Thông tin mới nhất từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, trong ngày 5/2, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước đã kiểm tra, xử lý 672 vụ vi phạm tại các nhà thuốc, cửa hàng kinh doanh vật tư, thiết bị y tế, tạm giữ 8.680 chiếc khẩu trang các loại.
Như vậy, tính từ ngày 31/1/2020 – 5/2/2020, lực lượng QLTT trên cả nước đã kiểm tra, xử lý 2.680 vụ. Tạm giữ 436.925 chiếc khẩu trang các loại.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là không niêm yết giá, không bán đúng giá niêm yết, găm hàng, tăng giá quá mức, vi phạm về nhãn, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trước tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới virus corona gây ra chưa có dấu hiệu thuyên giảm, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT quán triệt nghiêm túc tới Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình thị trường để trục lợi đối với các loại hàng hóa, đặc biệt những sản phẩm phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe trong cao điểm mùa dịch.
Trước đó, để chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, Tổng cục QLTT đã có công văn hỏa tốc số 149/TCQLTT-CNV gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Cục Nghiệp vụ QLTT yêu cầu tăng cường phòng chống dịch bệnh.
Theo đó, Tổng cục QLTT chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý theo địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa.
Đồng thời, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh của virus corona.
Bên cạnh đó, Tổng Cục cũng yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh của virus corona để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh; trường hợp nếu phát hiện các hành vi nói trên có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.
Đáng chú ý, trong công văn hỏa tốc số 149/TCQLTT-CNV này, Tổng cục QLTT đề nghị Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phải quan tâm việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho cán bộ, công chức, người lao động của lực lượng QLTT trong thực thi công vụ, chống nguy cơ lây nhiễm bệnh.