Tiết kiệm năng lượng đâu phải ngày môt ngày hai

Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt năng lượng và mức độ phụ thuộc năng lượng nhập khẩu ngày càng tăng. Vì vậy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là yếu tố quan trọng trong phát

VƯỚNG MẮC KHÓ GIẢI QUYẾT

Theo Ngân hàng Thế giới, so với ngành Công nghiệp của các nước khác, ngành Công nghiệp Việt Nam nằm trong nhóm cuối về hiệu suất sử dụng năng lượng. Kết quả khảo sát nhiều ngành Công nghiệp như nhựa, sành sứ, xi măng gần đây cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong ngành Công nghiệp có thể đạt tới trên 20 - 30%. Trong khi ngành Công nghiệp Việt Nam chiếm khoảng 40% nhu cầu năng lượng, tương đương khoảng 19 triệu tấn dầu quy đổi/năm, nếu thực hiện tốt TKNL cũng có thể giảm bớt chi phí trong Ngành tới 10.000 tỷ đồng/năm...

Giải thích về nguyên nhân khiến hiệu suất sử dụng năng lượng chưa hiệu quả, nhiều chuyên gia cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp hiện chưa được cập nhật đầy đủ thông tin về tiềm năng, chi phí, lợi ích của các thiết bị TKNL cũng như các giải pháp trong việc ứng dụng công nghệ mới nhằm TKNL, các ngành sản xuất khác nhau còn thiếu các thông tin cụ thể về định mức tiêu hao năng lượng của ngành mình. Bên cạnh đó, chi phí mua sắm các thiết bị có hiệu suất sử dụng năng lượng cao còn quá đắt, vì phải nhập khẩu là chính, trong khi năng lực kinh tế của các doanh nghiệp phần lớn còn rất khó khăn, đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, các nhà sản xuất, cung cấp hàng, dịch vụ kỹ thuật, các đơn vị kiểm toán và thanh tra về lĩnh vực này tại Việt Nam còn thiếu.

Nguyên nhân quan trọng nhất là, mặc dù khung chính sách thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở Việt Nam đang dần được hoàn thiện, nhưng vẫn chỉ ở giai đoạn bắt đầu và còn vấp phải nhiều khó khăn khi thực hiện. Nghị định 102/2003/NĐ-CP khuyến khích nhập khẩu, sản xuất các sản phẩm TKNL, nhưng chỉ dừng lại ở mức độ quy định chung về nguyên tắc, chưa có quy định cụ thể về ưu đãi thuế, ưu đãi tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án nhập khẩu, sản xuất các sản phẩm TKNL.

Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu hiện hành quy định ưu đãi thuế nhập khẩu (miễn thuế) đối với các trường hợp nhưng ngành nghề sản xuất, nhập khẩu sản phẩm TKNL không được hưởng các ưu đãi miễn thuế nhập khẩu vì các dự án sản xuất, nhập khẩu hàng hóa là sản phẩm TKNL hoặc nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất ra sản phẩm TKNL không thuộc danh mục lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định quy định chi tiết thi hành. Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu cũng có quy định “mở” đối với các trường hợp khác là được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, nhưng Nghị định 102/2003/NĐ-CP lại không quy định cụ thể các trang thiết bị, vật tư, dây chuyền công nghệ nhập khẩu cho mục đích TKNL mà chỉ nêu nguyên tắc thực hiện của quy định pháp luật thuế. Và cũng do Nghị định 102  không có quy định cụ thể nên các dự án sản xuất sản phẩm TKNL không được miễn, giảm tiền sử dụng đất và tiền thuê đất.

Nếu theo Nghị định 158/2003/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thuế giá trị gia tăng thì các hàng hóa sản phẩm có liên quan đến TKNL lại đang phải chịu mức thuế suất 10%, cao hơn so với các sản phẩm khác có mức suất 5% hoặc không phải chịu thuế giá trị gia tăng. Nghị định 108 không có quy định cụ thể nên các ngành nghề sản xuất, nhập khẩu sản phẩm TKNL cũng chỉ được vay vốn với lãi suất ưu đãi (vay vốn trung hoặc dài hạn) mà không được hưởng chính sách ưu đãi về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư hay bảo lãnh tín dụng.

 

THÁO GỠ NHƯ THẾ NÀO?

Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, khi trình độ công nghệ năng lượng còn thấp, tiềm năng tiết kiệm điện là rất lớn. Do sử dụng thiết bị công nghệ lạc hậu, chưa chú ý đến công tác quản lý năng lượng nên mức tiêu hao năng lượng để sản xuất ra một đơn vị giá trị kinh tế trong sản xuất công nghiệp của Việt Nam quá cao.

Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP.HCM, việc mất cân bằng năng lượng và thiếu toàn diện trên cả nước chắc sẽ diễn ra, nhưng Việt Nam có thể hạn chế và đẩy lùi thời điểm xảy ra. Muốn vậy, việc đầu tiên cần làm là xây dựng chiến lược của quốc gia về khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp (than đá và dầu khí). Ngoài ra, Nhà nước cần xây dựng các cơ chế hoạt động cho thị trường năng lượng và TKNL trong sản xuất. TKNL cần được thực hiện từ khâu thăm dò, khảo sát, quy hoạch, thiết kế, khai thác, chế biến, vận chuyển đến sử dụng vì lãng phí, tổn thất về năng lượng ở nước ta hiện đang xảy ra ở tất cả các khâu. Nếu chỉ đề cập đến tiết kiệm điện năng thì chúng ta mới chỉ đề cập đến khả năng và nhu cầu tiết kiệm một phần rất nhỏ của TKNL.

Để giải quyết được vấn đề này, vấn đề cấp bách hiện nay là phải sửa đổi các chính sách chưa phù hợp kể cả ở những văn bản pháp lý cao hơn như Luật Đầu tư; Luật Thuế xuất, thuế nhập khẩu; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Đất đai... thì mới có thể đạt được mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006-2015. Để việc thực hiện TKNL thực sự có hiệu quả thì không chỉ ban hành, sửa đổi Luật mà còn phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị thực hiện. Đồng thời, cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thay thế các thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng; áp dụng công nghệ mới, miễn giảm thuế thu nhập phát sinh từ các hoạt động TKNL, miễn giảm thuế nhập khẩu hàng hóa và thiết bị TKNL; trợ giá cho đầu tư các dây chuyền sản xuất sản phẩm TKNL và các dự án TKNL...

Từ năm 2006 - 2010, Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ” do Bộ Khoa học & Công nghệ thực hiện gồm nhiều hoạt động, nhằm xóa bỏ các rào cản trong việc ứng dụng các công nghệ và quản lý sử dụng năng lượng hiệu quả cho các doanh nghiệp thuộc 5 ngành công nghiệp, trong đó có ngành Giấy và Bột giấy. Ông Nguyễn Bá Vinh - Quản đốc Dự án cho biết, các doanh nghiệp tham gia dự án sẽ được hỗ trợ kinh phí thực hiện kiểm toán năng lượng và chuyển giao công nghệ từ 10 - 30 triệu đồng cho một dự án, được bảo lãnh tối đa 75% vốn vay đầu tư cho các giải pháp TKNL. Mức bảo lãnh từ 80 triệu đến 2 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được đào tạo miễn phí về kinh nghiệm quản lý hiệu quả năng lượng, kiến thức ứng dụng các công nghệ TKNL, kiến thức xây dựng các dự án đầu tư vay vốn ngân hàng... Dự án này đã góp phần hỗ trợ nhiều doanh nghiệp đổi mới quy trình sản xuất, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng. Công ty TNHH SX TM Giấy Thiên Trí là một trong những công ty đã thành công trong việc thực hiện các giải pháp TKNL. Ông Nguyễn Văn Thu - Giám đốc Công ty cho biết, các giải pháp mà Công ty đã thực hiện là tận dụng chiếu sáng tự nhiên, thu hồi nước ngưng, lắp bộ tiết kiệm điện năng cho hệ thống máy thủy lực, lắp biến tần cho máy bơm chân không, cho các động cơ xeo giấy và thay thế lò hơi mới ít tiêu hao nhiên liệu. Trung bình mỗi giải pháp, Công ty tiết kiệm được từ 13 - 23% năng lượng, thời gian thu hồi vốn đầu tư khoảng 6 tháng.

Để năng lượng tăng trưởng khoảng 14%, Nhà nước phải đầu tư khoảng 8 tỷ USD. Nhưng chỉ cần dùng những giải pháp TKNL đơn giản là có thể giảm tức thời từ 10-20% nhu cầu năng lượng và tránh được nguy cơ mất cân bằng năng lượng trong tương lai. Bởi mất cân bằng năng lượng chính là rào cản lớn nhất cho việc phát triển nền kinh tế, làm giảm sức hút đầu tư, triệt tiêu mọi khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm và cơ hội tăng GDP của nước ta trong tương lai

  • Tags: