1. Tiềm năng về đất:
Tài nguyên đất Lào Cai đa dạng và phong phú với 10 nhóm gồm 30 loại đất chính. Đất Lào Cai có chất lượng đồng đều và độ phì nhiêu tự nhiên tương đối khá.
Có thể chia ra các nhóm đất chính sau:
- Nhóm đất phù sa gồm 6 loại đất được hình thành trên trầm tích trẻ, nguồn gốc phù sa sông suối, có diện tích 10.530 ha, chiếm 1,32% diện tích tự nhiên.
- Nhóm đất lầy có độ phì nhiêu cao nhưng chua và thường bị ngập nước, diện tích 260 ha, chiếm 0,03% diện tích tự nhiên.
- Nhóm đất đen hình thành và phát triển trên sản phẩm phong hóa của đá vôi, có diện tích 1.050 ha, chiếm 0,13% diện tích tự nhiên.
- Đất đỏ vàng (đất feralit) bao gồm 9 loại đất, phân bổ ở độ cao dưới 900m, có độ phì nhiêu khá, có diện tích 365.869 ha, chiếm 45,5% diện tích tự nhiên.
- Đất mùn vàng đỏ (đất mùn – feralit) phát sinh từ các đá mẹ như feralit, nhưng phân bố ở độ cao trên 1.800-2.800 m, có diện tích 92.002 ha bằng 11,4% diện tích tự nhiên.
- Đất mùn thô than bùn có diện tích 530 ha, chỉ phân bổ từ 2.800 m trở lên của dãy Hoàng Liên Sơn.
- Đất đỏ vàng bị biến đổi do trồng lúa, có diện tích 17.486 ha, chiếm 2,17%, phân bổ rộng khắp ở các huyện.
- Đất xói mòn trơ sỏi đá, có diện tích 420 ha.
- Đất dốc tụ là loại đất thực sinh được phát triển trên các sản phẩm rửa trôi và tái tích tụ của tất cả các loại đất ở các chân sườn và khe dốc.
Tài nguyên đất phân theo tầng dày, tầng trung bình và tầng mỏng và theo độ dốc nhỏ hơn và lớn hơn 15 độ cho phép đánh giá:
- Đất dốc dưới 5 độ có 41.100 ha, chiếm 6,13% diện tích tự nhiên.
- Đất dốc dưới 15 độ có khoảng 57.612 ha, chiếm 7,18% diện tích tự nhiên.
Tổng diện tích hai nhóm đất này có khoảng 98.712 ha, khá thuận lợi để sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra đất có tầng dày trên 70cm và độ dốc từ 15-20 độ có khoảng 42.000 đến 45.000 ha có thể khai thác để trồng hoa màu và các loại cây công nghiệp, cây ăn quả.
Tiềm năng đất Lào Cai phân theo mục đích sử dụng như sau:
Tổng quĩ đất của tỉnh Lào Cai 635.708 ha, chia ra: Đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp có 73.692 ha, chiếm 11,59%; đất lâm nghiệp có rừng là 264.639 ha, chiếm 41,63%; đất chuyên dùng có 13.059, chiếm 2,05%; đất ở có 2.913 ha, chiếm 0,46%; đất chưa sử dụng (bao gồm đất bằng, đất đồi núi, đất có mặt nước và đất chưa sử dụng khác) có 281.405 ha, chiếm 44,27%.
2. Tài nguyên rừng:
Tổng diện tích đất tự nhiên toàn Tỉnh 635.708 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp có rừng 264.639 ha, chiếm 41,63% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Tính chất đất đai còn tương đối tốt, màu mỡ. Qua khảo sát quỹ đất trống phục vụ cho trồng rừng sản xuất còn lớn, rất thuận lợi cho việc phát triển, trồng rừng nguyên liệu với quy mô lớn trên diện tích rộng.
Tổng trữ lượng rừng tự nhiên: 16.876.015 m3 gỗ và 207,5 triệu cây tre, vầu, nứa. Rừng tự nhiên có diện tích nhiều ở Văn Bàn, Bảo Yên với nhiều loại gỗ quí và lâm sản, dược liệu. Tuy nhiên, khu vực rừng tự nhiên ở Lào Cai là rừng đầu nguồn cần phải được bảo vệ, Chính phủ và Tỉnh đã có những quy định về quản lý, bảo vệ và khai thác rừng tự nhiên ở Lào Cai, nên hiện nay vấn đề khai thác gỗ rừng tự nhiên rất hạn chế.
Diện tích rừng trồng sản xuất hiện nay: 25.785,4 ha với trữ lượng khoảng 750.000 m3 (bình quân 30 m3/ha). Trong đó:
+ Rừng trồng quốc doanh: 12.504,2 ha
+ Rừng trồng hộ gia đình, các tổ chức khác: 13.281,2 ha.
Rừng trồng sản xuất tập trung chủ yếu ở các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Bát Xát, Thành phố Lào Cai và một số vùng thấp của huyện: Văn bàn, Mường Khương, Bắc Hà... Loài cây trồng chính là: Mỡ, Bồ đề, keo, Bạch Đàn, Quế, Sa mộc... đã bắt đầu được khai thác, tỉa thưa ở một số vườn rừng, trong một vài năm tới một loạt rừng trồng của dân và các nông, lâm trường sẽ được khai thác đại trà nên sản lượng gỗ khai thác sẽ tăng cao. Thực hiện chương trình mục tiêu trồng rừng của tỉnh, đồng thời do tác động của chính sách giao đất, giao rừng, khoán đến các hộ dân trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, nên diện tích trồng rừng ở các địa phương hàng năm đều tăng. Hiện nay Lào Cai đã đưa một số loài cây trồng có năng suất cao như: Keo lai, Bạch đàn mô vào trồng, qua kết quả theo dõi các loài cây này sinh trưởng tốt và có khả năng cho năng suất cao hơn nhiều các loài cây hiện trồng, đáp ứng tốt yêu cầu của trồng rừng kinh doanh.
3. Tài nguyên nước:
Theo số liệu thống kê thủy văn, trung bình hàng năm lãnh thổ Lào Cai tiếp nhận khoảng 15 tỷ m3 nước mưa, với lượng bốc hơi khoảng 5,5 tỷ m3 còn lại 9,5 tỷ m3 nước đổ vào các sông suối trong 3 lưu vực lớn của Lào Cai: lưu vực sông Hồng nhận 4,5 tỷ m3 nước, chiếm 48% và lưu vực sông Chảy 1,9 tỷ m3 chiếm 20% lưu lượng. Lượng mưa và lượng dòng chảy biến đổi theo năm không lớn, nhưng trong từng năm có sự phân mùa rõ rệt: về mùa mưa thường có lũ với biên độ lớn, thời gian lũ ngắn và thường là lũ đơn (lũ không xuất hiện đồng thời trên diện rộng toàn tỉnh); vào mùa kiệt, trên địa bàn tỉnh có mức độ khô hạn khác nhau, nhiều vùng của Văn Bàn thiếu nước canh tác và sinh hoạt.
Hiện tại Lào Cai sử dụng khoảng 60 triệu m3 nước, trong khi khả năng có thể khai thác vào mùa kiệt là 0,9 tỷ m3 nước. Hệ thống thủy lợi còn kém phát triển và hiệu quả sử dụng chưa cao.
Việc sử dụng nước sạch mới chỉ giải quyết được ở thành phố Lào Cai và một số thị trấn đông dân. Vào mùa khô nhiều nơi thiếu nước sinh hoạt (chủ yếu ở vùng cao như huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Văn Bàn...).
Lào Cai nằm ở đầu nguồn sông Hồng và sông Chảy, qua khảo sát đánh giá thì tiềm năng thuỷ điện ở Lào Cai khá dồi dào và phong phú. Kết quả nghiên cứu chung cho thấy, trữ năng lý thuyết của thuỷ điện trên các lưu vực sông Thao và sông Chảy vào khoảng 1668 MW tương đương trữ lượng 14,6 tỷ KWh. Trong đó, theo đánh giá các điểm có trữ lượng từ 1 MW trở lên ở Lào Cai có tổng trữ lượng 715,9 MW, tương đương 6,2 tỷ KWh. Trong đó, đã quy hoạch vùng dự án thuỷ điện trên các ngòi chính có tiềm năng thuỷ điện lớn, đó là: Ngòi Nhù 28 điểm với trữ lượng 136,2 MW; ngòi Bo 19 điểm với trữ lượng 182,1 MW; ngòi Đum 03 điểm với trữ lượng 70,7 MW; ngòi Phát 15 điểm với trữ lượng 121MW; ngòi Đường 03 điểm, trữ lượng 7,8 MW; ngòi Xan 04 điểm, trữ lượng 32,7 MW; ngòi Nậm Phàng 06 điểm với trữ lượng 60,6 MW; ngòi Nghĩa Đô 03 điểm, trữ lượng 3,3 MW; thuộc Sông chảy có 01 điểm, trữ lượng 90MW; Nậm Gia Hô 01 điểm, trữ lượng 2MW; Nậm Chạc 02 điểm với công suất 8MW; suối Trát 01 điểm, công suất 1,5 MW. Hiện nay nhiều hộ đồng bào vùng cao đang sử dụng các máy thủy điện mini đủ để phục vụ sinh hoạt trong gia đình.
Trữ lượng nước ngầm ở Lào Cai dự báo gần 30 triệu m3. Đã phát hiện 4 nguồn nước khoáng, nước nóng: nước sunfat, sunfat bicacbônat, nước nóng silic, sunfua hydrô có độ khoáng thấp, nhiệt độ nước trên 400C. Những nguồn nước khoáng này chưa được khai thác, đưa vào sử dụng.
4. Tiềm năng về tài nguyên khoáng sản:
Tài nguyên khoáng sản của tỉnh Lào Cai được đánh giá là rất đa dạng và phong phú, đến nay trên địa bàn tỉnh đã phát hiện được trên 100 mỏ, điểm quặng với trên 30 loại khoáng sản, trong đó có những mỏ có quy mô trữ lượng lớn và rất lớn như mỏ quặng Apatit Cam Đường, mỏ quặng đồng Sin Quyền, mỏ quặng sắt Quý Xa - Văn Bàn, Graphit - Nậm Thi.... đã được thăm dò đánh giá tỉ mỉ, đáp ứng yêu cầu lập quy hoạch khai thác và chế biến. Các mỏ và điểm quặng còn lại mới chỉ được đánh giá ở mức độ chưa cao, chủ yếu là khảo sát và tìm kiếm, chưa đủ độ tin cậy cần thiết cho việc lập quy hoạch khai thác và chế biến.
- Quặng apatít: Bể apatit với quy mô rất lớn (và là duy nhất) nằm trên địa bàn tỉnh Lào Cai, phân bố thành một dải dài 100 km, rộng 1-3 km, từ vùng làng Lếch-Văn bàn, ngược bờ phải sông Hồng qua phía tây thành phố Lào Cai tới vùng Lũng Pô, tận biên giới Việt-Trung với 6 mỏ và điểm quặng là mỏ Cam Đường, mỏ Làng Phúng, mỏ Phú Nhuận, mỏ Tam Đỉnh, điểm apatit Trịnh Tường. Mỏ có trữ lượng lớn nhất là mỏ Cam Đường, các mỏ còn lại đều có quy mô nhỏ.
Vỉa quặng được cấu tạo bằng các lớp mỏng cacbonat-apatit xen kẽ các lớp apatit-cacbonat.
Tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo của toàn bể apatit đến độ sâu 600m là 2,1 - 2,5 tỷ tấn; trong đó, trữ lượng đã được thăm dò đến cấp A+B+C1 là 446 triệu tấn và cấp A+B+C1+C2 là 909 triệu tấn, chia ra 4 loại như sau:
+ Quặng loại I với hàm lượng P2O5 là 36-42% có trữ lượng cấp A+B+C1 là 33 triệu tấn và cấp A+B+C1+C2 là 48 triệu tấn. Loại quặng này có thể sử dụng trực tiếp để sản xuất super lân, không cần phải làm giàu.
+ Quặng loại II với hàm lượng P2O5 là 22-35% có trữ lượng cấp A+B+C1 là 124 triệu tấn và cấp A+B+C1+C2 là 257 triệu tấn. Loại quặng này có thể sử dụng trực tiếp để sản xuất phân lân nung chảy, không cần phải làm giàu.
+ Quặng loại III với hàm lượng P2O5 là 16-18% có trữ lượng cấp A+B+C1 là 174 triệu tấn và cấp A+B+C1+C2 là 246 triệu tấn. Đối với loại quặng này, để có thể sử dụng được cần phải làm giàu để nâng hàm lượng P2O5 lên trên 30-32%.
+ Quặng loại IV với hàm lượng P2O5 là 10-16% có trữ lượng cấp A+B+C1 là 115 triệu tấn và cấp A+B+C1+C2 là 358 triệu tấn. Loại quặng này hiện chưa được khai thác và sử dụng và cần có kế hoạch nghiên cứu công nghệ làm giàu đạt chất lượng đáp ứng các yêu cầu sử dụng.
- Quặng sắt: Trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã phát hiện được 5 mỏ và 10 điểm quặng sắt với tổng trữ lượng 146,3 triệu tấn, trong đó sắt nâu khoảng trên 130 triệu tấn (bao gồm các mỏ Quý Xa, Làng Vinh, Làng Cọ, ...) và trên 15 triệu tấn quặng manhetit (Làng Lếch, Tam Đỉnh, Bản Vược, ...). Trong số các mỏ và điểm quặng sắt đã được phát hiện, chỉ có 4 mỏ là Quý Xa, Làng Cọ, Làng Lếch, Làng Vinh đã được thăm dò, các điểm còn lại mới chỉ được đánh giá tìm kiếm hoặc khảo sát.
Mỏ Quý Xa là mỏ quặng sắt lớn nhất trên địa bàn tỉnh, có trữ lượng khoảng 112 triệu tấn và thành phần khoáng vật chủ yếu gồm hydrogơtit, hydrohematit và gơtit. Quặng sắt mỏ Quý Xa có chất lượng tương đối cao với thành phần hóa học như sau: Fe = 54-55%; Mn = 3-5%; SiO2 = 3,5-4%; Al2O3 = 1,75-3%; CaO = 0,25%; P = 0,08%; S = 0,025%; Pb = 0,1%; Zn = 0,1%; Cu = 0,025%.
- Quặng đồng: Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, quặng hóa đồng và các kim loại quý hiếm khá phát triển, phân bố theo các dải Sin Quyền, Tùng Sáng-Lũng Pô, Lùng Thàng-Phìn Ngan và dải Y Tý-Mường Hum, bao gồm trên 10 mỏ và điểm quặng đồng như Sin Quyền, Quang Kim, Bản Qua, Lùng Thàng, Lũng Pô, Tùng Sáng,... trong đó, duy nhất chỉ có mỏ Sin Quyền đã được thăm dò đến cấp trữ lượng B+C1+C2 (551 ngàn tấn Cu), còn các điểm quặng còn lại mới chỉ được đánh giá khảo sát, chưa rõ triển vọng.
Thành phần khoáng vật chủ yếu trong quặng đồng Sin Quyền gồm có chancopyrit, pyrotin, manhetit, pyrit, octit. Hàm lượng các nguyên tố có ích trong quặng đồng Sin Quyền như sau: Cu=0,01-11,58%; TR2O3=0,03-9,71%; Au=0,46-0,55 g/tấn quặng; Ag=0,44-0,5 g/tấn quặng.
- Kaolin-Fenspat-Mica: Lào Cai là một trong 3 tỉnh ở phía Bắc có tiềm năng khoáng sản mica, fenspat và kaolin, trong đó có các mỏ kaolin-fenspat Sơn Mãn, Làng Giàng, Thái Niên, mỏ mica Lào Cai, Làng Múc đã được điều tra thăm dò, các mỏ còn lại mới chỉ được đánh giá khảo sát, tìm kiếm, chưa rõ triển vọng.
Các mỏ kaolin, fenspat, mica của tỉnh được hình thành gắn liền với trường pecmatit Lào Cai, trong đó mật độ các thân pecmatit tập trung cao ở các khu vực Sơn Mãn, Làng Múc-Thái Văn. Mỏ Sơn Mãn và mỏ Làng Múc-Thái Văn là những mỏ đa khoáng kaolin, fenspats, mica.
- Graphit: Tổng hợp các kết quả điều tra thăm dò địa chất đã phát hiện được một số mỏ và điểm quặng graphit, bao gồm: Nậm Thi, Cốc Tắng, Cốc Mì, Bát Xát, Làng Trung, Làng Dí, Na Nong, Tiền Tao. Trữ lượng đã được đánh giá vào khoảng 3,7 triệu tấn cấp B, gần 6 triệu tấn cấp C1+C2 và 15,8 triệu tấn cấp P. Chất lượng quặng thuộc loại khá tốt, với hàm lượng C khoảng 8-12% ở dạng vảy, dễ làm giàu. Tuy nhiên, do chưa được đầu tư nghiên cứu đúng mức nên hiện mới chỉ có thể nhận được tinh quặng graphit chứa 80-93%C, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường.
- Đôlômit: Đã phát hiện được một số mỏ và điểm quặng đôlômit, bao gồm Cốc Xan, Sapa, Thành Châu, Đông Hồ với trữ lượng khoảng 500 triệu m3 và hàm lượng CaO 32-52%, MgO 17-22%.
- Các khoáng sản kim loại quý, hiếm, xạ: Trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng đã phát hiện được các điểm quặng chứa kim loại quý hiếm như vàng, bạc, molipden. Tuy nhiên, ngoài những trữ lượng đã được xác định như là nguyên tố có ích đi kèm trong các mỏ khoáng sản khác (ví dụ, vàng, bạc, đất hiếm trong mỏ đồng Sin Quyền), triển vọng của các điểm quặng chứa các kim loại này chưa được điều tra đánh giá ở mức độ cần thiết đáp ứng yêu cầu lập kế hoạch khai thác, chế biến.
- Khoáng sản vật liệu xây dựng: Tiềm năng khoáng sản vật liệu xây dựng của Lào Cai được đánh giá là khá tốt với khoảng 12 triệu m3 sét được đánh giá tìm kiếm tỉ mỉ (tại các mỏ/điểm quặng Quang Kim, Làng Giàng, Bắc Hà, Xuân Giao, Làng Chiềng, Phú Xuân); 50 triệu m3 đá vôi được đánh giá tìm kiếm sơ bộ (Bắc Ngầm, Làng Vinh, Bắc Hà, Mường Khương, Chợ Châu) và 2 triệu m3 đá hoa được đánh giá tìm kiếm sơ bộ (Cốc Xan, Pha Long, Sapa). (Nguồn: Sổ mỏ và điểm quặng tỉnh Lào Cai – Cục ĐC&KSVN; Sở CN Lào Cai).
5. Nguồn nguyên liệu cho ngành Công nghiệp chế biến
Để phát triển ngành Công nghiệp chế biến nông, lâm sản từ nay đến năm 2010 và những năm tiếp theo ngành nông nghiệp Lào Cai sẽ tập trung thực hiện đề án “chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng nhanh giá trị thu nhập trong sản xuất” với mục tiêu:
- Thâm canh tăng vụ trên đất ruộng 2 vụ ở vùng thấp quy mô 2020 ha, thâm canh tăng thêm vụ ở ruộng 1 vụ lúa ở vùng cao quy mô 3.770 ha, sản xuất lúa đặc sản 1.500 ha.
- Trồng, chế biến chè chất lượng cao quy mô 1.000 ha
- Sản xuất rau an toàn quy mô 350 ha.
- Sản xuất hoa hàng hóa quy mô 250 ha, chủ yếu là hoa cắt cành và hoa chậu.
- Trồng cây thuốc lá quy mô 2000 ha.
- Phát triển chăn nuôi đại gia súc: Cải tạo nâng cao chất lượng giống và phát triển chăn nuôi bò theo hướng sản xuất hàng hóa. Tổng đàn bò sẽ đạt 21.800 con, trong đó bò cái sinh sản 6.000 con, bò đực giống 200 con, bò thịt 15.600 con; cải tạo nâng cao chất lượng giống và phát triển chăn nuôi tôm theo hướng sản xuất hàng hóa; Tổng đàn trâu đạt 41.025 con; Quy hoạch 1.500 ha vùng trồng cỏ phục vụ cho việc chăn nuôi đại gia súc.
- Phát triển thủy sản: Sản xuất giống cá rô phi đơn tính đực; Hoàn thiện công nghệ sinh sản cá chép lai; chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm thủy sản.