Các Quyết định 25/CP về một số chủ trương và biện pháp nhằm phát huy quyền chủ động sản xuất - kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính cho các xí nghiệp quốc doanh và Quyết định số 26/CP về việc mở rộng các hình thức trả lương khoán, lương sản phẩm và các hình thức tiền thưởng trong xí nghiệp nhà nước, được Hội đồng Chính phủ ban hành trong cùng ngày 21/01/1981 đã góp phần làm giảm bớt sự tập trung quan liêu bao cấp trong cơ chế quản lý nhà nước đối với các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, tạo điều kiện cho sự “bung ra” mạnh mẽ của sản xuất.
Điều quan trọng là từ đây đã gợi mở ra hướng đổi mới không chỉ trong công tác kế hoạch hóa, mà cả trong các lĩnh vực giá cả, lợi nhuận, các biện pháp khuyến khích vật chất trong cơ chế quản lý kinh kinh tế công nghiệp quốc doanh giai đoạn tiếp theo.
Mặc dù vậy, sau một thời gian thực hiện, nhiều vấn đề trong quyền tự chủ của xí nghiệp vẫn chưa được bảo đảm, nên Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa V) về những nhiệm vụ cấp bách trong công tác cải tiến quản lý kinh tế họp trong tháng 7/1984 đã chỉ rõ tác hại của tệ quan liêu, bao cấp, bảo thủ, trì trệ trong cơ chế quản lý kinh tế và tình trạng cục bộ. “Cơ chế quản lý còn mang nặng tính chất quan liêu, bao cấp; còn nhiều gò bó với cơ sở và địa phương, chưa phát huy mạnh mẽ tính chủ động, sáng tạo của cơ sở và địa phương”; “Hạch toán kinh tế mang tính chất hình thức, không phản ánh đúng thực chất hiệu quả của sản xuất - kinh doanh”; “Nhiều chính sách, nhất là các chính sách giá, lương, tài chính, tín dụng… mang nặng tính chất bao cấp, cứng nhắc; không phù hợp với thực tế, chưa gắn trách nhiệm với quyền hạn, nghĩa vụ với lợi ích của người lao động, cũng như của từng đơn vị, từng ngành, từng địa phương”.
Trên cơ sở nhận định ấy, Nghị quyết Trung ương 6, Khóa V quyết định cải tiến quản lý kinh tế theo 2 hướng. Thứ nhất, sắp xếp và tổ chức lại sản xuất. Theo đó, các bộ, địa phương cùng với cơ sở sắp xếp lại các xí nghiệp quốc doanh trung ương và địa phương, nhằm khắc phục tình trạng phân tán, chia cắt và chồng chéo. Kiện toàn các tổ chức liên hiệp sản xuất với hình thức và quy mô phù hợp với điều kiện tích tụ và chuyên môn hóa sản xuất. Hướng thứ hai, cải tiến cơ chế quản lý các đơn vị cơ sở sản xuất trên 3 mặt: (i) Về kế hoạch hóa, mở rộng quyền hạn và trách nhiệm của xí nghiệp trong xây dựng kế hoạch, bảo đảm kế hoạch thực sự được xây dựng từ cơ sở. (ii) Về cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm, phải bảo đảm cung ứng vật tư, năng lượng cho xí nghiệp, đồng thời, xí nghiệp phải giao nộp sản phẩm đầy đủ theo kế hoạch, nếu tổ chức tiêu thụ không nhận theo đúng hợp đồng thì xí nghiệp có quyền bán cho những cơ quan, xí nghiệp khác. (iii) Về chế độ tự chủ tài chính, khi giao nộp sản phẩm, xí nghiệp được thanh toán bằng giá bán buôn xí nghiệp, có lợi nhuận thỏa đáng; để lại cho xí nghiệp một phần quỹ khấu hao cơ bản và tỷ lệ lợi nhuận cao hơn để xí nghiệp có khả năng khôi phục tài sản cố định, tiến hành đầu tư chiều sâu và bổ sung vốn lưu động.
Thời kỳ này, Nhà nước đã tiến hành tổ chức lại sản xuất công nghiệp, thành lập nhiều công ty và liên hiệp xí nghiệp trong các ngành công nghiệp. Các xí nghiệp quốc doanh đã được giao thêm quyền tự chủ và nhận được các khuyến khích vật chất nhiều hơn; đồng thời Nhà nước cũng có thái độ cởi mở hơn đối với doanh nghiệp tư nhân và tự do hóa sản xuất, thị trường. Việc ban hành Điều lệ Xí nghiệp mới có tác dụng mở rộng trách nhiệm, quyền hạn tự chủ sản xuất - kinh doanh cho các đơn vị cơ sở. Nhiều địa phương cũng đã giới thiệu mặt hàng mới và nơi giao dịch để các xí nghiệp có thể trao đổi vật tư, thiết bị thừa không dùng đến và biết được các khả năng hợp tác sản xuất của nhau.