Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hoa Kỳ vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã có cuộc làm việc quan trọng với Trợ lý Đại diện Thương mại Hoa Kỳ phụ trách Đông Nam Á và Thái Bình Dương nhằm tăng cường vận động sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường.
Thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ toàn diện và bền vững
Tại cuộc làm việc, hai Bên nhất trí đánh giá việc hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện ngày 10/9/2023 vừa qua là cột mốc lịch sử trong quan hệ song phương, trong đó trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại sẽ tiếp tục là động lực quan trọng, đóng vai trò tiên phong thúc đẩy sự thịnh vượng chung giữa hai quốc gia.
Các Cơ quan quản lý của hai nước nói chung, giữa Bộ Công Thương Việt Nam (MOIT) và Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) nói riêng cần có nhiều hoạt động hợp tác sâu rộng hơn nữa để triển khai và hiện thực hoá tầm nhìn của Lãnh đạo cấp cao, xác lập những mục tiêu phát triển tương xứng với mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cho chặng đường sắp tới.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ giữa hai Bộ Công Thương Việt Nam và Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ trong thời gian qua, nhất là việc thúc đẩy hiệu quả, làm sâu sắc hoạt động trao đổi chính sách trong hàng loạt các vấn đề kinh tế, thương mại thông qua Cơ chế đối thoại của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ (TIFA); đặc biệt trong năm 2023 vừa qua với nhiều cuộc gặp cấp Chủ tịch, cấp Phó Chủ tịch và cấp kỹ thuật.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng khẳng định mong muốn của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với phía Hoa Kỳ một cách toàn diện và bền vững.
"Bộ Công Thương, với vai trò Chủ tịch phân ban Việt Nam trong Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ (TIFA) cam kết sẽ tiếp tục chủ động điều phối, hợp tác với các Cơ quan quản lý của Hoa Kỳ để giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của cả hai nước, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi", Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Đề nghị thúc đẩy sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam
Thứ trưởng Phan Thị Thắng tiếp tục nhắc lại tầm quan trọng của việc các Cơ quan liên quan của Chính phủ Hoa Kỳ cần có tiếng nói thực chất, ủng hội sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường; khẳng định việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ cho phép các doanh nghiệp Việt Nam được đối xử công bằng hơn, không ảnh hưởng đến các quyền hợp pháp của ngành sản xuất trong nước Hoa Kỳ.
Ngoài ra, việc Hoa Kỳ ghi nhận các nỗ lực của Việt Nam trong cải cách nền kinh tế sẽ tạo động lực cho các nền kinh tế khác cũng như tạo thêm động lực cho Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, tạo ra nguồn cung chất lượng, ổn định chuỗi cung ứng cho nhu cầu nhập khẩu, tiêu dùng của các doanh nghiệp, người dân Hoa Kỳ.
Trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, Thứ trưởng Phan Thị Thắng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tần suất ngày càng gia tăng của các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; đề nghị Hoa Kỳ xem xét kỹ lưỡng các ý kiến của Việt Nam trong từng vụ việc cụ thể nhằm đảm bảo tự do hóa thương mại, tính công bằng, khách quan, minh bạch cho hoạt động giao thương của doanh nghiệp hai nước.
Đối với các hoạt động hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị hai bên thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận đã ký kết, đề nghị Hoa Kỳ và các nước phát triển xây dựng những gói tài trợ cụ thể để hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi năng lượng một cách hiệu quả; đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ, giúp Việt Nam nâng cao năng lực chế biến và bảo vệ môi trường trong quá trình làm chủ và khai thác tài nguyên.
Hai bên nhất trí hai Cơ quan cần không ngừng vun đắp lòng tin chiến lược, tăng cường thảo luận, hợp tác sâu hơn trong những lĩnh vực mang tính cốt lõi trong tương lai như năng lượng, hàng không, đất hiếm và khoáng sản tối quan trọng, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, sản xuất xanh; đồng thời tìm ra những phương hướng thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới nhằm hiện thực hóa cam kết của Lãnh đạo hai nước.
Tại Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện ngày 10-11/9/2023, Hoa Kỳ đã “hoan nghênh những bước tiến trong quá trình cải cách kinh tế dựa trên thị trường có ý nghĩa quan trọng của Việt Nam, đồng thời khẳng định sự nhiệt tình và cam kết đối với quá trình phối hợp rộng rãi, mạnh mẽ, mang tính xây dựng và trên tinh thần ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và tiến tới công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam theo luật Hoa Kỳ”.
Đặc biệt, Hoa Kỳ đề cập “ngày 8/9/2023, Hoa Kỳ đã nhận được yêu cầu chính thức của Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường. Hoa Kỳ sẽ khẩn trương xem xét yêu cầu này của Việt Nam theo luật định”.
Theo cập nhật từ Bộ Công Thương, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đang xem xét và hạn cuối để đưa ra quyết định đối với vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam là tháng 7/2024.