Tiềm năng xuất khẩu tinh bột sắn sang thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2014, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tinh bột sắn của Việt Nam sang các nước thuộc khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á đạt khoảng 14,7 t

Sản lượng sản xuất sắn trên thế giới vào khoảng 250 triệu tấn/năm, trong đó Nigeria dẫn đầu với 54 triệu tấn, chiếm 37%. Quốc gia có sản lượng sắn lớn thứ hai là Brazil với khoảng 26 triệu tấn/năm. Tiếp đến là Indonesia, Congo, Thái Lan (khoảng 22 triệu tấn củ/năm/nước), Angola, Ghana, Ấn Độ và Việt Nam. Những quốc gia này chiếm 75% tổng sản lượng sắn trên toàn thế giới.

Sự gia tăng sản lượng mạnh mẽ này là do ngành chế biến công nghiệp nhiên liệu sinh học ethanol sử dụng sắn làm nguyên liệu đầu vào tại các quốc gia châu Á (hiện nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất thế giới) cùng với nhu cầu lương thực ngày càng tăng tại châu Phi.

Châu Phi sản xuất 147 triệu tấn sắn mỗi năm. Sắn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu lương thực ở lục địa này với mức tiêu thụ bình quân khoảng 96 kg/người/năm. Về mức độ tiêu thụ, CHDC Congo là nước sử dụng sắn nhiều nhất với 391 kg/người/năm (hoặc 1.123 calori/ngày). Nhu cầu sắn làm lương thực chủ yếu tại vùng Sahara châu Phi dưới hai dạng củ tươi và sản phẩm chế biến ước tính khoảng 115 triệu tấn.

- Thị trường Nam Phi: Hiện nay, Nam Phi sử dụng 2 loại sản phẩm chế biến từ sắn là tinh bột sắn và thức ăn cho thú cảnh chế biến từ sắn. Nam Phi cũng khuyến khích trồng sắn với diện tích hiện nay khoảng 6 triệu ha.

Đối với tinh bột sắn, mỗi năm Nam Phi cần nhập khẩu khoảng 15 nghìn tấn. Tinh bột sắn được sử dụng trong chế biến thực phẩm, dược phẩm và sản xuất giấy và thùng các-tông. Trong năm 2013, kim ngạch nhập khẩu tinh bột sắn của Nam Phi đạt 7,4 triệu USD. Theo đó, Thái Lan là nước xuất khẩu chính sang Nam Phi, đạt 5,9 triệu USD. Tiếp theo là Việt Nam đạt 1,6 triệu USD, chiếm khoảng 21,6% thị phần. Đối với mặt hàng thức ăn cho thú cảnh, mỗi năm Nam Phi nhập khẩu khoảng 5 nghìn tấn tinh bột sắn.

- Thị trường Ai Cập: Tinh bột sắn được dùng chủ yếu để chế biến thực phẩm, làm bánh kẹo, một ít trong dược phẩm (tinh bột sắn được sử dụng như chất kết dính, chất độn, và các tác nhân phân hủy) cũng như trong một số ngành công nghiệp khác (làm keo dán trong sản xuất ván ép, sản xuất giấy và dệt vải). Việc sử dụng các sản phẩm sắn lát trong chăn nuôi cũng hết sức hạn chế. Đối với các loại cây trồng thân củ, Ai Cập hiện chỉ tập trung trồng khoai tây, khoai lang, hành, củ cải và không trồng sắn. Do vậy, tinh bột sắn và các sản phẩm từ tinh bột sắn nước này hoàn toàn phải nhập khẩu. Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu đối các sản phẩm này không nhiều.

Theo số liệu thống kê, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm tinh bột sắn và các sản phẩm từ sắn (chủ yếu thuộc các mã HS.1108; HS.1903 và HS.0714) trong năm 2013 của Ai Cập chỉ là 7,73 triệu USD và trong 9 tháng năm 2014 là 6,38 triệu USD. Trong đó các sản phẩm thuộc nhóm HS.1108 chiếm 98% và được nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan và Ấn Độ. Thuế nhập khẩu của Ai Cập hiện áp dụng đối với các nhóm hàng này như sau: nhóm HS.1108 là 5%; nhóm HS.1903 là 5%; nhóm HS.0714 là 5%.

- Thị trường Senegal: Theo số liệu của Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO), trong niên vụ 2014 - 2015, sản lượng tiêu thụ sắn của Senegal là 920.000 tấn với mức 11,28kg/người/năm. 9 tháng năm 2014, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này khoảng trên 400.000 USD tinh bột sắn.

- Thị trường Congo: Mặc dù CHDC Congo là nước sử dụng sắn nhiều nhất với 391 kg/người/năm, tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa đưa được mặt hàng sắn vào thị trường này. Nguyên nhân là do tình hình chính trị tại quốc gia Trung Phi này bất ổn định kéo dài, hơn nữa Việt Nam chưa có cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại tại đây nên việc hỗ trợ doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù cũng sản xuất sắn, song do sản lượng không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước nên hàng năm các quốc gia Nam Á vẫn phải nhập khẩu tinh bột sắn.

- Thị trường Pakistan: Hiện nay, thị trường Pakistan có nhập khẩu mặt hàng tinh bột sắn chủ yếu để phục vụ ngành công nghiệp thực phẩm, chưa có nhu cầu nhập khẩu cho sản xuất Ethanol hay các ứng dụng công nghiệp khối lượng lớn. Theo báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, hiện nay, Pakistan nhập khẩu chủ yếu tinh bột sắn từ Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Trong 9 tháng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam đạt 1 triệu USD, tăng 327%.

- Thị trường Ấn Độ: Mặc dù Ấn Độ là một trong 10 quốc gia sản xuất sắn lớn nhất thế giới (khoảng 17 triệu tấn/năm) song với dân số đông nên nước này hàng năm vẫn phải nhập khẩu tinh bột sắn và các sản phẩm từ sắn khác. Trong 9 tháng năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu 3 triệu USD tinh bột sắn sang thị trường này.

Khu vực Trung Đông do đất đai kém màu mỡ và nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc nhiều vào sản xuất và xuất khẩu dầu lửa nên các quốc gia khu vực này phải nhập gần như toàn bộ lương thực, thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước, trong đó tinh bột sắn.

- Thị trường UAE: Đây là thị trường trung chuyển lớn nhất khu vực Trung Đông đối với các mặt hàng nông sản trong đó có tinh bột sắn. Trong 9 tháng năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường này 3,1 triệu USD tinh bột sắn, tăng 70,5%.

- Thị trường Qatar, Kuwait: Đây cũng là những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn ở khu vực Trung Đông với nguồn lực tài chính dồi dào. 9 tháng năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu tinh bột sắn sang hai thị trường này với kim ngạch khoảng 1 triệu USD/nước.

Tình hình xuất khẩu các sản phẩm sắn và tinh bột sắn của Việt Nam sang một số thị trường chính khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á 9 tháng năm 2014

9T/2014

9T/2013

Tăng/Giảm (%)

United Arab Emirates (UAE)

3.151.448

1.847.777

70,55

Ấn Độ

3.001.423

3.698.097

-18,84

Bangladesh

2.235.167

1.973.162

13,28

Nam Phi

1.629.524

1.481.759

9,97

Qatar

1.182.388

-

-

Pakistan

1.053.124

246.335

327,52

Kuwait

1.001.174

220.800

353,43

Nguồn: Tổng Cục Hải quan

Bên cạnh những thị trường trên, Việt Nam còn xuất khẩu tinh bột sắn sang Senegal, Tanzania, Ai Cập, Kenya, Nigeria, Israel... Tuy nhiên, kim ngạch còn thấp.

Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sẽ có góp phần hạn chế sự phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường truyền thống, có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp Việt Nam bị ép giá. Để tìm kiếm đối tác, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm sắn, doanh nghiệp cần tích cực liên hệ với cơ quan thương vụ đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài cũng như đại sứ quán các nước châu Phi, Tây Á, Nam Á tại Hà Hội; tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế lớn, các hội thảo, diễn đàn doanh nghiệp, các chương trình xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương và các cơ quan xúc tiến thương mại khác tổ chức... gia tăng hàm lượng chế biến trong sản phẩm xuất khẩu thay vì xuất khẩu sản phẩm thô (sắn lát và sắn củ).