TKV sẽ rà soát lại hoạt động của mình để phục vụ sản xuất kinh doanh phát triển

Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là một trong 8 tập đoàn chủ đạo trong nền kinh tế đất nước. Để hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, TKV đang có những giải pháp hết sức quan tr

 

PV: Thưa Thứ trưởng, năm 2009, kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước,  nhưng Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng Sản Việt Nam vẫn hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh. Xin Thứ trưởng cho biết khái quát về kết quả đó và những định hướng cơ bản trong năm 2010 của TKV?

 Thứ trưởng Lê Dương Quang: Năm 2009 là năm hết sức khó khăn đối với Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), chủ yếu do từ cuối năm 2008, tiêu thụ than, khoáng sản giảm mạnh cả về số lượng và giá bán, nhất là giá xuất khẩu (có loại giảm tới trên 50%). Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt của Chính phủ, sự nỗ lực của CBCN toàn Tập đoàn, TKV đã vượt qua khó khăn và hoàn thành tương đối toàn diện nhiệm vụ kế hoạch năm 2009 với các chỉ tiêu chủ yếu sau: Tổng doanh thu 58,5 nghìn tỷ đồng, đạt 118,4% kế hoạch (KH) và tăng 2% so với thực hiện năm 2008; sản lượng than sạch 40,5 triệu tấn, tiêu thụ 43,7 triệu tấn, tăng 23,5% so với 2008 (trong đó, nhu cầu trong nước được đáp ứng đầy đủ với lượng tiêu thụ là 19,7 triệu tấn, tăng 8,4% so với 2008); sản xuất kẽm thỏi đạt 108% KH, đồng kim loại đạt 100% KH, sản xuất điện đạt 112% KH... Về hiệu quả sản xuất - kinh doanh, lợi nhuận trước thuế đạt 150% KH; nộp ngân sách đạt 126,3% KH; năng suất lao động trong sản xuất than tăng 3% so với 2008...

 Năm 2010, nhận thức rõ trách nhiệm của mình - với vai trò một tập đoàn kinh tế lớn phải tham gia tích cực vào việc thực hiện mục tiêu cơ bản do Chính phủ đề ra là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2009, TKV đã xác định nhiệm vụ, phải đẩy mạnh SX trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn, đảm bảo đủ than cho nhu cầu trong nước; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh doanh; nâng cao thu nhập cho người lao động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới; đảm bảo tiến độ đầu tư các dự án than, điện, khoáng sản, hoá chất mỏ, nhà ở cho công nhân...; điều hành kế hoạch một cách linh hoạt, thích ứng với thị trường có nhiều biến động, với phương châm “An toàn - Tiến độ - Chất lượng - Hiệu quả”. Dự kiến lượng than tiêu thụ sẽ đạt 43 triệu tấn, trong đó trong nước 25 triệu tấn; sản xuất 3,5 tỷ kWh điện, 1 triệu tấn xi măng, 50 nghìn tấn vật liệu nổ công nghiệp (cung ứng 87 nghìn tấn)... Doanh thu phấn đấu tăng 10% so với năm 2009.

 PV: Có ý kiến cho rằng, năm 2009, trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh than vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác than lậu, than bất hợp pháp... Để khắc phục tình trạng này, TKV có những giải pháp gì, thưa Thứ trưởng?

 Thứ trưởng Lê Dương Quang: Năm 2009, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp đồng bộ của các địa phương và ngành liên quan, sự nỗ lực của TKV, tình trạng khai thác và kinh doanh than trái phép về cơ bản đã được khống chế. Tuy nhiên, nếu lơ là cảnh giác thì nó vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Vì vậy, TKV xác định đấu tranh chống nạn khai thác - kinh doanh than trái phép vẫn là 1 trong những nhiệm vụ hàng đầu trong năm 2010. Tập đoàn đã và đang triển khai nhiều biện pháp, như rà soát, điều chỉnh các quy chế, quy định, quy trình quản lý nội bộ theo hướng vừa chặt chẽ vừa minh bạch; tăng cường kinh phí và lực lượng cho công tác bảo vệ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền - giáo dục kết hợp với kỷ luật nghiêm các trường hợp vi phạm; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các ngành liên quan; tích cực góp phần giải quyết các vấn đề xã hội của địa phương... Riêng đối với tình trạng kinh doanh, nhất là xuất khẩu trái phép thì tôi hy vọng, với việc điều chỉnh giá bán than nội địa sát với giá xuất khẩu sẽ giảm bớt được việc xuất lậu, gian lận thương mại.

 PV: Được biết TKV vừa đưa ra đề nghị tăng giá than năm 2010, tuy nhiên, đề nghị này chưa nhận được sự đồng thuận của các bộ, ngành vì nó ảnh hưởng tới đời sống xã hội, theo Thứ trưởng, cần phải làm gì để giải quyết hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng?

 Thứ trưởng Lê Dương Quang: Việc điều chỉnh giá than bán cho điện đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất rõ ràng tại Thông báo số 244/TB-VPCP ngày 11/8/2009 của Văn phòng Chính phủ và nhiệm vụ của TKV là phải thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Với nhận thức đó, ngày 25/11/2009 TKV đã có công văn số 7069/TKV-KH+TTN trình phương án giá than bán cho điện lên Bộ Tài chính và Bộ Công Thương. Theo tôi được biết, Bộ Công Thương sau khi cân nhắc, tính toán kỹ, đã trình các phương án giá điện và giá than tương ứng lên Thủ tướng Chính phủ, trên nguyên tắc phải đảm bảo thực hiện được ý kiến chỉ đạo nêu trên của Thủ tướng, đồng thời không gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế và đời sống nhân dân. Việc thực hiện phương án nào sẽ được quyết định trong thời gian tới. Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc thực hiện giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Chính phủ, vì vậy chắc chắn sẽ có được giải pháp thoả đáng.

 Riêng về vấn đề 3 lợi ích, tôi cho rằng không có mâu thuẫn giữa lợi ích của Nhà nước và TKV, vì TKV vẫn là doanh nghiệp nhà nước. Còn đối với người tiêu dùng thì điều dễ hiểu là không ai muốn tăng giá, song chúng ta cần phải thực sự làm quen với cơ chế thị trường. Ngoài ra, giống như giá điện, giá than tăng sẽ buộc người sử dụng phải tiết kiệm, phải áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành, tăng hiệu suất sử dụng nhiên liệu. Chúng ta đang quá lãng phí các nguồn năng lượng.

 PV: Theo nhận định của một số chuyên gia, thì nguồn tài nguyên than của Việt Nam đang dần bị cạn kiệt, không đủ cung ứng cho nhu cầu trong nước, do đó không nên xuất khẩu than, vậy phải giải bài toán này như thế nào, thưa Thứ truởng?

 Thứ trưởng Lê Dương Quang: Trước hết, phải nói rõ rằng, xuất khẩu than là việc làm cực chẳng đã. Việc giữ giá than bán cho các hộ tiêu thụ lớn trong nước thấp hơn giá thị trường thế giới, thậm chí thấp hơn giá thành sản xuất đã buộc TKV phải xuất khẩu một phần để bù đắp về mặt tài chính và có điều kiện đầu tư phát triển SX cũng như đảm bảo thu nhập cho người lao động, giữ được người lao động. Mặt khác, trong quá trình khai thác và tuyển, luôn có một lượng than mà trong nước không hoặc chưa có nhu cầu (than không khói, than chất lượng xấu). Tất nhiên, sẽ là lý tưởng nếu chúng ta có thể bỏ tiền ra dự trữ số than đó, đợi đến khi có nhu cầu sử dụng, song điều đó là không khả thi.

 Chủ trương của Tập đoàn (và cũng là chỉ đạo của Chính phủ) là phải giảm dần xuất khẩu và TKV đang thực hiện việc này. Năm nay, dự kiến xuất tối đa không quá 18 triệu tấn (năm 2009 là 24 triệu tấn). Cần lưu ý là, TKV không muốn xuất khẩu nhiều vì chính TKV được giao nhiệm vụ làm đầu mối nhập khẩu than, bây giờ xuất nhiều thì mai kia sẽ phải vất vả lo nhập.

 PV: Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam là một trong 8 tập đoàn chủ đạo trong nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh đa ngành. Theo Thứ trưởng, TKV sẽ phải tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của mình như thế nào, để đem lại hiệu quả cao, xứng đáng là tập đoàn kinh tế hàng đầu quốc gia, góp phần đắc lực vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước?.

 Thứ trưởng Lê Dương Quang: Trước mắt, TKV sẽ phải rà soát lại toàn bộ hoạt động của mình, tập trung cho những lĩnh vực chủ yếu như sản xuất than; khai thác, chế biến khoáng sản; sản xuất điện; sản xuất và cung ứng VLNCN; cơ khí mỏ; công tác thăm dò tài nguyên; đầu tư ra nước ngoài... Các ngành nghề, lĩnh vực khác như tài chính, vận tải hàng hoá, bất động sản, du lịch, khách sạn... sẽ phát triển theo hướng trước hết phục vụ những hoạt động kinh doanh chính của Tập đoàn. Một số lĩnh vực không phải là thế mạnh của Tập đoàn đã và đang được thu hẹp, loại bỏ, hoặc chuyển nhượng cho doanh nghiệp ngoài TKV.

 PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!   

  • Tags: