“Bà đỡ” doanh nghiệp
Tại tại hội thảo kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và Singapore được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh chiều ngày 15/10/2018, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam (Bộ Công Thương) tại Singapore (Thương vụ) cho biết, với nhiệm vụ Tham mưu chính sách cho Lãnh đạo Bộ Công Thương và Cơ quan đại diện các vấn đề về chính sách và hợp tác với Singapore trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư công nghiệp - năng lượng,… và hỗ trợ doanh nghiệp cùng các hiệp hội của hai nước trong các hoạt động kết nối và xúc tiến thương mại - đầu tư, hàng năm Thương vụ hỗ trợ hoặc bảo trợ khoảng 10 Hội chợ, Triển lãm cho các doanh nghiệp Việt Nam tại Singapore.
Bên cạnh đó, Thương vụ hỗ trợ xác minh, giải quyết hàng năm cho khoảng 20 trường hợp doanh nghiệp Việt Nam giao dịch/hợp tác làm ăn tại thị trường Singapore có dấu hiệu bị lừa đảo, tranh chấp về thủ tục thanh toán/chất lượng hàng hóa và hỗ trợ kết nối hàng trăm doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực ngành hàng khác nhau mỗi năm
Ngoài ra Đơn vị còn cung cấp thông tin, tư vấn pháp lý về chính sách thuế, nhập khẩu và thành lập doanh nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội làm ăn, đầu tư và hình thành dự án đầu tư, vận động xúc tiến đầu tư theo các chương trình, dự án trọng điểm trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và đẩy mạnh công tác truyền thông cho các doanh nghiệp thông qua quảng bá sản phẩm, xây dựng hình ảnh, phát triển thương hiệu cùng xử lý khủng hoảng truyền thông để đảm bảo lợi ích quốc gia như vụ việc SXH, vụ việc khoai lang nhiễm dioxin…, bà Trần Thu Quỳnh cho biết thêm.
Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam (Bộ Công Thương) tại Singapore thông tin về thị trường Singapore tại hội thảoCũng theo đại diện Thương vụ Việt Nam (Bộ Công Thương) tại Singapore, thông qua việc tổ chức các hoạt động kết nối và các chuyến đi khảo sát cho doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và lựa chọn giới thiệu đối tác phù hợp cho doanh nghiệp hai bên, cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam như Hỗ trợ thiết kế các cuộc gặp/làm việc với các cơ quan/đối tác và các doanh nghiệp Việt kiều tại Singapore và tư vấn các kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ tại thị trường, hướng dẫn thủ tục xuất nhập khẩu, thuê nhà, thuê trụ sở, thành lập doanh nghiệp,...
Thương vụ ưu tiên hỗ trợ như lĩnh vực như nhóm nông thủy sản (rau quả, hạt điều, cao su, nông thủy sản chế biến,..), nhiên liệu và khoáng sản, công nghiệp chế biến... của các doanh nghiệp vừa và nhỏ có định hướng xuất khẩu, các doanh nghiệp khởi nghiệp có chiến lược và công nghệ tốt và nhóm các mặt hàng có tiềm năng phát triển tại Singapore cùng các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên kêu gọi như công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực kinh tế biển,… nhằm phát triển thương hiệu công nghiệp quốc gia, vị Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam (Bộ Công Thương) tại Singapore cho biết thêm.
Doanh nghiệp cần chủ động tạo lực “vươn khơi”
Tại hội thảo, bà Trần Thu Quỳnh cho biết, từ 1996 đến nay, các doanh nghiệp Singapore luôn là một trong những đối tác thương mại, nhà đầu tư lớn của Việt Nam. Chương trình lần nay là cơ hội để các doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, từ đó không ngừng phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy hợp tác đầu tư và giao thương doanh nghiệp hai nước.
Các vấn đề để các doanh nghiệp Việt Nam lưu ý khi tìm hiểu, xuất khẩu hàng, liên kết ra thị trường nước ngoài như xu hướng mở cửa ra nước ngoài là tất yếu; khả năng nắm bắt chính trị của doanh nghiệp (các trung tâm kinh tế, các thị trường đang lên…) và khả năng nắm bắt các hệ thống luật lệ; Cơ cấu ngành nghề thay đổi trong bối cảnh kinh tế 4.0; thích ứng với thay đổi của thị trường;... và các khuyến nghị cụ thể gồm, các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua xây dựng thương hiệu, đầu tư công nghệ, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu, chú trọng khâu bảo quản sau thu hoạch, thiết kế bao bì, hướng dẫn sử dụng và chỉ tiêu chất lượng sản phẩm bằng tiếng Anh (Halal, ISO, Vietgap, Global Gap),...
Hoạt động giao thương - B2B tại Hội thảoBên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng, giữ gìn uy tín cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu và tích cực, chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức tại Singapore phải được coi trọng. Doanh nghiệp quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng trang web, e-marketing,... để tiện trao đổi, kết nối. Đối với địa bàn Singapore, Thương vụ đã có trang thông tin www.vntradesg.org cập nhật thường xuyên các thông tin theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu nắm bắt nội dung các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương mà Việt Nam và Singapore đã ký kết để nắm bắt các cơ hội, tận dụng các lợi ích như: Hiệp định kết nối 2 nền kinh tế, Hiệp định AFTA, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP),... để tạo thêm nền tảng thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới, bà Quỳnh khuyến cáo.
Thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Singapore trong những năm qua đã không ngừng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Tính đến giữa năm 2018, Singapore có hơn 2.000 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư trị giá hơn 43 tỷ USD. Hiện tại, các doanh nghiệp Singapore đã đầu tư tại 46/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.