Chuyển đổi số, từ đơn giản đến phức tạp
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) CMCN4 hay Công nghiệp 4.0 thực chất là xu hướng chuyển đổi số các phương thức sản xuất, chế tạo truyền thống. Trước đây, chỉ một số công đoạn sản xuất được tự động hóa bằng việc áp dụng công nghệ thông tin, nhưng gần đây xu hướng tự động hóa sản xuất diễn ra với quy mô lớn hơn nhiều những gì đã xảy ra vào những năm 1970, thời kỳ đầu CMCN3. Việc áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) vào các ngành công nghiệp chế tạo, vận hành sản xuất trên quy mô rộng lớn đang làm lu mờ ranh giới giữa thế giới thực và thế giới ảo, được gọi là hệ thống sản xuất tự tương tác (cyber-physical production sytems- CPPSs) (Schwab, 2016). CPPS là mạng lưới giao tiếp trực tuyến giữa các máy móc, các nhóm linh kiện, và các linh kiện với nhau. Đây là xu thế của CMCN4, đó là dựa trên những phát triển vượt trội của ICT và khoa học máy tính để tạo ra sản phẩm, dữ liệu, dịch vụ cho phép mọi người, mọi vật đều có thể kết nối với nhau.
Bên cạnh công nghệ thông tin, công nghệ in 3D, trí thông minh nhân tạo, người máy, công nghệ nano, công nghệ vật liệu mới là những công nghệ điển hình đang phát triển theo cấp số nhân, tạo ra những tác động rất lớn đến quy trình sản xuất, khiến hoạt động sản xuất công nghiệp trở nên linh hoạt hơn rất nhiều. Những công nghệ này không mới, thậm chí đã được phát minh ra từ 20, 30 năm trước đây, nhưng nhờ năng lực tính toán phát triển nhanh chóng, chi phí sử dụng ngày càng giảm, và kích thước thiết bị được thu gọn, đã cho phép ứng dụng các công nghệ này vào hoạt động sản xuất công nghiệp.
CMCN4 đã làm thay đổi các phân đoạn của chuỗi giá trị truyền thống. Trên thực tế, có hay không có CMCN4, chuỗi giá trị vẫn bao gồm các phân khúc từ nghiên cứu phát triển, thiết kế đến sản xuất chế tạo, rồi đến phân phối, logistics và bán hàng, nhưng việc ứng dụng công nghệ của CMCN4 đã làm thay đổi cách thức thực hiện các hoạt động trong các phân khúc này. Trong mô hình chuỗi giá trị truyền thống, khâu nghiên cứu, thiết kế được thực hiện trên cơ sở kết quả phân tích xu hướng thị trường thường có độ trễ về thời gian do việc thu thập, phân tích, xử lý số liệu tốn kém và khả năng tiếp cận thông tin hạn chế; ngày nay, với sự hỗ trợ của dữ liệu lớn (big data) việc xác định xu hướng thị trường trở nên dễ dàng và nhanh chóng, chính xác hơn rất nhiều. Ở khâu sản xuất chế tạo, trước đây chỉ đơn thuần là hoạt động tạo ra sản phẩm, hàng hoá, chịu nhiều rủi ro về hàng lỗi, hàng hỏng do không kiểm soát được toàn bộ chuỗi giá trị, hay rủi ro về sản xuất dư thừa, không phù hợp nhu cầu của thị trường, thì ngày ngay, với sự hỗ trợ của hệ thống CPPS và các công nghệ quản lý thời gian thực (real-time), hầu hết những rủi ro này được kiểm soát, nhờ đó quá trình sản xuất được tối ưu hoá, cắt giảm được những chi phí lãng phí trong sản xuất. Theo cách tiếp cận của phương pháp quản trị sản xuất đúng lúc (just-in-time, JIT), hàng tồn kho và chi phí lưu kho được xác định là một trong những lãng phí cần cắt giảm tối đa, và mục tiêu sản xuất không tồn kho (zero inventory) là mục tiêu mà các doanh nghiệp hướng tới. Trong mô hình chuỗi giá trị truyền thống, lượng hàng tồn kho luôn được quy định ở tỷ lệ nhất định, nhưng với sự hỗ trợ của CMCN4, lượng hàng tồn kho được tối ưu hoá theo thời gian thực, nhờ đó doanh nghiệp tối ưu hoá được nhu cầu về vốn lưu động, về giá thành, và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tương tự như vậy, ở phân khúc logistics, quản lý theo thời gian thực giúp quá trình kiểm soát vận chuyển hàng hoá trở nên dễ dàng hơn, tăng mức độ chính xác và cắt giảm chi phí. Công đoạn bán hàng là công đoạn có nhiều thay đổi nhất do tác động của CMCN4, thay vì phải duy trì hệ thống các cửa hàng lớn với chi phí đắt đỏ để trưng bày và bán sản phẩm, thương mại điện tử và các kênh quảng cáo trực tuyến cho phép nhà sản xuất cắt giảm đáng kể số lượng cửa hàng và tiếp cận trực tiếp với khách hàng. Tất cả những thay đổi này chỉ có thể diễn ra trong một xã hội mà mọi thông tin, dữ liệu được số hoá và xử lý để những dữ liệu lớn trở nên hữu ích và có ý nghĩa đối với người sử dụng. Như vậy có thể nói, CMCN4, hay chính xác hơn là số hoá đã làm thay đổi căn bản hệ thống sản xuất toàn cầu, thay đổi hoàn toàn cách con người sống, làm việc, và kết nối với người khác; số hoá cũng tạo ra các doanh nghiệp và ngành công nghiệp mới, làm thay đổi các mô hình kinh doanh truyền thống và định hình lại nền kinh tế toàn cầu; ứng dụng của big data, real-time, IOTs, thương mại điện tử… hiện diện trên mọi công đoạn của chuỗi giá trị. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, hoạt động cốt lõi vẫn là những hoạt động thực - thiết kế, sản xuất hàng hoá, logistics, bán hàng - tạo nền tảng để ứng dụng công nghệ thông tin trên toàn bộ chuỗi giá trị.
Sách trắng công nghiệp Việt Nam 2019 đã khái quát toàn bộ xu hướng toàn cầu về chuyển đổi số đang diễn ra trong cuộc CMCN4. Quá trình chuyển đổi số tổng thể diễn ra nhờ mọi vật được kết nối với internet, nhờ sự kết hợp giữa công nghệ sản xuất (operational technology – OT) với công nghệ thông tin (IT), tạo ra một thế giới ảo là bản sao của thế giới thật và một mô hình sản xuất – tiêu dùng hoàn toàn mới. Sự kết hợp giữa OT và IT là vấn đề cốt lõi của quá trình chuyển đổi số, IT tạo ra môi trường hỗ trợ cho phép hiện thực hoá việc chuyển đổi số (enabler), OT là các công nghệ cơ bản trong mọi lĩnh vực của đời sống, sản xuất, năng lượng, logistics, y tế, tài chính… là nền tảng để đưa công nghệ thông tin vào ứng dụng trong thực tiễn (adopter). Một quốc gia chưa có OT phát triển mạnh thì cũng sẽ không tạo ra nhiều cơ hội, môi trường rộng lớn để ứng dụng IT, do vậy, cả OT và IT đều cần được quan tâm phát triển trong bối cảnh của CMCN4, đặc biệt ở các nước đang phát triển khi OT chưa phát triển mạnh mẽ và đa dạng hoá như ở các nước phát triển. Điều này một lần nữa cho thấy vai trò và tầm quan trọng của IT nói riêng và các ngành dịch vụ nói chung trong nền kinh tế đang ngày trở nên đậm nét hơn, nhưng dù có quan trọng đến đâu thì IT vẫn không thể thay thế hoàn toàn được OT, OT là điều kiện cần và IT là điều kiện đủ để tạo nên cuộc CMCN4.
Từ khi khái niệm CMCN4 hay Công nghiệp 4.0 trở nên phổ biến trong vài năm trở lại đây, nhiều quốc gia đã có những chiến lược riêng cho mình để duy trì lợi thế cạnh tranh và tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng này. Với các quốc gia có nền tảng công nghệ OT phát triển, chiến lược kết hợp giữa OT và IT rất rõ ràng, nhưng với các nước đang phát triển, cách tiếp cận CMCN4 dường như đang bị tập trung quá mức vào IT mà quên rằng trước hết môi trường ứng dụng IT của OT phải được hình thành và mở rộng, và rằng một hệ thống IT chắc chắn, đáng tin cậy chỉ có thể xây dựng được khi nó có thể tiếp cận được một lượng dữ liệu thực tế đủ lớn về thế giới thực của OT.
Hình dưới đây cho thấy quá trình chuyển đổi số, từ đơn giản đến phức tạp, có thể diễn ra ở mọi lĩnh vực, mọi ngành kinh tế, tạo nên cuộc CMCN4, và quá trình chuyển đổi số diễn ra trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã góp phần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp, hình thành các nhà máy thông minh và từ đó tạo nên một nền sản xuất thông minh. Việc ứng dụng IT, chuyển đổi số trong mỗi ngành kinh tế rất khác nhau, tuỳ thuộc vào mức độ sẵn sàng của mỗi ngành. Ngay tại Việt Nam cũng đã chứng kiến những ứng dụng mạnh mẽ của IT trong lĩnh vực ngân hàng-tài chính (fintech), bất động sản (nhà thông minh), thương mại (e-commerce), vân tải (grab, be)… nhưng trong sản xuất vẫn còn khá hạn chế một mặt do đòi hỏi về công nghệ của lĩnh vực công nghiệp phức tạp hơn so với các ngành khác, và mặt khác do mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp còn chưa cao.
![chuyển đổi số](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/23/10/14/tiep-can-cong-nghiep-4_652a0a7e0cd26.jpg)
Sự sẵn sàng của Việt Nam với công nghiệp 4.0
Theo Cục Công nghiệp, tại Việt Nam, khái niệm CMCN4 và công nghiệp 4.0 đã trở nên khá phổ biến trong những năm gần đây. Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4 tháng 5 năm 2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, và Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Điều này thể hiện rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tận dụng cơ hội và ứng phó với những thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần này.
Để nắm bắt hiện trạng của các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh CMCN4, Bộ Công Thương đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tiến hành khảo sát về sự sẵn sàng của các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam trước CMCN4. Hình 2 cho thấy kết quả đánh giá mức độ sẵn sàng với thang điểm 5, hầu hết các ngành đều có điểm số dưới 2,5 ở tất cả các khía cạnh. Báo cáo đã rút ra 9 điểm mấu chốt của các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam như sau.
- Đa số các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng ngoài cuộc CMCN4
- Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Việt Nam tiếp cận ở mức thấp đối với tất cả các trụ cột của một nền sản xuất thông minh
- Các doanh nghiệp lớn có tính sẵn sàng cao hơn đối với tất cả các trụ cột
- Các công nghệ tiên tiến vẫn còn ít được áp dụng tại các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam
- Hầu hết các doanh nghiệp hiện nay chưa có Chiến lược về CMCN4 và Tổ chức thực hiện
- Chưa có các mô hình Nhà máy thông minh
- Mức sẵn sàng trong vận hành thông minh tại các doanh nghiệp ở mức cao hơn so với các trụ cột còn lại, tuy nhiên đây cũng chỉ là những điều kiện cơ bản nhất của mỗi doanh nghiệp khi tiếp cận với CMCN4
- Đa số các doanh nghiệp Việt Nam chưa có được các sản phẩm thông minh. Đây là điểm yếu nhất trong tiếp cận với CMCN4 của doanh nghiệp
- Mặc dù có mức độ tiếp cận cao hơn đối với yếu tố người lao động, tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp hiện nay chưa trang bị những kỹ năng đầy đủ cho người lao động để làm việc trong một nhà máy thông minh
Hình 2. Sự sẵn sàng của các ngành công nghiệp Việt Nam trước CMCN4
![chuyển đổi số](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/23/10/14/tiep-can-cong-nghiep-4_652a0ad16819a.png)
Cục Công nghiệp nhận định rằng, trong bối cảnh CMCN4, những thay đổi về công nghệ đã giúp cho các ngành kinh tế, đặc biệt là các ngành dịch vụ thay đổi phương thức hoạt động truyền thống để phát triển các dịch vụ mới, và đây là cơ hội để Việt Nam bắt kịp với xu thế chung toàn cầu. Cần có một hành lang pháp lý để khuyến khích các phương thức mới phát triển, mang lại dịch vụ và phúc lợi xã hội tốt hơn cho người dân (như các hoạt động dựa trên nền tảng số của các ngành y tế, ngân hàng, vận tải, du lịch…). Tuy nhiên, với lĩnh vực sản xuất, việc ứng dụng công nghệ của CMCN4 có độ trễ nhất định do tính phức tạp của công nghệ và mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp, do đó, các doanh nghiệp Việt Nam gặp thách thức trên mọi phương diện, nguyên nhân chủ yếu do công nghệ sản xuất (OT) của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp dẫn đến việc chưa sẵn sàng ứng dụng các công nghệ của CMCN4 vào sản xuất kinh doanh để nâng cao hiệu quả, năng suất chất lượng. Đến nay, vẫn chưa có mô hình nhà máy thông minh để các doanh nghiệp có thể định hướng cho chiến lược về CMCN4 và tổ chức triển khai. Chỉ thị 16 cũng như Nghị quyết 52 cần được triển khai thông qua các chương trình hành động cụ thể, với các mục tiêu rõ ràng, nguồn lực thực hiện hợp lý, thủ tục triển khai đơn giản, thuận lợi, và quan trọng nhất là có hệ thống theo dõi, giám sát đầy đủ. Các chương trình này cần đảm bảo rằng những tiến bộ về khoa học, công nghệ phải gắn với doanh nghiệp, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nhằm củng cố nền tảng công nghiệp, năng lực sản xuất trong nước.
Cục Công nghiệp cho rằng, mô hình nhà máy thông minh của Hàn Quốc có thể là mô hình phù hợp để Việt Nam tham khảo bên cạnh kinh nghiệm của một số quốc gia khác như Đức, Nhật Bản và Singapore. Một khuôn khổ tổng thể về mô hình nhà máy thông minh cần được thiết lập trước khi đưa ra chính sách cụ thể, bởi khuôn khổ này sẽ giúp các bên liên quan hình dung được mỗi bên đang ở đâu và có thể làm gì trong khung tổng thể này. Mô hình nhà máy thông minh của Hàn Quốc đặt ra các mục tiêu và KPI cụ thể; các mối liên kết giữa các bên liên quan, ở cả cấp vĩ mô quản lý, cấp doanh nghiệp, và cấp công nghệ vận hành; và mối liên kết giữa công nghệ sản xuất (OT) với công nghệ thông tin, công nghệ mới của CMCN4 (IT).
Cũng trong bối cảnh CMCN4, dữ liệu, thông tin đóng vai trò ngày càng quan trọng, việc sở hữu và tiếp cận được nguồn thông tin chính xác với tốc độ nhanh sẽ là một trong số các yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh trong tương lai. Với các nhà hoạch định chính sách, việc tiếp cận và phân tích dữ liệu, thông tin về hoạt động của các doanh nghiệp trong nước sẽ đưa ra bức tranh tổng thể về hiện trạng và giúp họ có cơ sở để đưa ra các quyết định chiến lược, chính sách. Đối với các doanh nghiệp, thông tin thị trường là yếu tố quyết định đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Với các cơ sở đào tạo, thông tin về lao động, việc làm sẽ giúp các trường nhanh chóng điều chỉnh chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu lao động của thị trường. Tại Việt Nam hiện nay, những thông tin về nền kinh tế nói chung, về thị trường, về doanh nghiệp, về lao động… đều có thể có được thông qua các cuộc điều tra, khảo sát về mức sống hộ gia đình, về lao động việc làm, về doanh nghiệp… do Tổng cục thống kê thực hiện định kỳ, tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn dữ liệu này rất hạn chế, hơn nữa, năng lực xử lý, phân tích số liệu của đội ngũ công chức, viên chức, ngay cả ở các viện nghiên cứu, các trường đại học, cũng không cao. Thời gian tới, các nguồn dữ liệu này cần được kết nối và số hoá. Các cơ sở dữ liệu này cũng có thể cần được xem xét để cho phép các tổ chức nghiên cứu tiếp cận số liệu gốc trên cơ sở trả phí để phục vụ các nghiên cứu, đánh giá hữu ích, có chiều sâu hơn. Bên cạnh đó, các chỉ số liên quan đến CMCN4 cũng cần được đánh giá lại và bổ sung vào bảng hỏi khảo sát của các cuộc điều tra, khảo sát này.
Các kế hoạch của Đảng và Chính phủ về CMCN4, các dự án về phát triển thành phố thông minh, vấn đề khởi nghiệp và chương trình mạng đổi mới quốc gia, được kích hoạt bởi các mạng 4G và 5G, IoT, viễn thông di động tiên tiến, đang giúp ngành công nghệ thông tin tiếp tục tăng trưởng và đạt doanh thu cao, tạo nền tảng hạ tầng vững chắc cho cuộc CMCN4. Tuy nhiên, kinh nghiệm các nước như đã phân tích trên đây cho thấy tiếp cận CMCN4 không chỉ từ phía IT mà quan trọng hơn và khó khăn hơn là sự lồng ghép, hội tụ của IT và OT, là năng lực tận dụng các lợi thế, cơ hội của CMCN4 vào hoạt động sản xuất và đời sống để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân và các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.
Bên cạnh việc phát triển về công nghệ thông tin, các chương trình, chính sách của Chính phủ thời gian tới vẫn cần tập trung trọng tâm vào phát triển hoạt động sản xuất vật chất, bởi các ngành sản xuất vật chất này có phát triển thì mới tạo ra cơ hội thị trường cho việc ứng dụng các công nghệ của CMCN4. Đầu tư vào công nghệ, hay doanh nghiệp công nghệ phải gắn với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, và các công nghệ của CMCN4 phải gắn kết và hỗ trợ sự phát triển của các công nghệ cơ bản trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, ngân hàng, y tế… Phát triển công nghệ có thể do các doanh nghiệp công nghệ độc lập thực hiện, nhưng cũng có thể do chính các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh hiện nay thực hiện bằng việc nâng cao năng lực R&D tại doanh nghiệp. Song song với đó là đổi mới trong giáo dục, đào tạo, gắn đào tạo với thực tiễn và tăng cường liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp.