Biên lãi gộp dần phục hồi, kỳ vọng hoàn thành mục tiêu doanh thu cả năm
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư TNG (Dệt may TNG, mã cổ phiếu TNG - sàn HNX) ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.435 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ, và lãi ròng đạt 168 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành 80% mục tiêu doanh thu và 56% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Hiện một số tổ chức tài chính nhận định, với việc Dệt may TNG ghi nhận kết quả kinh doanh quý 2 - quý 3/2023 ở mức khá tốt, doanh nghiệp này hoàn toàn có thể đạt được kế hoạch doanh thu cả năm nay, và kết quả lợi nhuận cả năm sẽ ở mức vượt trội so với mặt bằng chung toàn ngành dệt may. Dệt may TNG là doanh nghiệp có tỷ lệ xuất khẩu cao, lên đến 99%, trong ngành dệt may Việt Nam.
Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp của Dệt may TNG trong quý 3/2023 đạt mức 13,78%, tuy giảm 7% so với quý 3/2022 nhưng đã được cải thiện so với mức 12,11% của quý 2/2023. Qua đó, chấm dứt đà giảm kéo dài 2 quý liên tiếp của biên lợi nhuận gộp.
Sở dĩ biên lợi nhuận gộp của Dệt may TNG vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước mặc dù doanh thu đã tăng trưởng dưởng là do doanh nghiệp đã phải chấp nhận giảm giá bán cũng như nhận các nhận các đơn hàng có biên lợi nhuận thấp để duy trì sản lượng và bảo đảm việc làm cho người lao động.
Thậm chí, dữ liệu bảng cân đối kế toán cho thấy Dệt may TNG đã thay đổi chiến lược bán hàng theo hướng hỗ trợ các khách hàng lâu năm nhiều hơn để đảm bảo việc tiêu thụ hàng trong bối cảnh tổng cầu dệt may toàn cầu ở mức thấp.
Cụ thể, tính đến cuối quý 3/2023, các khoản phải thu của Dệt may TNG tăng mạnh 74% so với đầu năm, lên tới 795 tỷ đồng. Trong đó, các khách hàng quen thuộc như The Children’s Place hay IFG chiếm tỷ trọng lớn trong các khoản phải thu. Ngược lại, lượng hàng tồn kho đã giảm 34%, còn 839 tỷ đồng. Điều này giúp Dệt may TNG vẫn thu hút được các đơn hàng nhưng lại gặp khó khăn về dòng tiền trong ngắn hạn khi các khách hàng chiếm dụng vốn lâu hơn.
Ngoài ra, một lý do khác khiến biên lợi nhuận gộp của Dệt may TNG ở mức thấp là do tính chất sản phẩm của doanh nghiệp chủ yếu là quần áo may mặc hàng ngày nên biên lợi nhuận không cao bằng một số đối thủ khác.
Mở rộng sang mảng giày da, tham vọng thực hiện các đơn hàng ODM
Hiện Dệt may TNG đang có các động thái đẩy nhanh thực hiện dự án nhà máy in và nhà máy công nghệ Sơn Cẩm, hướng đến thực hiện đơn hàng ODM.
Cụ thể, với tổng diện tích lên đến 44.000m2 và dự kiến đi vào hoạt động cuối năm nay, Dệt may TNG kỳ vọng dự án nhà máy in và nhà máy công nghệ Sơn Cẩm sẽ giúp doanh nghiệp hoàn tất dự án đầu tư dây chuyền in phục vụ ngành giày da.
Trong tương lai gần, Dệt may TNG có kế hoạch tiến tới tới việc tự thiết kế găng tay và thực hiện các đơn hàng ODM. Trong các đơn hàng ODM, Dệt may TNG sẽ thực hiện toàn bộ từ khâu thiết kế, lên mẫu, đến sản xuất thành phẩm cho khách hàng, qua đó cải thiện đáng kể doanh thu cũng như biên lợi nhuận, cũng như gia tăng sức cạnh tranh khi mới chỉ có số ít đối thủ trên thị trường đang thực hiện các đơn hàng ODM.
Trong một diễn biến liên quan, Dệt may TNG vừa cho biết sẽ giảm diện tích cho thuê tại Cụm công nghiệp Sơn Cẩm (Thái Nguyên) từ 49 ha ban đầu xuống còn 27 ha (giảm 45%). Trong đó, 15 ha vốn dự kiến dành cho thuê sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây dựng nhà máy dệt may và 7 ha sẽ được chuyển nhượng cho công ty con TNG Land.
Đây là những động thái cho thấy Dệt may TNG đang muốn tập trung phát triển vào mảng dệt may cốt lõi và tái cơ cấu mảng bất động sản. Trong quý 3/2023, doanh nghiệp này đã giải thể 2 công ty con, bao gồm TNG Fashion và TNG Eco Green nhằm thu hẹp mảng kinh doanh bán lẻ thời trang vốn không đem lại doanh thu đều thời gian qua.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 22/11, thị giá cổ phiếu TNG đạt 19.300 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 63% so với hồi đầu năm nay.