Thứ Hai – 17/8
Dữ liệu mới nhất cho thấy GDP quý 2/2020 của Thái Lan đã giảm tới 12,2% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức sụt giảm GDP theo quý mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây tại Thái Lan. Nền kinh tế Thái Lan lao dốc trong bối cảnh những động lực tăng trưởng chủ chốt của nước này là thương mại và du lịch đều chịu tác động nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19.
Trong quý 2/2020, nhiều hoạt động kinh tế tại Thái Lan đã bị đình trệ khi nước này đóng cửa biên giới và thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Kể từ tháng 5/2020, các hoạt động kinh tế nội địa đã được tái mở cửa dần và đến thời điểm hiện tại, các hoạt động kinh doanh đều đã được mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, Hội đồng phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan đã nâng mức dự báo suy giảm kinh tế trong cả năm 2020 lên mức -7,3% đến -7,8% so với mức dự báo -5% đến -6% đưa ra trước đó. Mức sụt giảm mới được đưa ra với giả định Thái Lan sẽ kiểm soát được dịch Covid-19 trong quý 4/2020 và không hứng chịu làn sóng lây nhiễm đợt 2 quy mô lớn.
Thứ Ba – 18/8
Đà phục hồi kinh tế yếu ớt của Trung Quốc sau khi căn bản khống chế thành công sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đang bị tác động nghiêm trọng từ những trận lũ lụt lịch sử. Hãng tin Bloomberg ước tính các đợt lũ trên sông Dương Tử của Trung Quốc, tính đến hiện nay, đã gây thiệt hại ước tính lên tới 25,7 tỷ USD. Các cơn lũ lụt đã khiến hàng nghìn ngôi nhà bị sập và nhấn chìm nhiều khu nhà máy, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất vừa mới phục hồi và sinh sống của hàng triệu người tại nước này.
Các đợt lũ lịch sử ập đến ngay khi Trung Quốc đang nỗ lực hồi phục sau đại dịch. Trung Quốc đã tung ra hàng nghìn tỷ Nhân dân tệ nhằm cứu trợ nền kinh tế nước này và một số dấu hiệu khởi sắc kinh tế đã được ghi nhận. Tuy nhiên, lũ lụt đã khiến giá tiêu dùng tăng cao, hàng hoá trở nên khan hiếm và giảm tốc độ sản xuất, tốc độ triển khai các dự án cơ sở hạ tầng của nước này. Hiện Trung Quốc đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi đồng thời giải quyết các tác động kinh tế do đại dịch Covid-19 và lũ lụt gây ra.
Thứ Tư – 19/8
Tạp chí Financial Times cho biết Bộ trưởng Ngân sách Australia Josh Frydenberg đã phản đối và từ chối phê duyệt việc công ty Trung Quốc Mengniu Dairy mua lại nhãn hiệu sữa Lion Dairy & Drinks hoạt động tại Australia. Thương hiệu sữa Lion Dairy & Drinks là một trong những thương hiệu sữa nổi tiếng nhất Australia. Thương hiệu sữa này hiện thuộc sở hữu của Kirin Holdings (Nhật Bản) và phía Trung Quốc đưa ra mức giá lên đến 600 triệu AUD để sở hữu thương hiệu sữa trên. Trước đó, thương vụ mua lại này đã được Ban Đánh giá đầu tư nước ngoài của Australia phê duyệt.
Hồi tháng 6/2020, Australia đã có thay đổi lớn nhất về luật đầu tư nước ngoài trong 50 năm qua khi trao cho Bộ trưởng Ngân sách quyền quyết định cuối cùng đối với các thương vụ sau khi được Ban Đánh giá đầu tư nước ngoài của Australia phê duyệt.
Quan hệ kinh tế và ngoại giao giữa Australia và Trung Quốc hiện đã xuống mức rất thấp sau những tranh cãi giữa hai bên về sự bùng phát của đại dịch Covid-19, luật an ninh quốc gia mới tại đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) và những trả đũa thương mại từ phía Trung Quốc.
Thứ Năm – 20/8
Phát biểu vận động tranh cử tại Pennsylvania, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đe doạ nếu như ông tái đắc cử trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây, ông sẽ áp thuế lên các doanh nghiệp Hoa Kỳ từ chối chuyển việc làm từ nước ngoài về nội địa Hoa Kỳ.
Ông Donald Trump cho biết “Chúng ta sẽ dành ưu đãi thuế quan cho các công ty mang việc làm quay trở lại Hoa Kỳ, và nếu họ không làm như vậy thì sẽ bị đánh thuế, họ sẽ phải trả cho chúng ta rất nhiều tiền”. Trong khi đó, cố vấn thương mại Peter Navarro của ông Donald Trump cho biết các chính sách thuế của ông Trump đã tạo sức ép rất lớn lên các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang đặt nhà máy ở nước ngoài và cả những doanh nghiệp muốn bán hàng trên thị trường nước này.
Theo ông Peter Navarro, thuế đồng nghĩa với việc làm và nhà máy cho Hoa Kỳ.
Thứ Sáu – 21/8
Biên bản họp mới nhất của Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) cho thấy các quan chức Hoa Kỳ lo lắng về tương lai của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Biên bản họp mới nhất của FOMC nhấn mạnh cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra đang tác động nặng nề đến nền kinh tế, thị trường việc làm và lạm phát trong ngắn hạn, đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro với triển vọng kinh tế trong trung hạn.
Biên bản họp này cũng ủng hộ việc cần thêm các biện pháp hỗ trợ kinh tế. Trước đó, Chủ tịch FED Jerome Powell và các nhà lãnh đạo khác của FED đã nhiều lần nhấn mạnh cần thêm hỗ trợ tài khoá nhằm hỗ trợ sự phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, Quốc hội Hoa Kỳ vẫn còn tranh cãi và bất đồng nhiều nội dung trong gói hỗ trợ kinh tế mới.
GDP của Hoa Kỳ trong quý 2/2020 đã suy giảm đến 32,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều chuyên gia kỳ vọng nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng trở lại trong quý 3/2020 nhưng việc số ca nhiễm Covid-19 tăng cao đang khiến nhiều người hoài nghi về quá trình phục hồi kinh tế, cùng với đó là các căng thẳng thương mại với Trung Quốc đang ngày càng tăng cao.