1. Khoáng sản:
Gia Lai có nhiều loại khoáng sản, nhưng trữ lượng nhiều hơn cả là nguyên vật liệu xây dựng, bôxit, vàng và đá quý. Khoáng sản kim loại còn có sắt, kẽm, asen và vofram. Khoáng sản phi kim loại có nhiều nhất là đá granit, đá vôi, đá hoa, đất sét, cát và sạn sỏi.
Bô xít, có trữ lượng lớn ở huyện Kbang, đã phát hiện một mỏ và 4 điểm nằm ở vùng Kon Hà Nừng đã thăm dò và đánh giá trữ lượng cấp C2 là 210,5 triệu tấn với hàm lượng A12O3: 33,76% - 51,75%; SiO2: 14,04%. Ngoài ra còn có sắt, thiếc, chì... nhưng với quy mô nhỏ chưa được điều tra kỹ.
Vàng, phát hiện trên 73 điểm, trong đó có 66 điểm quặng hoá gốc và 6 điểm sa khoáng, các vùng có triển vọng là Kông Chro, Ia Mơ, Krông Pa, Ayun Pa.
Đá vôi, phát hiện được 6 điểm, điểm có triển vọng nhất là đá vôi Chư Sê, trữ lượng khu B cấp C1 + C2 là 22 triệu tấn, đang được khai thác để phục vụ cho 02 nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh.
Khoáng sản làm vật liệu xây dựng khác như đá bazan ở đèo Chư Sê, Pleiku, Chư Păh. Đá granit có trữ lượng 90,1 triệu m3, tập trung ở các huyện Chư sê, Đăkpơ, Chưpăh và thành phố Pleiku.
Đất sét làm gạch ngói phân bổ rộng khắp toàn tỉnh, nhưng tập trung lớn ở Ayun Pa, An Khê...

2. Thủy điện
Gia Lai có các sông lớn là sông Sê San, Ayun, sông Ba và có nhiều suối, mặt nước các hồ tự nhiên là thế mạnh cho phát triển thủy điện, du lịch và nuôi trồng thủy sản. Trên địa bàn tỉnh hiện có 82 dự án thuỷ điện, trong đó có 7 công trình do EVN đầu tư với tổng công suất 1.841 MW. Hàng năm cung cấp cho lưới điện quốc gia trên 4.700 triệu kWh điện. Đến năm 2010, ngành công nghiệp điện có tổng giá trị 1.844,6 tỷ đồng, chiếm 38% trong tổng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp tỉnh.

Thuỷ điện Ia Ly: Công trình được xây dựng trên dòng sông Sê San, khởi công năm 1993 và hoàn thành vào năm 2002, là công trình thuỷ điện lớn thứ 2 của Việt Nam sau công trình thuỷ điện Hoà Bình trên sông Đà. Địa điểm: huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Lòng hồ thuỷ điện Ialy phần lớn nằm trên địa phận huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, thuộc lưu vực sông Pô Kô và Đắk Bla, công suất thiết kế 720 MW. Sản lượng điện bình quân hàng năm: 3,7 tỷ KWh.
Thủy điện Sê San 3: Công trình được xây dựng trên dòng sông Sê San thuộc địa phận xã Ia Mnông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai và xã Ia Ly, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum với công suất lắp đặt là 260 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm 1,127 tỉ kWh. Thời gian thi công: 2002 - 2006.
Thủy điện Sê San 3A: Là công trình cấp II với công suất lắp máy là 180MW, điện lượng trung bình hàng năm là 479,3 triệu kWh/năm. Công trình được xây dựng tại xã Mơ Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum và xã Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Khởi công ngày 05/4/2003, hoàn thành: tháng 29/12/2006.
Thủy điện Sê San 4: Công trình được xây dựng trên dòng sông Sê San, gồm 3 tổ máy với tổng công suất 360 MW, sản lượng điện cung cấp lên lưới quốc gia 1,5 tỷ kWh/năm, được khởi công vào ngày 26/11/2004, hoàn thành tháng 4/2010.
Thuỷ điện Sông Ba Hạ: Nằm ở bậc thang cuối cùng trên bậc thang sông Ba – là một trong những thủy điện lớn nhất miền Trung, được quy hoạch trên địa bàn 15 xã miền núi thuộc hai huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) và huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai). Công trình được xây dựng nằm cách tỉnh lỵ Phú Yên chừng 70 cây số về phía tây. Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ có hai tổ máy với công suất 220MW, sản lượng điện trung bình 825 triệu kWh/năm. Thời gian hoàn thành công trình: 2004 - 2009. Ngoài cung cấp điện, công trình thuỷ điện sông Ba Hạ còn tham gia cắt lũ và cung cấp nước tưới cho vùng hạ lưu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực 2 tỉnh Phú Yên và Gia Lai.
Thuỷ điện An Khê - Ka Nak, Thuỷ điện Sê San 4A: Hai công trình đang được đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, Gia Lai đã có nhiều chính sách thu hút các nhà đầu tư để xây dựng 75 công trình thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất lắp máy gần 494,9 MW, trong đó 21 thuỷ điện đang vận hành với tổng công suất 57,215 MW, 17 thuỷ điện đã khởi công xây dựng với tổng công suất 208,29 MW, 27 thuỷ điện chưa khởi công với tổng công suất 200,5 MW, 10 thuỷ điện đã đưa vào quy hoạch.
Trên cơ sở nguồn tài nguyên nông lâm nghiệp và khoáng sản, mở ra triển vọng phát triển các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến nông lâm sản với quy mô vừa và lớn.
Trong sản xuất vật liệu xây dựng, trước hết với nguồn đá vôi tại chỗ có thể phát triển sản xuất xi măng phục vụ cho một phần nhu cầu các tỉnh phía Bắc Tây Nguyên và các tỉnh Đông Bắc Campuchia. Hiện có hai nhà máy sản xuất xi măng với công suất 14 vạn tấn/năm. Với nguồn đá granit sẵn có, phong phú về màu sắc có thể chế biến ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu trong tỉnh và xuất khẩu. 

3. Lợi thế vùng nguyên liệu phát triển công nghiệp chế biến
Với lợi thế về nguồn tài nguyên đất để phát triển vùng nguyên liệu như: Cà phê, hồ tiêu, cao su, mía, mì, bắp… là điều kiện cần thiết để thúc đẩy, phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông-lâm sản phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Công nghiệp chế biến ở Gia Lai phát triển mạnh, sớm hình thành nhiều vùng cung cấp nguyên liệu nông sản lớn, tạo điều kiện cho sản xuất công nghiệp tập trung, người dân có thu nhập cao và ổn định; hình thành các nhà máy chế biến có công suất lớn như nhà máy chế biến cao su, cà phê, hồ tiêu, gỗ tinh chế, tinh bột mì, đường. Đến năm 2010, ngành công nghiệp chế biến đạt tổng giá trị là 2.815,5 tỷ đồng và chiếm đến 57,9% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Trong chế biến nông lâm sản, với trữ lượng gỗ lớn trong tỉnh và khả năng nhập khẩu gỗ từ các nước Đông Nam Á đảm bảo ổn định nguyên liệu cho sản xuất chế biến các mặt hàng gỗ lâu dài, chế biến song mây, sản xuất bột giấy. Từ mủ cao su có thể chế biến các sản phẩm cao su dân dụng và công nghiệp chất lượng cao; chế biến cà phê xuất khẩu, chế biến đường, chế biến dầu thực vật, chế biến sắn, chế biến hoa quả và súc sản đóng hộp. Ngoài ra còn có thể phát triển các ngành công nghiệp khai khoáng khi đã xác định được địa bàn và trữ lượng cho phép.

Đến nay trên địa bàn tỉnh có 1.674 doanh nghiệp, trong đó hoạt động công nghiệp là 536, hoạt động thương mại là 1.138; số hộ cá thể hoạt động sản xuất kinh doanh công nghiệp và thương mại là 22.987, trong đó hoạt động công nghiệp là 5.026, hoạt động thương mại là 17.961.
Giai đoạn 2006 đến năm 2010, trên địa bàn đã hình thành hệ thống kinh doanh, phân phối hàng hóa có chất lượng như: Trung tâm thương mại, siêu thị phát triển; hệ thống mạng lưới chợ được phân bố tương đối đều, hiện toàn tỉnh có 75 chợ hoạt động phục vụ nhu cầu mua bán của nhân dân trong tỉnh và có 5 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, với tổng số 544 xã viên; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn này đạt 41.526,96 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân là 27,9%/năm.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2006-2010 đạt được mục tiêu đề ra: Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt 208,16 triệu USD với tốc độ tăng bình quân đạt 44,1%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước là 16,6%/năm. Hoạt động kinh doanh xuất khẩu giai đoạn này có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều doanh nghiệp có quy mô, uy tín tham gia hoạt động kinh doanh xuất khẩu như: Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah; các công ty 72, 74, 75 thuộc Binh đoàn 15-Bộ Quốc phòng.
* Các mặt hàng xuất khẩu: Các sản phẩm gỗ và ván, cà phê nhân, mủ cao su cốm, tiêu hạt, nhân điều tinh bột sắn.
* Mặt hàng nhập khẩu: Gỗ nguyên liệu, phân bón các loại, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất.

Một trong những khu công nghiệp điển hình tại địa bàn tỉnh là Khu Công nghiệp Trà Đa-TP. Pleiku với quy mô 120 ha đã đi vào hoạt động và đã lấp đầy 100% diện tích. Hiện nay đang triển khai giai đoạn II với quy mô mở rộng thêm 50 ha. Khu công nghiệp Tây Pleiku cũng đã quy hoạch và được phê duyệt, hiện đang giới thiệu vị trí cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, trên địa bàn TP. Pleiku có cụm tiểu thủ công nghiệp Diên Phú với quy mô 35 ha. Các huyện, thị xã còn lại đều có quy hoạch cụm công nghiệp với quy mô từ 15 ha đến 30 ha.

Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh được quan tâm đầu tư xây dựng, hiện có một số công trình đã đưa vào sử dụng. Quan hệ trao đổi hàng hóa trên tuyến biên giới giữa Gia Lai và Campuchia tương đối thuận lợi và giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đều tăng qua các năm. Kim ngạch xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh trong 5 năm gần đây (2006-2010) thực hiện đạt 80,7 triệu USD, nhập khẩu đạt 56,97 triệu USD. Trong đó, các doanh nghiệp của tỉnh xuất khẩu ước đạt 27,605 triệu USD, nhập khẩu đạt 9,41 triệu USD. Đây là cơ hội lớn để phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương và cũng là mảnh đất màu mỡ cần các nhà đầu tư khai phá.
  • Tags: