Rào cản phòng vệ thương mại đã quen thuộc tại thị trường Hoa Kỳ
Theo báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại, tính đến hết tháng 8/2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 234 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường; trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (129 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (47 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (34 vụ việc) và chống trợ cấp (24 vụ việc).
Trong đó, Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, với 56 vụ việc, chiếm khoảng 24% tổng số vụ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị nước ngoài điều tra.
Trong năm 2022, Hoa Kỳ tiếp tục điều tra đối với các vụ việc đã khởi xướng từ những năm trước như điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng, thép không gỉ dạng tấm và dải, chống bán phá giá với mật ong. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra mới 12 vụ việc, trong đó chủ yếu là điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (11 vụ), đối với các mặt hàng như các sản phẩm thép, pin năng lượng mặt trời, tủ gỗ, ghim dập, bìa kẹp hồ sơ…
8 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ đã chiếm tới 4 trong 7 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, gồm 3 vụ việc chống bán phá giá của Hoa Kỳ với máy xịt rửa chạy bằng gas áp lực cao, giá để đồ bằng thép, túi mua hàng bằng giấy và 1 vụ việc xem xét phạm vi sản phẩm đối với bánh xe kéo bằng thép.
Dù vậy, xu hướng này không chỉ diễn ra với Việt Nam. Theo số liệu thống kê của WTO, kể từ khi thành lập (năm 1995) đến hết tháng 12 năm 20227, trên toàn thế giới có 7.665 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra, trong đó có 5.074 vụ điều tra dẫn đến áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Tính riêng khối G20, Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng điều tra chống bán phá giá nhiều nhất với 101 vụ việc trong giai đoạn tháng 7/2020 - tháng 6/2022 và cũng sử dụng biện pháp chống trợ cấp nhiều nhất trong giai đoạn tháng 7/2019 - tháng 6/2022, với 33 vụ việc khởi xướng và 40 vụ việc áp thuế chính thức.
Xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam
Tại Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện ngày 10-11/9/2023, Hoa Kỳ đã “hoan nghênh những bước tiến trong quá trình cải cách kinh tế dựa trên thị trường có ý nghĩa quan trọng của Việt Nam, đồng thời khẳng định sự nhiệt tình và cam kết đối với quá trình phối hợp rộng rãi, mạnh mẽ, mang tính xây dựng và trên tinh thần ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và tiến tới công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam theo luật Hoa Kỳ”.
Đặc biệt, Hoa Kỳ đề cập “ngày 8/9/2023, Hoa Kỳ đã nhận được yêu cầu chính thức của Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường. Hoa Kỳ sẽ khẩn trương xem xét yêu cầu này của Việt Nam theo luật định”.
Được biết, đến nay, đã có 72 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, bao gồm cả những nền kinh tế lớn như: Canada, Australia, Nhật Bản… Gần đây nhất, trong khuôn khổ Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Vương quốc Anh đã có Thư chính thức của Vương quốc Anh công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, trong đó công nhận các ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo các điều kiện kinh tế thị trường. Trên cơ sở đó, Vương quốc Anh sẽ không áp dụng các quy định bất lợi đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong trường hợp tiến hành điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại.
Kể từ vụ việc điều tra chống bán phá giá đầu tiên với Việt Nam vào năm 2002, Hoa Kỳ đã coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường. Theo quy định của Hoa Kỳ, vấn đề kinh tế thị trường được Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét dựa trên 6 tiêu chí, bao gồm:
(i) Mức độ chuyển đổi của đồng tiền;
(ii) Vấn đề đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động;
(iii) Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế;
(iv) Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân;
(v) Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả;
(vi) Các yếu tố khác.
Sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, năm 2008, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thành lập Nhóm công tác song phương về kinh tế thị trường (đầu mối là Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Hoa Kỳ). Từ đó đến nay, Việt Nam và Hoa Kỳ đã tổ chức 10 phiên họp kỹ thuật để trao đổi thông tin, giúp Hoa Kỳ cập nhật về tình hình kinh tế thị trường của Việt Nam. Đây là bước chuẩn bị quan trọng, giúp Hoa Kỳ hiểu hơn về sự đổi mới của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua.
Ngày 8/9/2023, Bộ Công Thương Việt Nam đã chính thức nộp hồ sơ đề nghị Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam.
“Thời điểm ta nộp yêu cầu xem xét lại vấn đề kinh tế thị trường mang tính đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ hai nước được nâng lên tầm cao mới”, ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết.
Ý nghĩa quan trọng
Ông Trịnh Anh Tuấn thông tin thêm, hiện nay, Hoa Kỳ coi 12 nước là nền kinh tế phi thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại, gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Belarus, Uzbekistan, Armenia, Azerbaijan, Georgia, Kyrgyz, Moldova, Tajikistan và Turkmenistan. Việc bị coi là nền kinh tế phi thị trường có ảnh hưởng lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong các vụ điều tra chống bán phá giá.
Cụ thể, khi xác định giá trị thông thường để tính biên độ phá giá, Hoa Kỳ sẽ sử dụng giá trị của một nước thứ ba được coi là có nền kinh tế thị trường (nước thay thế) để tính toán chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tại Việt Nam thay vì sử dụng dữ liệu do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp. Điều này khiến biên độ phá giá bị đẩy lên rất cao và không phản ánh thực trạng sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường cho phép Hoa Kỳ áp dụng thuế suất toàn quốc - là mức thuế dành cho các doanh nghiệp không hợp tác hoặc không chứng minh được họ không chịu sự kiểm soát của Chính phủ. Thuế suất toàn quốc thường được Hoa Kỳ tính toán dựa trên dữ liệu sẵn có nên thường bị đẩy lên rất cao và được duy trì trong tất cả các đợt rà soát, gây cản trở cho việc xem xét dỡ bỏ lệnh áp thuế.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 109,39 tỷ USD năm 2022, tăng 13,6% so với năm 2021 và chiếm tỷ trọng 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.
8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 62,12 tỷ USD sang Hoa Kỳ, chiếm tỷ trọng 27,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của ta.
“Trong bối cảnh Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, việc được công nhận vấn đề kinh tế thị trường có ý nghĩa rất lớn cho các ngành sản xuất, xuất khẩu của ta”, ông Trịnh Anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo quy định của Hoa Kỳ, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ quyết định có khởi xướng xem xét lại vấn đề kinh tế thị trường đối với Việt Nam hay không trong vòng 45 ngày và ban hành kết luận trong vòng 270 ngày kể từ ngày Việt Nam nộp hồ sơ đề nghị.