Tỉnh Bắc Giang: Sản xuất công nghiệp phát triển là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang đã tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành và kiểm tra, thường xuyên đôn đốc, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và

 

Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt trên 1.738 tỷ đồng, tăng 29,5% so với năm trước; Cơ cấu công nghiệp trong GDP từ 22% (năm 2005), tăng lên 25,1% (năm 2006), trong đó, khu vực DNNN ước đạt 675,4 tỷ đồng, khu vực ngoài quốc doanh ước đạt 990 tỷ đồng, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 73,1 tỷ đồng (kế hoạch đề ra 118 tỷ đồng). Một số huyện, thành phố có tốc độ tăng trưởng SXCN cao so với năm 2005 là: Huyện Việt Yên tăng 57%, huyện Sơn Động tăng 43,4%, thành phố Bắc Giang tăng 19,3%, huyện Lạng Giang tăng 18,5%,... phần lớn các huyện còn lại tăng trên 10%. Khu công nghiệp Đình Trám, giá trị SXCN ước đạt 250 tỷ đồng, gấp 4 lần năm 2005, xuất khẩu đạt 0,8 triệu USD, sử dụng 1.900 lao động, trong đó 1.133 lao động là người địa phương. Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng, giá trị SXCN ước đạt 15,2 tỷ đồng, sử dụng 365 lao động, trong đó lao động là người địa phương có đất thu hồi chiếm 67,1%. Cụm công nghiệp ô tô Đồng Vàng cơ bản hoàn thành nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô với công suất thiết kế 5.000 chiếc/năm, giá trị SXCN ước đạt 4,6 tỷ đồng.

Kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp toàn Tỉnh ước đạt 68 triệu USD, tăng 30% so với năm 2005. Mặt hàng xuất khẩu của ngành công nghiệp phong phú hơn và có thêm một số sản phẩm mới như: ăng ten, thiết bị điện tử, các sản phẩm nhựa, bao bì, rau quả, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm may mặc ước đạt 64 triệu USD. Đáng chú ý là các sản phẩm may mặc này đã có chỗ đứng ở các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Canada...

Về đầu tư phát triển công nghiệp: Năm 2006, Bắc Giang đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại Đài Loan. Tỉnh đã phê duyệt 18 dự án đầu tư trong nước và 4 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 297,3 tỷ đồng, gần 9 triệu USD, tổng diện tích thuê đất 422.711m2. Trong đó có 10 dự án ở huyện Việt Yên, 7 dự án tập trung ở thành phố Bắc Giang, huyện Lục Nam, Tân Yên, 1 dự án ở huyện Hiệp Hòa. Khu công nghiệp Đình Trám có 8 dự án được cấp phép với vốn đăng ký 207 tỷ đồng và 6,32 triệu USD. Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng đã được cấp phép 1 dự án có vốn đăng ký 1,5 triệu USD, tổng diện tích thuê đất 1 ha, đưa thêm nhà máy giấy Xương Giang chính thức đi vào hoạt động. Khu công nghiệp Quang Châu cấp phép 1 dự án, vốn đăng ký 2 triệu USD, mặt bằng rộng thuê 2,4 ha. Hiện đã giải phóng mặt bằng được 200ha, chủ dự án đang tiếp tục san lấp mặt bằng... Khu công nghiệp Điện than Sơn Động đã hoàn thành phần lớn hệ thống nền móng, công trình chính của nhà máy, hệ thống điện và cơ sở hạ tầng, tổng vốn đầu tư đã thực hiện đạt 780.436 triệu đồng, các liên doanh nhà thầu EPC cam kết cung cấp thiết bị đúng tiến độ thi công, đảm bảo phát điện tổ máy 1 vào quý I năm 2008.   

Trong những năm gần đây, Bắc Giang đã có thêm 289 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 500 tỷ đồng, trong đó có 145 công ty TNHH, 16 HTX, 52 chi nhánh và văn phòng đại diện... Các doanh nghiệp này chủ yếu ở TP Bắc Giang và các huyện Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hoà, Lạng Giang. Các doanh nghiệp thuộc Sở Công nghiệp quản lý đã thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển đổi mô hình quản lý đều có bước phát triển tốt như: quy mô SX được mở rộng, thu hút thêm nhiều lao động mới, thu nhập người lao động tăng hơn trước, thu ngân sách tăng khá như: công ty Cổ phần Cơ điện Lục Ngạn tăng trên 5 lần,...

Về hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp; Bắc Giang có 6 dự án với tổng vốn 1.079,45 triệu đồng, chiếm 25,1% tổng vốn kế hoạch đầu tư, gồm các dự án: Hoàn thiện công nghệ nhân rộng mô hình lò sấy vải thiều cải tiến; ứng dụng công nghệ ép rung để sản xuất ngói mầu không nung; Xây dựng một số mô hình dạng công nghệ chế biến hồng; Chế tạo máy hàn cao tần; ứng dụng và chuyển giao công nghệ ép để sản xuất cửa giả gỗ bằng vật liệu tổng hợp; Nghiên cứu thử nghiệm sử dụng gốm Ceramic lọc nước; Sở Công nghiệp đã hướng dẫn triển khai 2 đề tài khoa học cấp ngành về: nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy chế biến thức ăn viên phục vụ chăn nuôi thuỷ sản và ứng dụng, cải tiến máy đóng bao xi măng từ cơ học sang điện tự động.

Về đào tạo, phát triển nguồn lực: năm qua, các ngành Lao động - Thương binh và xã hội, Công nghiệp, Liên minh các HTX Tỉnh đã tập trung vào một số chương trình, dự án đào tạo lao động phục vụ sản xuất công nghiệp và ngành nghề nông thôn. Theo thống kê sơ bộ, số lượng lao động đã tăng thêm 10.390 người.

Về đầu tư phát triển làng nghề: toàn Tỉnh có 36 làng nghề, tập trung vào 7 nghề chủ yếu là: chế biến nông sản thực phẩm, mây tre đan, đồ mộc, dâu tơ tằm, sản xuất hương thơm, vật liệu xây dựng, khai thác cát sỏi. Tỉnh đã phê duyệt 4 dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề: mây tre đan Tăng Tiến – Việt Yên, tổng vốn 4.355 triệu đồng; sản xuất rượu Vân Hà - Việt Yên, tổng vốn 4.755 triệu đồng; mộc Đông Thượng – Yên Dũng, tổng vốn 5.085 triệu đồng; làng nghề thôn Thủ Dương – Lục Ngạn, tổng vốn 6.490 triệu đồng. Dự án làng nghề mây tre Tăng Tiến đã thu hút hàng trăm lao động trực tiếp và gián tiếp, xuất khẩu đạt gần 600.000 USD. Để khuyến khích hơn nữa hoạt động khuyến công Bắc Giang, UBND Tỉnh trích từ ngân sách 2 tỷ đồng cho hoạt động khuyến công.

Cũng trong năm qua, chương trình Phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2006 – 2010 của Bắc Giang đã được phê duyệt. Trên cơ sở đó Sở Công nghiệp đã triển khai xây dựng chương trình phát triển công nghiệp –TTCN và triển khai tại các huyện trong toàn Tỉnh. Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công nghiệp hoàn thiện Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2020; Phối hợp với Viện Năng lượng hoàn thành quy hoạch phát triển lưới điện đến 2015; Hoàn thành Đề án phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản của Tỉnh giai đoạn 2006 – 2015...

Mới đây, Ban Quản lý các khu công nghiệp của Tỉnh và Tổng công ty đất đai Hàn Quốc đã có cuộc họp thống nhất về việc xây dựng khu công nghiệp với diện tích 100 ha trong thời hạn không quá 4 năm kể từ khi có Quyết định thành lập. Theo đó, địa phương sẽ không thu tiền đất san lấp, hỗ trợ đào tạo cho lao động địa phương vào làm việc là 500.000 đồng/ người, hỗ trợ đầu tư xử lý chất thải là 500.000 USD.   

Năm 2007, trước những cơ hội và thách thức, khi Việt Nam vừa gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), Bắc Giang sẽ từng bước phấn đấu hoàn thành chương trình Phát triển công nghiệp – TTCN và ngành nghề nông thôn giai đoạn 2006 – 2010. Một số mục tiêu được đề ra tỷ trọng giá trị SXCN đạt 2.310 tỷ đồng; tăng trưởng 30 – 32% so với năm 2006; Tỷ trọng công nghiệp trong GDP khoảng 26 – 27%; Kim ngạch xuất khẩu tăng 18%; Tạo việc làm mới cho 5.000 – 6.000 lao động.
  • Tags: