Để hướng tới Hội nghị về Biến đổi khí hậu tại Paris sẽ diễn ra vào tháng 12 năm 2015, Nhóm Ủng hộ cải cách chính sách trợ giá nhiên liệu hóa thạch đã cùng với Hoa Kỳ và Pháp đưa ra một bản Thông cáo nhằm đẩy mạnh việc bãi bỏ các khoản trợ giá nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả và kêu gọi các quốc gia thể hiện sự ủng hộ của mình cho việc cải cách trợ giá nhiên liệu hóa thạch và công nhận tầm quan trọng của vấn đề này như một chính sách nhằm giảm thiểu sự biến đổi khí hậu và mang lại cùng lúc nhiều lợi ích về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Tại buổi làm việc, đại diện các Đại sứ quán tại Việt Nam thuộc Nhóm FFFSR do Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand - ngài Haike C.Manning dẫn đầu, đã bầy tỏ tầm quan trọng và mức độ nghiêm túc của bản Thông cáo trong nỗ lực để giảm dần trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, để mong đạt được đồng thuận về chống biến đổi khí hậu. Bản Thông cáo hoạt động trên ba nguyên tắc: Nâng cao tính minh bạch trong trợ giá nhiên liệu hóa thạch; Tham vọng về quy mô và lịch trình cho thực thi cải cách; Hỗ trợ có định hướng để đảm bảo các cải cách được thực hiện nhưng vẫn đảm bảo lợi ích cho những đối tượng nghèo nhất.
Đại diện các Đại sứ thuộc Nhóm FFFSR đã ghi nhận những nỗ lực và thành công của Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Công Thương nói riêng trong công tác cải cách trợ cấp năng lượng này. Ông đánh giá cao việc tham gia các cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác APEC gần đây về giảm trợ cấp năng lượng, thể hiện thiện chí và vai trò đi đầu trong công cuộc cải cách nhằm giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và hướng tới phát triển bền vững này cũng như uy tín của Việt Nam đối với quốc tế. Trên cơ sở đó, ngài Haike Manning chính thức đề nghị Việt Nam ủng hộ bản Thông cáo này.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng bày tỏ sự hoan nghênh đối với sáng kiến thành lập Nhóm FFFSR và bản Thông cáo về nỗ lực giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch dựa trên ba nguyên tắc trong đó có tính đến việc đảm bảo lợi ích cho các đối tượng nghèo trong xã hội. Thứ trưởng cho biết, Việt Nam không phải là quốc gia dồi dào về trữ lượng cũng như khả năng khai thác năng lượng hóa thạch. Bên cạnh việc sử dụng hết các tiềm năng về thủy điện, đã và đang triển khai phát triển thêm các nguồn năng lượng khác như năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân, Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu thêm than để đảm bảo nhu cầu ngày càng tăng cùng với việc phát triển kinh tế xã hội đất nước. Chính phủ Việt Nam cũng công bố các chính sách nhất quán về việc sẽ xây dựng giá năng lượng theo giá thị trường, phản ánh đầy đủ các chi phí sản xuất năng lượng. Thứ trưởng khẳng định việc xây dựng chính sách giá năng lượng hợp lý sẽ góp phần tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả, đồng thời khuyến khích các công ty điện lực hoạt động hoạt động hiệu quả và lành mạnh hơn.
Bên cạnh việc chia sẻ về nghiên cứu về trợ cấp năng lượng của Việt Nam để có những tư vấn, đề xuất với Chính phủ trong chính sách sử dụng năng lượng hiệu quả nhất mà Bộ Công Thương đang tiến hành với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và các Bộ, ngành liên quan, Thứ trưởng đề nghị các nước phát triển nói chung và các nước thuộc nhóm FFFRS nói riêng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình cải cách và phát triển năng lượng của Việt Nam hướng tới phát triển bền vững và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.