Đất nước Mô-dăm-bích nằm ở Đông Nam châu Phi. Năm 1994, quốc gia này được xếp vào nhóm nước nghèo nhất thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay, Chính phủ Mô-dăm-bích đã tiến hành một loạt cải cách kinh tế, đẩy mạnh tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và đạt được nhiều thành công. Nền kinh tế nước này cung cấp điện, dịch vụ cảng, giao thông quá cảnh cho các nước láng giềng. Trong những năm qua, Mô-dăm-bích đã sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ quốc tế, duy trì mức tăng trưởng kinh tế liên tục 7% đến 8%/năm.
Mô-dăm-bích có số dân khoảng 21 triệu người, diện tích 801.590 km2, thủ đô là Maputo, ngôn ngữ chính là tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Anh. Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người của Mô-dăm-bích là 900 USD. Nông nghiệp chiếm 23,5% tổng thu nhập quốc dân, công nghiệp chiếm 30,9% và dịch vụ chiếm 45,6%.
Nhìn chung, các ngành kinh tế của Mô-dăm-bích chưa phát triển. Hàng năm, nước này phải nhập khẩu gạo cho nhu cầu trong nước tương đối lớn. Sản phẩm công nghiệp chính của Mô-dăm-bích là thực phẩm, đồ uống, hóa chất (phân bón, xà phòng, sơn), sản phẩm dầu mỏ, hàng dệt, xi măng, thủy tinh, amiăng, thuốc lá. Các sản phẩm nông nghiệp là bông, hạt điều, mía, chè, sắn, ngô, gạo, hoa quả nhiệt đới, thịt bò, thịt gia cầm.
Năm 2008, xuất khẩu nước này đạt 2.653 tỷ USD và nhập khẩu ở mức 3,458 tỷ USD. Các sản phẩm xuất khẩu chính là quặng nhôm, tôm hùm, hạt điều, bông, đường, cam quýt, gỗ, điện. Các khách hàng chính là Nam Phi, Zim-ba-buê, Trung Quốc và một số nước trong EU.
Các sản phẩm mà Mô-dăm-bích nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị, ô tô, năng lượng, hóa chất, các sản phẩm kim loại, thực phẩm và hàng dệt may. Các nước xuất khẩu chính cho nước này là Nam Phi, Australia và Trung Quốc.
Quan hệ với Việt Nam
Việt Nam và Mô-dăm-bích thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 25/6/1975, đúng vào ngày Mô-dăm-bích tuyên bố độc lập. Cho đến nay quan hệ hai nước luôn duy trì tình hữu nghị tốt đẹp. Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao sang thăm và làm việc. Bên cạnh đó, các đoàn chuyên gia các bộ, ngành hai nước cũng tiến hành nhiều cuộc trao đổi kinh nghiệm trong việc phát triển và xây dựng kinh tế đất nước.
Tổng thống nước Cộng hòa Mô-dăm-bích, ngài Armando Emilio Guebuza đã có chuyến thăm hữu nghị chính thức nước ta vào tháng 1/2007. Về phía Việt Nam, chuyến thăm cấp cao nhất gần đây của ta đến nước bạn là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào tháng 4/2008. Tháng 7/2009, Đoàn cấp cao Đảng ta do đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dẫn đầu đã sang thăm Mô-dăm-bích. Qua những chuyến thăm này, hai nước đã đạt được những kết quả tốt đẹp trong nhiều lĩnh vực. Hai nước đã ký kết các Hiệp định hợp tác về: Khuyến khích và bảo hộ đầu tư; hợp tác về nông nghiệp, giáo dục và y tế.
Hai bên nhất trí trao đổi danh mục hàng hóa xuất khẩu chính nhằm củng cố quan hệ thương mại giữa hai nước gồm các mặt hàng tiêu dùng như nông sản thô, nông sản chế biến, thủy sản, máy tính và các sản phẩm khác.
Đồng thời, hai bên nhất trí xây dựng cơ chế ưu đãi thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài, tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác từ các chương trình xúc tiến đầu tư. Cụ thể, phía Việt Nam đề xuất một số lĩnh vực để đầu tư tại Mô-dăm-bích như dây chuyền sản xuất bóng đèn, sản xuất các thiết bị phục vụ ngành nông nghiệp, sản xuất đồ điện tử, các sản phẩm từ gỗ… cũng như các sản phẩm phục vụ tiêu dùng khác.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, hai bên đã cam kết thực hiện một số dự án trong lĩnh vực này và xác định nông nghiệp là mũi nhọn trong hợp tác giữa hai nước. Hai bên thỏa thuận kỳ họp lần thứ 2 của Uỷ ban liên Chính phủ về kinh tế, thương mại, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước sẽ tiến hành tại thủ đô Maputo vào năm 2011.
Mô-dăm-bích là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với mối quan hệ tốt đẹp, Mô-dăm-bích khẳng định sẽ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ.
Tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu sang Mô-dăm-bích
Đến nay Mô-dăm-bích đã ngăn chặn được tác động xấu của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Chính sách kinh tế thận trọng mà nước này theo đuổi trong những năm qua đã giúp Mô-dăm-bích vượt qua sự rối loạn tài chính thế giới. Mô-dăm-bích vẫn dễ bị tổn thương do phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu các mặt hàng cơ bản và dòng vốn đầu tư nước ngoài. Dự kiến nguồn thu từ xuất khẩu giảm 30% do giảm sức mua và giá nguyên liệu trên thị trường thế giới. Luyện nhôm ở Mozal, nước này chiếm gần 1/2 nguồn thu xuất khẩu của nước này và 70% sản xuất công nghiệp.
Do vẫn là một trong những nước nghèo tại châu Phi, thị trường hàng hóa của Mô-dăm-bích hầu như còn rất đơn sơ và chủ yếu nhập khẩu máy móc thiết bị, hàng hóa tiêu dùng và xuất khẩu những mặt hàng thô như dầu khí, nhôm, gỗ, bông.
Do địa lý cách trở còn nhiều khó khăn, bên cạnh đó, hai thị trường Mô-dăm-bích và Việt Nam chưa có nhiều thông tin trao đổi, tìm hiểu lẫn nhau, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mô-dăm-bích còn chưa nhiều.
Một sốmặt hàng tiềm năng mà Việt Nam có thể tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này là thực phẩm chế biến, gạo, hàng dệt may, linh kiện điện tử, máy tính…
Bên cạnh các sản phẩm trên, hiện tại nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng của Mô-dăm-bích đang cần rất nhiều nguyên vật liệu xây dựng như xi măng, hóa chất, chất dẻo… mà những mặt hàng này Việt Nam có thể xuất sang Mô-dăm-bích thuận lợi. Tháng 3/2009 vừa qua, 12.500 tấn xi măng xuất khẩu đầu tiên từ Việt Nam của Nhà máy xi măng Cẩm Phả đã xuất sang Mô-dăm-bích.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Mô-dăm-bích, hiện Mô-dăm-bích có nhu cầu nhập gấp 60.000 tấn xi măng để phục vụ cho các Công Thương đang xây dựng trong nước.
Thời gian gần đây, sản lượng xi măng sản xuất trong nước của Mô-dăm-bích luôn không đáp ứng đủ nhu cầu khiến cho giá xi măng trên thị trường tăng cao (tăng từ 8,4 USD lên 12,2 USD/bao 50 kg). Nguồn xi măng nhập khẩu chính của nước này từ Nam Phi hiện cũng đang thiếu hụt do Nam Phi cũng đang có nhu cầu xi măng rất cao phục vụ các Công Thương xây dựng chuẩn bị cho Giải vô địch bóng đá thế giới 2010. Sản lượng xi măng sản xuất trong nước của Mô-dăm-bích hiện chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Hiện nay, Chính phủ Mô-dăm-bích đang có chính sách ưu đãi về thuế đối với xi măng nhập khẩu nhằm góp phần tăng nguồn cung, tạo bình ổn giá xi măng trong nước.
Ngoài ra, Mô-dăm-bích còn là cửa ngõ xuất khẩu những sản phẩm của Việt Nam vào thị trường các nước xung quanh với khoảng trên 200 triệu dân.