Tối ưu vẫn là phương pháp sinh học

Công trình khoa học “Nghiên cứu xử lý nước thải nhà máy bia bằng phương pháp sinh học” do PGS.TS. Nguyễn Văn Việt chủ trì đã được trao giải Nhì sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam ( VIFOTEC). “Đề tài

Còn tôi - người thực hiện cuộc trao đổi ngắn gọn với PGS.TS. Nguyễn Văn Việt - Tổng giám đốc- Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, xin trao đổi với anh một vài ý mà độc giả quan tâm từ đề tài khoa học được trao giải thưởng cao quý này.

- Thưa anh, anh và 4 cộng sự: Trần Đình Thanh, Nguyễn Văn Hách, Phạm Anh Tuấn, Vũ Đặng Trung Dũng, đã thực hiện đề tài trong một hoàn cảnh như thế nào?

PGS.TS. Nguyễn Văn Việt: Có thể nói là chúng tôi đã tìm ra một “nhánh” trong tổng thể của vấn đề xử lý chất thải làm ô nhiễm môi trường - Đó là nước thải của các nhà máy bia! Nói một cách khác là xử lý nước thải của nhà máy bia là một “nhánh” trong Chương trình giải quyết vấn đề nước thải ở Việt Nam.

Trước khi nói về nước thải nhà máy bia, tôi xin được đề cập tới những thành công của các Viện nghiên cứu, các tác giả, đã đưa ra mô hình xử lý nước thải có kết quả tốt như: Mô hình VABO (vườn - ao - chuồng - Biogas); mô hình “hồ sinh thái” của giáo sư Lâm Minh Triết; mô hình xử lý tổng hợp cho các làng nghề Hà Nội của TS. Trần Văn Nhị; chế phẩm BIOWC 96 và DW 97 của Nguyễn Văn Năm và Lại Thị Chí, v.v… rất đáng trân trọng.

Trở lại vấn đề nước thải nhà máy bia. Như bạn đọc đã nhận biết, ngành công nghiệp bia “bùng nổ” giống như xi măng, đường, sữa, sắt thép vậy. Nhưng mặt hàng bia có ưu thế là mùa nào cũng uống được, vui buồn cũng dùng được. Tầng lớp bình dân hay tầng lớp có thu nhập cao đều dùng, nó trở thành nhu cầu hằng ngày, trở thành tập quán, thành nét đẹp “văn hóa bia”. Cho nên có nhà xã hội học đã lấy chỉ số bia trên đầu người để nêu ra tiêu chí cuộc sống người dân khá giả hơn, cái đó đúng. Lấy ví dụ 1985 (khi mới mở cửa) sản lượng bia cả nước là 187 triệu lít. Năm 2000 đạt 727 triệu lít với 469 cơ sở sản xuất bia trong cả nước. Năm 2001 đạt gần 782 triệu lít, trong đó Tổng Công ty Rượu - Bia - Nước giải khát ( chưa tách thành 2 Tổng Công ty) đạt 313 triệu lít, đưa thị phần bia chiếm 40,6% thị phần cả nước, bình quân mỗi năm tăng 6%. Thực tế đó nói lên ngành bia phát triển tương đối ổn định và vững chắc. Đó là những con số “biết mỉm cười” nói nôm na là “cái được” của ngành bia.

Còn cái “chưa được”- đó là nguyên tắc thuận chiều khi sản xuất ra nhiều bia thì lượng nước thải ra cũng lắm. Bình quân hằng năm, với 469 cơ sở sản xuất đã thải ra một lượng nước nhiễm bẩn khoảng 8,5 - 13 triệu mét khối vào môi trường. Chỉ có một số doanh nghiệp mới thành lập có tiềm năng về tài chính như Bia Tiger, Bia Halida, Cocacola, Vedan, Crown, là có hệ thống xử lý nước thải đi vào hoạt động ngay từ ngày đầu thành lập. Còn lại phần lớn các nhà máy bia chưa có khả năng tài chính để đầu tư (bình quân một hệ thống xử lý nước thải theo phương pháp VABS tân tiến nhất hiện nay là 3 - 4 triệu USD). Ngay cả hai tổng công ty bia lớn như Sài Gòn và Hà Nội đến nay vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh.Với đặc tính nước thải nhà máy bia chứa nhiều chất hữu cơ chưa phân hủy, nếu không được xử lý thì gây nên hôi thối. Thực tế đã có nhiều “vụ việc” khiếu kiện của dân về vấn đề này. Thế thì ngành bia đang sản xuất trên đất Việt Nam, cho người Việt Nam, thì không thể phó mặc cho “thiên nhiên tự xử lý” môi trường. Bởi vậy mà Tổng công ty đặt vấn đề bảo vệ môi trường nằm trong tổng thể sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Từ bức xúc đó, từ 1996 tới nay, chúng tôi đã đầu tư nghiên cứu xử lý nước thải trong sản xuất bia và nay đã thành công!

- Thưa anh, anh vừa nói hoàn cảnh ra đời của Đề tài trước một thực trạng hai mặt “niềm vui” và “nỗi lo” của các nhà máy bia. Các anh mất 5 năm triển khai nghiên cứu (1996 - 2000) mới thành công. Vậy thì phương pháp xử lý này, xin anh nêu vắn tắt cho bạn đọc hình dung?

PGS.TS. Nguyễn Văn Việt: Tính chất nước thải nhà máy bia chia thành hai loại. Loại 1, có tải lượng ô nhiễm rất cao (10.000 mg/l) bao gồm các khâu nấu, lọc, rửa tank lên men. Loại 2, bao gồm các khâu thanh trùng, rửa chai, rửa sàn vệ sinh, có tải lượng ô nhiễm nhỏ (200 - 300 mg/l).

Anh Việt ngừng nói và quay sang lấy tờ giấy trắng và cây bút. Anh vẽ lên mặt giấy sơ đồ cho dễ hình dung:

- Đầu tiên phải xử lý dòng nước loại 1 để loại bỏ cặn và dầu. Sau đó hòa lẫn dòng nước loại 1 và loại 2 ở bể cân bằng. Tiếp theo đưa qua bể khuấy. Và ở đây, tải lượng nước thải ô nhiễm rất cao, được hiệu chỉnh pH và bổ sung thêm các chế phẩm xúc tác cho quá trình kỵ khí. Nước thải từ bể khuấy được đưa sang bể kỵ khí và phần lớn các chất hữu cơ được phân hủy. Nước thải lại được đưa sang bể kỵ khí UASB chỉ còn 20 - 30% các chất hữu cơ chưa bị phân hủy và tiếp tục đưa sang tháp sinh học để phân hủy tiếp. Tháp sinh học được xếp theo hệ thống các chất mang thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật. Sau khi qua tháp sinh học thì 10% chất hữu cơ bị phân hủy và còn lại trên dưới 10% không thể bị phân hủy kỵ khí thì chuyển sang bể phân hủy hiếu khí. Sau quá trình hiếu khí, nước thải sẽ đạt tiêu chuẩn loại B (theo TCVN-5945/1995) và thải ra môi trường, lượng COD < 100 mg/l. Đúng như nhận xét của Hội đồng khoa học đã nói ở trên.

- Thưa anh, so sánh với công nghệ các nước giàu thì khập khiễng. Nhưng chí ít trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, lại tự lực cánh sinh, thế thì phương pháp xử lý của các anh cứ coi đó là “mặt hàng công nghệ Việt Nam” có ưu điểm gì? Những cơ sở sản xuất nào đã “mua” công nghệ này?

PGS.TS. Nguyễn Văn Việt: Có 6 ưu điểm sau, đầu tư ban đầu thấp, tốn ít diện tích cho khu xử lý, chi phí giá thành thấp, công nghệ đơn giản dễ vận hành, xử lý nước thải có độ ô nhiễm cao, phù hợp với khí hậu nhiệt đới.

Còn hiện nay đã có 4 cơ sở đang sử dụng công nghệ này: Bia Hà Tây  (15 triệu lít), Bia Hải Dương (10 triệu lít), Bia Phú Yên(10 triệu lít), Bia Heineiken(30 triệu lít), Bia Thanh Hoá (50 triệu lít) Hải Phòng (30 triệu lít).

- Thưa anh, qua cuộc trao đổi này, một vấn đề đặt ra cần đầu tư nghiên cứu tiếp của Đề tài này là điều cốt yếu nằm ở hệ vi sinh vật trong xử lý kỵ khí. Với tư cách là chủ nhiệm, anh có ý kiến gì không?

PGS.TS. Nguyễn Văn Việt: Nhóm chúng tôi chỉ có một ý kiến duy nhất là đề nghị các cơ quan chức năng và Viện Nghiên cứu Rượu - Bia - Nước giải khát đầu tư để chúng tôi nghiên cứu sâu hơn về hệ vi sinh vật xử lý kỵ khí, với sự hợp tác của đông đảo các nhà khoa học, chắc chắn công nghệ Việt Nam trở thành hàng hóa đích thực, phục vụ cho sự nghiệp CNH - HĐH đất nước một cách hữu hiệu.

Tôi có vài suy nghĩ về anh, một người kết hợp được hai tố chất là nhà khoa học và nhà quản lý. Bởi vì trong số 16 Tổng Công ty trực thuộc Bộ Công nghiệp, anh Việt thuộc vào số rất ít “Tổng giám đốc” vừa có học vị vừa có học hàm. Anh đã chủ trì 20 đề tài, dự án KHCN (chỉ tính từ 1983 tới 2005) nhiều công trình khoa học đựơc áp dụng vào đời sống sản xuất, đem lại hiệu quả thiết thực. Anh đã đăng tải 51 bài báo khoa học trên các tạp chí, phần nhiều là các tạp chí khoa học nước ngoài (MBAA Tech Quarterly, Uneco/ixco Regional network for mirobiology end biotechnology.v.v…) Anh trực tiếp tham gia giảng dạy 222 giờ học và hướng dẫn 3 thạc sĩ, 2 nghiên cứu sinh chuyên ngành thực phẩm, công nghệ lên men và rượu bia nước giải khát. Kết hợp với trường Đại học Bách khoa và Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Nông nghiệp, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam về đào tạo và nghiên cứu khoa học. Duyên nợ với nghề công nghệ thực phẩm từ năm 1966, khi anh được sang học tập tại Đại học Lômônôxốp (Liên Xô) và năm 1982 anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại ngôi trường danh tiếng này. Viện Công nghệ thực phẩm cũng là nơi anh đã gắn trọn cả cuộc đời làm khoa học. Đã gần chục năm tôi mới gặp lại anh, kể từ những năm đầu thập kỷ 90, khi đó tôi đến làm việc với Viện Công nghệ thực phẩm (nơi anh công tác lúc đó). Nhớ mãi lúc chia tay, anh mở bia hoa quả (gọi nôm na) do Phòng vi sinh nuôi cấy men trực tiếp lên dứa quả, uống tươi, cũng la đà, chếnh choáng...
  • Tags: