Về ngôn ngữ, tiếng Anh là tiếng chính thức, tiếng Creole chiếm 86,5%, tiếng Bhojpuri 5,3%, tiếng Pháp 4,1% và các tiếng bản địa khác. Về tôn giáo, đạo Hindu chiếm 48,5%, Thiên chúa giáo 26,3%, Hồi giáo 17,3% và các tôn giáo khác.
Đơn vị tiền tệ là đồng Mauritian rupees (MUR) với tỷ giá 1 USD ăn 30,991 MUR.
Kể từ khi giành độc lập vào năm 1968, Mauritius đã phát triển từ một nền kinh tế có thu nhập thấp chủ yếu dựa vào nông nghiệp trở thành một nước có thu nhập trung bình, nền kinh tế đa dạng, với sự tăng trưởng cao của các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ tài chính và du lịch (từ 5% đến 6%/năm). Những thành tựu kinh tế được phản ánh qua việc phân chia thu nhập cân bằng hơn, tuổi thọ tăng, tỷ lệ tử vong ở trẻ thấp và cơ sở hạ tầng được cải thiện rõ rệt. Hiện nay, nền kinh tế vẫn dựa vào ngành sản xuất đường, du lịch, dệt may, dịch vụ tài chính, đồng thời mở rộng sang lĩnh vực chế biến cá, công nghệ thông tin, phát triển dịch vụ y tế, hàng hải, bất động sản, xây dựng các khu cảng miễn thuế, từng bước đưa cả nước nước trở thành khu tự do thuế quan lớn. Cây mía vẫn chiếm 90% diện tích đất canh tác và 15% giá trị xuất khẩu. Mauritius thu hút được hơn 32.000 doanh nghiệp nước ngoài của Ấn Độ, Nam Phi và Trung Quốc đến đến đầu tư và đặt trụ sở để xúc tiến thương mại với các nước trong khu vực trong đó nhiếu nước xây dựng kho ngoại quan để đưa hàng vào châu Phi. Trên cơ sở ổn định về chính trị, Mauritius có nhiều cải cách mạnh dạn về quản lý kinh tế. Doanh nghiệp nước ngoài vào làm ăn có thể nhận giấy phép hoạt động và cư trú sau 3 ngày nộp hồ sơ. Báo cáo mới đây của Ngân hàng thế giới xếp Mauritius đứng thứ 17 trên toàn cầu vế Thuận lợi kinh doanh. Tính đến năm 2011, tổng đầu tư trực tiếp ngoài vào lĩnh vực ngân hàng đã đạt 1 tỷ USD. Mauritius với ngành dệt may phát triển mạnh được hưởng lợi từ Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng châu Phi (AGOA) của Hoa Kỳ dành cho các nước thuộc châu lục đen. Các chính sách kinh tế của Mauritius và các biện pháp ngân hàng thận trọng đã giúp giảm nhẹ những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào các năm 2008-2009. GDP tăng trưởng trên 4% mỗi năm giai đoạn 2010-2011 và nước này tiếp tục mở cửa cho thương mại và đầu tư ra thế giới.
Mặc dù là nước nhỏ nhưng GDP của nước này thuộc mức cao nhất châu Phi. Năm 2013, GDP đạt 11,9 tỷ USD, tăng trưởng 3,4%. GDP bình quân đầu người là 8947 USD. Về cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chiếm 4,5%, công nghiệp 22%, dịch vụ 73,4%. Lạm phát giữ ở mức 3,5%. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Mauritius là 2,788tỷ USD với các mặt hàng xuất khẩu chính gồm hàng dệt may, đường, hoa cắt, đường mật, cá…Các thị trường xuất khẩu chính là Anh, chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu, Pháp 16,8%, Mỹ 11%, Madagascar 8,4%, Italy 7,9%, Nam Phi 6%, Tây Ban Nha 4,93%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 4,953 tỷ USD với các mặt hàng chủ yếu gồm hàng chế biến, thiết bị cơ bản, lương thực thực phẩm, sản phẩm dầu mỏ, hóa chất… Các đối tác nhập khẩu chính là Ấn Độ, chiếm 20,3% tổng giá trị nhập khẩu, Pháp 10,6%, Trung Quốc 10,3 %, Nam Phi 9,7%.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Mauritius, theo Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc, lượng vốn FDI vào quốc đảo đã tăng 11% năm 2013, đạt 1,46 tỷ USD. Dự báo năm 2014, con số này ước đạt 1,6 tỷ USD. Lĩnh vực dịch vụ chiếm đến 90% tổng lượng vốn FDI trong đó bất động sản chiếm 62%, xây dựng và dịch vụ tài chính chiếm 8% (mỗi lĩnh vực), nông-lâm-ngư nghiệp 7%,... Châu Âu chiếm đến 51% FDI vào Mauritius, Châu Á 23%, Châu Phi 22%. Trong đó, Pháp là nhà đầu tư lớn nhất chiếm 21%, tiếp đến là Trung Quốc 17% và Nam Phi 16%. Ngày càng có nhiều các doanh nhân Châu Âu, Châu Á, thậm chí Châu Phi đang sử dụng quốc đảo Mauritius như một cửa ngõ để đầu tư vào Châu Phi nhờ vị trí chiến lược và chính sách ưu đãi thuế. Theo mô hình của Hồng Kông hoặc Singapore để trở thành cửa ngõ quan trọng cho luồng vốn đầu tư tư nhân thâm nhập thị trường Châu Phi là tham vọng từ nhiều năm nay của quốc đảo này. Ông Xavier Luc Duval, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính cho biết: “Mauritius có tất cả những lợi thế để kết nối thế giới với thị trường Châu Phi”.
Về đầu tư của Mauritius ra nước ngoài, quốc đảo này chủ yếu đầu tư sang Châu Phi (chiếm 72% tổng vốn), tiếp đến là Châu Âu (18%), Châu Á (5%), Châu Mỹ (4%) và Châu Đại dương (1%). Các lĩnh vực đầu tư chính gồm dịch vụ cư trú, nhà hàng, bất động sản, dịch vụ tài chính, công nghiệp chế tạo.
Quan hệ hợp tác Viêt Nam – Mauritius
Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 04/5/1994. Hiện nay Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania kiêm nhiệm Mauritius và Đại sứ quán Mauritius tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam.
Về thương mại, trao đổi giữa hai nước có xu hướng tăng mạnh đặc biệt là năm 2013. Năm ngoái, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 121,9 triệu USD, tăng 348% so với năm 2012.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mauritius đã lên tới 72,7 triệu USD, tăng 476% so với năm 2012. Diện mặt hàng xuất khẩu ngày càng đa dạng với giá trị không ngừng tăng. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam gồm tàu thuyền các loại đạt 56,6 triệu USD (chiếm tới 78% kim ngạch), điện thoại và linh kiện (7,1 triệu USD), sợi các loại (2,3 triệu USD), hàng hải sản (2,1 triệu USD), sắt thép (0,5 triệu USD), sản phẩm hóa chất, chất dẻo,vv...
Năm 2013, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Mauritius đạt 49,1 triệu USD, tăng 235% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là sản phẩm đá quý và kim loại quý, đạt 45,3 triệu USD (chiếm tới 92% tổng kim ngạch nhập khẩu), tiếp đến là sắt thép phế liệu (2,6 triệu USD), máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng, hàng hải sản, hàng dệt may, sản phẩm gỗ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang thị trường này đạt 7,8 triệu USD, tăng 358% so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Mauritius đạt 14,5 triệu USD, tăng 52%.
Về đầu tư, hiện nay Việt Nam chưa có dự án đầu tư nào tại quốc đảo này. Ngược lại, tính đến tháng 6/2014, Mauritius đã có 36 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 250,19 triệu USD. Các lĩnh vực đầu tư chính là sản xuất gia công hàng dệt may, sản xuất sản phẩm nhiệt điện, hệ thống thông gió, sản xuất, gia công đồ gỗ gia dụng, đồ trang trí bằng gỗ kết hợp nhựa, đá, dịch vụ tư vấn chuyển giao công nghệ trong tạo giống, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản… Phía Mauritius mong muốn sớm ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam để tạo cơ sở thuận lợi phát triển thương mại - đầu tư song phương./.