Mất cân đối giữa nguyên liệu và sản xuất
Theo Dự thảo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2020, có xét đến 2025, với mục tiêu đáp ứng 70% nhu cầu tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, giai đoạn 2006-2010, tổng vốn đầu tư cho ngành giấy đạt hơn 38,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, công suất bột giấy chỉ bằng 21% công suất giấy. Nguyên nhân do việc đầu tư vào các nhà máy giấy dễ hơn nhà máy bột giấy rất nhiều. Vì vậy, đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất giấy với tổng công suất lên hơn hai triệu tấn/năm, trong khi tổng công suất bột giấy chỉ đạt 437.600 tấn/năm. Trong đó, các doanh nghiệp nhỏ lẻ công suất dưới 10.000 tấn/năm chiếm gần 82%.
Ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, hiện nay, đa số doanh nghiệp ngành giấy mất thế chủ động do còn phụ thuộc vào nguyên liệu bột giấy nhập khẩu. Sự phụ thuộc này đã khiến ngành giấy lao đao mấy năm qua khi giá bột giấy thế giới biến động mạnh.
Mặc dù giai đoạn 2005-2010 đã có nhiều dự án đầu tư nhà máy giấy và bột giấy được triển khai và đi vào hoạt động, nhưng nhìn chung hiệu quả rất thấp. Những nhà máy giấy vừa và nhỏ phát triển tràn lan, công nghệ thiết bị lạc hậu nên rất tiêu tốn nguyên liệu và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Một số dự án đầu tư sản xuất bột giấy có công suất tương đối lớn nhưng tiến độ chậm, không triển khai được, thậm chí phá sản (dự án giấy và bột giấy Kon Tum, giấy Thanh Hoá, giấy và bột giấy mở rộng Bãi Bằng giai đoạn hai). Tình trạng phá vỡ quy hoạch đã kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường đầu tư, đời sống việc làm người lao động ở nhiều địa phương và sự mất cân bằng giữa nguyên liệu và sản xuất. Hậu quả không chỉ nhà máy giấy khó khăn vì thiếu nguyên liệu mà các công ty nguyên liệu giấy cũng lao đao vì không có nơi tiêu thụ.
Giải pháp tình thế của nhiều doanh nghiệp là xuất khẩu gỗ nguyên liệu dưới dạng dăm mảnh trong khi các nhà máy giấy phải đôn đáo lo ngoại tệ để nhập khẩu bộtc giấy. Hiện nay, lượng dăm mảnh xuất khẩu đạt 2,4 triệu tấn/năm, tương đương 1.500 tấn bột giấy. Năm 2010, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu dăm mảnh trong khi bột giấy nội địa sản xuất chỉ đạt 26,63% nhu cầu.
Nỗi lo công nghệ lạc hậu
Vấn đề lo ngại nhất hiện nay là công nghệ sản xuất giấy và bột giấy ở Việt Nam còn quá lạc hậu. Trong số hơn 300 doanh nghiệp sản xuất giấy, có tới hơn 32% doanh nghiệp nhỏ hiện đang sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị, bên cạnh việc yêu cầu các nhà máy giấy đẩy mạnh đầu tư cải tiến thiết bị công nghệ thì cần siết chặt cấp phép đầu tư các nhà máy bột giấy.
Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho rằng, chúng ta nói nhiều đến mất cân đối giữa nguyên liệu và sản xuất bột giấy, nhưng ở góc độ khoa học, nhà máy bột giấy tác động rất xấu tới môi trường. Ngoài ra cần rà soát lại các dự án bột giấy trên cơ sở nguyên liệu, thị trường, giao thông, tiến tới loại bỏ những dự án gây ô nhiễm
Về vấn đề này, các chuyên gia ngành giấy cho rằng, cần phát triển hài hòa giữa giấy và bột giấy để giành thế chủ động trong sản xuất kinh doanh giấy, nhất là khi thị trường thế giới biến động mạnh. Để tránh tình trạng “không quản được thì cấm”, Nhà nước nên xây dựng hàng rào kỹ thuật về công nghệ nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường. Nếu doanh nghiệp vượt qua hàng rào đó thì có quyền tồn tại và phát triển.
Cần chính sách hợp lý
Xu thế sử dụng nguyên liệu giấy đã qua sử dụng để tái chế là một trong những giải pháp có thể hạn chế ô nhiễm nhưng vẫn bảo đảm nhu cầu giấy cho thị trường. Hiện nay, tỷ sản xuất bột giấy từ giấy loại ở Việt Nam chiếm 65-70%, trong đó giấy gom trong nước khoảng 32%. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự đầu tư hợp lý vào công nghiệp chế biến giấy loại nên giá trị sản phẩm tái chế thấp, chủ yếu để sản xuất giấy vàng mã.
Ông Vũ Ngọc Bảo kiến nghị, Nhà nước cần miễn thuế cho hoạt động thu gom, buôn bán giấy đã qua sử dụng. Đồng thời, cần sớm ban hành quy định chỉ sử dụng giấy có độ trắng 82-85 ISO đối với sách học tập, vở, giấy văn phòng để hạn chế sử dụng chất tẩy trong ngành công nghiệp giấy.
Hiện nay, sự hỗ trợ của Nhà nước đối với ngành giấy còn chưa rõ ràng, cào bằng giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ; địa điểm xây dựng nhà máy giấy lại càng khó khăn do các địa phương từ chối vì sợ ô nhiễm môi trường. Vốn đầu tư cũng là bài toán hóc búa với các doanh nghiệp. Trong khi đó, do khả năng thu hồi vốn chậm, sản phẩm giấy lại không thuộc nhóm hàng Nhà nước ưu tiên nên việc vay vốn ngân hàng rất khó khăn. Những tiêu chí về chất thải và nước thải cũng chưa phù hợp gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất. Một số cơ chế chính sách chung lại chưa hợp lý.
Giấy là mặt hàng đặc biệt mang tính xã hội cao, đối tượng hưởng thụ lớn. Ngành sản xuất giấy có những đặc trưng riêng về công nghệ, dây chuyền thiết bị, vì vậy, trong thời gian tới cần rà soát lại và chấn chỉnh việc thực hiện quy hoạch ngành giấy, tránh tình trạng đầu tư thiếu khoa học, chú trọng lợi ích trước mắt như hiện nay. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi và tạo điều kiện cho vay vốn đầu tư tín dụng, vốn ODA để phát triển vùng nguyên liệu, cung cấp ổn định nguồn nguyên liệu cho các nhà máy.
Tìm lối ra cho ngành giấy
TCCT
Thị trường giấy Việt Nam mấy năm qua đã diễn ra tình trạng cạnh tranh gay gắt, phần lớn doanh nghiệp mất thế chủ động về nguyên liệu sản xuất bột giấy, và rơi vào vòng luẩn quẩn “xuất thô-nhập tinh”,