Đất nước đi đầu về chế biến rác thải
Mỗi ngày, khoảng 300 xe tải chở rác tấp nập ra vào một nhà máy ở ngoại ô thành phố Göteborg, miền Tây Thụy Điển, nơi rác được chuyển đến hệ thống lò đốt đặc biệt nhằm tạo ra nhiệt sưởi ấm các ngôi nhà. Christian Löwhagen, đại diện của Công ty Năng lượng Renova do nhà nước quản lý, đồng thời là đơn vị vận hành nhà máy trên, cho biết: “Nguồn năng lượng duy nhất mà chúng tôi sử dụng được tạo ra từ rác”.
Giờ đây, Thụy Điển được nhìn nhận là đất nước tiên phong trong việc biến đổi rác thành năng lượng, là tấm gương sáng cho các quốc gia khác như CH Séc, Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan noi theo. Adis Dzebo, chuyên gia năng lượng tại Viện Môi trường Stockholm, nhận định: “Thụy Điển có hệ thống cung cấp nhiệt sưởi ấm tốt nhất trên thế giới với những lò đốt khổng lồ và nhiệt được chuyển đến từng ngôi nhà qua mạng lưới ống ngầm. Trong khi ở nhiều quốc gia khác, việc sản xuất nhiệt và điện phụ thuộc chủ yếu vào gas hoặc nguyên liệu hóa thạch thì ở Thụy Điển, hoạt động này lại dựa vào quá trình sử dụng rác thải”.
Vấn đề nằm ở chỗ Thụy Điển đã thực hiện công tác tái chế rác thải tốt đến mức không còn đủ rác để đáp ứng nhu cầu. Sau khi 47% lượng rác thải được tái chế và 52% còn lại được sử dụng để sản xuất nhiệt thì chỉ còn 1% rác được đưa đi chôn xuống đất. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu về năng lượng, Thụy Điển hiện đang nhập khẩu rác trong bối cảnh những quốc gia khác phải “đau đầu” tìm biện pháp xử lý số rác này.Biến rác thải thành năng lượng được phổ biến tại Thụy Điển
Khi rác cũng có giá trị
Theo Hiệp hội Quản lý rác thải của Thụy Điển, trong năm 2014, đất nước thuộc bán đảo Scandinavia này đã nhập khẩu khoảng 800.000 tấn rác, chủ yếu từ Anh và Na Uy. Trong đó, riêng Công ty Renova đã nhập khẩu 100.000 tấn rác để bổ sung cho 435.000 tấn được “sản xuất nội địa”. Giám đốc truyền thông của Công ty Năng lượng Sysav cũng cho biết đơn vị này đã phải nhập khẩu 135.000 tấn rác từ Na Uy và Anh trong cùng năm. Biến rác thải thành năng lượng được phổ biến tại Thụy Điển.
Ông Löwhagen chia sẻ: “Renova luôn bắt kịp và theo dõi những nơi thực hiện công tác phân loại rác tốt. Công ty chỉ đốt rác sau khi tất cả những vật liệu có thể tái chế đã được tách ra”.
Sử dụng rác để sản xuất nhiệt và điện đã góp phần giải quyết bài toán xử lý rác thải, đồng thời đáp ứng được nhu cầu năng lượng cho người dân. Các công ty năng lượng như Sysav và Renova được sử dụng rác miễn phí, sau đó họ lại bán điện và nhiệt cho người dân.
Weine Wiqvist, Tổng Giám đốc của Avfall Sverige, cho biết: “Bạn sẽ không thể tin được số lượng thư điện tử khổng lồ gửi đến chúng tôi hàng tuần từ những người muốn được cung cấp rác cho chúng tôi”. Ông Löwhagen cũng hồ hởi tâm sự: “Vì các đối tác trả tiền để chúng tôi tiêu hủy rác cho họ nên có thể nói rằng, chúng tôi đang xuất khẩu dịch vụ xử lý rác.
Môi trường luôn được ưu tiên
Quy trình biến rác thải thành năng lượng tại Thụy Điển hoạt động theo trình tự sau: Trước hết, các vật liệu có thể tái chế sẽ được phân loại, tiếp đó số rác còn lại sẽ được chuyển đến các lò đốt để tạo ra nhiệt. Từ đống tro sót lại, các mảnh kim loại vẫn chưa cháy hết sẽ được tách rời và tái chế trong khi đồ sứ và ngói được chọn lọc để sử dụng trong thi công đường bộ. Ngoài ra, nhiệt từ rác còn được sử dụng để đun nước tạo ra hơi làm quay các tuabin sản sinh điện.
Tuy nhiên, quá trình trên cũng vấp phải một số ý kiến phản đối. Karin Fjellander, một người dân thành phố Göteborg, cho biết: “Điều tôi quan tâm là việc đốt rác phải thân thiện với môi trường, vì vậy nếu quá trình đốt rác thải ra khói độc thì tôi nghĩ giới chức có liên quan không thể tiếp tục cho làm điều này".
Tuy quá trình xử lý rác thải vẫn chưa hoàn hảo nhưng Cơ quan bảo vệ môi trường Thụy Điển cho biết với kỹ thuật được cải tiến và việc lọc khói đang được triển khai thì lượng khí độc hại thải ra cũng đang giảm dần và ở mức cho phép.
Chính vì vậy, nhu cầu rác của Thụy Điển vẫn đang tăng lên một cách chóng mặt. Theo Hiệp hội quản lý rác thải, nước này sẽ nhập khẩu 1,5 triệu tấn rác trong năm 2015 và 2,3 triệu tấn trong năm 2020.
Trước những tín hiệu tích cực trên từ đất nước 9,5 triệu dân, Liên minh châu Âu đã khuyến khích các nước thành viên xây dựng hệ thống nhiệt để sưởi ấm tương tự như Thụy Điển. Ngoài ra, đại diện từ nhiều quốc gia như Ba Lan, Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang thường xuyên đến Thụy Điển để học hỏi kinh nghiệm biến đổi rác thành năng lượng.
Tuy nhiên, thành tựu trong việc xử lý rác thải của Thụy Điển không diễn ra trong một đêm, mà đó là kết quả của một quá trình nỗ lực hàng thập kỷ, bắt đầu từ những quy định chặt chẽ về phân loại rác thải trong các gia đình, nhà máy và địa phương từ những năm 1970.