Trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu mảng cá tra của Công ty Cổ phần Nam Việt (Thuỷ sản Nam Việt, mã cổ phiếu ANV - sàn HoSE) đạt 2.174 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm khiến nhu cầu tiêu thụ thuỷ hải sản suy yếu.
Tuy nhiên, Thuỷ sản Nam Việt cũng ghi nhận một số tín hiệu tích cực từ các thị trường chủ lực, gồm Trung Quốc, Mỹ và thị trường nội địa.
Phát triển thành công tệp khách hàng mới tại Trung Quốc và mở rộng tại Mỹ
Đối với thị trường Trung Quốc, doanh thu xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2023 của Thuỷ sản Nam Việt đã tăng 129%, đạt 852 tỷ đồng. Đánh dấu mức tăng trưởng đáng kể đầu tiên sau giai đoạn đình trệ 2020 - 2022 do tác động của đại dịch COVID-19 và dừng hợp tác với đối tác chiến lược Shanghai Fenglei (năm 2021).
Ban lãnh đạo Thuỷ sản Nam Việt chia sẻ, sự tăng trưởng mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc đến từ việc công ty đã phát triển thành công tập khách hàng lớn tại khu vực Bắc Kinh và Quảng Châu, bên cạnh khu vực truyền thống là Thượng Hải. Đồng thời, sau quá trình nghiên cứu thị trường, Thuỷ sản Nam Việt đã mở rộng thêm dòng sản phẩm cá tra xẻ bướm tẩm gia vị, đáp ứng đúng nhu cầu cao tại Trung Quốc.
Bên cạnh đó, với lợi thế tự chủ 100% cá nguyên liệu, Thuỷ sản Nam Việt đã giải quyết được tình trạng thiếu hụt cá tra cỡ lớn (1,5 - 2kg) mà toàn ngành cá tra Việt Nam gặp phải trong 9 tháng đầu năm nay; đây cũng là cỡ cá được ưa chuộng ở Trung Quốc.
Tại thị trường Mỹ, doanh thu xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2023 của Thuỷ sản Nam Việt tăng 411%, đạt 189 tỷ đồng – chiếm khoảng 4% thị phần xuất khẩu cá tra sang Mỹ cùng thời điểm, theo số liệu từ hãng phân tích thị trường Agromonitor.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Thuỷ sản Nam Việt, tiến độ phát triển thị trường Mỹ tương đối khả quan nhờ công ty hợp tác thành công với các nhà phân phối thủy sản lớn, và kết nối lại với tập khách hàng cũ nhờ lịch sử xuất khẩu sang Mỹ trong giai đoạn trước năm 2014.
Tập khách hàng của Thuỷ sản Nam Việt chủ yếu là khách hàng sẵn có của 2 doanh nghiệp xuất khẩu dẫn đầu sang Mỹ là Biển Đông và Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (mã cổ phiếu VHC) nhưng có nhu cầu đa dạng hóa 1 phần nhà cung cấp với mức giá cạnh tranh hơn.
Trong tháng 9/2023, Bộ Thương Mại Mỹ công bố kết quả sơ bộ đợt xem xét hành chính thuế bán phá giá lần thứ 19 (POR19). Theo đó, Thuỷ sản Nam Việt dự kiến sẽ được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0 USD/kg trong năm 2024, và kết quả thuế chính thức sẽ được công bố trước 31/12/2023. Đây được xem là động lực tích cực để Thuỷ sản Nam Việt tiếp tục mở rộng xuất khẩu sang Mỹ trong ngắn hạn.
Dự báo nguồn cung cá tra trong năm 2024 sẽ ở mức thấp
Tại thị trường nội địa, doanh thu 9 tháng đầu năm nay của Thuỷ sản Nam Việt tăng 21%, đạt 755 tỷ đồng. Đà tăng trưởng này chủ yếu đến từ việc công ty đẩy mạnh phân phối các sản phẩm cá tra (fillet, cá viên và chả cá tra) đến suất ăn tại các khu công nghiệp và trường học ở miền Bắc. Đồng thời, Thuỷ sản Nam Việt đã phát triển thành công kênh phân phối đến tay người tiêu dùng ở miền Nam thông qua các hệ thống siêu thị Lotte, Mega và chuỗi cửa hàng mini-mart Bách Hóa Xanh.
Khác với đặc thù tiêu thụ các sản phẩm cá tra qua chế biến ở miền Bắc, Thuỷ sản Nam Việt tập trung đẩy mạnh các sản phẩm cá tra tươi ở khu vực miền Nam để phù hợp với thị hiếu ưa chuộng thủy sản tươi của người tiêu dùng địa phương, cũng như tận dụng vị trí địa lý gần các nhà máy chế biến của công ty.
Ban lãnh đạo Thuỷ sản Nam Việt cho biết, riêng sự hợp tác với chuỗi Bách Hoá Xanh đã hỗ trợ tiêu thụ thêm 900 tấn cá tra trong 9 tháng đầu năm 2023, giúp tăng sản lượng tiêu thụ nội địa của công ty thêm hơn 5% so với cùng kỳ năm trước.
Thuỷ sản Nam Việt cũng đánh giá tiến độ phát triển thị trường nội địa trong thời gian tới sẽ phụ thuộc chủ yếu vào triển vọng hợp tác với Bách Hoá Xanh ở khu vực miền Nam trong bối cảnh nhu cầu cá tra ở miền Bắc đã tương đối bão hòa.
Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính hiện nay, hoạt động kinh doanh của Thuỷ sản Nam Việt sẽ bắt đầu phục hồi dần từ năm 2024 khi các thị trường chính trên toàn cầu phục hồi cũng như cán cân cung - cầu tra toàn ngành cân bằng hơn.