Thủy điện Lai Châu chính thức vận hành, sớm 1 năm so với kế hoạch

Ngày 20/12/2016, tại huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức Lễ Khánh thành công trình Thủy điện Lai Châu, vượt tiến độ hoàn thành sớm 01 năm so với Nghị quyết của Quốc hộ

Tham dự buổi lễ có đồng chí Trịnh Đình Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ ngành liên quan và đại diện chính quyền, nhân dân các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu; các cơ quan thông tấn báo chí; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (chủ đầu tư), Ban QLDA NMTĐ Sơn La (đại diện chủ đầu tư), Tổng thầu, các nhà thầu thành viên, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, các nhà thầu cung cấp thiết bị v.v...

Phó Thủ Tưởng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ khánh thành công trình Thủy điện Lai Châu
Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

Dự án Thủy điện Lai Châu với tổng mức đầu tư 35.700 tỷ đồng là công trình xây dựng cấp đặc biệt và là công trình thủy điện lớn thứ ba được xây dựng trên sông Đà, gắn liền với thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình. Nhiệm vụ chính của Dự án là cung cấp điện lên hệ thống điện Quốc gia với sản lượng điện trung bình hàng năm đạt khoảng 4,7 tỷ kWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.

Đập bê tông đầm lăn thủy điện Lai Châu có khối lượng 1.886.000m3; chiều cao đập lớn nhất 137m, tốc độ thi công nâng đập theo chiều cao trung bình trên 20m/tháng , lớn nhất 27,9m/tháng. Đây là một trong những đập có tốc độ nâng đập lớn nhất thế giới. Việc thi công bê tông đầm lăn vượt tiến độ đã tạo điều kiện thi công sớm các hạng mục khác, do đó đã sớm tích nước hồ chứa đem lại hiệu ích phát điện cho Thủy điện Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình.

Công trình Thủy điện Lai Châu cũng là công trình ghi nhận sự trưởng thành vượt bậc của các cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành điện, ngành lắp máy của Việt Nam. Đây là công trình thủy điện đa mục tiêu mang tầm vóc quốc gia đã được các kỹ sư, công nhân Việt Nam tự chủ từ khâu quy hoạch, thiết kế, thi công xây lắp, đồng bộ thiết bị, giám sát, quản lý vận hành.

Để đạt được kết quả hoàn thành công trình sớm 01 năm so với Nghị quyết của Quốc hội đó là sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Nhà nước, sự phối hợp tổ chức đồng bộ giữa các Bộ, ngành và địa phương, giải quyết vốn trong thời gian đầu và giải phóng mặt bằng để thi công công trình. Trong quá trình xây dựng, các đơn vị trên công trường đã gặp không ít khó khăn bởi công trình được thi công tại vùng sâu, hạ tầng giao thông không thuận lợi, điều kiện địa chất xấu… Song bằng sự đoàn kết, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tối ưu hóa sản xuất, huy động tối đa tiềm năng làm chủ khoa học kỹ thuật, sự nỗ lực hết mình của toàn thể cán bộ công nhân viên trên công trường, Chủ đầu tư và các nhà thầu đã nỗ lực vượt qua tất cả để xây dựng lên một công trình công nghiệp hiện đại giữa vùng rừng núi Tây Bắc. Thành công của công trình là sự kết tinh của sự chỉ đạo quyết liệt cùng tinh thần lao động tập thể cần cù, sáng tạo, thể hiện rõ nét sức mạnh trí tuệ của con người Việt Nam.

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết “Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo điều kiện để phát triển ngành điện, đặt mục tiêu phát triển điện luôn phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo quốc phòng an ninh và an ninh năng lượng quốc gia. Cùng với sự nỗ lực không ngừng của toàn ngành, hệ thống điện quốc gia Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng và độ tin cậy ngày càng được cải thiện, nâng cao. Đến nay, tổng công suất nguồn điện của nước ta đạt khoảng 40.000 MW, trong đó thủy điện chiếm gần 43%. Phụ tải điện cực đại cả nước năm 2016 đạt khoảng 28.300 MW, tương ứng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 182 tỷ kWh; tốc độ tăng điện thương phẩm giai đoạn 20 năm qua luôn ở mức cao trong khu vực và trên thế giới, bình quân đạt 13,8%/năm. Phát triển điện năng đã luôn song hành cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cơ cấu điện năng được điều chỉnh hợp lý theo từng giai đoạn, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển cân đối, hài hòa và bền vững giữa các vùng miền của Tổ quốc.”

Sự kiện hoàn thành công trình sớm 01 năm so với Nghị quyết của Quốc hội đồng nghĩa với việc cung cấp sớm hơn cho hệ thống điện quốc gia khoảng 4,7 tỷ kWh điện năng, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Lai Châu nói riêng và nền kinh tế quốc dân nói chung. Việc đưa nhà máy vào vận hành sớm 1 năm sẽ tạo ra doanh thu hơn 5.000 tỷ đồng, tiết kiệm hơn 2 triệu tấn than để sản xuất ra lượng điện năng tương đương. Đến ngày hôm nay, Nhà máy thủy điện Lai Châu đã nộp ngân sách trên 730 tỷ đồng.

Ngoài lợi ích tăng nguồn thu ngân sách hàng năm cho tỉnh Lai Châu, việc xây dựng công trình Thủy điện Lai Châu còn có ý nghĩa đã kết hợp sắp xếp và xây dựng các khu dân cư, đặc biệt là các khu tái định cư theo tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng nông thôn mới, xây dựng hệ thống cầu, đường giao thông đóng vai trò quan trọng cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu và vùng Tây Bắc.

Một số hình ảnh tại buổi Lễ khánh thành công trình Thủy điện Lai Châu:

Toàn cảnh Lễ khánh thành công trình Thủy điện Lai Châu
Lễ cắt băng khánh thành công trình Thủy điện Lai Châu

Phó Thủ tướng Trịnh trao chìa khóa vàng cho Lãnh đạo Thủy điện Lai Châu
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các khách mời trồng cây lưu niệm tại công trình Thủy điện Lai Châu

Những con số ấn tượng về Dự án xây dựng công trình Thủy điện Lai Châu:

+ Diện tích lưu vực: 26.000 km2

+ Dung tích hồ chứa:1,215 tỷ m3

+ Công suất lắp đặt 1.200MW (3 x 400MW)

+ Sản lượng điện hàng năm: 4,670 tỷ kWh

+ Khối lượng đào đắp đất đá các loại 16,780 x106 m3.

+ Khối lượng bê tông các loại 3,25 triệu m3, trong đó 1,36 triệu m3 bê tông đầm rung (CVC) và 1,89 triệu m3 bê tông bê tông đầm lăn (RCC).

+ Khối lượng thiết bị 34,00 x 103 tấn các loại.

PV