TIN TỨC - SỰ KIỆN
Kiểm soát tăng giá 2011 - Áp lực ngày càng lớn
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3, theo tính toán của Bộ KH-ĐT là 2,2%. Như vậy, 3 tháng đầu năm CPI đã tăng tới 6,1% - tiệm cận với mức 7% mà Quốc hội giao chỉ tiêu cho Chính phủ trong năm nay. Đến giờ, hầu như các biện pháp mạnh nhất đã được Chính phủ đưa ra như thắt chặt chính sách tiền tệ (tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20%); tổng phương tiện thanh toán khoảng 15%-16%; tiết kiệm chi thường xuyên 10%; rà soát, sắp xếp lại các khoản đầu tư công… Năm nay, theo lộ trình nhiều mặt hàng sẽ phải trả lại theo giá thị trường. Theo Bộ Tài chính, đến nay, nhiều mặt hàng về cơ bản đã theo nguyên tắc thị trường, tuy nhiên vẫn còn một số mặt hàng như điện, xăng dầu các doanh nghiệp chưa được phép tính đủ các chi phí đầu vào, vẫn còn bao cấp qua giá cho toàn xã hội khiến các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này còn gặp khó khăn, làm méo mó hệ thống giá chung và hạch toán kinh tế của các ngành. Dù giá điện, xăng dầu đã được điều chỉnh nhưng thực tế giá các mặt hàng nguyên liệu đầu vào này vẫn chưa đủ bù đắp những chi phí thực tế. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, chỉ tiêu kiềm chế lạm phát 7% năm nay là mục tiêu bất khả thi. Theo các chuyên gia, các biện pháp đã được Chính phủ đưa ra trong việc kiềm chế lạm phát trong năm nay như hạn chế bội chi ngân sách, cắt giảm đầu tư công… sẽ có tác dụng nhất định trong việc kiềm chế giá cả tăng cao. Tuy nhiên, những chính sách này có phát huy hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện, bởi bắt bệnh, bốc thuốc nhưng uống không đủ liều vẫn là vấn đề nan giải hiện nay. (Sài Gòn Giải Phóng 21/3)

Thiếu điện là nút thắt của nền kinh tế
Đứng trước thực tế thiếu điện trầm trọng, ngoài thực hiện giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, lần đầu tiên trong Báo cáo trình bày trước Quốc hội, Chính phủ nhấn mạnh đến giải pháp “sử dụng tiết kiệm năng lượng”. Nhìn thẳng vào những yếu kém, hạn chế, tồn tại của nền kinh tế, Báo cáo của Chính phủ một lần nữa nhắc lại: “Môi trường kinh tễ vĩ mô vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, chất lượng tăng trưởng còn thấp; ô nhiễm môi trường đang trầm trọng”. Theo Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, bên cạnh những hạn chế tồn tại từ nhiều năm trước nhưng chưa được khắc phục như, chất lượng giáo dục-đào tạo, trình độ nguồn nhân lực hạn chế; cơ sở hạ tâng thiếu đồng bộ; năng suất lao động thấp; sức cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước kém… thì tình trạng thiếu điện trầm trọng đã trở thành một trong những điểm nghẽn của tăng trưởng và phát triển cả trước mắt và lâu dài. Đứng trước tình hình này, triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Chính phủ thực hiện 6 nhóm giải pháp, trong đó giải pháp thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng được ưu tiên số 1. Thực hiện nhóm giải pháp này, Chính phủ chủ trương hạn chế tăng cung tiền, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng với mục tiêu tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm nay được giữ ở mức dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán tăng 15-16%. “Mặc dù hạn chế tăng trưởng tín dụng nhưng hệ thống ngân hàng vẫn phải bảo đảm bố trí đủ vốn phục vụ yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”, Phó thủ tướng cho biết. Nhóm giải pháp thứ 2 được Chính phủ ưu tiên thực hiện trong năm nay là thắt chặt chính sách tài khoá, trong đó giảm đầu tư công và giảm bội chi ngân sách được thực hiện triệt để. (Đầu Tư 22/3)

Sản phẩm công nghiệp “made in Vietnam” chiếm lĩnh sân nhà
Hàng loạt sản phẩm công nghiệp sản xuất trong nước đang “phất” lên ngay trên sân nhà. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, người tiêu dùng được hưởng lợi mà còn tiết kiệm một lượng lớn ngoại tệ “xuất ngoại” và kiềm chế nhập siêu hiệu quả. Trong những ngày qua, khi “nhà đèn” bắt đầu tăng cường cúp điện trên diện rộng, nhiều doanh nghiệp và người dân bắt đầu đổ xô đi mua máy phát điện dự phòng. Chính điều này đã khiến thị trường máy phát điện trở nên sôi động, người mua kẻ bán tấp nập. Theo Bộ Xây dựng, sản phẩm thiết bị điện Việt Nam gồm nhiều nhóm nhỏ: thiết bị chiếu sáng, công tắc ổ cắm, ống luồn dây điện và thiết bị công nghiệp. Do song hành với sự phát triển của ngành xây dựng và bất động sản nên thị trường thiết bị điện có tốc độ tăng trưởng khá cao, khoảng 20% - 25%/năm. Vì vậy, tiềm năng phát triển của ngành vẫn rộng mở. Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện tại doanh nghiệp Việt Nam đang nắm giữ khoảng 70% thị phần thiết bị điện, còn lại chủ yếu là hàng cao cấp từ nước ngoài và hàng kém chất lượng xuất xứ Trung Quốc và các nước lân cận. Mấu chốt dẫn đến thành công của các doanh nghiệp trong nước là ưu thế chuyển giao công nghệ sản xuất và độc quyền phân phối, giúp doanh nghiệp chủ động nghiên cứu sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng, riêng biệt của từng địa phương. (Sài Gòn Giải Phóng 22/3)

Thoát thuế phá giá, mừng ít lo nhiều
Mới đây, thông tin về việc giày mũ da Việt Nam được bỏ thuế chống bán phá giá tại châu Âu (EU) được xem là một tin vui. Từ ngày 1/4, giày Việt Nam xuất khẩu vào EU không còn phải chịu thuế 10% này nữa. Nhẹ bớt gánh nặng về thuế cũng có nghĩa là giá bán của giày Việt Nam sẽ rẻ hơn một chút, tăng tính cạnh tranh thêm một chút. Thế nhưng bên cạnh niềm vui là nỗi lo về áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng cao hơn. Bởi lẽ, thời gian qua, khi giày Việt Nam chịu thuế chống bán phá giá 10% thì giày Trung Quốc cũng chịu thuế chống bán phá giá và mức thuế đến 16,5%. Tuy bị đánh thuế cao hơn nhưng giày Trung Quốc vẫn rất cạnh tranh, dẫn đầu thị phần giày nhập khẩu vào EU, giày Việt Nam đứng thứ hai. Và cùng với giày Việt Nam, giày Trung Quốc cũng được bỏ thuế từ ngày 1/4. Đương nhiên, được bỏ nhiều thuế hơn, giá giày Trung Quốc sẽ rẻ hơn nữa, cạnh tranh hơn nữa. Tuy nhiên, làm sao giày Việt Nam có thể cạnh tranh sau khi thoát thuế chống bán phá giá? Hạ giá thêm nữa để “bù” cho phần chênh lệch thuế 10% với 16,5%?! Việc hạ giá, bán giá rẻ lại mang đến nguy cơ tái áp thuế chống bán phá giá. Cách đây ít hôm, trong hội thảo liên quan đến việc nâng cao năng lực cho doanh nghiệp da giày, ông Jean Jaques Bouflet - Tham tán công sứ, Trưởng ban Thương mại và Kinh tế phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, giày Việt Nam đang gặp sự cạnh tranh khốc liệt hơn. Làm sao giải bài toán khó này? Ông không đưa ra lời khuyên nào cho doanh nghiệp da giày. Tuy nhiên, ông đã “gợi ý” rằng “điều người tiêu dùng châu Âu quan tâm nhất vẫn là chất lượng sản phẩm”. (Pháp Luật TPHCM 22/3)

Phần 1: Tin công nghiệp
ĐIỆN LỰC
Điện gió chờ cơ chế
Dự án điện gió tại Ninh Thuận do Trungnam Wind Power làm chủ đầu tư với tổng công suất đề nghị lên đến 200 MW, cùng vốn đầu tư vào khoảng 500 triệu USD được chia làm hai giai đoạn. Khá nhiều dự án nhưng theo Bộ Công Thương, hiện chỉ mới có 7,5 MW điện gió được nối lưới và cũng chưa thống nhất được giá bán giữa chủ đầu tư với người mua là Tập đoàn Điện lực (EVN). Suất đầu tư cao, giá thành cao trong khi đầu ra vẫn đang bị thắt do giá điện chung thấp vẫn là trở ngại lớn nhất cho phát triển điện gió. Theo ông Trần Viết Ngãi, “suất đầu tư điện gió trung bình trên 2 triệu USD/MW, tương ứng với giá thành khoảng 3.500 - 4.000 đồng/kWh, gấp đôi nhiệt điện chạy than, gấp 3 lần thủy điện, nhưng giá bán tạm thông qua hiện nay mới chỉ khoảng 1.300 đồng/kWh. Giá thấp như thế không đủ khấu hao nói gì có lãi”. Ông Tạ Văn Hường - nguyên Vụ trưởng Vụ Năng lượng cho biết, Bộ Công Thương, trước đây cũng đã đưa ra các phương án giá, đề nghị duyệt giá bán 8 cent/kWh cho điện gió. Nhưng trong văn bản chính thức vẫn quy định tạm thanh toán 6 cent/kWh cho dự án điện gió ở Bình Thuận. “Cơ chế phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt điện gió cần có sự hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ, nếu để riêng cho nhà đầu tư xoay xở thì không ai dại gì vào nguồn điện sạch, đắt tiền như thế để rồi khó bán. Các nước Tây Âu có mức khoán mỗi một kWh của điện tái tạo, Chính phủ hỗ trợ trực tiếp bao nhiêu tiền. Chúng ta ở giai đoạn chưa phát triển, nếu không thể hỗ trợ trực tiếp luôn thì các chính sách khác như thuế, ưu đãi đất, giá mua phải rõ ràng mới hút được đầu tư”, ông Hường nhìn nhận. Mối quan tâm dành cho năng lượng tái tạo từ phía Chính phủ đã tăng. Mới đây, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công thương xây dựng cơ chế mới, làm rõ những cơ chế ưu đãi cụ thể cho nhà đầu tư để triển khai các dự án điện gió tại Việt Nam khả thi hơn. Theo đó, phải đưa ra được các chính sách hỗ trợ giá điện thu mua, thuế, đất đai, đặc biệt tạo Quỹ hỗ trợ năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường như một trong những nguồn thu quan trọng để hỗ trợ sản phẩm năng lượng tái tạo. “Đã đến lúc phải có chiến lược năng lượng mới, giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn điện lệ thuộc vào thời tiết như thủy điện, theo hướng cắt giảm dần tỷ trọng dự án thủy điện nhỏ, công suất vừa không lớn, vừa cày nát môi trường nhiều khu vực. Nhưng để phát triển được, chúng ta phải có cơ chế riêng, thậm chí luật hóa thành Luật Năng lượng tái tạo, thì mới hy vọng có bước nhảy vọt”, TS Dương Duy Hoạt nhìn nhận. (Thanh Niên 21/3)

Nghệ An: Thủy điện Hủa Na sẽ phát điện vào tháng 8/2011
Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na đang đẩy nhanh tiến độ thi công công trình Thủy điện Hủa Na, với mục tiêu phát điện tổ máy số 1 vào tháng 8 năm 2011. Việc thi công công trình thủy điện Hủa Na trong điều kiện địa hình hiểm trở như ở miền núi Nghệ An là rất khó khăn; trong đó chỉ riêng việc tái định cư đã phải di dời trên 1.200 hộ gia đình với 4.700 nhân khẩu ra khỏi lòng hồ thủy điện. Để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na đang đề nghị tỉnh Nghệ An chỉ đạo các Sở, ban, ngành và Uỷ ban nhân dân huyện Quế Phong đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và cho Công ty triển khai việc thu dọn lòng hồ trong tháng 3/2011 để đảm bảo tích nước hồ chứa từ tháng 5/2012. (Đầu Tư 21/3)

Lâm Đồng: Thêm 2 dự án cải tạo lưới điện nông thôn
2 dự án này có tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng, do Tổng Công ty Điện lực Miền Nam đầu tư, nhằm cải tạo lưới điện nông thôn và nâng cao hiệu quả năng lượng nông thôn tại Lâm Đồng. Hiện cả 2 dự án đang được triển khai đồng thời trên địa bàn tỉnh, trong đó, dự án nâng cao hiệu quả năng lượng nông thôn có tổng vốn đầu tư là 65,4 tỷ đồng, sẽ cải tạo gần 65km đường dây trung thế và 83 trạm biến áp, dự án cải tạo lưới điện phân phối nông thôn có tổng vốn gần 34 tỷ đồng nhằm cải tạo và nâng cấp 63km đường dây trung thế và 105 trạm biến áp. 2 dự án này sẽ hoàn thành trong năm nay. (Nông Thôn Ngày Nay 21/3)

DẦU KHÍ
Lọc dầu Dung Quất ngừng hoạt động 2 tuần
Từ ngày 23/3, Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất sẽ dừng toàn bộ hệ thống theo kế hoạch để kiểm tra các thiết bị, phụ tùng. Nguồn cung xăng dầu và khí cho thị trường sẽ thiếu hụt khoảng 400.000 tấn. Ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty TNHH hóa dầu Bình Sơn cho hay, đây là lần đầu tiên kể từ khi tiếp quản chính thức (6/2010), Dung Quất dừng hoạt động toàn bộ nhà máy. Việc dừng vận hành này nằm trong kế hoạch định kỳ nhằm chủ động kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện những thiết bị, phụ tùng cần thay thế để chuẩn bị cho đợt bảo dưỡng tổng thể nhà máy. Việc bảo dưỡng toàn bộ nhà máy theo kế hoạch sẽ diễn ra trong 2 tháng (từ tháng 7 đến tháng 9). Ông Giang cho biết, do quy trình nhập khẩu các thiết bị thay thế khá lâu, thường kéo dài 3-5 tháng. Do vậy, việc kiểm tra toàn bộ nhà máy sớm để kịp thời phát hiện những thiết bị thay thế để đặt hàng sớm. Đồng thời, tránh trường hợp, nhà máy bảo dưởng xong vẫn chưa đủ thiết bị để vận hành. Ông Giang cho biết, trong giai đoạn dừng hoạt động nhà máy, thị trường xăng dầu sẽ thiếu khoảng 400.000 tấn sản phẩm các loại. "Chúng tôi đã báo cáo kế hoạch dừng nhà máy cho Thủ tướng. Do vậy, trong giai đoạn này các đối tác ký hợp đồng mua sản phẩm của nhà máy cần chủ động tìm nguồn cung ứng bên ngoài", ông Giang nói. (VnExpress 21/3)

CƠ KHÍ – HÓA CHẤT
Liệu pháp bình ổn giá phân bón: Không phải giảm giá là bình ổn
Hội thảo về “Bình ổn thị trường phân đạm và nâng cao hiệu quả phân phối đạm Phú Mỹ” vừa được Bộ NN&PTNT và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức ngày 18/3 tại Nam Định. Đề xuất cho việc bình ổn thị trường, theo ông Nguyễn Đình Hạc Thúy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam: “Bình ổn không có nghĩa là hạ giá bán, cần đưa ra giải pháp hài hòa quyền lợi giữa nhà sản xuất, nhà nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung phân bón – đồng thời đưa ra mức giá hợp lý để các bên cùng có lợi và giảm các tầng nấc trung gian, tạo điều kiện để người dân vay vốn có thể tiếp cận giá bán trực tiếp". Thừa nhận về những biện pháp hành chính đã không mang lại hiệu quả như quy định khung giá bán tối đa hoặc không cho phép các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán trong một thời gian nhất định; tước giấy phép kinh doanh đối với các doanh nghiệp có sự điều chỉnh tăng giá bất hợp lý, theo bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, tới đây biện pháp hiệu quả là chủ động cân đối cung - cầu hàng hoá. Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ ban hành quy định yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phân bón phải duy trì một lượng hàng dự trữ bắt buộc nhất định để có thể cung ứng kịp thời khi thị trường có hiện tượng giá tăng đột biến, nguồn cung thiếu hụt. Các doanh nghiệp cũng cần tăng cường năng lực của hệ thống phân phối để đảm bảo sản xuất và lưu thông thông suốt, đặc biệt là mạng lưới phân phối trực tiếp cho nông dân nhằm tăng cường kiểm soát giá bán trong hệ thống, hạn chế qua trung gian. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng đồng tình khi cho rằng: Ổn định cung cầu là yếu tố quan trọng nhất trong mọi tình huống. Về phía Bộ Tài chính sẽ chủ động điều tiết cung - cầu phân bón qua các chính sách thuế, chính sách xuất nhập khẩu như: Tăng thuế xuất khẩu, giảm thuế nhập khẩu; hoặc đề xuất tạm thời ngừng xuất khẩu đối với một số chủng loại phân bón quan trọng trong một thời gian nhất định. Cục Quản lý giá cũng tăng cường kiểm soát các yếu tố hình thành giá thông qua việc thanh, kiểm tra phương án tính giá phân bón và mức giá phân bón của doanh nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp lệnh giá. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, hiện Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư các dự án phân bón để tiến tới đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Vì vậy, trước mắt khi sản xuất trong nước cung chưa đủ cầu, các doanh nghiệp cần coi trọng khâu phân phối, xây dựng hệ thống đại lý độc quyền và kiểm soát giá để thực hiện việc đăng ký giá và bán theo giá niêm yết. (Lao Động 21/3)

KHAI KHOÁNG
Cơ hội đầu tư công nghệ chế biến Titan tại Việt Nam
Ngày 21/3, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần thương mại và Đầu tư Hợp Long phối hợp với Hiệp hội Titan Việt Nam, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ và Luyện kim (Bộ Công thương) đã tổ chức buổi họp báo “Cơ hội đầu tư công nghệ chế biến Titan tại Việt Nam”. Tại buổi họp báo, Công ty Cổ phần thương mại và Đầu tư Hợp Long và Công ty Alsher Titania LLC đã trình Bộ Công Thương biên bản ký kết thoả thuận ghi nhớ về hợp tác, chuyển giao công nghệ chế biến vật liệu Nano và Pigment vào Việt Nam. Theo đó, Công ty Hợp Long đã quyết định lựa chọn công nghệ AHP của Alsher Titania để sản xuất Titan tại Việt Nam, đây là công nghệ được đánh giá là không ảnh hưởng đến môi trường, đáp ứng được các tiêu chí của việc sử dụng quặng nghèo tại Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Hợp Long, ông Nguyễn Thành Long cam kết, sẽ tuân thủ nghiêm ngặt Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế hài hoà cũng như khẳng định việc khai thác và chế biến sâu sản phẩm Titan của Hợp Long sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương (Đại Đoàn Kết 22/3)

VẬT LIỆU XÂY DỰNG
Hai tháng đầu năm tiêu thụ hơn 6 triệu tấn xi măng
Theo Bộ Xây dựng, trong 2 tháng đầu năm sản lượng xi măng sản xuất toàn ngành ước đạt 6,47 triệu tấn, sản lượng xi măng tiêu thụ ước đạt 6.08 triệu tấn, đạt 11% kế hoạch năm 2011. Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, Bộ Xây dựng yêu cầu tiếp tục duy trì hoạt động của Tổ thường trực theo dõi thị trường vật liệu xây dựng và bất động sản, thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo hàng tháng tình hình biến động giá vật liệu xây dựng tại các địa phương và đề xuất biện pháp xử lý. Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng thuộc Bộ tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu vào, chủ động về nguồn cung cấp nguyên, nhiên vật liệu để sản xuất ổn định; tiết kiệm và giảm tối đa các chi phí trung gian để giảm giá thành, tích cực tham gia vào việc bình ổn thị trường, không tăng giá bất hợp lý. (Dothi.net 21/3)

CÔNG NGHIỆP TIÊU DÙNG VÀ CHẾ BIẾN
VFA điều chỉnh giá sàn xuất khẩu gạo lần thứ 7
Ngày 21/3, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thông báo điều chỉnh giảm giá sàn xuất khẩu đối với cả hai loại gạo 5% và 25% tấm. Đây là lần thứ 7 VFA điều chỉnh giá sàn xuất khẩu gạo kể từ đầu năm đến nay. Giá sàn xuất khẩu gạo loại 5% tấm tăng từ 480 USD/tấn lên 490 USD/tấn, loại gạo 25% tấm tăng từ 460 USD/tấn lên 470 USD/tấn. Giá trên là giá bán FOB, đóng gói 50kg/bao. Đợt điều chỉnh mới có hiệu lực kể từ ngày 24/3. So với giá sàn xuất khẩu gạo công bố đầu năm 2011 vào ngày 7/1/2011, giá sàn xuất khẩu gạo 5% tấm đã giảm 30 USD tấn (tương đương 5,8 %), giá sàn xuất khẩu gạo 25% tấn đã giảm 25 USD (tương đương 7%). (DVT.vn 22/3)

Hiệp hội Thuốc lá: Thiệt hại 200 triệu USD/năm do thuốc lá lậu
Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam ngày 21/3 cho biết, vì là mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng nên thuốc lá cần được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, năm 2010, thuốc lá lậu vào Việt Nam đã khiến “chảy máu ngoại tệ” hơn 200 triệu USD/năm và thất thu 3.600 tỷ đồng tiền thuế cho Nhà nước. Thuốc lá lậu cũng khiến thị phần tiêu thụ thuốc lá nội địa hàng năm mất từ 18-22%. Cũng theo Hiệp hội này, thuốc lá nhập lậu vào nước ta chủ yếu ở tuyến biên giới phía Tây Nam và Trung Bộ. Sản phẩm chính là JET và HERO. Năm 2010, thuốc lá lậu đã chiếm thị phần tiêu thụ rất lớn tại một số địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 47% thị phần, các tỉnh Nam Bộ là 34,1%, miền Trung gần 9% và miền Bắc khoảng 3%. (Nông Thôn Ngày Nay 22/3)

Cá tra xuất khẩu, không nên chạy đua số lượng
Một trong những vấn đề mà nhiều người lo ngại, đó là nếu phát triển mạnh nuôi cá tra theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT, sẽ khiến nguồn cung tăng lên, có thể khiến giá xuất khẩu giảm. Nhiều chuyên gia cho rằng, nên tính đến hiệu quả kinh tế chứ đừng chạy theo phát triển số lượng. Có thực tế là giá các hàng hoá đưa ra thị trường đều bị tác động bởi quy luật cung - cầu? Năm 2008, sản xuất cá tra nguyên liệu tăng hơn 50% so với năm 2007. Kết quả giá cá xuất khẩu tuột dốc khiến cả doanh nghiệp và người nuôi cá lao đao. Ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thuỷ sản Hùng Vương cho rằng: Khi chúng ta nuôi 1 triệu tấn cá, xuất khẩu được 3 USD/kg. Nhưng nếu sản lượng nuôi lên tới 1,5 triệu tấn cá thì chỉ bán được 2,5 USD/kg. Rõ ràng nuôi ít, nhu cầu thị trường cao, giá bán tăng sẽ có lợi cho cả người nuôi và nhà xuất khẩu. Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng, kế hoạch nuôi để có 1,3 triệu tấn cá trong năm nay là không khả thi. Hiện trị giá xuất khẩu là 3 USD/kg sản phẩm. Do sản lượng giảm, giá cá xuất khẩu sẽ tăng lên 3,2 USD/kg. Ngược lại, nếu nguồn cung quá lớn sẽ khiến giá sụt giảm mạnh. Đó là quy luật tất yếu của thị trường. Vì thế, cách tốt nhất là phát triển sản xuất cá tra một cách bền vững, không chạy theo thành tích năm sau cao hơn năm trước, mà phải tính đến nhu cầu của thị trường, hiệu quả của sản xuất kinh doanh. (Người Cao Tuổi 22/3)

CÔNG NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG
Quảng Trị: Nhiều giải pháp phát triển công nghiệp nông thôn
Để hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển công nghiệp nông thôn giai đoạn 2010-2015, tỉnh Quảng Trị sẽ chú trọng những ngành nghề, sản phẩm, danh mục đầu tư mà tỉnh có lợi thế so sánh, đặc biệt là lợi thế về nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Tỉnh cũng quan tâm đầu tư lĩnh vực chế biến nông, lâm, hải sản nhằm giải quyết đầu ra cho sản xuất nông nghiệp. Một trong những lợi thế của công nghiệp Quảng Trị là xuất khẩu các sản phẩm chế biến (nhất là chế biến gỗ rừng trồng), sản xuất các loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, với việc Hoa Kỳ và các nước Châu Âu siết chặt các quy định về kiểm tra nguồn gốc sản phẩm gỗ xuất khẩu, giá gỗ rừng trồng đang có xu hướng tăng lên. Đây là cơ hội thuận lợi cho tỉnh trong việc phát triển trồng rừng và chế biến gỗ rừng trồng. Vì vậy, đẩy mạnh đầu tư chế biến gỗ rừng trồng là nhiệm vụ cấp bách của Quảng Trị trong thời gian tới. Đặc biệt, Quảng Trị còn tiếp tục phát triển các làng nghề, các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giải quyết việc làm cho khu vực nông thôn; Quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Tỉnh cũng sớm xây dựng và ban hành nghị quyết về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, trong đó chú trọng đến công tác xúc tiến đầu tư và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. (Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam 21/3)

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 của TPHCM tăng 2,2%
Ông Nguyễn Đức Trí, Cục phó Cục Thống kê TPHCM cho biết, trong tháng 3/2011, chỉ số giá tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có mức tăng 2,2% so với tháng trước. So với đầu năm, chỉ số giá này đã có mức tăng 4,89% và tăng 10,76% so với cùng thời gian này năm trước. Trong tháng này, nhóm hàng tăng giá cao nhất là nhóm giao thông, tăng tới 7,73%, xếp thứ hai là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (+2,62%), kế đến là nhóm hàng ăn (+2,38%). Các chuyên gia thị trường cho rằng, nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến CPI tháng này là do giá lương thực tăng một phần do giá sàn xuất khẩu gạo tăng; giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng theo giá tăng của nhiên liệu trên thị trường thế giới; tiếp theo đó là giá cước vận tải tăng bình quân từ 10% đến 24%; giá cước taxi tăng khoảng 1.500 đồng so với mức cũ; giá bán điện mới tăng bình quân 1.242 đồng/Kwh. (Thông Tấn Xã Việt Nam 21/2)

QUẢN LÝ KHU CÔNG NGHIỆP ĐIỂM CÔNG NGHIỆP
Bình Phước thực hiện Đề án khu liên hợp công nghiệp Đồng Phú
Đề án hiện đang trong quá hoàn thành quy hoạch, đẩy nhanh xúc tiến, mời đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào dự án. Khu liên hợp công nghiệp, đô thị và dịch vụ Đồng Phú được tỉnh phê duyệt quy hoạch từ cuối năm 2009, với quy mô ban đầu trên 8.391 ha, nằm tại huyện Đồng Phú. Tuy nhiên, dự án này sau đó được quy hoạch bổ sung với quy mô 10.000 ha theo sự chỉ đạo của Chính phủ. Đây là một trong những dự án lớn của tỉnh, được bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trong cả nước. Hiện tại do vị trí giao đất cho các nhà đầu tư hạ tầng chưa phù hợp, nên sau khi có quy hoạch chi tiết sẽ có sự điều chỉnh theo năng lực của từng nhà đầu tư và tiếp nhận thêm những nhà đầu tư mới. Tỉnh cũng đã có yêu cầu các ngành nhanh chóng hoàn thành việc quy hoạch và đẩy nhanh việc xúc tiến, mời các nhà thiết kế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào dự án. Theo đó, đến tháng 6/2011 phải có danh sách các nhà đầu tư cũng như các phương án đầu tư. (DVT.vn 22/3)

Phần 2: Tin Thương mại
CHÍNH SÁCH THƯƠNG MẠI
Bộ Tài chính: Sẽ tạm hoàn 90% thuế giá trị gia tăng đầu vào
Bộ Tài chính vừa có văn bản thông báo việc tiếp tục thực hiện giải quyết tạm hoàn 90% thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa thực xuất khẩu trong năm 2011 đối với trường hợp doanh nghiệp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng và hoàn tiếp 10% khi có chứng từ thanh toán. Việc Bộ Tài chính cho phép tiếp tục tạm hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa thực xuất khẩu là bước triển khai Nghị quyết 11 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Tại Nghị quyết quan trọng này, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính: "tiếp tục thực hiện tạm hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hóa thực xuất khẩu trong năm 2011". Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thời gian giải quyết hoàn thuế, đối với hồ sơ đề nghị tạm hoàn thuế giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu, chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng (90%) đảm bảo tính đầy đủ, đúng thủ tục, hợp pháp thì thời hạn giải quyết tạm hoàn thuế tối đa không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp thuế. Đối với hồ sơ đề nghị hoàn tiếp số thuế giá trị gia tăng còn lại của hàng hóa xuất khẩu, chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng (10%) thì thời hạn giải quyết hoàn thuế tối đa không quá 4 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp thuế. Trường hợp người nộp thuế do Chi cục Thuế quản lý thì cơ quan thuế hướng dẫn người nộp thuế gửi hồ sơ đề nghị hoàn tiếp 10% về Cục Thuế để giải quyết (không gửi đến Chi cục Thuế). Nếu hồ sơ đầy đủ chứng từ thanh toán qua ngân hàng theo quy định thì Cục Thuế giải quyết hoàn ngay 10% số thuế còn lại cho người nộp thuế trong thời hạn nêu trên; trường hợp cần thiết phải xác minh chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì Cục Thuế thông báo cho Chi cục Thuế để xác minh. (Web Chính Phủ 21/3)

Kiến nghị nâng định mức bán hàng miễn thuế tại Mộc Bài
UBND tỉnh Tây Ninh đã kiến nghị Chính phủ nâng định mức bán hàng miễn thuế tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài từ 500.000 đồng/người/ngày lên 2 triệu đồng/người/ngày. Bởi mức mua hàng miễn thuế hiện hành đã quá lạc hậu sau nhiều năm áp dụng. Tại Mộc Bài hiện có 56 doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, tuy nhiên chỉ có trên 30 doanh nghiệp thường xuyên kinh doanh. Đến đầu năm 2011 đã có ba siêu thị đóng cửa, một trung tâm thương mại dừng hoạt động, chuyển sang làm... nhà máy giày. Trong năm 2010, lượng khách đến Mộc Bài giảm gần 20% so với năm 2009. (Đại Biểu Nhân Dân 22/3)

XUẤT NHẬP KHẨU
Xuất khẩu trái cây tươi gặp khó
Từ đầu năm 2011, nhiều nước châu Âu đã tạm ngưng nhập khẩu trái cây tươi không đạt tiêu chuẩn Global GAP (tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc). Tình trạng trên đã khiến giá một số loại trái cây giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp bị trả hàng về phải đem bán giá rẻ hơn ở thị trường trong nước hoặc trông chờ xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. (Stockbiz 21/3)

Tháng 3: Xuất khẩu gạo dự kiến đạt 650.000 tấn
Dự kiến xuất khẩu gạo trong tháng 3/2011 khoảng 650.000 tấn đưa xuất khẩu cả quý I/2011, đạt mức cao nhất kể từ khi Việt Nam xuất khẩu gạo. Theo kết luận của Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam tại cuộc họp Hội đồng quản trị Hiệp hội tháng 3/2011, số hợp đồng còn lại giao hàng từ tháng 3/2011 là 1,23 triệu tấn (hợp đồng tập trung là 0,73 triệu tấn và hợp đồng thương mại là 0,5 triệu tấn). Đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo tính đến ngày 28/02/2011 là 2,3 triệu tấn, tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước. Tồn kho gạo tại các doanh nghiệp ước tính đến cuối tháng 2/2011 vào khoảng 1 triệu tấn. Dự báo xuất khẩu trong quý II/2011 sẽ đạt thấp do số lượng hợp đồng còn lại cho giao hàng từ tháng 4/2011 trở đi còn ít trong khi tình hình thị trường thế giới đang bất ổn và nhu cầu yếu đi. (DVT.vn 21/3)

Bộ Công Thương: Xuất khẩu rau quả sẽ tăng mạnh
Bộ Công Thương vừa cho biết, xuất khẩu rau hoa quả từ nay tới cuối năm sang EU và một số nước châu Âu khác sẽ tăng mạnh do nhu cầu tăng cao. Các mặt hàng như: quả tươi, quả đóng hộp, quả sấy khô, rau đóng hộp như dưa chuột, ớt, cà chua, cà tím… sẽ tạo nên sự “bứt phá” trong kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả trong thời gian tới. ụ thể, nhu cầu tiêu thụ rau diếp và các loại rau xanh khác sẽ tăng khoảng 22-23%; khoai tây và các loại rau củ khác tăng 7-8%. Giá rau tươi sẽ tiếp tục tăng cùng với tốc độ tăng nhu cầu tiêu thụ trong khi giá rau chế biến sẽ chỉ tăng nhẹ. hu cầu nhập khẩu rau dự báo sẽ tăng khoảng 1,8%/năm trong đó các nước EU như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan… Nhu cầu về quả nhiệt đới sẽ tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng 8%... heo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ rau quả trên thế giới được dự báo sẽ tăng mạnh từ nay đến năm 2015. (An Ninh Thủ Đô 22/3)

Các tỉnh ĐBSCL xuất khẩu trên một triệu tấn gạo
Theo ngành thương mại các tỉnh ĐBSCL, các tỉnh trong vùng vừa xuất 150.000 tấn gạo, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu từ đầu năm đến nay trên 1 triệu tấn; tổng giá trị đạt trên 480 triệu USD. Từ nay đến cuối năm, các tỉnh vùng ĐBSCL có kế hoạch xuất thêm 4,4 triệu tấn gạo. (Thông Tấn Xã Việt Nam 21/3)

TIN TRONG NƯỚC
Hàng Nhật ở Việt Nam hút hàng
Ngày 21/3, các cửa hàng kinh doanh sữa khu vực Nguyễn Thông (Quận 3), chợ Cũ (Quận 1, TPHCM) cho biết, hiện đang có hiện tượng một số bà mẹ gom các loại sữa xuất xứ từ Nhật Bản như sữa Meiji, sữa Wakodo khiến lượng sữa bán ra tăng vọt. Ngoài ra, một số mặt hàng thực phẩm khô, mỹ phẩm của Nhật cũng hút hàng. Tuy nhiên, theo các đầu mối kinh doanh nhập khẩu hàng tiêu dùng và thực phẩm từ Nhật, đến nay việc nhập hàng hóa vẫn diễn ra thuận lợi. Ông Nguyễn Thời Hồ Nhật - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hạ Chí - chuyên bán hàng nhập khẩu từ Nhật cho biết, phần lớn nguồn hàng tiêu dùng mà công ty nhập đều từ các thành phố phía nam Nhật Bản như Osaka, Nagoya nên không chịu ảnh hưởng nhiều của trận động đất ngày 11/3 vừa qua. (Tuổi Trẻ 22/3)

Sức mua tại TPHCM tăng khá
Theo Cục Thống kê TPHCM, sau hai tháng biến động tăng giảm với biên độ lớn do ảnh hưởng của Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng dịch vụ của người dân trong tháng 3/2011 đã trở lại mức trung bình, tăng 7,2% so với tháng 2/2011, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chính sách khuyến mãi của trung tâm thương mại và chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu đã góp phần giảm bớt áp lực tăng giá trên thị trường chung. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố quý I.20111 đạt 105.345 tỷ đồng. (Đại Biểu Nhân Dân 22/3) 

Hà Nội: Giá thực phẩm tăng vọt
Giá thực phẩm tại Hà Nội tăng vọt trong những ngày gần đây đang khiến người tiêu dùng hoang mang. Khảo sát của phóng viên tại một số chợ lớn ở Hà Nội cho thấy, giá thịt lợn hiện đã tăng 25% so với cách đây 1 tháng, giá trứng tăng tới 45% trong khi giá rau củ tăng bình quân 30%. Giá cá đồng tăng mạnh nhất tới 60% còn giá thịt gà công nghiệp cũng tăng không kém ở 40%. Trong khi thực phẩm tại Hà Nội “đội ” giá như vậy thì Cục Thống kê Thành phố Hà Nội vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 của thành phố Hà Nội tăng 2,41%, trong đó nhóm thực phẩm chỉ tăng 2,67%. (Cafef 22/3) 

XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Đẩy mạnh xuất khẩu và marketing cho doanh nghiệp
EuroCham sẽ tổ chức hội thảo về “Đẩy mạnh xuất khẩu và Kỹ năng Marketing cho các Doanh nghiệp và Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam” tại Hải Phòng vào ngày 24/3/2011. Hội thảo này được thực hiện trong khuôn khổ của tiểu Dự án “Tăng cường năng lực về chính sách thương mại cho các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam” do Ủy ban châu Âu tài trợ trong khuôn khổ Dự án EU- Việt Nam MUTRAP III. Đây là một hoạt động trong chuỗi các hội thảo đã được tổ chức tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Đồng Nai trong khuôn khổ Dự án này. Sự kiện lần này cũng tập trung tăng cường năng lực cho các Hiệp hội Doanh nghiệp và doanh nghiệp các tỉnh phía bắc. (Tài Chính Điện Tử 21/3)

Festival lâm sản Việt Nam thu hút hơn 150 doanh nghiệp tham gia
Chiều 21/3, Sở Thông tin - truyền thông Bình Định tổ chức họp báo về Festival lâm sản Việt Nam lần 1/2011 được tổ chức tại thành phố Quy Nhơn từ 26-28/3. Ông Lê Hữu Lộc - Chủ tịch tỉnh Bình Định, chủ trì buổi họp báo cho biết, Festival lâm sản Việt Nam lần 1/2011 có chủ đề “Lâm sản Việt Nam hội nhập và phát triển bền vững”. Festival thu hút hơn 150 doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng lãnh đạo 22 tỉnh thành trong cả nước tham gia với quy mô hơn 500 gian hàng. Festival lần này còn diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi như: Hội chợ triển lãm đồ gỗ và lâm sản Việt Nam năm 2011, Diễn đàn lâm nghiệp Việt Nam, Liên hoan văn hóa ẩm thực ba miền, Liên hoan âm nhạc Việt Nam lần thứ 11. (Tuổi Trẻ 22/3)

29/3-3/4: Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao An Giang 2011
Từ 29/3-3/4, tại Trường Đại học An Giang, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Báo Sài Gòn Tiếp Thị, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang (ATIP) phối hợp tổ chức Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao. Theo Ban tổ chức, đến nay đã có 200 doanh nghiệp đăng ký tham gia hội chợ với 550 gian hàng. Đây là hội chợ mở đầu cho chuỗi hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao trong năm 2011. Với chủ đề “Tiếp sức hàng Việt với sản phẩm mới”, chuỗi hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao năm nay có nhiều nội dung mới và đặc biệt nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm mới nghiên cứu người tiêu dùng và truyền thông, quảng bá, tiếp thị. Sau An Giang, Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao 2011 tiếp tục được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Đồng Nai, Đak Lak... (Nông Nghiệp Việt Nam 22/3)

DOANH NGHIỆP - THƯƠNG HIỆU
Doanh nghiệp sớm điều chỉnh kế hoạch kinh doanh
Chưa hết quý 1 nhưng nhiều doanh nghiệp đã phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất kinh doanh trước những khó khăn về chi phí đầu vào. Kể từ ngày 15/3, giá bia chai loại 450ml của tổng công ty cổ phần bia – rượu – nước giải khát Hà Nội đã phải tăng lên 10% do giá nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào tăng. Ông Nguyễn Hồng Linh-Giám đốc điều hành tổng công ty cho biết, trong ba tháng đầu năm, sản lượng sản xuất mới đạt 12,5% kế hoạch sản lượng cả năm. So với mục tiêu tốc độ tăng trưởng cả năm là 18% thì kết quả sản xuất của quý 1 không mấy lạc quan. “Tổng công ty đã rà soát lại các kế hoạch đặt ra và xác định lại tốc độ tăng trưởng của bia các loại để đảm bảo tăng trưởng ổn định”, ông Linh cho biết. Cùng với việc điều chỉnh lại các kế hoạch, tổng công ty này còn rà soát lại các dự án, tính toán kỹ lưỡng việc đầu tư mới và chỉ cân đối vốn cho những dự án chuyển tiếp quan trọng. Một số dự án chuyển tiếp được tập trung như dự án nhà máy bia Hà Nội tại Kim Bài, dự án Habeco tại Hải Phòng, Quảng Trị, Thái Bình… để sớm đưa vào khai thác. Tổng công ty ra định mức giảm 10% chi phí ngoài sản xuất của công ty mẹ, theo kế hoạch tổng chi phí ngoài sản xuất năm nay là 510 tỉ đồng được hạ xuống còn 460 tỉ đồng. (Sài Gòn Tiếp Thị 21/3)./.