Nhớ Bác lòng ta trong sáng hơn

Từ khi nước nhà độc lập, cho tới khi Bác mất, Ngành Công Thương đã nhiều lần vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Ngày xuân, nhớ Bác, nhớ những lần Bác về thăm nhớ lời Bác dặn, càng thấm thía sâu sắc tư t

         Ngày 21/12/1954, chỉ sau 2 tháng tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đến thăm Nhà máy Đèn Bờ Hồ, tiền thân Tổng công ty Điện lực Tp. Hà Nội ngày nay. Tại đây, Bác đã gặp gỡ và nói chuyện với tập thể thể cán bộ công nhân viên Nhà máy Đèn: "Trong lúc quân Pháp sắp rút lui, các cô chú, từ cán bộ đến công nhân đã ra sức đấu tranh giữ nhà máy được an toàn... Sau khi Chính phủ ta về tiếp quản Thủ đô, mọi người đã cố gắng sản xuất điện đều, làm cho sinh hoạt của đồng bào trong thành phố tiếp tục được duy trì bình thường. Bác thay mặt Chính phủ khen ngợi và cảm ơn các cô chú…". Bác căn dặn mọi người phải đoàn kết, thi đua, tiết kiệm... Tình cảm và sự quan tâm của Bác Hồ đối với ngành Điện lực Việt Nam là nguồn cổ vũ to lớn, tiếp thêm sức mạnh để ngành Điện phát triển. Bác Hồ cũng đã đén thăm nhiều nhà máy, doanh nghiệp như Thủy điện Thác Bà, Nhà máy Điện Yên Phụ… và ngày 21/12 hàng năm, giờ đã trở thành ngày Truyền thống của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.     Ngày 16/8/1956, Bác Hồ đến thăm Nhà máy Diêm Thống Nhất. Nói chuyện với công nhân Nhà máy, Người cặn dặn: “Anh chị em phải nhận rõ ngày nay công nhân đã làm chủ nhà máy, phải làm sao xứng đáng với địa vị đó, phải ra sức làm cho nhà máy phát triển, thực hiện tăng gia sản xuất và tiết kiệm, chống lãng phí, triệt để tôn trọng kỷ luật lao động. Lợi ích của công nhân đi đôi với lợi ích chung của nhà máy.
       Ngày 21/12/1954, Bác Hồ về thăm ngành Điện

Ngày 23/7/1959, trong chuyến thăm nước cộng hoà Azerbaijan (thuộc Liên Xô cũ) và tham quan vùng mỏ dầu ở Bacu, Bác Hồ đã nói với các nhà lãnh đạo và các kỹ sư dầu khí nước bạn: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được, tôi hy vọng và tin rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, rồi giúp khai thác và chế biến dầu xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Bacu”. Rồi Bác quay sang nói với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô đi theo đoàn: “Đây là vùng biển dầu đấy và kia là những giàn khoan để hút dầu. Dầu quý lắm! Nước nào có dầu là giàu lên ngay”. Câu nói đó là niềm tin, sự khẳng định ý chí của Bác, là ước vọng của dân tộc Việt Nam, là định hướng để ngành Dầu khí Việt Nam vươn lên, đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế trong thời kỳ CNH, HĐH.

       Hồ Chủ tịch về thăm Nhà máy Dệt 8-3 (1965)

Đối với ngành Dệt May, vinh dự và tự hào được Bác Hồ 7 lần về thăm, đó là ba lần thăm Dệt Nam Định (ngày 24/04/1957; năm 1959 và năm 1961), hai lần thăm Dệt kim Đông Xuân (năm 1959 và năm 1961), thăm Công ty May 10 (ngày 08/01/1959) và thăm Dệt 8/3 (ngày 03/03/1965).

Ngày 24/4/1957, Bác Hồ về thăm cán bộ, công nhân Nhà máy Dệt Nam Định. Nói chuyện với anh chị em công nhân, Bác khen nhiều, nhưng cũng không tiếc lời chê. Bác phê bình: “Nhà máy đang có hiện tượng tham ô lãng phí, mà nhất là lãng phí. Như vậy thì thiệt cho ai? Thiệt cho công nhân, thiệt cho Nhà nước, thiệt cho nhân dân. Nếu chỉ giám đốc và cán bộ chống tham ô lãng phí, có làm nổi không? Phải có công nhân cùng làm. Các cô, các chú phải khắc phục, vì tham ô lãng phí là có tội với nhân dân, với Nhà nước. Tất cả cùng chống tham ô lãng phí thì sẽ hết được”.

Ngày 08/-1/1959, Hồ Chủ tịch đến thăm Xí nghiệp May 10 (nay là Tổng công ty May 10, Tập đoàn Dệt May Việt Nam), đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân (2005), Anh hùng Lao động (1998). Khi vào thăm Xưởng May 3, Bác thấy cúc áo rơi ở lối đi, Người đã cúi xuống nhặt chiếc cúc để lên bàn rồi mới đi tiếp. Trong buổi nói chuyện với cán bộ, công nhân, Bác nhắc nhở: Sản xuất thì phải tiết kiệm, nếu sản xuất mà không chú ý đến tiết kiệm thì như gió vào nhà trống.

        Bác Hồ về thăm và chúc tết nhân dân, cán bộ tỉnh Quảng Ninh và CBCNV ngành Than (tháng  2-1965)

Hồ Chủ tịch cũng đã nhiều lần về thăm Quảng Ninh và cán bộ, công nhân vùng Mỏ anh hùng. Ngày 15/11/1968, Bác Hồ đã có cuộc gặp gỡ với đoàn đại biểu công nhân ngành Than và chỉ rõ nguyên nhân làm cho sản xuất than trì trệ, đó là “Tổ chức kém, quản lý kém”. Bác nói: “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc” và Người kêu gọi: “Đẩy mạnh ngành Than trở thành một ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp”.

Ngày 30/3/1959, Bác Hồ đã đến thăm, nói chuyện với công nhân và cán bộ Mỏ than Đèo Nai. Tại khai trường, Bác biểu dương những cố gắng của cán bộ, công nhân mỏ về thành tích giữ gìn máy móc, thi đua sản xuất, xây dựng đời sống văn hoá và chỉ rõ những khuyết điểm là: Chất lượng than còn kém, công tác bảo hộ lao động yếu… và nhấn mạnh: “Công nhân là giai cấp lãnh đạo, là chủ khu mỏ thì phải làm sao cho xứng đáng với vai trò làm chủ. Muốn làm những người chủ xứng đáng thì phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Bây giờ chúng ta làm cho mình, cho nhân dân và cho con cháu chúng ta nữa”.

Ngày 15/9/1958, cán bộ công nhân Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng nói riêng và Tổng Công ty khoáng sản nói chung vẫn còn nhớ như in những cảm xúc đặc biệt hân hoan đón Bác Hồ, vị Lãnh tụ kính yêu về thăm mỏ. Trong buổi nói chuyện với 2.000 công nhân cán bộ nơi đây, Bác đã tuyên dương những công nhân đã có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, 277 tổ lao động xã hội chủ nghĩa và tổ cơ khí được tuyên dương Anh hùng Lao động. Đồng thời, Bác nói mọi người phải không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ quản lý, nâng cao hiệu quả trong sản xuất.

        Bác Hồ về thăm Khu Gang thép Thái Nguyên năm 1964

Ngày 01/01/1964, nói chuyện với hơn 4,5 vạn cán bộ, đồng bào các dân tộc trong tỉnh, công nhân và chuyên gia Trung Quốc đang công tác tại Khu gang thép Thái Nguyên, Bác Hồ căn dặn 10 điều phải cố gắng thi đua thực hiện cho tốt: Phải tăng cường quản lý kỹ thuật để đảm bảo chất lượng. Phải chống làm ẩu, làm bừa. Phải chống lãng phí nguyên liệu, vật liệu; Phải giữ gìn tốt máy móc, làm việc phải đúng nội quy; Quản lý sức người, sức của phải chặt chẽ; phải theo đúng các chế độ Nhà nước đã ban hành; trách nhiệm mỗi người, mỗi cấp phải rõ ràng; việc cấp phát phải rất cẩn thận; Phải thực hiện tốt kế hoạch xây dựng năm 1964 để sớm hoàn thành tốt khu gang thép, phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất năm 1964, phải tăng chất lượng và hạ giá thành...; Phải nâng cao cảnh giác, giữ gìn nhà máy, bảo vệ sản xuất; Phải thực hiện tốt bảo hộ lao động, kỷ luật lao động phải thật chặt chẽ; Phải ra sức học tập các đồng chí chuyên gia; học chính trị, văn hoá, kỹ thuật để tiến bộ không ngừng; Phải đẩy mạnh phong trào tăng gia để tự túc, tăng cường việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ và công nhân. Phải chú ý chăm sóc các cháu bé ở nhà trẻ, mẫu giáo, phải bảo đảm sức khoẻ cho công nhân và cán bộ gái; Phải chuẩn bị tốt để làm tốt cuộc vận động "3 xây, 3 chống"; Phải đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết nội bộ, đoàn kết trên dưới, đoàn kết giữa công nhân và đồng bào địa phương. Phải đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước.

         Bác Hồ thăm phân xưởng phích nước

Ngày 28/4/1964, Bác Hồ cũng đã về thăm Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Nói chuyện với công nhân, cán bộ đơn vị, Bác nhấn mạnh: Đoàn kết là một trong những nhân tố quan trọng dẫn đến thắng lợi của Nhà máy. Muốn vậy, Nhà máy phải tổ chức thật tốt bộ máy quản lý, đội ngũ những người làm KHKT, nhằm tăng năng suất lao động, chú trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, thực hành tiết kiệm, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân…

Ngày 16/01/1965, Bác đã tới dự và nói chuyện Hội nghị ngành Công nghiệp nhẹ. Bác biểu dương ngành Công nghiệp nhẹ có nhiều cố gắng và đạt được một số thành tích khi đạt các chỉ tiêu về công nghiệp, thủ công nghiệp, năng suất lao động, sản xuất được nhiều sản phẩm mới như vải, giấy, lụa hoa, quạt điện, xà phòng, thực phẩm… Nhưng Bác cũng chỉ ra cho ngành những khuyết điểm: Chất lượng nhiều mặt hàng như thuốc lá, đồ gỗ, xà phòng, bóng đèn, phích nước còn kém; Bác “chê” Nhà máy đường Việt Trì tuy đi vào sản xuất sớm 9 ngày, nhưng do vận chuyển chậm trễ mà để hơn 620 tấn mía bị khô héo, lãng phí, thiệt hại cho Nhà máy.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, hàng chục năm qua, ngành Công Thương và các đơn vị trong Ngành đã không ngừng phấn đấu và trưởng thành. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã vươn lên trở thành Tập đoàn, Tổng công ty mạnh trong nền kinh tế đất nước; được Đảng, Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập, Lao động; danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động…

Mùa Xuân nhớ Bác, chúng ta càng thấm thía sâu sắc tư tưởng của Người về cần, kiệm, liêm, chính, thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí. Tiết kiệm phải từ ý thức của mỗi người, của cả tập thể, từ cán bộ đến công nhân. Trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt khi chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và đẩy mạnh Chương trình hành động: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngành Công Thương lại càng phải ra sức thực hiện lời dạy của Người, phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2011-215 mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã giao cho, nhằm góp phần đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, với những mục tiêu chủ yếu như sau: Về công nghiệp, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng sản xuất bình quân toàn ngành 13,5%/năm; Xuất khẩu tăng trưởng bình quân 12%/năm, phấn đấu đến năm 2015 nhập siêu đạt khoảng 10% trên kim ngạch xuất khẩu; Thương mại nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 25%/năm, phấn đấu đến năm 2015 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt khoảng 4.200 nghìn tỷ đồng; Đối với hội nhập kinh tế quốc tế, sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương chủ động hội nhập kinh tế quốc tế trên tất cả các bình diện song phương, khu vực và đa phương.


Mai Hương