng tiền lương và giá dịch vụ vẫn ở mức cao.
Chỉ số giá chi tiêu dùng cá nhân (PCE) tại Hoa Kỳ và chỉ số giá tiêu dùng hài hòa (HICP) ở khu vực đồng Euro trong tháng 6/2024 cùng tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, đang tiến gần đến mục tiêu lạm phát 2,0% của các ngân hàng trung ương. Lạm phát ở nhiều nền kinh tế đang phát triển đã giảm nhưng vẫn cao hơn so với các nền kinh tế phát triển, trừ Trung Quốc đang đối mặt với lạm phát thấp trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng yếu.
Báo cáo toàn cầu hàng tháng của WB số ra tháng 9/2024 nhận định giá năng lượng tiếp tục giảm trong tháng 9/2024 sau khi giảm 3% trong tháng 8/2024. Giá dầu thô Brent giảm từ 81 USD/thùng trong tháng 8/2024 xuống còn 73 USD/thùng vào giữa tháng 9/2024. Giá một số kim loại công nghiệp tăng nhẹ trong tháng 9/2024 khi nhu cầu tăng lên nhờ các biện pháp kích cầu kinh tế ở Trung Quốc. Giá vàng lập đỉnh mới vào giữa tháng 9/2024 do nhu cầu cao của ngân hàng trung ương và căng thẳng địa chính trị.
Giá nông sản trong tháng 9/2024 tăng trở lại sau khi giảm 1,4% trong tháng 8/2024. Giá cà phê và lúa mỳ đều tăng do tác động của điều kiện thời tiết khắc nghiệt và gián đoạn nguồn cung. Chỉ số giá lương thực, thực phẩm của FAO (FFPI) đạt 120,7 điểm vào tháng 8/2024, giảm nhẹ so với tháng trước khi chỉ số giá đường, thịt và ngũ cốc giảm nhiều hơn so với mức tăng của dầu thực vật và các sản phẩm từ sữa. Chỉ số FFPI trong tháng 8/2024 thấp hơn 1,1% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn 24,7% so với mức đỉnh 160,3 điểm của tháng 3/2022.
Điều kiện tài chính vẫn còn hạn chế nhưng đang tiếp tục nới lỏng
OECD cho rằng các điều kiện tài chính toàn cầu vẫn còn hạn chế nhưng đang tiếp tục nới lỏng và lãi suất chính sách sẽ tiếp tục giảm nhanh hơn dự kiến. Lãi suất thực dài hạn vẫn ở mức cao so với thập kỷ trước tại Hoa Kỳ, khu vực đồng Euro, Vương quốc Anh và các thị trường mới nổi như Brazil. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu danh nghĩa dài hạn đã giảm và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã tăng lên. Giá cổ phiếu tăng ở Hoa Kỳ cũng như một số thị trường mới nổi bao gồm Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. Trong khi tăng trưởng tín dụng bắt đầu phục hồi ở một số nền kinh tế phát triển, các tiêu chuẩn cho vay của ngân hàng vẫn chặt chẽ. Đồng tiền mất giá ở Brazil, Argentina, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ giúp tăng nguồn thu xuất khẩu nhưng cũng làm tăng chi phí trả nợ bằng USD và tạo ra áp lực tăng lạm phát. Khủng hoảng nợ công vẫn tiếp diễn ở một số nền kinh tế thị trường mới nổi, đặc biệt ở các nền kinh tế có thu nhập thấp.
Tương tự, UN nhận định áp lực lạm phát giảm, tạo điều kiện nới lỏng tiền tệ ở nhiều quốc gia. Trong nửa đầu năm 2024, số lượng ngân hàng trung ương hạ lãi suất nhiều hơn so với tăng lãi suất. Tuy nhiên, do lạm phát cơ bản và lạm phát giá dịch vụ giảm không nhiều nên các cơ quan tiền tệ nhìn chung vẫn thận trọng trong việc cắt giảm lãi suất. Tốc độ nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương tại các nước phát triển trong các quý tới sẽ phụ thuộc vào diễn biến của giảm lạm phát và những thay đổi tiềm ẩn trong triển vọng tăng trưởng và việc làm. Trái ngược với các ngân hàng trung ương của các nước phát triển khác, Ngân hàng Nhật Bản bắt đầu chu kỳ thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất vào tháng 3 và tháng 7 năm 2024 để hỗ trợ đồng Yên và ứng phó với lạm phát tăng.
Áp lực thị trường lao động giảm một phần do tăng cung lao động
Theo OECD, áp lực thị trường lao động giảm bớt do nguồn cung lao động tăng. Tình trạng thiếu hụt lao động cũng tiếp tục giảm nhẹ ở nhiều nền kinh tế phát triển khi tỷ lệ thất nghiệp chỉ tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm tại Argentina, Canada, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ trong Quý II/2024. Điều này phản ánh nhu cầu lao động đang giảm nhẹ, với tốc độ tăng trưởng việc làm chậm lại ở một số quốc gia. Ngoài ra, lao động nước ngoài tăng, chiếm phần lớn mức tăng trưởng của lực lượng lao động tại Australia, Canada, Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu.