Đây là tín hiệu vui, dự báo một năm tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu của tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo thông tin từ Sở Công Thương Vĩnh Phúc, hoạt động xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2024 của tỉnh có dấu hiệu phục hồi so với cùng kỳ, tuy nhiên nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh hiện nay như dệt may, giày da, vật liệu xây dựng... xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU), Canada, Mỹ được dự báo sẽ còn gặp khó khăn do căng thẳng chiến sự vùng Biển Đỏ làm chi phí vận tải biển tăng cao từ 80% đến 300% so với tháng 12/2023.
Vì vậy, để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tìm kiếm, mở rộng, đa dạng hóa và khơi thông thị trường hàng hóa xuất khẩu của tỉnh. Tiếp tục tổ chức hội nghị phổ biến kiến thức về các hiệp định, hỗ trợ các doanh nghiệp làm việc với các đơn vị của Bộ Công Thương, các tham tán thương mại để tìm hiểu thông tin thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Chi cục Hải Quan Vĩnh Phúc cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ công trực tuyến vào quy trình thủ tục hải quan; vận hành tốt hệ thống theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN bảo đảm 100% tờ khai xuất nhập khẩu của doanh nghiệp được khai báo qua hệ thống thông quan tự động, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, rút ngắn thời gian thông quan, đóng góp vào ngân sách Nhà nước.
Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có hơn 500 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu với các nhóm ngành, lĩnh vực như: Linh kiện xe máy, xe máy nguyên chiếc, gạch men, linh kiện điện tử, giày dép, quần áo các loại với thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hoa Kỳ, EU, Nga, ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Nhờ chủ động tái cấu trúc, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường mới, 4 tháng đầu năm 2024, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ với giá trị xuất khẩu ước đạt hơn 5,3 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện tăng 63%; xăng dầu tăng 45%; máy móc, thiết bị và phụ tùng tăng gần 26%; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng gần 13%.
Đặc biệt, 4 tháng đầu năm 2024, sản xuất linh kiện điện tử tiếp tục khởi sắc khi một số nhà đầu tư đã di chuyển công đoạn sản xuất linh kiện điện tử từ Hàn Quốc và Trung Quốc vào Việt Nam. Đây cũng là ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất và giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhất, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD, tăng 63,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp linh kiện điện tử đang tạo việc làm cho trên 75.000 lao động, chiếm 65% tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Một trong những doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cao của tỉnh là Công ty TNHH BHflex Vina, Khu công nghiệp Khai Quang. Đây là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất linh kiện điện tử, tấm mạch in mềm (FPCB). Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp này đã xuất khẩu đạt hơn 200 triệu USD.
Công ty TNHH Solum Vina, Khu công nghiệp Bá Thiện 2, huyện Bình Xuyên là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, chuyên sản xuất, gia công linh kiện điện tử phục vụ cho sản xuất, lắp ráp ti vi, màn hình máy tính, điện thoại di động và bảng giá điện tử cho các hãng điện tử như Samsung, Panasonic, Sony… với công suất 10.000.000 sản phẩm/tháng.
Đến hết quý I/2024, doanh thu của công ty đã đạt hơn 130 triệu USD, trong đó, chủ yếu là xuất khẩu. Hiện công ty là 1 trong 74 doanh nghiệp trên cả nước đáp ứng được các tiêu chí của Tổng cục Hải quan áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên trong hoạt động xuất - nhập khẩu.