Trong quý II và quý III, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn về đẩy mạnh sản xuất than, công tác đào lò cũng tăng so với các tháng quý I/2022, đạt bình quân 20.000m đến 23.000m/tháng. Có 05/13 đơn vị sản xuất hầm lò đạt trên 75% KH năm gồm Than Hạ Long, Mạo Khê, Dương Huy, Uông Bí và Mông Dương.
Các đơn vị đạt tiến độ kế hoạch gồm Than Vàng Danh, Quang Hanh, Hà Lầm, Hòn Gai; các đơn vị đạt thấp so với kế hoạch: Than Thống Nhất, Núi Béo, Khe Chàm, Nam Mẫu, nguyên nhân chủ yếu do thiếu lao động và công tác thuê ngoài đạt thấp so với kế hoạch…
Hiện, toàn Tập đoàn có 10 hệ thống thiết bị đào lò EBH, trong đó Than Vàng Danh có 02 máy, còn lại tại Than Hạ Long, Khe Chàm, Dương Huy, Uông Bí, Nam Mẫu…, qua đánh giá, thiết bị phù hợp với điều kiện địa chất, thực tế sản xuất của các đơn vị, cho năng suất cao, giảm nhân công; một số đơn vị sử dụng máy đào lò AM45.
Các đơn vị đã đẩy mạnh áp dụng cơ giới hoá trong công tác đào lò, đối với đào lò đá đầu tư dây chuyền đào lò như máy đào lò Combai, xe khoan, máy xúc; đối với lò phân tầng, lò thông gió có tiết diện nhỏ áp dụng máy xúc mini kết hợp máng cào. Công ty Xây lắp mỏ - TKV 9 tháng đạt 15.000m, bằng 75% KH năm, chủ yếu đào lò XDCB, các lò có tiết diện lớn, các dự án phục vụ các đơn vị Than Nam Mẫu, Quang Hanh, Dương Huy, Mông Dương…
Kế hoạch quý IV/2022: đào lò tổng số 75.000m, trong đó lò XDCB 1.200m, lò CBSX 74.000m; phấn đấu cả năm đạt 236.600m; trong đó lò XDCB 5.700m, còn lại là lò CBSX.
Theo kế hoạch năm 2023, để đáp ứng cho sản xuất, tổng số mét lò đào 277.000m, trong đó lò XDCB 6.600m, tăng 900m so với 2021 và lò CBSX 270.000m, tăng 13.000m so với 2021. Trong đó, các đơn vị sản xuất than hầm lò tự làm 223.000m; Công ty Xây lắp mỏ - TKV thực hiện 20.000m…,
Để thực hiện được kế hoạch trên, Tập đoàn TKV sẽ tập trung vào một số giải pháp như: các đơn vị bố trí, điều hành sản xuất huy động tối đa thiết bị đào lò cơ giới hoá như máy đào lò EBH, máy đào lò Combai, máy xúc lật hông, máy xúc mini, máng cào…, rà soát toàn bộ mét lò, bố trí dây chuyền, thiết bị CGH cho sản xuất, đầu tư công nghệ, thiết bị mới, đẩy mạnh tốc độ đào lò; cân đối lựa chọn thuê ngoài các đơn vị đào lò có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu tiến độ, sản lượng;
Công ty Xây lắp mỏ - TKV phát huy vai trò đơn vị đào lò chủ lực của TKV, đầu tư 02 dây chuyền đào lò đá trong năm 2022 và đầu tư thêm 1 dây chuyền trong năm 2023 để tăng năng lực đào lò; tập trung thực hiện các đường lò chính, đường lò XDCB, lò khai thông, xuống sâu, đi xa, đáp ứng công tác đào lò cho Than Dương Huy, Quang Hanh, Nam Mẫu, Mông Dương và các đơn vị hầm lò khác…
Trong quý IV/2022, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh công tác đào lò, hoàn thành chỉ tiêu đào lò không thấp hơn kế hoạch được giao năm 2022.
Tại Hội nghị về nâng cao tiến độ công tác đào lò diễn ra vừa qua, Tổng Giám đốc Tập đoàn TKV Đặng Thanh Hải đã nhấn mạnh: Công tác đào lò có vai trò hết sức quan trọng trong sản xuất, đặc biệt là khi tăng sản lượng, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch SXKD. Tuy nhiên, công tác đào trong những năm qua mặc dù được Tập đoàn quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ và các đơn vị đã có nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Do vậy, Tổng Giám đốc Tập đoàn yêu cầu lãnh đạo các đơn vị hầm lò, xây lắp mỏ cần có những giải pháp đột phá, thúc đẩy công tác đào lò, đặc biệt là tự chủ trong sản xuất, nâng cao năng lực đào lò, đẩy nhanh tiến độ đào lò, đáp ứng cho sản xuất, tăng sản lượng trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Trước mắt trong quý IV/2022, tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh công tác đào lò, hoàn thành chỉ tiêu đào lò không thấp hơn kế hoạch được giao năm 2022.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải chỉ đạo, cần tạo đột phá, đẩy nhanh tiến độ đào lò để đáp ứng cho sản xuất, tăng sản lượng than
Trong thời gian tới, các đơn vị cần bám sát chỉ đạo của Đảng ủy, HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn về công tác đào lò, yêu cầu các đơn vị phải chủ động trong công tác đào lò; đồng bộ các giải pháp, khắc phục các tồn tại hạn chế về thiếu lao động, thiết bị.
Đặc biệt là đầu tư, áp dụng công nghệ mới, thiết bị CGH phù hợp để tăng năng suất lao động, giảm nhân lực, cải thiện điều kiện làm việc, đi lại cho công nhân; quan tâm chế độ chính sách tiền lương, thi đua khen thưởng để thúc đẩy sản xuất, thu hút lao động.