Tiền lương của người đi làm phải đủ sống và nuôi thêm được 1 người

Trong lộ trình cải cách tiền lương phải xác định mức tiền lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu. Nguyên tắc trả lương phải đảm bảo người đi làm ngoài nuôi mình, cần nuôi được gần thêm một người nữa. Như vậy họ mới đủ tiền để còn nuôi con, nuôi cha mẹ đã về già.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, ngày 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,…

Cần tính lại nguyên tắc trả tiền lương

Thảo luận tại tổ TPHCM, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ đồng tình với việc Chính phủ xây dựng lộ trình cải cách chính sách tiền lương.

Dù vậy, ông trăn trở khi thực tế hiện nay nhiều người lao động làm việc đủ thời gian, đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội nhưng về hưu nhận tiền lương hưu khoảng 2-3 triệu đồng/tháng, sống không được.

Lộ trình cải cách tiền lương
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân: Nguyên tắc trả lương phải đảm bảo người đi làm ngoài nuôi mình, cần nuôi được gần thêm một người nữa. Như vậy họ mới đủ tiền để còn nuôi con, nuôi cha mẹ đã về già.

"Ở quận Bình Tân có trường hợp là phó chủ tịch công đoàn bộ phận nhận lương hưu chưa tới 3 triệu đồng/tháng. Người này phải đi làm thêm để kiếm sống", đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nêu dẫn chứng và đề nghị: Trong lộ trình cải cách tiền lương phải xác định mức tiền lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu.

Đại biểu cho rằng, đất nước đã 48 năm thống nhất, kinh tế cũng phát triển, nhiều thành tựu hơn, GDP bình quân đầu người đã trên 4.000 USD/người, phải xác định lại nguyên tắc trả lương cho người lao động.

Theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, mức tiền lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu. Nguyên tắc trả lương phải đảm bảo người đi làm ngoài nuôi mình, cần nuôi được gần thêm một người nữa. Như vậy họ mới đủ tiền để còn nuôi con, nuôi cha mẹ đã về già.

Bất cập về tiền lương vẫn cứ bàn mãi, kỳ họp nào cũng nêu, cần phải giải quyết nhanh vấn đề này

Đồng tình quan điểm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, không chỉ có người về hưu mà người lao động nói chung và lực lượng y bác sĩ mới ra trường nói riêng nhận mức lương khởi điểm rất thấp, không đủ sống.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, khi thực hiện cải cách tiền lương chỉ nâng mức lương cơ bản nên số tiền lương tăng thêm đối với những người lao động trẻ, mới đi làm, hệ số thấp, cũng không nhiều, không có tích lũy, không đủ sống để nuôi gia đình.

Lộ trình cải cách tiền lương
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Bất cập về tiền lương vẫn cứ bàn mãi, kỳ họp nào cũng nêu, cần giải pháp giải quyết nhanh vấn đề này

Trong khi đây là những người cần tích lũy vốn để lấy vợ, lấy chồng, sinh con… Họ là lực lượng lao động chính, lực lượng dám đột phá, năng động sáng tạo, đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nghịch lý là những người đi làm lâu, hệ số lương cao rất nhiều. Có những người trẻ đột phá, cống hiến nhiều nhưng lương nhận được không bằng các "lão làng", làm việc không xuất sắc lắm.

"Chúng ta vẫn tính lương bằng chủ nghĩa bình quân. Những bất cập về tiền lương vẫn cứ bàn mãi, kỳ họp nào báo cáo cũng nêu, bức xúc của người lao động cũng được đưa ra mổ xẻ nhưng chưa giải quyết được", đại biểu nêu và đề nghị cần giải pháp giải quyết nhanh vấn đề này.

Chinhphu.vn