1. Tình hình cung - cầu, giá cả trên thị trường
a. Tình hình chung
Để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ ngành hữu quan chỉ đạo các đơn vị thực hiện tích cực công tác đảm bảo phục vụ Tết. Không khí mua bán trên thị trường Tết năm nay kém sôi động hơn so với cùng thời điểm các năm trước đây, một phần là do tình hình kinh tế khó khăn trong năm 2011 ảnh hưởng tới thu nhập, chi tiêu và sức mua của người dân, một phần do xu hướng mua sắm Tết muộn hơn và tập trung vào những ngày sát Tết.
Công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết đã được các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp chuẩn bị chu đáo. Hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết trên thị trường phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, nhiều doanh nghiệp tăng cường khuyến mại, giảm giá, giải phóng hàng tồn kho để thu hồi vốn… trong khi sức mua trên thị trường không cao như mọi năm và với mặt bằng giá trước đó đã ở mức cao nên nhiều loại hàng hóa Tết năm nay giá không tăng hoặc chỉ tăng nhẹ so với thời điểm trước Tết, tuy nhiên so với Tết năm trước giá nhiều loại hàng hóa vẫn cao hơn từ 10-20%. Riêng đối với một số mặt hàng như thực phẩm tươi sống, rau quả, hoa tươi, do đặc thù mặt hàng và nhu cầu tiêu thụ cao nên giá trong những ngày sát Tết tăng khoảng 20-50% so với ngày thường.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã triển khai việc bán hàng bình ổn và tổ chức bán hàng phục vụ Tết, đặc biệt cho địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Việc dự trữ hàng hoá bình ổn thị trường tại các địa phương đã đem lại hiệu ứng tích cực cho thị trường, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
b) Giá một số mặt hàng Tết
Những tháng cuối năm 2011, với nguồn cung khá dồi dào, giá lúa gạo trên thị trường ổn định, ở mức thấp, một số địa phương ĐBSCL giá lúa giảm.
Tại hầu hết các địa phương, UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo các sở ban ngành, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn có kế hoạch chuẩn bị, đảm bảo lượng thóc gạo dự trữ và chủ động có phương án cung ứng cho thị trường khi giá tăng cao hoặc có đột biến. Chính vì vậy, giá lúa gạo trên thị trường Tết tương đối ổn định (đối với lúa gạo thường), riêng một số loại gạo tẻ chất lượng cao và nếp có mức tăng nhẹ do nhu cầu tiêu thụ cao vào dịp Tết.
Giá các loại thực phẩm ổn định vào tháng 11 và tháng 12 năm 2011. Sang tháng 1 năm 2012, theo quy luật hàng năm, do biến động tâm lý dịp Tết và thời tiết rét đậm nên giá hầu hết các mặt hàng thực phẩm có diễn biến tăng nhẹ so với tháng trước Tết (từ 10-15% tùy loại) và tăng mạnh so với Tết năm 2011(từ 15 - 45%).
- Thực phẩm tươi sống: khác với diễn biến mọi năm, nhu cầu và giá mặt hàng thực phẩm tươi sống không tăng trong tuần trước 23 Tết, thậm chí giá mặt hàng thịt lợn còn giảm từ 2.000 – 5.000đ/kg tùy chủng loại tại một số tỉnh phía Nam. Nhu cầu đối với các loại thịt tươi sống, thực phẩm chế biến chỉ thực sự tăng cao trong 2-3 ngày cận Tết nhưng do công tác chuẩn bị tốt và nguồn hàng hóa dồi dào nên giá ngoài thị trường tự do chỉ tăng khoảng 10-15% so với những ngày trước Tết. Riêng tại hệ thống siêu thị, điểm bán hàng của các doanh nghiệp được vay vốn bình ổn Tết, giá các loại hàng này ổn định, thu hút nhiều người dân vào mua, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh, vào ngày 28, 29 Tết các doanh nghiệp Bình ổn như Vissan, Co.op Mart, Ba Huân… thực hiện giảm giá, khuyến mãi đối với các mặt hàng là thực phẩm tươi sống và trứng gia cầm.
+ Giá thịt lợn: mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch tai xanh, lở mồm long móng nhưng đã kịp thời tái đàn từ quý III/2011 nên nguồn cung thịt lợn dồi dào, giá thịt lợn sau khi giảm từ 2.000 – 5.000đ/kg vào tuần trước 23 Tết, đã tăng nhẹ vào những ngày cận Tết với mức tăng khoảng 10-15%, nhưng mức giá chỉ cao hơn so với mức giá năm trước từ 7.000-25.000 đồng tương đương 10-20%.
+ Giá thịt bò, gia cầm, thủy hải sản: đây là các mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh trong những ngày Tết. Mặc dù đã được các đầu mối chuẩn bị nguồn cung khá lớn và dồi dào nhưng do ảnh hưởng bởi thời tiết và sức mua tăng cao vào dịp Tết nên giá tăng khoảng 10-20% so với trước Tết và tăng 10 – 30% so với Tết năm trước. Giá một số mặt hàng hiện phổ biến:
Thịt bò thăn: 170.000 - 220.000 đồng/kg
Gà ta lông: 110.000 - 130.000 đồng/kg
Tôm sú (30 con/kg): 280.000 - 350.000 đồng/kg
+ Giá rau, củ, trái cây: mặc dù nguồn cung được chuẩn bị đầy đủ nhưng do thời tiết rét đậm kéo dài tại Miền Bắc 2 tuần trước Tết và tâm lý mua hàng tích trữ dịp Tết nên giá các loại rau, củ, trái cây tăng từ 10 – 20% so với ngày trước Tết tại miền Bắc. Trong khi đó, thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào nên giá các loại rau củ trái cây tại các tỉnh Miền Nam lại có xu hướng ổn định so với ngày trước Tết.
- Giá thực phẩm chế biến và một số mặt hàng thuộc nhu cầu Tết:
+ Thực phẩm chế biến: các doanh nghiệp sản xuất hàng thực phẩm chế biến đã chuẩn bị nguồn nguyên liệu sản xuất từ sớm nên nguồn cung khá dồi dào (các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng nhiều hơn năm ngoái từ 10-15% so với năm ngoái). Nhưng do chi phí đầu vào tăng nên giá các mặt hàng này vẫn tăng khoảng 10-15% so với cùng kỳ năm trước.
+ Rượu, bia, bánh, mứt kẹo: tại các thành phố lớn, các mặt hàng bánh, kẹo, bia rượu nhập khẩu được tung mạnh ra thị trường trong dịp Tết, mặc dù các mặt hàng trong nước mẫu mã, chủng loại cũng đẹp và phong phú, nhưng do giá hàng trong nước và hàng ngoại nhập không chênh lệch lớn như các năm trước nên trong ngày trước Tết khoảng 1-2 tuần, sức tiêu thụ hàng ngoại cao hơn hàng trong nước. Đến những ngày cận Tết, nhu cầu đối với hàng trong nước mới tăng hơn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của các gia đình, tuy nhiên do đã phải san sẻ nhu cầu đối với các mặt hàng ngoại nhập trước đó nên sức tiêu thụ của các mặt hàng này đặc biệt là đối với bia sản xuất trong nước kém hơn các năm trước.
Nếu xét trên bình diện cả nước, các mặt hàng sản xuất trong nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn, chủ yếu là của các hãng sản xuất uy tín như bánh kẹo Hải Hà, Kinh đô, Hữu nghị, Habeco, Sabeco, Vang Thăng long, Vang Đà Lạt… Giá hàng hóa của các hãng này so với cùng kỳ Tết năm trước đã tăng khoảng 15-25% (tùy loại) nhưng mức tăng chủ yếu được điều chỉnh từ trong năm do các chi phí đầu vào sản xuất tăng.
+ Một số mặt hàng nông sản tiêu thụ mạnh trong dịp Tết: cũng như các năm, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh các thể đều chuẩn bị tốt nguồn hàng, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân nên không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá. Giá các loại nông sản khô như đỗ xanh, lạc, măng, miến, hạt dưa, hạt bí, bóng bì…giá đã bắt đầu tăng từ trước Tết 1 tháng, mức tăng khoảng 10% - 15% so với dịp Tết năm ngoái sau đó ổn định trong dịp cận Tết.
+ Hoa, cây cảnh: Do thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của hoa, cây cảnh nên nguồn cung dồi dào và đa dạng về chủng loại. Tuy nhu cầu của người dân năm nay không cao nhưng giá các loại hoa như đào, lan, ly, hồng, lay ơn…tăng nhẹ khoảng 10-15% so với Tết năm trước, nguyên nhân do giá phân bón, tiền vận chuyển, chăm sóc, thuê cửa hàng, địa điểm đều tăng.
+ Giá một số loại hàng hóa Tết trên thị trường:
Bia Hà Nội: 220.000 – 230.000 đ/thùng
Bia Heniken: 360.000 – 370.000đ/thùng
Cocacola: 170.000-180.000đ/thùng
Vodka HN 750ml: 60.000đ/chai
Bánh Kinh Đô hộp sắt 400gr: 95.000 – 100.000đ/hộp
Bánh Kinh Đô hộp sắt 700gr: 120.000 – 130.000đ/hộp
Măng khô (măng lưỡi lợn): 230.000 – 250.000 đ/kg
Hạt bí: 170.000 – 190.000đ/kg
Nấm hương: 330.000 – 350.000đ/kg
Bưởi diễn: 40.000 – 55.000đ/quả
Cam canh: 65.000 – 80.000đ/kg
Xoài Cát : 60.000 – 70.000đ/kg
Táo đường (Mỹ, Úc): 85.000 – 130.000 đ/kg.
2. Tình hình sản xuất kinh doanh hàng phục vụ Tết của các đơn vị ngành Công Thương 3 ngày tết (29 tháng chạp, mùng 1 và mùng 2 tết)
Trước Tết, nhìn chung các đơn vị ngành Công Thương đã có nhiều biện pháp tích cực sản xuất kinh doanh phục vụ tết Nhâm Thìn. Trong 03 ngày Tết, các doanh nghiệp nghỉ tết, không sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, năm nay nghỉ tết dài ngày nên trong những ngày này, các doanh nghiệp chủ yếu tăng cường bố trí trực tết để đảm bảo an ninh và an toàn phòng chống cháy nổ. Có một số doanh nghiệp sẽ bắt đầu trở lại sản xuất vào mùng 4 tết (ngày 26/1), một số doanh nghiệp bắt đầu sản xuất vào mùng 6 tết (28/1).
Đối với các đơn vị sản xuất thuộc lĩnh vực khai khoáng: các mỏ than, hầm lò chạy quạt thông gió đảm bảo an toàn mỏ; các đơn vị luyện gang, luyện thép vẫn hoạt động bình thường (thực hiện chế độ nghỉ luân phiên).
Đối với các đơn vị sản xuất thuộc lĩnh vực năng lượng:
- Tại công trường các dự án trọng điểm tiếp tục được duy trì hoạt động xây lắp, không ngày nghỉ Tết: nhà máy Đạm Cà Mau, nhà máy Xơ sợi tổng hợp Đình Vũ, nhà máy Điện Vũng Áng, Nhơn Trạch 2, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
- Nhà máy lọc dầu Dung Quất được sản xuất ổn định trong 03 ngày Tết với công suất ổn định.
Đối với các đơn vị sản xuất thuộc lĩnh vực phân bón:
Thị trường phân bón trong nước tháng 01 và trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn diễn biến ở mức ổn định. Giá các loại phân bón nhìn chung ổn định và có lúc giảm nhẹ, lượng hàng tiêu thụ trên thị trường ở mức thấp.
Dự báo thị trường phân bón trong thời gian sau Tết và trong năm 2012 tương đối ổn định và có xu hướng giảm, do nguồn cung dồi dào khi dự án Nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Ninh Bình đi vào sản xuất và sau đợt lũ lụt vừa qua ở đồng bằng Sông Cửu Long, ruộng đồng có nhiều phù sa bồi đắp.
3. Tình hình kiểm tra, kiểm soát và bình ổn thị trường
Thực hiện kế hoạch đề ra, lực lượng quản lý thị trường ở các địa phương trong cả nước đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu qua biên giới và lưu thông trên thị trường, ngăn chặn và xử lý các trường hợp sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép. Qua tổng hợp chung, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu đã giảm, riêng các loại pháo không còn bày bán và sử dụng công khai; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng được chú trọng, hàng hoá phong phú, đảm bảo chất lượng.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường tổ chức các đoàn kiểm tra thị trường Tết trên địa bàn các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh vào ngày (28 và 29 Tết). Các quận, huyện đều tổ chức trực tết và tình hình trong tầm kiểm soát.
Tại các địa phương, các Chi cục Quản lý thị trường tổ chức kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn, phân công trực tại chỗ những ngày nghỉ tết, bố trí nhân lực ứng trực đến đêm 29 Tết để đề phòng các biến động không có lợi của thị trường. Trọng tâm là tiếp tục giám sát hoạt động của các cửa hàng xăng dầu; kiểm tra, nhắc nhở các cửa hàng, điểm bán ở các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; chú ý việc giám sát các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết: rượu bia, bánh, mứt, kẹo, cụ thể:
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, đầu cơ găm hàng, tung tin thất thiệt; việc chấp hàng pháp lệnh giá, thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với các mặt hàng thiết yếu thuộc danh mục bình ổn giá và các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo nổ, đèn trời, trò chơi kích động bạo lực.
- Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo 127/TW về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng nhân dịp tết Nhâm Thìn và năm 2012, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với lực lượng Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng và Cảnh sát phòng cháy chữa cháy kiểm tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu và gas trên địa bàn. Qua kiểm tra, Quản lý thị trường Ninh Thuận đã kiểm tra, phát hiện 06/25 cơ sở vi phạm. Cụ thể: 02 cơ sở vi phạm về điều kiện kinh doanh, 01 cơ sở vi phạm quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu, 02 cơ sở vi phạm về đo lường, 01 cơ sở vi phạm về chất lượng, xử phạt vi phạm hành chính 04 cơ sở, thu phạt 59.000.000 đồng (Năm mươi chín triệu đồng) và thu hồi tiền thu nhập bất hợp pháp 8.694.000 đồng; Tại Hà Nội, tới thời điểm này, kết quả lấy mẫu giám định xăng dầu cho thấy hầu hết doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng dầu đều có giấy tờ kinh doanh xăng dầu đầy đủ và các mẫu xăng giám định đều đạt Quy chuẩn Việt Nam.
- Phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, kiểm soát về vệ sinh an toàn tại các khách sạn, nhà hàng..., không để xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Tập trung kiểm tra, kiểm soát các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, lấy mẫu giám định về hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với các mẫu rau, hoa quả... Qua kiểm tra cũng đã phát hiện nhiều loại thực phẩm đóng gói, bánh kẹo, trái cây nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc lưu thông trên thị trường không có nhãn phụ, không rõ nguồn gốc.
- Chủ động phối kết hợp với các lực lượng chức năng như: Bộ đội Biên phòng; Hải quan; Công an thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và chống xuất lậu xăng dầu trên tuyến biên giới.
4. Tình hình cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt
Về tình hình cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 của cả nước đã được chuẩn bị tốt và thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra. Không có sự cố lớn về nguồn và lưới điện. Việc cung cấp điện cho dịp Tết Nguyên đán được đảm bảo tốt. Việc cung cấp điện cho các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong dịp Tết được thực hiện tốt.
Lưới truyền tải 220kV – 500 kV vận hành ổn định. Tình hình lưới điện từ 110 KV trở xuống về cơ bản vận hành khá ổn định.
Tình hình cung cấp khí:
- Khí Cửu Long: Khả năng cấp tối đa 0.05 triệu m3/ngày.
- Khí Nam Côn Sơn: Khả năng cấp tối đa 20 triệu m3/ngày.
- Khí Cà Mau: Khả năng cấp 5 triệu m3/ngày.
Đánh giá lượng cung cấp khí: lượng khí cung cấp đảm bảo cho công suất khả dụng của các nhà máy điện tuabin khí.
5. Tình hình thị trường Tết tại một số địa phương
Tại Hà Nội
Nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng đáp ứng khá tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân từ thực phẩm, hoa cây cảnh đến hàng gia dụng, văn hóa phẩm… giá hàng hóa tăng nhẹ trong ngày 23 Tết đặc biệt là thịt gà, trái cây. Từ sau ngày 23 đến 26 Tết giá các mặt hàng không có biến động lớn so với trước đó, một số mặt rau củ, trái cây, thịt gà, giảm nhẹ so với ngày 23, giá thịt lợn ổn định, giá thịt bò, thủy hải sản bắt đầu tăng nhẹ khoảng 5-10% so với tuần trước đó, cụ thể:
- Thực phẩm thịt tươi sống:
Giá các mặt hàng thịt lợn tại các chợ đầu mối (Long Biên, Đầu mối phía Nam) ổn định so với hôm trước, cụ thể: thịt thăn 110.000đ/kg, thịt ba chỉ 90.000đ/kg, nạc vai 110.000đ/kg, thịt bò 170.000đ/kg. Tại chợ Đầu mối phía Nam mặt hàng thịt bò tăng 10.000đ/kg lên mức 180.000đ/kg.
Tại các chợ dân sinh giá thịt lợn vẫn ổn định, tuy nhiên giá thịt bò bắt đầu tăng từ 20.000- 30.000đ/kg lên mức 200.000 đến 230.000đ/kg . Giá thịt gà công nghiệp từ 60.000 – 80.000 đồng/kg, giá gà ta từ 120.000- 140.000 đồng/kg (gà làm sẵn). Tại siêu thị (big C) đang có chương trình khuyến mãi để xả hàng mặt hàng thịt nạc thăn giá 119.900đ/kg, thịt gà công nghiệp 49.900đ/kg (giảm 7.000đ), thịt gà ta làm sẵn 99.900đ/kg (giảm 9.100đ)
Tại chợ đầu mối phía Nam, trứng gà ta giảm 5000đ/chục còn 30.000đ/chục. Giá trứng tại các chợ dân sinh vẫn ổn định.
- Rau, củ:
Giá rau tại các chợ dân sinh ổn định so với tuần trước: rau muống 10.000-12.000đ/kg, bắp cải 10.000-13000/kg, cà chua 13.000- 17.000đ/kg, khoai tây 13.000-17.000đ/kg,
Giá tại siêu thị ổn định: rau muống 15.500đ/kg; rau cải 10.500đ/kg, su hào 10.000đ/củ, dưa chuột 13.200đ/kg…
- Gạo: giá các loại gạo trong nước ổn định: gạo Bắc Hương 17.000- 18.000đ/kg, gạo Xi dẻo 14.000- 15.000đ/kg , gạo Khang Dân 11.000đ/kg, riêng các loại gạo như nếp cái hoa vàng: 25.000-27.000/kg (tăng 500-1.000 đ/kg); gạo Tám Thái 19.000-21.000 đ/kg (tăng 1.000 đ/kg).
- Từ 27- 29 Tết: nhu cầu đối với các loại thực phẩm tươi sống như thịt gà, thịt lợn, thịt bò, hải sản, rau xanh, trái cây tăng mạnh, giá các mặt hàng thịt tăng khoảng 5.000 – 10.000 đ/kg so với những ngày trước đó; giá rau xanh tăng 20-50%; trái cây tăng 10-20% so với những ngày trước đó, nguồn cung hàng hóa vẫn rất đa dạng và lượng hàng dồi dào đáp ứng đủ nhu cầu.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh
Từ 23-26 Tết, do đã bước vào thời điểm giáp Tết, sức mua trên thị trường bắt đầu gia tăng, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng bánh mứt kẹo, trái cây chưng tết, bia, rượu, nước giải khát… tại chợ lẻ, sức mua tăng nhẹ. Tại một số chợ khu vực xa siêu thị và hệ thống phân phối của Chương trình bình ổn thị trường, trong một số thời điểm, khi sức mua tăng cao, giá có tăng lên nhưng nhìn chung ở mức hợp lý, không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến. Tại các siêu thị, giá cả ổn định, sức mua tăng mạnh so những ngày trước Tết.
Nhìn chung, do có lượng hàng hóa chuẩn bị và cung ứng ra thị trường của Chương trình Bình ổn thị trường luôn đầy đủ, dồi dào đã giúp thị trường ổn định. Giá cả tăng theo quy luật cung cầu ngày cận Tết, không có hiện tượng đầu cơ, tích trữ gây biến động giá, cụ thể đối với một số mặt hàng:
- Thịt gia súc, gia cầm:
Sau ngày 23 Tết, lượng thịt về hai chợ đầu mối giảm 4,6% so với ngày trước đó do nhu cầu giảm sau đó tăng dần vào những ngày sau, giá giảm đối với các mặt hàng thịt lợn pha lọc, gà, tăng nhẹ đối với thịt đùi rọ, thịt bò, hải sản, cụ thể: heo mảnh loại 1, giá 68.000 đồng/kg, giảm 4,2% so với ngày 16/01; Heo hơi: 51.500 đồng/kg; Heo mỡ: 47.000 đồng/kg; Sườn non, cốt lết, nạc dăm giảm, giò trước từ 1 - 4,3% so với ngày 16/01. Riêng đùi rọ tăng 10,5% so với ngày 16/01 do nhu cầu sử dụng mặt hàng này ngày Tết tăng cao; gà ta dao động từ 120.000 – 160.000 đồng/kg, gà công nghiệp làm sẵn 50.000 – 65.000 đồng/kg, gà tam hoàng làm sẵn 65.000 – 75.000 đồng/kg, vịt làm sẵn 65.000 – 80.000 đồng/kg.
Tại các chợ lẻ, ngoài chợ đầu mối, nguồn hàng còn được cung cấp từ các nguồn: Công ty Vissan, CP… hàng hóa phong phú. Giá ổn định, chênh lệch từ 20.000 – 25.000 đồng/kg tùy vào khu vực và từng chợ và cao hơn giá Chương trình Bình ổn thị trường từ 12 - 40%. Tại các siêu thị, điểm bán trong Chương trình, hàng hóa được bày bán đầy đủ, giá được niêm yết đúng theo quy định.
Tính từ thời điểm đầu tháng, xu hướng giá heo hơi giảm do nguồn cung dồi dào và chưa vào thời điểm tiêu thụ cao mặt hàng này. Tuy nhiên, giá hàng pha lọc và giá thịt bò lại có xu hướng nhích lên do nhu cầu tiêu thụ của 1 số lọai thịt nhất định cho ngày Tết gia tăng. Các đơn vị trong Chương trình Như Sài Gòn Co.op, Vissan, Tcty Nông nghiệp Sài Gòn đã có kế họach thực hiện chương trình khuyến mãi giảm giá 10.000 đ/kg tất cả các lọai thịt trong Chương trình Bình ổn thị trường vào 02 ngày 28 và 29 Tết tới đây.
- Gạo: hiện nay, trước tình hình giá gạo xuất khẩu tại Châu Á không cao, trữ lượng gạo trong nước lớn dẫn đến giá lúa gạo tại khu vực ĐBSCL ổn định. Tại các chợ lẻ, giá gạo tẻ thường dao động từ 13.000 - 15.000đ/kg, gạo Nàng Thơm chợ Đào dao động từ 18.000 – 21.000 đồng/kg, nếp sáp dao động từ 20.000 – 25.000 đồng/kg tùy từng chợ và chất lượng hàng hóa.
So với thời điểm đầu tháng, giá gạo đang trên xu hướng giảm.
- Đường, dầu ăn: tại siêu thị, giá các mặt hàng dầu ăn, đường, trứng gia cầm ổn định. Tại chợ lẻ, giá mặt hàng đường và dầu ăn ổn định nhưng giá mặt hàng trứng gia cầm có xu hướng tăng nhẹ. Cụ thể: trứng gà loại 1 giá 22.000 - 25.000 đồng/hộp 10 trứng; Trứng vịt loại 1: 31.000 - 36.000 đồng/hộp 10 trứng và cao hơn giá bán trong Chương trình Bình ổn thị trường từ 15 - 22,8%.
- Rau củ: Lượng rau củ và trái cây ngọai nhập về chợ có xu hướng giảm.
Giá cả một số các mặt hàng rau củ dao động tùy theo cung cầu của thị trường. Tại chợ đầu mối, sức mua giảm, các mặt hàng rau củ quả giảm từ 1.000 – 3.000 đồng/kg so với ngày 23 Tết. Tại các chợ và cửa hàng bán lẻ, lượng rau củ nhiều nhưng do nguồn cung từ các đầu mối bán buôn giảm nên giá bắt đầu tăng nhẹ.
- Trái cây: một số mặt hàng trái cây chưng Tết như bưởi, thanh long, xoài, mãng cầu… do nhu cầu tăng cao, giá tăng nhẹ từ 2.000 – 5.000 đồng/kg, Tại các chợ lẻ, giá tăng từ 2.000-10.000đ/kg tùy theo tình hình lượng hàng về chợ và sức mua trong ngày.
- Thủy hải sản: tại các chợ bán buôn giá cả ổn định, có một số mặt hàng giá tăng nhẹ, cụ thể: mực lá, cá bốp tăng 15.000 đồng/kg, nghêu tăng 5.000 đồng/kg… nguyên nhân do gần Tết sức mua tăng trong khi ngư dân giảm đánh bắt, hàng về ít. Tại chợ lẻ, giá không có biến đông mạnh.
Thủy hải sản khô giá tương đối ổn định, do sức mua trung bình. Tuy nhiên, so với thời điểm đầu tháng, giá có xu hướng tăng do cầu tăng, đặc biệt đối với các mặt hàng Tết như tôm khô tăng khoảng 10.000-15.000 đ/kg.
Từ ngày 27 Tết, nhu cầu mua sắm các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hoa, trái cây bắt đầu tăng mạnh, giá nhiều loại thịt như thịt bò, gà, trái cây tại các chợ dân sinh biến động từng ngày. Đến ngày 29/12 âm lịch (tức 30 Tết), giá các mặt hàng này đã tăng khoảng 10-15%, một số mặt hàng rau xanh đã tăng 30-50% so với trước 23 Tết. Tuy nhiên, tại các siêu thị và các điểm bán hàng của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn, giá hàng hóa vẫn được giữ ổn định và thấp hơn giá thị trường trong những ngày cao điểm.
Tình hình thị trường những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012
TCCT
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 01/2012 đạt 191.061 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng 12/2011, tăng 22% so với tháng 01/2011, cho thấy sức mua tăng cao hơn vào dịp Tết và tập trung vào