Tổ trưởng Tạ Văn Thắng: “Ước mơ được gắn bó lâu dài và phát huy sáng kiến tại Nhà máy Hóa chất Biên Hòa”

Đúng chất của người làm hóa chất - ít nói nhưng luôn toát lên vẻ tin cậy và dễ mến, anh Tạ Văn Thắng, tổ trưởng tổ thứ cấp - điện giải tiếp chúng tôi trong cái nắng gay gắt của những ngày hè đổ lửa.

Trong cuộc nói chuyện của mình, anh ít nói về bản thân, nhưng luôn say sưa khi nói về công việc và “ngôi nhà” Hóa chất Biên Hòa mà anh đã có 22 năm gắn bó.

 22 năm không ngừng nỗ lực

Kể về cơ duyên gắn bó với Nhà máy Hóa chất Biên Hòa, anh Tạ Văn Thắng bộc bạch, Công ty CP Hóa chất cơ bản miền Nam cũng như Nhà máy Hóa chất Biên Hòa là một trong những doanh nghiệp lớn trong khu vực phía Nam, có chế độ đãi ngộ đối với nhân viên rất tốt so với mặt bằng chung thu nhập hiện giờ, đồng thời có môi trường làm việc minh bạch và rất thuận tiện cho nhân viên.

Do đó, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường ở chuyên ngành kỹ sư môi trường, anh đã đầu quân về Công ty CP Hóa chất cơ bản miền Nam và đã có 22 năm gắn bó với doanh nghiệp này.

anh thang
Là người say mê công việc, anh Tạ Văn Thắng luôn trăn trở để làm tốt nhất công việc của mình

Hiện nay, công việc chính của anh tại Nhà máy là triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất sản phẩm xút. Cụ thể là quản lý thiết bị máy móc các dây chuyền sản xuất thuộc phạm vi tổ thứ cấp - điện giải; Tổ chức sửa chữa nhỏ, bảo trì máy móc thiết bị của dây chuyền sản xuất; Quản lý nhân sự thuộc phạm vi trong tổ; Hỗ trợ các bộ phận liên quan cải tiến công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm và tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, đảm bảo an toàn-môi trường.

Là một người say mê công việc, không chỉ đơn giản là làm xong công việc của mình, anh luôn trăn trở làm thế nào để nâng cao hơn nữa hiệu quả công việc của mình. Từ đó, cùng đồng nghiệp triển khai các giải pháp, sáng kiến để khắc phục hạn chế, nâng cao năng suất lao động.

Đơn cử, năm 2020, anh nhận thấy hệ trao đổi ion C504A/B đã bị xuống cấp do đã đưa vào sử dụng từ năm 1996, van ống công nghệ bị rỉ sét, xì hở, hệ thống điều khiển bị hư hỏng không hoạt động được. Về mức độ tự động hóa, cột C504A/B thuộc thế hệ cũ, toàn bộ hệ thống điều khiển các bước tái sinh và định lượng hóa chất tái sinh bằng tay, so với cột trao đổi ion mới C504C/D tự động hóa hoàn toàn bằng PLC và điều khiển cấp hóa chất tái sinh tự động nên ổn định, an toàn hơn.

Để nâng cao hiệu quả làm việc của thiết bị, anh và các đồng nghiệp đã tiến hành cải tiến công nghệ và sửa chữa phục hồi thiết bị, lập trình hệ thống điều khiển tự động theo hướng tự động hóa hoàn toàn nhằm phục hồi hệ trao đổi ion C504A/B, đáp ứng công suất nước muối cho hệ bình điện phân BM2.7 G6 công suất 20.000 tấn/năm.

Theo đó, nội dung thực hiện gồm 2 phần: Cải tiến công nghệ và sửa chữa phục hồi hệ trao đổi ion C504A/B: Bố trí lại công nghệ theo hướng tự động hóa các pha, hệ cấp hóa chất tái sinh; Sửa chữa phục hồi cột nhựa C504A/B; tận dụng các vật tư sẵn có, sửa chữa đường ống công nghệ phù hợp. Đồng thời, nghiên cứu cải tiến hệ thống lập trình điều khiển cho thiết bị bao gồm: các modun PLC và lập trình màn hình touchscreen, lập trình chương trình giám sát scada, lập trình chương trình hệ thống điều khiển.

Nhờ sáng kiến này, nếu như bắt đầu từ năm 2010, công đoạn điều chế nước muối điện phân chỉ hoạt động 01 hệ trao đổi ion C504C/D ở công suất tối đa 45 m3/h đủ đáp ứng cho các bình điện phân DD350 và BM2.7 G3 (đáp ứng công suất dây chuyền xút 30.000 tấn/năm), thì với việc áp dụng thành công giải pháp cải tạo phục hồi hệ C504A/B với công suất nước muối tăng thêm 30 m3/h của nhóm tác giả, đem lại lợi ích giúp giảm tải cho hệ trao đổi ion C504C/D, giúp cho dây chuyền có khoảng công suất dự phòng đảm bảo cung cấp chất lượng nước muối ổn định, an toàn sản xuất. Đồng thời đảm bảo đáp ứng kịp thời cho dự án đầu tư đưa vào vận hành quý 3/2019 bình điện phân BM2.7 G6 mới công suất 10.000 tấn/năm (giai đoạn 1: tăng 10.000 tấn/năm và dự kiến giai đoạn 2 năm 2021 là 20.000 tấn/năm) sử dụng khai thác đúng tiến độ, tiết kiệm, hiệu quả.

“Đặc biệt, thay vì phải đầu tư mới hệ thống trao đổi ion đồng thời với đầu tư bình điện phân mới, việc phục hồi hệ trao đổi ion C504A/B của dây chuyền điều chế nước muối điện phân giúp nhà máy tiết kiệm chi phí đầu tư nhập khẩu thiết bị” – anh Thắng vui vẻ cho biết.

Với tổng chi phí thực hiện sáng kiến phục hồi C504A/B (đáp ứng công suất 20.000 tấn/năm) là trên 2,8 tỷ đồng, ước tính giải pháp giúp tiết kiệm chi phí đầu tư trên 3 tỷ đồng. Do có năng lực 30 m3/h, hệ trao đổi ion C504A/B sẽ đáp ứng đủ cho công suất điện phân 20.000 tấn/năm nên dự án đầu tư thêm bình BM2.7G6 dự kiến thực hiện trong 2020-2021 thì hệ điều chế nước muối điện phân sẽ đáp ứng đủ, không cần đầu tư thêm.

Ngoài ra, việc phục hồi hệ thống trao đổi ion C504A/B chứng minh khả năng làm chủ công nghệ của nhà máy có thể chủ động trong chế tạo, mua sắm vật tư thay thế và lập trình điều khiển trong nước, có thể lựa chọn phương án đầu tư hệ thống trao đổi ion trong nước thay thế hàng nhập khẩu, tiết giảm chi phí khi đầu tư di dời sau này. Có giá trị lớn về kinh tế và kỹ thuật nên sáng kiến này đã được đánh giá rất cao.

anh ta van thang
Công trình cải tiến công nghệ và sửa chữa phục hồi hệ trao đổi ion C504A/B của dây chuyền điều chế muối điện phân đáp ứng cho bình điện phân Vm2.7 G6 - Sáng kiến của anh Tạ Văn Thắng cùng đồng nghiệp thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao

Tiếp tục cống hiến tích cực cho nhà máy

 Chưa hài lòng với những kết quả đã đạt được, anh Tạ Văn Thắng cho hay, trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy còn tồn đọng những hạn chế làm cho hiệu suất công việc chưa được như mong muốn là do số lượng công nhân lớn tuổi, năng lực và năng suất lao động thấp còn nhiều, công nhân mới chưa theo kịp sự cải tiến và nâng cấp dây chuyền công nghệ.

Do đó, trong thời gian tới, anh sẽ cùng các đồng nghiệp tích cực tham gia vào việc đào tạo tay nghề vận hành, bảo trì phải liên tục để công nhân theo kịp mức độ cải tiến và nâng cấp công nghệ - thiết bị. Bên cạnh đó, phối hợp với phòng kỹ thuật nghiên cứu thu gom nước ngưng, nước làm mát mặt chà của các thiết bị để giảm định mức nước trong dây chuyền.

“Riêng bản thân tôi, trong thời gian tới sẽ cập nhật kiến thức về thiết bị mới, tham gia những lớp đào tạo, học hỏi liên tục để theo kịp mức độ cải tiến và nâng cấp công nghệ thiết bị trong phân xưởng”, anh Tạ Văn Thắng cho hay.

Đánh giá về môi trường làm việc của doanh nghiệp, anh Tạ Văn Thắng vui vẻ cho biết, Công ty đã và đang có những chính sách chăm lo, quan tâm đến đời sống người lao động như tạo điều kiện để người lao động ổn định cuộc sống và nâng cao năng suất, chất lượng công việc.

Đơn cử như phòng đảm bảo chất lượng tại Nhà máy hàng năm có tổ chức các lớp học, đào tạo nhận thức hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp, lớp huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất… nhằm hướng dẫn công nhân viên đảm bảo an toàn, trong quá trình làm việc và nâng cao chất lượng công việc.

Nhà máy cũng có nhiều chính sách chăm lo cho sức khỏe công nhân viên tại Nhà máy như: mua bảo hiểm cho cán bộ công nhân viên, khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm, tặng phiếu du lịch cho nhân viên đi nghỉ dưỡng hàng năm và tổ chức những chuyến du lịch thưởng đột xuất sau mỗi đợt sửa chữa lớn/dự án lớn của Nhà máy.

“Được làm công việc yêu thích trong môi trường thuận lợi, khuyến khích cán bộ công nhân viên, tôi rất muốn được gắn bó lâu dài và cũng là động lực cho tôi đam mê công việc tại Nhà máy Hóa chất Biên Hòa” – câu trả lời chắc nịch và nụ cười hiền của anh Thắng sau câu chuyện cứ vương vấn mãi trong tâm trí chúng tôi. Tin rằng, người thợ kỹ thuật ấy sẽ còn tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

 

Nguyệt Anh