Tìm hiểu một số khái niệm liên quan đến xuất xứ hàng hóa

Xuất xứ hàng hóa là một khái niệm tương đối, dùng để chỉ quốc gia, vùng, lãnh thổ nguồn gốc nơi hàng hoá được tạo ra. Trong hội nhập kinh tế quốc tế, phân công lao động theo lợi thế so sánh, hàng hóa

 Khoản 14 Điều 3 Luật Thương mại Việt Nam có đưa ra khái niệm “Xuất xứ hàng hoá là nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hoá hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hoá trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất hàng hoá đó”. Xuất xứ hàng hóa mang nhiều ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, giao lưu thương mại toàn cầu hiện nay. Xuất xứ hàng hoá gắn liền với thương hiệu, chất lượng, uy tín, tên tuổi của quốc gia. Một trong những tiêu chí ảnh hưởng đến việc quyết định mua hay không mua hàng hoá, bán nhanh hay chậm hàng hoá là xuất xứ hàng hoá vì đó chính là thương hiệu, chất lượng, uy tín, tên tuổi của một quốc gia trên thương trường. Việc xác định và ghi xuất xứ đúng trên nhãn hàng hoá ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng giao dịch thương mại của hàng hoá và cũng đồng thời ảnh hưởng đến uy tín, tên tuổi của quốc gia xuất xứ. Xuất xứ hàng hoá cũng giữ vai trò giúp cho việc thực hiện chính sách thương mại được đúng hướng, đúng đối tượng áp dụng, nhằm thực hiện các chính sách thương mại của một quốc gia, các ưu đãi thuế quan theo thỏa thuận thương mại (song phương, đa phương) hoặc đơn phương khi hàng hóa được mua bán giữa các quốc gia. Trong thống kê thương mại, việc thống kê theo tiêu chí xuất xứ hàng hoá sẽ làm cơ sở hoạch định các chính sách ngoại thương của quốc gia, làm cơ sở khi thương thuyết, đàm phán quốc tế.

 Những qui định pháp luật được một quốc gia xây dựng hoặc thừa nhận và áp dụng để xác định xuất xứ hàng hoá cho mục đích nhất định được gọi là quy tắc xuất xứ hàng hoá. Hiệp định về qui tắc xuất xứ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) không đưa ra khái niệm chung về qui tắc xuất xứ mà lại đặt ra thuật ngữ Qui tắc xuất xứ ưu đãi và Qui tắc xuất xứ không ưu đãi và khái niệm: “Qui tắc xuất xứ không ưu đãi là luật pháp, qui định, quyết định hành chính được một quốc gia áp dụng để xác định xuất xứ hàng hoá”; “Qui tắc xuất xứ ưu đãi là luật pháp, qui định, quyết định hành chính được một quốc giá áp dụng để xác định hàng hoá có đủ tiêu chuẩn hưởng chế độ ưu đãi thuế quan trong thương mại”. Khoản 2, 3 Điều 3 Nghị định 19/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 của Chính phủ qui định chi tiết một số điều của Luật Thương mại Việt Nam về xuất xứ hàng hoá, cũng đưa ra 2 khái niệm về Qui tắc xuất xứ ưu đãi và Qui tắc xuất xứ không ưu đãi như sau: “Quy tắc xuất xứ ưu đãi” là các quy định về xuất xứ áp dụng cho hàng hóa có thoả thuận ưu đãi về thuế quan và ưu đãi về phi thuế quan; "Quy tắc xuất xứ không ưu đãi" là các quy định về xuất xứ áp dụng cho hàng hóa ngoài quy định tại khoản 2 Điều này (quy định về Quy tắc xuất xứ ưu đãi trên) và trong các trường hợp áp dụng các biện pháp thương mại không ưu đãi về đối xử tối huệ quốc, chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, hạn chế số lượng hay hạn ngạch thuế quan, mua sắm chính phủ và thống kê thương mại. Xuất xứ của hàng hoá được thể hiện trên giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O). Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 19/2006/NĐ-CP quy định “Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là văn bản do tổ chức có thẩm quyền thuộc quốc gia hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hóa cấp dựa trên những qui định và yêu cầu liên quan về xuất xứ, chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa”.  Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) có đặc điểm: C/O được cấp cho lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu cụ thể; C/O chứng nhận xuất xứ hàng hóa được xác định theo một qui tắc xuất xứ cụ thể và Qui tắc này phải được nước nhập khẩu chấp nhận và thừa nhận.

 Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng các mẫu C/O sau:  C/O cấp theo qui tắc xuất xứ không ưu đãi: C/O mẫu B (cấp cho hàng XK); C/O cho hàng cà phê (theo qui định của Tổ chức cà phê thế giới)... C/O cấp theo qui tắc xuất xứ ưu đãi: C/O mẫu A (cấp cho hàng XK đi các nước cho hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập GSP); C/O mẫu D (thực hiện Hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung CEPT giữa các nước ASEAN); C/O mẫu E (ASEAN - Trung Quốc); C/O mẫu AK (ASEAN - Hàn Quốc); C/O mẫu S (Việt Nam -Lào; Việt Nam - Campuchia); C/O hàng dệt thủ công mỹ nghệ (Việt Nam -EU); C/O mẫu AJ (ASEAN - Nhật Bản).

 

  • Tags: