Giai đoạn 1954 - 1975:
• Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đất nước tạm thời bị chia cắt thành 2 miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Ở miền Nam, Điện lực vẫn trong tay chính quyền Mỹ - Ngụy. Ở miền Bắc, ngành Điện cùng nhân dân bắt tay vào công cuộc tái thiết đất nước, tiến tới xây dựng CNXH. Từ công suất nguồn điện chỉ 31,5MW khi tiếp quản, ngành Điện đã không ngừng phát triển về quy mô nguồn, lưới, nỗ lực bảo vệ nguồn điện trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Đế quốc Mỹ.
• Thành lập Cơ quan quản lý Nhà nước đầu tiên chuyên trách lĩnh vực điện: Cục Điện lực (21/7/1955).
• Xây dựng các nhà máy điện: NMTĐ Thác Bà công suất 108 MW, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí 48MW, NMTĐ Đa Nhim công suất 160 MW.
• Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với cán bộ công nhân Nhà máy đèn Bờ Hồ (21/12/1954).
Giai đoạn 1976 - 1985:
• Những năm đầu đất nước thống nhất, việc tiếp quản các cơ sở điện lực được tiến hành nhanh gọn, đồng bộ với các ngành khác. Tiếp nhận hệ thống điện miền Nam từ chính quyền Sài Gòn: ngày 01/5/1975, dấn ấn khởi điểm quản lý thống nhất ngành Điện Việt Nam.
• Giai đoạn 1981- 1985: Thực hiện Tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn I. Ngành Điện hoàn thành những công trình lớn, mang tầm chiến lược quốc gia về nguồn và lưới điện.
• Xây dựng tuyến đường dây 220kV đầu tiên của Việt Nam: Hà Đông – Hòa Bình (khởi công 1979, hoàn thành 1981).
Giai đoạn 1986 – 1995:
• Việc thực hiện Tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn II, giai đoạn III đạt hiệu quả cao, tạo bước ngoặt lớn trong phát triển hệ thống điện Việt Nam thống nhất.
• Xây dựng và đưa vào vận hành đường dây 500 kV Bắc – Nam, mạch 1, ghi dấu ấn thống nhất hệ thống điện toàn quốc (khởi công 1992, khánh thành 1994).
• Khánh thành công trình Thủy điện Hòa Bình với công suất 1.920MW (1994).
• Thành lập Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia (1994).
• Thành lập Tổng công ty Điện lực Việt Nam (1994), ghi dấu ấn ngành Điện bắt đầu sản xuất, kinh doanh, hạch toán tự trang trải.
Giai đoạn 1996 – 2005:
• Tổng công ty Điện lực Việt Nam được thành lập và không ngừng đổi mới, phát triển, hướng tới mô hình tập đoàn kinh tế mạnh, đáp ứng đủ điện cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.
• Luật Điện lực chính thức được ban hành (2004), điều chỉnh tổ chức và hoạt động ngành Điện theo cơ chế thị trường.
• Hệ thống điện đáp ứng tốc độ tăng trưởng phụ tải cao ở mức 12 – 15%/năm.
• Khánh thành các nhà máy thủy điện: Ialy (720 MW), Trị An (400 MW).
• Xây dựng Trung tâm Điện lực Phú Mỹ 4.000 MW, Trung tâm tuabin khí hỗn hợp lớn nhất Việt Nam.
Giai đoạn 2006 – 2015:
• Năm 2006, Tập đoàn Điện lực Việt Nam ra đời trên cơ sở tổ chức sắp xếp lại các đơn vị thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam, đánh dấu sự phát triển toàn diện, đổi mới của ngành Điện Việt Nam. EVN khẳng định vai trò chủ đạo trong chiến lược phát triển ngành Điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và chất lượng cung cấp điện, đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh của Quốc gia.
• Hệ thống điện lớn mạnh không ngừng, các nguồn điện ngày càng đa dạng: Thủy điện, điện khí, năng lượng tái tạo…; phát triển đồng bộ lưới truyền tải và hệ thống lưới điện phân phối. Lĩnh vực dịch vụ điện từng bước được hoàn thiện và có nhiều đổi mới. Các nhà máy thuỷ điện lớn nhất của đất nước như Sơn La, Lai Châu vào vận hành trong giai đoạn này.
• Xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á: 2.400MW (khởi công 2005, khánh thành 2012, vượt trước tiến độ 3 năm).
• Xây dựng và đưa vào vận hành các Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải, Hải Phòng, Quảng Ninh,...
Giai đoạn 2016 - nay:
• Ngành Điện Việt Nam tiếp tục đảm bảo cung cấp điện trong điều kiện tốc độ tăng trưởng phụ tải bình quân hơn 10%/năm. Quy mô hệ thống điện đã đứng thứ 23 thế giới, tổn thất điện năng đạt mức 6,7% - mức của các quốc gia tiên tiến.
• Đến nay, EVN cơ bản hoàn thành chương trình Điện khí hóa nông thôn, cấp điện tới 100% số xã và 99,47% hộ dân, toàn quốc; hoàn thành tiếp nhận cấp điện đến 11/12 huyện đảo của cả nước.
• Khánh thành NMTĐ Lai Châu (1200 MW), (khởi công năm 2011, khánh thành năm 2016, hoàn thành vượt tiến độ 1 năm).
• Tiếp cận điện năng hiện đã xếp thứ 27/190 quốc gia – nền kinh tế. Dịch vụ khách hàng liên tục đổi mới, vươn tầm khu vực và quốc tế: đã thực hiện cung cấp dịch vụ điện tới mức độ 4, dịch vụ điện trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, hợp đồng điện tử...
• Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, điều hành. Là doanh nghiệp được vinh danh chuyển đổi số xuất sắc 2019. Đến cuối năm 2019, đã có 75% tổng số trạm biến áp 110 kV, 220 kV, 500 kV trên toàn quốc có thể thao tác từ xa.
Trong thời gian tới đây, nhiệm vụ của ngành Điện lực Việt Nam vẫn còn hết sức nặng nề, đồng thời có rất nhiều khó khăn, thách thức. Với những thành tựu đã đạt được trong 65 năm qua, EVN sẽ tiếp tục cố gắng nỗ lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao phó, đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.