TIN TỨC - SỰ KIỆN
CPI quý 1/2011 ước tăng 6,1%
Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và triển khai thực hiện kế hoạch năm 2011 của Chính phủ đưa ra dự báo CPI quý 1 ước tăng 6,1%. Báo cáo của Chính phủ vừa được chuyển đến các đại biểu Quốc hội khóa XII dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2011 ước tăng 6,1% so với tháng 12/2010. Như vậy, mức dự báo cho CPI tháng 3 tăng khoảng 2,2% và tính bình quân, CPI quý 1/2011 ước tăng khoảng 12,8% so với cùng kỳ năm 2010. "Nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng tăng, ngoài những yếu tố làm tăng giá trong năm 2010 đã nêu ở trên thì tình hình khủng hoảng chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông đẩy giá dầu thô và giá các nguyên vật liệu chủ yếu trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao hơn; những áp lực về nợ công và lạm phát ở nhiều nước trên thế giới tiếp tục nặng nề thêm. Ở trong nước, bên cạnh việc gia tăng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Tân Mão, việc tăng lãi suất tín dụng, tăng tỷ giá ngoại tệ, tiếp tục tăng giá điện, than, xăng dầu,… vừa làm tăng chi phí đầu vào, vừa gây yếu tố tâm lý đẩy giá cả thị trường lên cao hơn", báo cáo của Chính phủ cho hay. Đánh giá về thị trường chứng khoán, báo cao cho hay, thị trường khá sôi động trong những ngày đầu tháng 2/2011 với chỉ số VN-Index đạt đỉnh 522,6 điểm nhờ những thông tin tích cực về triển vọng của nền kinh tế, như: sản xuất công nghiệp tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao tương đương với thời kỳ trước khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới; xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng cao, nhập siêu giảm; khu vực dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ; sản xuất nông nghiệp, tuy chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn đạt khá;… "Tuy nhiên, những bất ổn chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông, kinh tế thế giới phục hồi chậm. Ở trong nước kinh tế vĩ mô chưa ổn định, giá cả thị trường tăng cao,.. làm cho thị trường trầm lắng và chỉ số VN-Index giảm xuống dưới mức 500 điểm", báo cáo của Chính phủ đánh giá. (NDHMoney 18/3)

Khâu phân phối cũng tạo sức ép lạm phát
Thời điểm này, giá bán nhiều loại lương thực – thực phẩm đã có mức chênh lệch khá cao giữa nơi sản xuất và nơi tiêu dùng. Điều này cho thấy khâu phân phối chưa được kiểm soát hiệu quả. Thực tế cho thấy, khâu phân phối cũng tạo sức ép lên lạm phát do chưa được quan tâm đúng mức. Theo khảo sát của Sở NN&PTNT Hà Nội, giá lợn xuất chuồng tại khu vực ngoại thành đã giảm 10% so với dịp Tết Nguyên đán. Nhưng giá thịt lợn bán đến tay người tiêu dùng vẫn chưa giảm và còn ở mức cao. Trong khi người dân TPHCM phải chịu chi phí cao vô lý cho bữa ăn thì giá nhiều loại lương thực – thực phẩm thấp hơn kinh phí sản xuất. Những bất cập này là do quãng đường từ trang trại đến bàn ăn phải đi qua nhiều khâu trung gian. Thương lái có thể áp đặt giá thu mua nguyên liệu nông sản. Các điểm bán lẻ cũng có quyền áp giá bán cho người tiêu dùng. Các khâu trung gian đang chi phối đến giá hàng hóa. Người sản xuất, tiêu dùng đều chưa thể sử dụng quyền năng của mình để điều chỉnh thị trường. Lương thực – thực phẩm là nhóm hàng có tỷ trọng cao trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng. Sự chênh lệch giữa giá cả từ trang trại và bàn ăn cũng tạo sức ép lạm phát đối với nền kinh tế. Song giải quyết sự méo mó, bất hợp lý trong khâu phân phối không đơn giản. Bởi nhiều mặt hàng hiện được cung cấp cho người tiêu dùng qua hệ thống chợ truyền thống. Điều này khiến cơ quan quản lý không đủ nhân lực và vật lực để theo dõi thường xuyên. Nhiều chuyên gia đề nghị, trước mắt, cần phát triển hệ thống phân phối của một số doanh nghiệp lớn tại các đô thị. Và tận dụng các điểm bán hàng bình ổn giá để định hướng thị trường. Cách làm này không mới nhưng sẽ giúp người tiêu dùng mua được hàng hóa ở mức giá hợp lý hơn. Sử dụng các doanh nghiệp phân phối cũng tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý trong quá trình theo dõi và điều chỉnh diễn biến thị trường. Hơn nữa, diễn biến chỉ số giá tiêu dùng tại thành phố Hà Nội và TPHCM hiện có tác động lớn đến giá cả tại các địa phương khác trên cả nước. Nhưng khó khăn đặt ra là: xây dựng một hệ thống phân phối chuyên nghiệp đòi hỏi sự vận động của mọi khâu trong chuỗi sản xuất từ trang trại đến bàn ăn. Bởi nhìn chung quy mô sản xuất tại nước ta còn nhỏ lẻ, nên không thể cung cấp lượng hàng hóa lớn, với chất lượng đồng đều. Đặc điểm này khiến doanh nghiệp phân phối khó có thể tiếp cận mọi nguồn cung cấp hàng hóa, qua đó, rút ngắn khoảng cách giữa sản xuất và tiêu dùng. Các chuyên gia đề nghị, về lâu dài, các cơ quan chức năng cần tích cực vào cuộc để chấn chỉnh hoạt động của thương lái; hỗ trợ người dân chuyển đổi mô hình sản xuất. Thực tế, phần lớn nông sản bị ép giá đều rơi vào những hộ nông dân không có hợp đồng bao tiêu đầu ra, phải phụ thuộc vào báo giá của một số thương lái. Ngược lại, nhiều hộ nông dân tham gia hợp tác xã nông nghiệp đã có hợp đồng bao tiêu với siêu thị, công ty phân phối lớn... nên giá đầu ra ổn định và bảo đảm cho người trồng có lãi. (Báo Văn Hóa Online 18/3)

TKV tăng giá bán than cho điện: Biên độ tăng lớn?
Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã công bố tăng giá bán than cho các nhà máy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Phó Tổng giám đốc TKV Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mặc dù giá than tăng nhưng so với thời điểm hiện nay, giá bán than cho sản xuất điện mới chỉ bằng 50-60% so với giá thành năm 2009 và bằng 70% so với giá thành năm 2010. Ông Hùng lý giải, dù đây là thời điểm nhạy cảm, nhưng giá bán than cho điện buộc phải tăng không thể trì hoãn thêm nữa. Với mức tăng vừa quyết định, ngành than cũng vẫn chưa đủ vốn để tái sản xuất chứ chưa nói đến đầu tư để phát triển; ngành than vẫn còn phải đi vay. “Việc giá than có tăng nữa hay không trong năm 2011 còn phụ thuộc vào ý kiến của Chính phủ”. Lãnh đạo TKV cũng cho biết, mức tăng giá lần này đã có sự thống nhất cùng EVN với lý do là nhằm giảm bớt sự bù lỗ, tiến tới có lãi để tái đầu tư. Hiện nay, giá bán than cho các nhà máy điện của EVN tương đương với giá bán than cho các nhà máy điện của TKV. Sắp tới, TKV cùng đang cân nhắc để điều chỉnh giá bán cho các hộ khác do chi phí đầu vào ngành than tăng đẩy giá thành sản xuất than tăng cao. Dự kiến với sản lượng than bán cho các nhà máy điện khoảng 11 triệu tấn, thì giá than bán cho điện còn thấp hơn giá thành khoảng 3.500 tỷ đồng. Như vậy, là 3 “ông lớn” đã chính thức điều chỉnh giá. Mặc dù việc điều chỉnh giá được các cán bộ đầu ngành đánh giá là “bất khả kháng”, là “không thể trì hoãn”, nhưng theo quan điểm của một số chuyên gia kinh tế: dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng không ít người không sốc. Vì tỷ lệ điều chỉnh mỗi lần là quá cao. Chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan còn cho rằng, “các ngành vẫn kêu lỗ mặc dù đã tăng, như vậy, chắc sẽ còn những lần điều chỉnh khác nữa”. “Ông nào cũng tính riêng phần của mình. Phải tính đến bài toán, mỗi ngành chịu thiệt một ít để lo cho lĩnh vực khác”. Nếu không vòng xoáy tăng giá sẽ ngày càng phức tạp hơn. (Đại Đoàn Kết 17/3)

Phần 1: Tin công nghiệp
ĐIỆN LỰC
Vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm từ 1/7
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến giao Bộ Công Thương hoàn thành hệ thống văn bản quy định cần thiết cho vận hành thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam trước ngày 30/6 để đảm bảo mục tiêu đưa vào vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm vào ngày 1/7. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu hoàn chỉnh đề án tái cơ cấu ngành điện trong tháng 3, báo cáo Thường trực Chính phủ; nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập hội đồng điều tiết điện lực quốc gia, trình Thủ tướng xem xét phê duyệt trong quý 4/2011. Căn cứ vào tình hình chuẩn bị thị trường điện và kết quả vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm, bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định và công bố thời điểm bắt đầu vận hành chính thức thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam. (Tuổi Trẻ 18/3)

Phân bổ điện theo “hạn ngạch” có đảm bảo công bằng?
15/3, thành phố Hải Phòng phê duyệt Kế hoạch phân bổ sản lượng điện cho các khách hàng trọng điểm và các quận huyện trong tháng 3. Làm việc với báo chí chiều 15/3, ông Trần Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hải Phòng cho hay, mùa khô năm 2011 sẽ thiếu điện trầm trọng, tới 3-4 tỷ kWh điện, tức là gấp 3 lần lượng điện thiếu hụt của năm 2010 (khoảng 900 triệu đến 1 tỷ kWh). Vì lý do này, Ban chỉ đạo cung ứng điện Hải Phòng đã được thành lập sớm và xây dựng kế hoạch phân bổ điện cho 14 quận huyện và 67 doanh nghiệp trọng điểm (mức tiêu thụ điện trên 3 triệu kWh/ngày) với tỷ lệ phân bổ là 83% nhu cầu tiêu thụ điện và dàn đều cho 30-31 ngày/tháng. Dựa trên các tiêu chí chung của Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo đưa ra 3 tiêu chí riêng để tính định mức phân bổ. Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Có thông tin sẽ dồn điện cho sản xuất và cắt mạnh tay ở khu vực dân cư không?”, ông Quỳnh cho biết “Trong tháng 3 và 4, thời tiết mát mẻ nên sẽ tiết giảm điện nhiều hơn ở khu dân cư, tập trung cho sản xuất. Nhưng sang tháng 5, sẽ ưu tiên điện cho khu dân cư, phục vụ cho việc ôn thi, sự kiện Bầu cử đại biểu Quốc hội. Mục tiêu là đủ điện cho khu vực sản xuất nhưng cũng sẽ đảm bảo điện cho đời sống dân sinh”. Với sản lượng điện phục vụ sản xuất của hơn 1 vạn doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo Điện lực Hải Phòng, chi nhánh điện tại các địa phương sẽ trực tiếp phân bổ. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, họ bị “ép” kí vào bản Hợp đồng cam kết phải tiết giảm 30-50% nhu cầu điện tiêu thụ. Theo phương án của công ty Điện lực Hải Phòng, công thức tính sản lượng điện phân bổ theo ngày là, lấy tổng của phép cộng giữa sản lượng điện bình quân 6 tháng đầu năm 2010/ngày với sản lượng điện phát sinh do mở rộng sản xuất nhân với tỷ lệ phân bổ (%). Tuy cách tính phân bổ điện của các chi nhánh điện là đồng nhất với công thức tính của Điện lực Hải Phòng. Nhưng khó có thể đảm bảo tất cả mọi doanh nghiệp được phân bổ điện một cách công bằng. Điều doanh nghiệp băn khoăn là, qua mỗi khâu xác định các biến số, liệu có đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong sản lượng điện và tỷ lệ phân bổ? Hay cách tính này lại là "cơ chế mở" để tiếp diễn tình trạng mua bán hạn ngạch điện, như đã từng có nghi vấn xảy ra trong mùa khô trước. (Đầu Tư 18/3)

Các hồ thủy điện tại Tây Nguyên đều thiếu nước
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ nay đến hết tháng 5, lượng mưa tại khu vực Tây Nguyên sẽ rất thấp. Khô hạn kéo dài đã gây khó khăn cho gieo trồng và các nhà máy thủy điện. Nguồn nước về các hồ chứa dự báo còn thấp hơn từ 10 - 50% so với cùng kỳ. Mực nước hồ thủy điện Yaly đang ở mức 498m, chỉ cao hơn mực nước chết gần 9m. Đây là mức nước thấp nhất của hồ nước lớn nhất tại khu vực Tây Nguyên. Hồ thủy điện Sesan 3 cũng chỉ đạt 304,5m, trên mực nước chết 1,3m. (Đại Biểu Nhân Dân 18/3)

Khi nào hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện
Kể từ 1/3, mọi đối tượng sử dụng điện phải tính theo mức giá mới do Chính phủ quyết định. Với các hộ nghèo, Chính phủ thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện với mức 30.000đ/tháng. Để thực hiện chính sách đã công bố, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã sớm có thông báo gửi về các địa phương, quy định: Trong 30 ngày (kể từ 1/3) hộ nghèo ở các địa phương phải trực tiếp liên hệ với ngành điện lực để đăng ký danh sách, ngành đã có mẫu đăng ký thực hiện chính sách hỗ trợ giá điện dành cho các hộ nghèo. Vậy nhưng, chỉ đơn phương hộ nghèo tự kê khai là chưa bảo đảm cơ sở pháp lý. Bởi vậy cho dù các hộ dân đã kê khai theo biểu mẫu của EVN nhưng chưa có xác minh của chính quyền địa phương thì không thể thực hiện việc hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo. Cho đến thời điểm hiện nay, ngành điện lực các địa phương vẫn chưa có danh sách cụ thể hộ nghèo của từng đơn vị cấp xã. Công việc này thuộc về trách nhiệm chính quyền các địa phương. Trong khi ngành điện lực đang “tiến thoái lưỡng nan” về việc xác định hộ nghèo thì đại diện Bộ LĐ-TB&XH lại đưa ra ý kiến ngược với EVN; các hộ nghèo không phải làm đơn đăng ký nhận hỗ trợ tiền điện và đề xuất cách làm mới: toàn bộ khoản hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo sẽ được EVN bàn giao cho Bộ Tài chính, sau đó Bộ Tài chính chuyển cho Bộ LĐ-TB&XH, tiếp đó Bộ LĐ-TB&XH chuyển cho UBND các tỉnh, UBND các tỉnh chịu trách nhiệm chuyển về cho UBND các xã và chính quyền cấp xã có trách nhiệm chuyển tiền hỗ trợ điện cho từng hộ nghèo. Cơ chế đó đang được các bộ bàn thảo. Cả nước hiện có hơn 3 triệu hộ nghèo thuộc diện thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền điện. Tiền điện theo giá mới thực hiện từ 1/3, “rình rang” như vậy, hộ nghèo bao giờ mới nhận được khoản hỗ trợ tiền điện? (Đại Đoàn Kết 17/3)

DẦU KHÍ
Long An: Buôn lậu xăng dầu qua biên giới vẫn phức tạp
Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Long An, tuy giá xăng trong nước đã điều chỉnh, nhưng vẫn còn chênh lệch từ 2.000-3.000 đồng so với Campuchia, nên tình trạng mua bán xăng dầu qua biên giới vẫn còn phức tạp. Các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh cho biết, chủ yếu là những người dân sống dọc theo tuyến biên giới hàng ngày mua 5-10 lít xăng đem về nhà dự trữ, rồi lợi dụng khi không có lực lượng chống buôn lậu tuần tra dùng xe máy, xe đạp hoặc vác bộ băng đồng ruộng đưa sang biên giới tiêu thụ. Thậm chí, một số bà con sinh sống ở biên giới có hệ thống đường thủy tiếp giáp biên giới lợi dụng khi nước lớn, mua xăng đựng vào can, thả xuống sông, lấy lục bình che phủ để đưa qua biên giới, mỗi lít kiếm lời từ 2.000-2.500 đồng. Chỉ tính từ đầu tháng 2 đến nay, các lực lượng chống buôn lậu Long An đã tịch thu hơn 3.000 lít xăng dầu. Hiện các ngành chức năng đang phối hợp tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát dọc theo tuyến biên giới, giám sát việc kinh doanh của các cây xăng ở các huyện biên giới, quy định giờ bán từ 6 giờ đến 18 giờ; đồng thời yêu cầu các chủ cây xăng phải cam kết không được tiếp tay cho buôn lậu, nếu sai phạm sẽ bị phạt và thu hồi giấy phép kinh doanh. (Tin Tức 17/3)

KHAI KHOÁNG
Việt Nam và Lào hợp tác khảo sát khoáng sản
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào và Công ty Trách nhiệm hữu hạn hợp tác khoáng sản Lào -Việt Nam đã ký hợp đồng khảo sát thạch cao tại khu vực bản Tưng, huyện Xêbăngphay thuộc tỉnh Khăm Muộn của Lào. Dự án khảo sát thạch cao tại khu vực bản Tưng có diện tích trên 4,7km2, với trữ lượng khoảng 2,2 triệu tấn và vốn đầu tư 700.000 USD. Đây là một mỏ thạch cao có trữ lượng lớn nằm gần quốc lộ 13 nên rất thuận lợi cho thăm dò khai thác. Đại diện Công ty TNHH hợp tác khoáng sản Lào - Việt Nam cam kết công ty sẽ đảm bảo khảo sát đúng tiến độ, đúng pháp luật của Lào, bảo vệ môi trường và góp phần tăng cường quan hệ giữa hai nước. (Đại Biểu Nhân Dân 18/3)

CƠ KHÍ - HÓA CHẤT
Giá phân bón tăng 17% trong vòng 1 tháng
Chỉ trong vòng 1 tháng, giá phân bón trên thị trường các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long có mức tăng từ 10-15%. Giá phân urê Phú Mỹ tại chợ Sóc Trăng vào giữa tháng 2 là 9.000 đồng/kg thì đến giữa tháng 3 đã tăng lên đến 10.500 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg (tương đương tăng 17%) chỉ trong vòng 1 tháng. Các loại phân bón khác như phân DAP Trung Quốc, phân NPK Cò Pháp, phân clorua kala Trung Quốc cũng đều có mức tăng mạnh 1.000 đồng/kg. Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, giá phân bón trên thị trường các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long có mức tăng từ 10-17%. Nguyên nhân do giá phân bón nhập khẩu tăng cao đã kéo giá phân bón sản xuất trong nước tăng theo. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tháng 2/2011, khối lượng phân bón nhập khẩu đạt 520.000 tấn, tăng khoảng 3% nhưng giá trị lại tăng tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt khác, giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón cũng tăng. Giá lưu huỳnh tăng từ 189 USD/tấn lên 230 USD/tấn, giá SA nhập khẩu vào khoảng 4,5 triệu/tấn, tăng gần gấp đôi so với thời điểm thấp nhất của 3 tháng trước, giá quặng apatit tăng lên 7%. Theo ông Nguyễn Đình Hạc Thuý - Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cả nước đang bước vào vụ Đông Xuân nên nhu cầu sử dụng phân bón tăng cao. Khi vụ Đông Xuân kết thúc, giá phân bón sẽ hạ nhiệt. (DVT.vn 17/3)

VẬT LIỆU XÂY DỰNG
Không để vật liệu xây dựng tăng giá bất hợp lý
Bộ Xây dựng yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng thuộc Bộ tiết kiệm và giảm tối đa các chi phí trung gian để giảm giá thành, không tăng giá bất hợp lý. Đó là nội dung báo cáo của Bộ này trong việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về chống lạm phát vừa gửi Văn phòng Chính phủ. Cùng với đó, Bộ Xây dựng yêu cầu các doanh nghiệp kiểm soát chặt hệ thống phân phối để ngăn chặn tình trạng đầu cơ. Công khai, minh bạch giá bán và tỉ lệ chiết khấu cho các đại lý, nhất là đối với xi măng. Hạn chế nhập khẩu vật liệu xây dựng nếu trong nước đã sản xuất được. Đồng thời, Bộ yêu cầu các doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu vào, chủ động về nguồn cung cấp nguyên, nhiên vật liệu để sản xuất ổn định. (Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh 18/3)

CÔNG NGHIỆP TIÊU DÙNG VÀ CHẾ BIẾN
Hiệp hội lương thực lại hạ giá sàn gạo xuất khẩu
Do ảnh hưởng từ sự giảm giá của thị trường gạo thế giới, liên tục từ cuối tháng Hai tới nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã hai lần giảm giá sàn gạo xuất khẩu. Giá gạo 5% tấm đang từ 520 USD/tấn nay giảm xuống còn 480 USD/tấn; gạo 25% tấm từ 490 USD/tấn nay xuống còn 460 USD/tấn. Tuy nhiên, đánh giá của VFA cũng như của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần, thị trường gạo sẽ phục hồi trong thời gian tới.Theo Thứ trưởng Tần, hiện nay khó khăn nhất của xuất gạo Việt Nam chính là từ thị trường Philippines - nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam thay đổi chính sách nhập khẩu. Thay vì mua một lượng lớn theo hợp đồng cấp Chính phủ giữa hai nước như trước đây, nay Philippines cho thương nhân mua trước rồi lấy giá mua này làm cơ sở đàm phán cho hợp đồng cấp Chính phủ. Nhưng với tình hình hiện tại, các chuyên gia trong ngành nhận định việc Philippines nhập khẩu gạo từ Việt Nam chỉ là sớm hay muộn mà thôi nên các doanh nghiệp không nên căng thẳng. Ngoài ra, thời gian gần đây doanh nghiệp Việt Nam còn ký được một số hợp đồng xuất khẩu gạo sang Malaysia, Indonesia... Hiện nay, Việt Nam đang bước vào vụ mùa thu hoạch nên một số đối tác có ý chần chờ để làm giá. Trước tình hình giá lúa gạo trong nước, sáng 17/3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã làm việc với Cục Trồng trọt bàn biện pháp không để lúa gạo tiếp tục rớt giá, trong đó việc đẩy mạnh mua tạm trữ để điều hòa thị trường là giải pháp được tính tới. (Thông Tấn Xã Việt Nam 17/3)

Nhật Bản hợp tác thu mua, chế biến, xuất khẩu cá ngừ tại Phú Yên
Ngày 17/3, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư Phú Yên và ông Kensaku Matsumoto- Giám đốc Công ty Rakuichi Broadband Solution Co, Ltd, đại diện bốn công ty tại Nhật Bản đã ký bản thỏa thuận khung về hợp tác thu mua, chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương. Theo đó, hai bên thống nhất trong quý 3/2011 sẽ thành lập một công ty liên doanh tại tỉnh Phú Yên với mục tiêu thu mua, chế biến, bảo quản, xuất khẩu và xây dựng thương hiệu cá ngừ đại dương tỉnh Phú Yên nhằm nâng cao chất lượng, ổn định giá cả, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ quyền lợi cho ngư dân Phú Yên và vùng phụ cận. Bên các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ đưa vào Việt Nam hai chiếc tàu đông lạnh nhằm mục đích sơ chế, bảo quản cá ngừ; cung cấp lương thực, xăng, dầu và nhu yếu phẩm cần thiết cho ngư dân đánh bắt dài ngày trên biển; bảo đảm về mặt kỹ thuật, huấn luyện và chuyển giao công nghệ đánh bắt tiên tiến cho ngư dân Phú Yên; cam kết là đầu mối tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm của công ty liên doanh; giá khung mục tiêu thu mua cá ngừ đại dương cho ngư dân Phú Yên được ấn định từ 12 – 20 USD/kg theo lộ trình hoạt động; xây dựng thương hiệu cá ngừ đại dương tỉnh Phú Yên theo lộ trình hoạt động. (Nhân Dân 18/3)

Khoảng trống thị trường cà phê trong nước
Thế giới biết tới Việt Nam như nước sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Brazil. Trong xu hướng cà phê nhân lên giá trong vài năm trở lại, các doanh nghiệp mải mê với xuất khẩu mà để quên thị trường nội địa sau lưng. Theo thống kê của ICO, tỷ trọng tiêu thụ cà phê ở thị trường nội địa của Việt Nam trong năm qua chỉ chiếm chưa đến 1/10 tổng sản lượng, tương đương 1,6 triệu bao (loại 60kg). Trong nước, theo Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), phần lớn cà phê xuất khẩu hiện nay là cà phê nhân, tức cà phê tươi sau khi hái được chế biến đơn giản. Các doanh nghiệp mua cà phê nhân và bán lại cho các tập đoàn kinh doanh nông sản hoặc thực phẩm lớn trên thế giới, nơi mà cà phê nhân sẽ được chế biến, đưa thêm giá trị gia tăng vào sản phẩm thông qua chế biến bán thành phẩm hay thành phẩm như cà phê hoà tan, mang lại lợi nhuận cao hơn. Trong khi đó, ở lĩnh vực chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan có giá trị gia tăng cao, cả nước hiện nay chỉ có 4 doanh nghiệp chế biến cà phê bột vừa phục vụ thị trường trong nước vừa xuất khẩu gồm Vinacafe Biên Hoà, Trung Nguyên, Nestlé và công ty Olam với công suất chế biến mỗi năm đạt khoảng 10.000 tấn, tương đương 30.000 tấn cà phê nhân, tức chỉ chiếm gần 3% tổng sản lượng cà phê nhân. Nhiều chuyên gia nước ngoài nhận xét, thị trường nội địa với gần 90 triệu dân, mà phần đông là dân số trẻ là một lợi thế rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam. Nhưng cho đến nay, thị trường nội địa vẫn còn là mảnh đất mà ít doanh nghiệp có thể đặt lên đó một nền móng vững chắc. Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho sự kém sôi động của tiêu dùng cà phê nội địa, từ văn hoá uống trà còn đọng lại trong số đông người tiêu dùng tuổi trung niên trở lên, cho đến kỹ năng kinh doanh, xây dựng chiến lược, thương hiệu… của nhiều doanh nghiệp trong nước còn yếu kém. Các doanh nghiệp từ lâu đã quen mua bán nông sản thô, tham gia các sàn giao dịch quốc tế, chỉ trông đợi những lúc thị trường biến động, “có sóng” để kiếm lợi nhuận. Giám đốc một doanh nghiệp trong nhóm các nhà chế biến xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam năm qua cho biết trước mắt các doanh nghiệp nội địa tập trung vào việc mở rộng thị trường, bán cà phê nhân trực tiếp cho các nhà sản xuất cà phê rang xay ở Trung Quốc, Mỹ, Nga và một số nước châu Á thay vì bán qua trung gian là các công ty thương mại như hiện nay. Các công ty này sau đó sẽ trộn thêm cà phê chè (Arabica) và pha tẩm theo khẩu vị để phục vụ cho tầng lớp tiêu dùng trẻ tiêu thụ cà phê ngày càng nhiều. Còn nhắc đến thị trường nội địa, “chúng tôi vẫn phải chờ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa mạnh lên!”, ông này nói. Theo ý kiến chuyên gia, đầu tư sản xuất cà phê hòa tan nằm trong khả năng của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam hiện nay như Tổng công ty cà phê, công ty Intimex, tập đoàn Thái Hòa... Theo Vicofa, nhà máy có dây chuyền chế biến cà phê hoà tan hiện đại công suất trung bình 4.000 tấn/năm cần vốn đầu tư khoảng 45 triệu đô la Mỹ. Thế nhưng, nắm trong tay nguyên liệu và thiết bị không quyết định được thành công trong kinh doanh. Thất bại trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm là bài học trong quá khứ của một số doanh nghiệp. Ông Huỳnh Việt Thắng - Giám đốc kinh doanh Công ty Cafe Outspan thuộc tập đoàn Olam cho biết thời gian qua đã có một số công ty cà phê trong nước tìm đến hỏi mua cà phê bột nguyên chất để về trộn thêm một số thành phần khác rồi đóng gói, nhãn mác, đưa ra thị trường, nhưng sau đó lại ngưng không mua tiếp vì tiêu thụ gặp khó. “Nhu cầu trong nước đã có và hứa hẹn sẽ phát triển mạnh trong tương lai. Nhưng vướng mắc lại nằm ở khâu xây dựng thương hiệu, xây dựng mạng lưới kinh doanh, vì đòi hỏi đầu tư tốn kém, hiệu quả thì không thể thấy trong ngắn hạn, lại còn phải cạnh tranh không cân sức với nhiều tên tuổi nước ngoài. Trong khi đó, ở ngoài xã hội, người từ tuổi trung niên trở lên vẫn quen uống trà và người tiêu dùng trẻ thường chuộng các thương hiệu nước ngoài”, ông nói. (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn 17/3)

ĐIỆN TỬ
Năm 2011, thanh tra diện rộng nhóm hàng điện, điện tử
Tin từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học - công nghệ cho biết, năm 2011, Thanh tra Bộ Khoa học & Công nghệ sẽ thanh tra diện rộng chuyên đề về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với nhóm sản phẩm hàng điện, điện tử trên phạm vi toàn quốc. Thanh tra Khoa học & Công nghệ cũng tăng cường kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, phối hợp với các cấp, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Riêng trong lĩnh vực Khoa học & Công nghệ, lực lượng này sẽ đẩy mạnh việc thanh tra các đề tài, dự án đáp ứng yêu cầu quản lý và cần quan tâm đối với hoạt động của các tổ chức Khoa học & Công nghệ tại địa phương. (Hà Nội Mới 18/3)

Phần 2: Tin Thương mại
XUẤT NHẬP KHẨU
Xuất hàng vào Nhật bắt đầu trục trặc
Thảm họa động đất, sóng thần và nguy cơ hạt nhân tại Nhật Bản, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, khiến không ít doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khi hoạt động xuất nhập ngưng trệ. Chưa đầy một tuần, hàng loạt các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực (cà phê, hồ tiêu, cao su…) đồng loạt rớt giá. Những nhóm hàng khác như đồ gỗ, dệt may, da giày... cũng bắt đầu gặp trục trặc. Theo Thứ trưởng NN&PTNT Lương Lê Phương, sự cố động đất, sóng thần vừa qua ở Nhật Bản đã ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng thời gian tới chắc chắn các đối tác sẽ giảm đơn hàng. Ông Phương khuyến cáo các doanh nghiệp thủy sản phải có hướng tìm kiếm thị trường mới thay thế. Phía doanh nghiệp nông sản, ông Phạm Quang Vũ, Tổng giám đốc Vinacafé Biên Hòa cho biết, thị trường chính của Cà phê Biên Hòa là Mỹ và Trung Quốc, Nhật chỉ nhập khối lượng không nhiều cà phê rang xay, nhưng cũng không khỏi lo tác động về giá. Rõ nhất là giá cà phê nhân trong nước liên tiếp giảm những ngày qua. Năm 2010, Việt Nam đã xuất sang Nhật 53.052 tấn cà phê, chiếm khoảng 5% tổng lượng xuất khẩu. Gây lo ngại nhất hiện là cao su, bởi Nhật Bản là nơi tiêu thụ cao su lớn nhất nhì thế giới. Theo ông Phan Tấn Hải, Phó Chủ tịch hội doanh nhân trẻ (thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam), lượng cao su xuất khẩu sang Nhật chỉ chiếm 3 - 5% tổng sản lượng cao su xuất khẩu nước ta. Dưới góc độ nào đó thì không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, giá mặt hàng này lại chịu biến động chung của thị trường thế giới, mà giá cao su giao dịch trên sàn Tocom (Nhật Bản) giảm mạnh những ngày qua đã kéo giá mặt hàng này “tụt dốc” hằng ngày. (Đất Việt 18/3)

Việt Nam tăng nhập khẩu gỗ cứng Mỹ
Theo Hội đồng xuất khẩu gỗ cứng Mỹ (Ahec), trong năm nay Việt Nam có thể sẽ tiếp tục giữ vị trí là nước nhập khẩu gỗ cứng lớn thứ 2 ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Khác với Trung Quốc, Việt Nam chủ yếu nhập gỗ cứng có chất lượng cao để làm hàng nội thất xuất khẩu. Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, ông John Chan Jick Chun, giám đốc vùng Đông Nam Á và Trung Quốc của Ahec cho biết, trong năm 2010 Việt Nam đã nhập khẩu một khối lượng gỗ cứng có giá trị 150 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 50 triệu đô la Mỹ so với năm trước, đứng thứ 2 khu vực châu Á, chỉ sau Trung Quốc. “Kim ngạch nhập khẩu gỗ sau khi giảm nhẹ trong năm 2009-2010 do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đã tăng trở lại và có thể sẽ duy trì đà tăng từ một đến hai năm tới.” ông nói. Trung Quốc hiện nay là nhà nhập khẩu lớn nhất của hội đồng xuất khẩu gỗ cứng Mỹ, nhưng theo ông Chun, quốc gia này chủ yếu nhập khẩu các loại gỗ mềm, giá trị thấp dùng trong lĩnh vực xây dựng. Còn Việt Nam chủ yếu nhập khẩu gỗ cứng để làm ra các sản phẩm nội thất có chất lượng cao, xuất đi các thị trường Mỹ, Nhật, các nước châu Âu. Một lý do nữa để Việt Nam tăng cường nhập khẩu gỗ cứng từ Mỹ, theo ông Chun là để tranh thủ chính sách ưu đãi tín dụng với lãi suất thấp thông qua hệ thống ngân hàng Mỹ và Việt Nam, với điều kiện doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa từ thị trường này. (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn 17/3)

Năm 2010, XK cao su sang Trung Quốc chiếm 17,3% tổng kim ngạch
Năm 2010, Trung Quốc nhập 50,5 triệu USD sản phẩm từ cao su của Việt Nam, chiếm 17,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam, tăng 42,67% so với năm trước. Nhật Bản là nước có kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này cao nhất với 63,8 triệu USD, chiếm 21,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng, tăng 116,06% so với năm 2009. (Vinanet 17/3)

Năm 2010, kim ngạch XK dây điện và dây cáp điện tăng 48,1%
Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu dây điện và dây cáp điện của Việt Nam tháng 12/2010 đạt 128,6 triệu USD, tăng 7,7% so với tháng trước và tăng 10,6% so với cùng tháng năm ngoái. Số liệu này nâng tổng kim ngạch xuất khẩu dây điện và dây cáp điện của Việt Nam năm 2010 đạt 1,3 tỉ USD, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 1,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của cả nước năm 2010. Nhật Bản - thị trường chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu dây điện và dây cáp điện của Việt Nam năm 2010 đạt 920 triệu USD, tăng 43,9% so với cùng kỳ, chiếm 70,2% trong tổng kim ngạch; đứng thứ hai là Hoa Kỳ đạt 153,8 triệu USD, tăng 68,6% so với cùng kỳ, chiếm 11,7% trong tổng kim ngạch. (Vinanet 17/3)

Xuất khẩu sang Myanmar tăng mạnh
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Myanmar trong hai tháng đầu năm nay đạt trên 9 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến nay, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 12 trong số các nhà xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Myanmar. Các mặt hàng chủ yếu gồm thép, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế, nguyên phụ liệu may mặc, vật liệu xây dựng, phân bón, thiết bị điện tử, văn phòng phẩm, thực phẩm chế biến… Myanmar được đánh giá là thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam. (Tuổi Trẻ 17/3)

Xuất khẩu nông sản tháng 2 giảm
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu nhiều loại nông lâm thủy sản trong tháng 2 giảm mạnh so với tháng trước. Giảm mạnh nhất so với kim ngạch xuất khẩu tháng trước là mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, giảm 57,4%, mây tre cói và thảm giảm 57,2%, thủy sản giảm 41%. Với các sản phẩm ngành trồng trọt, so với tháng 1, ngoài cà phê và hạt tiêu có mức tăng nhẹ, xuất khẩu chè giảm 55,3%, hạt điều giảm 51,7%, cao su giảm 25,7% và gạo giảm 14,5%. Theo các công ty xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tháng 2 giảm so với tháng 1 là quy luật chung nhiều năm nay. Dù giảm trong tháng 2 nhưng theo Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và thủy sản cả hai tháng đầu năm đạt xấp xỉ 3,6 tỉ USD, tăng 50,7% so với cùng kỳ 2010. (Tuổi Trẻ 17/3)

Đã xuất khẩu được hơn 1,3 triệu tấn gạo
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ 1-15/3, Việt Nam đã xuất khẩu được 231.982 tấn gạo, trị giá FOB hơn 103 triệu USD (giá bình quân 445,64 USD/tấn). Lũy kế xuất khẩu từ đầu năm đến nay là 1,331 triệu tấn gạo, trị giá FOB 641,809 triệu USD. Số lượng đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo đến ngày 15-3 là 2,606 triệu tấn, còn khoảng 1,275 triệu tấn gạo sẽ được các doanh nghiệp giao hàng trong thời gian tới. Lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp hiện còn hơn 1,1 triệu tấn. Sau 15 ngày thu mua lúa gạo tạm trữ, các doanh nghiệp đã thu mua được 300.953 tấn gạo, đạt 30,1% (kế hoạch thu mua là 1 triệu tấn gạo). (Người Lao Động 17/3)

THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
Hàng thiết yếu tăng giá trong nửa đầu tháng 3
Theo báo cáo tình hình giá cả thị trường 15 ngày đầu tháng 3 của Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), giá các mặt hàng thiết yếu trong nước nhìn chung tăng so với cùng kỳ tháng 2/2011. Theo Cục Quản lý Giá, thị trường lúc này chịu nhiều tác động trái chiều từ xu hướng giá cả trong nước và thế giới, nhưng đồng thời cũng đón những động thái chính sách quản lý và điều hành chính sách vĩ mô mới. Tâm lý chưa thật ổn định sau nhiều xáo trộn đến từ điều chỉnh giá bán một loạt mặt hàng quan trọng như xăng dầu, điện..., hay quy định mới về quản lý thị trường ngoại hối, vàng... cũng tác động đến giá cả thị trường, dẫn đến những biến động ở phía cung và cầu. Điểm lại Báo cáo của Cục, giá một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống, xi măng, sắt thép, khí hóa lỏng LPG, thuốc chữa bệnh đều tăng hơn so với cùng kỳ tháng trước. Một số khác chỉ dừng ở mức ổn định chứ chưa dễ giảm giá. Theo Cục Quản lý Giá, trong khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tương đối ổn định ở mức 475-520 USD/tấn với gạo 5% tấm, và gạo 440-490 USD/tấn với 25% tấm, giá lúa gạo tăng khoảng 300-500 đồng/kg ở miền Bắc do bước vào thời kỳ giáp hạt; và 150-500 đồng/kg ở phía Nam do chính sách tăng mua dự trữ. Với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, đáng chú ý là giá thịt lợn tiếp tục tăng khoảng 5.000 đồng/kg ở cả miền Bắc và miền Nam, cùng với diễn biến dịch bệnh trên đàn gia súc vẫn còn phức tạp. Trong khi đó, giá một số loại rau củ tươi dù chưa bằng với mức giá cùng kỳ tháng trước nhưng đã tăng trở lại so với thời điểm cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2011, chủ yếu do yếu tố tâm lý bị tác động bởi giá dầu, giá điện tăng và một số loại rau đã hết vụ. Cùng với thị trường xây dựng đang khởi động trở lại, giá xi măng trên thị trường tiếp tục tăng khoảng 50 nghìn đồng/tấn ở phía Bắc và 20 nghìn đồng/tấn tại phía Nam. Với mặt hàng sắt thép xây dựng, giá thị trường đã được điều chỉnh tăng so với cuối tháng 2, khoảng 100 nghìn đồng/tấn tại phía Bắc và 500 nghìn đồng/tấn khu vực miền Trung và miền Nam. Mặc dù giá dầu thế giới vẫn trong xu hướng tăng, ở trong nước giá xăng dầu không thay đổi kể từ khi điều chỉnh tăng trong khoảng 2.110-3.550 đồng/lít (kg) tùy loại từ ngày 24/2. Tuy nhiên, khí hóa lỏng LPG không chịu sự kiểm soát chặt về giá bán đã biến động theo các nhân tố mới từ thế giới và trong nước. Do ảnh hưởng của giá LPG nhập khẩu trên thị trường thế giới và do giá xăng dầu, điện, chi phí vận chuyển... điều chỉnh tăng, từ ngày 1/3/2011 các doanh nghiệp kinh doanh LPG đã điều chỉnh giá bán lẻ trong nước tăng khoảng 9-13 nghìn đồng/bình 12kg. Cũng do tác động trực tiếp của các yếu tố tỷ giá, xăng dầu, điện... dù không có hiện tượng giá thuốc tăng đồng loạt, bất hợp lý nhưng một số loại thuốc chữa bệnh đã bắt đầu tăng giá. Riêng mặt hàng đường, sau khi Bộ Tài chính điều chỉnh giảm thuế suất từ 25% xuống mức 15%, giá đường trắng trong nước ổn định so với cùng kỳ tháng 2, khoảng 21-24 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, giá đường thế giới vẫn đang được hỗ trợ mạnh do nguồn cung hạn chế. (NDHMoney 17/3)

Giá cà phê “vọt” lên gần 47.000 đồng/kg
Cùng với đà tăng mạnh của giá cà phê thế giới hôm 17/3, giá cà phê tại Việt Nam sáng 18/3 cũng đồng loạt tăng 1.200 đồng/kg. Cụ thể, sáng 18/3, giá cà phê ở Đắc Lắc và Đắc Nông đã tăng 1.200 đồng lên 46.900 đồng/kg, tăng 1.200 đồng/kg. Trong khi đó, giá cà phê tại Lâm Đồng, Gia Lai cùng ở mức 46.800 đồng/kg. Như vậy, trong sáng 18/3 và hôm 17/3, giá cà phê tại Việt Nam đã tăng tới 2.400 đồng/kg và hiện mặt bằng giá đang ở mức cao kỷ lục. (NDHMoney 18/3)

TPHCM: Thịt gia súc nhảy giá, khan hàng
Chưa tới 10 ngày giữa đầu tháng 3, giá thịt heo tại thị trường TPHCM đã tăng trung bình 10.000 – 15.000 đồng một kg, thị bò tăng từ 20.000 – 25.000 đồng. Ghi nhận tại các chợ trong thành phố, từ một tuần nay, giá thị heo đùi từ mức trung bình 68.000 – 70.000 đồng một kg hiện lên 83.000 – 88.000 đồng; thịt bò từ đầu năm đến nay duy trì mức giá 140.000 đồng một kg (thịt nạc đùi) và 170.000 đồng với thịt nạc thăn đã đột ngột tăng lần lượt lên 170.000 đồng và 195.000 đồng mỗi kg. Nguyên nhân khiến giá thịt gia súc tăng mạnh, theo giải thích của tiểu thương các chợ, là do giá tăng từ các trại nuôi. Hiện giá heo hơi tại một số tỉnh thành ven TPHCM đã đạt 48.000 – 50.000 đồng một kg, tăng khoảng 10.000 đồng so với giá cuối tháng trước. Giá tăng vọt, nhưng theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, mặt hàng này có dấu hiệu khan hiếm, đặc biệt là thịt bò. Ngay cả tại các cửa hàng thực phẩm tiện lợi, quầy thịt tươi sống tại các chợ hàng ngày thường hết hàng rất sớm, người tiêu dùng mua buổi chiều dường như không có hàng. (Đất Việt 17/3)

XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Tổ chức Hội thảo bàn về các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu
Với chủ đề “Các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu”, Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu 2011 do Cục Xúc Tiến thông mại – Bộ Công Thương tổ chức ngày 7/4 tới sẽ giúp các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh trong thời hội nhập. Diễn đàn sẽ tập trung vào một số nội dung chính gồm: Các chuyển biến của kinh tế thế giới, xu hướng tác động tới tình hình xuất khẩu Việt Nam 2011, Tỷ giá, lãi suất với tăng trưởng xuất khẩu, Tận dụng cơ hội xuất khẩu thông qua việc sử dụng C/O ưu đãi. Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu 2011 nằm trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 21 - Vietnam Expo 2011 (sẽ được tổ chức từ ngày 6 - 9/4/2011 tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội), một trong những hoạt động xúc tiến thương mại có ý nghĩa quan trọng của ngành Công Thương Việt Nam, nhằm góp phần xúc tiến hoạt động thương mại và đầu tư. (Tài Chính Điện Tử 17/3)

Khuyến mãi tưng bừng nhưng thiếu hấp lực
"Tuần lễ vì người tiêu dùng" (diễn ra từ 13 - 20/3) có thể coi là một biện pháp để kích cầu, song trong thời buổi bão giá như hiện nay, người tiêu dùng vẫn tỏ ra không quá mặn mà với những mặt hàng giảm giá. Hưởng ứng "Tuần lễ vì người tiêu dùng", các siêu thị và trung tâm mua sắm lớn trên địa bàn thành phố như Big C, Hapro, Co.op Mart, Pico, Topcare, Việt Long đều triển khai chiến dịch bán hàng quy mô lớn với nhiều dịch vụ chăm sóc khách hàng, nhiều chương trình khuyến mãi đặc biệt nhằm mục đích bình ổn giá, kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân trong thời kỳ bão giá. Trong đó, các mặt hàng thực phẩm giảm từ 10% - 20% so với giá gốc, thậm chí giảm tới 40% đối với các mặt hàng điện tử, điện lạnh. Theo khảo sát của phóng viên, các mặt hàng tiêu dùng được bày bán khá đa dạng tại hầu hết các gian hàng giảm giá trong siêu thị. Đa số thực phẩm tươi sống cũng như những thực phẩm đã được chế biến sẵn có giá "mềm" hơn ngoài thị trường. Đó là nguyên nhân vì sao nhiều bà nội trợ chuyển thói quen mua sắm ở chợ sang đi siêu thị. Ngoài thực phẩm, các mặt hàng mỹ phẩm, đồ dùng sinh hoạt đều được giảm giá hoặc được tặng kèm nhiều phần quà hấp dẫn nếu khách hàng mua với số lượng lớn. Bên cạnh đó, nhằm "hút" khách, các trung tâm điện máy hưởng ứng "Tuần lễ vì người tiêu dùng" cũng áp dụng chương trình bán hàng với giá cực "sốc" cùng nhiều ưu đãi cho khách hàng: Giá bán tối thiểu, quyền lợi tối đa, tặng phiếu dịch vụ miễn phí tại nhà cho khách mua máy tính, bảo dưỡng máy tính miễn phí tại Siêu thị máy tính Đăng Khoa; giảm giá cực mạnh, tăng thời hạn bảo hành, miễn phí phí vận chuyển 200km tại Siêu thị điện máy Pico hay giờ "vàng" tại Topcare... Điều đặc biệt tại các siêu thị và trung tâm mua sắm trên, ngoài các chương trình khuyến mãi, khách hàng không những được tư vấn về cách sử dụng và bảo quản sản phẩm mà còn được cung cấp những kiến thức về luật bảo vệ người tiêu dùng. (Theo Vef.vn 18/3)

QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG
Hàng xa xỉ vẫn tuôn về
Bất chấp biện pháp yêu cầu ngân hàng hạn chế cho vay nhập khẩu hàng hóa thuộc diện không khuyến khích nhập khẩu theo yêu cầu của Chính phủ và các quy định của ngành công thương đã đưa ra trong năm 2010, lượng hàng tiêu dùng xa xỉ vẫn tăng mạnh. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I cho biết, nhập khẩu mỹ phẩm đang tăng mạnh cả về số lượng và giá trị. Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu mỹ phẩm trang điểm tăng tới 111,3%, các loại dầu gội, ủ, dưỡng tóc tăng 69,9%... Mặc dù gặp khó khăn trong việc mua USD, chịu lãi suất vay vốn cao, đồng thời tiếp tục phải xin giấy phép nhập khẩu tự động... nhưng hàng thực phẩm nhập khẩu vẫn được nhập về đều đặn. Ông Nguyễn Xuân Bình, giám đốc Cơ quan thú y vùng 6, cho biết do tháng 2 rơi vào thời điểm nghỉ tết nên lượng thịt đông lạnh nhập khẩu trong tháng 2 giảm mạnh so với tháng 1-2011. Tuy nhiên, trong hai tháng đầu năm nay, tổng lượng thịt nhập về khu vực phía Nam vẫn đạt 12.740 tấn, tăng tới 196,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, thị trường điện thoại di động vẫn nhộn nhịp. Ông Nguyễn Quốc Bảo, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần điện thoại di động Thành Công - sở hữu hệ thống phân phối Thành Công mobile cho biết, mỗi tháng công ty nhập khoảng 5.000 chiếc điện thoại. Theo ông Bảo, nếu như ba năm trước, người tiêu dùng có xu hướng mua các loại điện thoại giá rẻ, bình dân thì nay bắt đầu chịu chi tiền mua các sản phẩm ở phân khúc trung cấp, cao cấp. “Với giá 2 triệu đồng, chiếc điện thoại đã có chức năng đa phương tiện. Người tiêu dùng mua những sản phẩm này cũng với tâm lý mua đồ tốt, ít phải thay máy” - ông Bảo cho biết. (Lao Động 18/3)

Hà Nội: Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường
Ngay từ đầu năm 2011, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội triển khai đồng bộ, toàn diện việc kiểm tra, kiểm soát thị trường kịp thời phát hiện những vẫn đề nóng trên thị trường để có phương án chỉ đạo giải quyết, đảm bảo ổn định thị trường. Nhờ đó, sau 2 tháng đầu năm 2011 lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 1.615 vụ, xử lý 1.438 vụ vi phạm, với tổng số thu trên 13 tỷ đồng; trong đó phạt vi phạm hành chính trên 3,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu sung công quỹ gần 6,2 tỷ đồng, hàng hóa tiêu hủy trên 2,9 tỷ đồng. (Theo Web Đảng Cộng Sản Việt Nam 17/3)

DOANH NGHIỆP – THƯƠNG HIỆU
Doanh nghiệp lên kế hoạch cắt giảm sản xuất
Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất đang phải đi vay với mức lãi suất cao. Hơn nữa những tác động từ việc tăng tỉ giá, tăng giá điện, giá xăng... khiến nhiều doanh nghiệp phải tăng giá thành sản phẩm lên mức 10 đến 15%. Mức tăng này đã làm giả khả năng cạnh tranh, giảm mức tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, do đó, hiện các doanh nghiệp đã phải giảm mức sản xuất để duy trì hoạt động. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả sản xuất nhiều đơn vị đã thực hiện cắt giảm tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu và cắt giảm, hạn chế thời gian chờ việc của người lao động. Theo phân tích của chuyên gia, các doanh nghiệp đang áp dụng phương án lấy điểm hòa vốn làm trọng tâm để điều chỉnh sản xuất. Điều này có nghĩa là DN phải tính toán, điều chỉnh giảm sản lượng ở mức hòa vốn hoặc có lãi ít để duy trì khấu hao, chi phí vật tư thiết bị và duy trì lao động có tay nghề để duy trì sản xuất, vượt qua thời điểm khó khăn. (InfoTV 17/3)./.