Tổng thống Emmanuel Macron cảm ơn Việt Nam đã mời tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp Sébastien Lecornu cũng đã tham dự sự kiện này. Ông Macron bày tỏ vui mừng được đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhận lời mời và tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ và thăm chính thức Cộng hòa Pháp; cảm ơn tình cảm hữu nghị mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và nhân dân Việt Nam đã dành cho Pháp.
Tổng thống Macron khẳng định Pháp mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam, nhất là thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp. Chính phủ Pháp sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để đón tiếp các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Pháp và giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả những dự án của mình. Ngoài hợp tác kinh tế, hướng tới tương lai, Pháp rất coi trọng các hợp tác về giáo dục, y tế và nghiên cứu về giảng dạy, đào tạo cũng như những hợp tác liên quan việc bảo tồn phát triển, nâng cao công trình, giá trị văn hóa.
Tổng thống Macron khẳng định Chính phủ Pháp luôn luôn sẵn sàng cùng với Việt Nam ủng hộ các phong trào phát triển văn hóa, cũng như là những trao đổi về văn hóa; hoan nghênh những cam kết của Việt Nam về năng lượng; đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện các chính sách về thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đánh giá chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ Pháp và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổng thống Macron cũng cho rằng ASEAN có vị trí quan trọng liên quan tới ổn định, hòa bình trong khu vực, Pháp đặc biệt coi trọng quan hệ với khu vực ASEAN.
Phát biểu tại cuộc gặp gỡ báo chí, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trân trọng cảm ơn sự đón tiếp trọng thị mà ngài Tổng thống, các nhà Lãnh đạo cấp cao và những người bạn Pháp đã dành cho Đoàn đại biểu Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chia sẻ lần đầu tiên đến thăm nước Pháp tươi đẹp trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam. Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chúc mừng Pháp vừa tổ chức thành công các sự kiện quốc tế lớn là Olympic Paris 2024 và Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19. Là thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam chia sẻ và ủng hộ những nội dung trong Tuyên bố chung của Hội nghị với các giá trị về hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh sau hơn nửa thế kỷ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và một thập kỷ thiệt lập quan hệ Đối tác chiến lược, quan hệ Việt Nam - Pháp đã có những bước phát triển quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Pháp luôn có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, có vai trò và vị thế trong cộng đồng Pháp ngữ và trên thế giới. Trước sự phát triển sâu rộng của quan hệ Việt Nam - Pháp, cũng như để phù hợp với bối cảnh mới hiện nay của quốc tế và khu vực, hơn lúc nào hết, quan hệ Việt Nam - Pháp cần được nâng cấp lên tầm cao mới. Thông qua quyết định này, Pháp sẽ trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu có quan hệ mới, toàn diện với Việt Nam.
Nhắc lại ngạn ngữ Pháp có câu “Khi muốn, ta có thể, mà đã có thể, ta cần phải làm”, với ý chí và quyết tâm nhằm đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mong muốn trong cuộc hội đàm tới đây với ngài Tổng thống, hai bên sẽ trao đổi cụ thể về các định hướng và giải pháp chiến lược trên 5 nhóm lĩnh vực nhằm nâng cấp quan hệ Việt Nam - Pháp lên mức độ quan hệ mới.
Một là, làm sâu sắc hơn hợp tác chính trị trên cả bình diện song phương và đa phương trước những thách thức quốc tế. Việt Nam sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Pháp xây dựng kỷ nguyên mới cho quan hệ song phương, tăng cường trao đổi và tiếp xúc trên tất cả các cấp, các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, không ngừng nâng cao hiệu quả và mở rộng các cơ chế hợp tác song phương. Việt Nam quan ngại trước nguy cơ xung đột lan rộng tại Trung Đông, Ukraine, diễn biến phức tạp tại Biển Đông... và sẵn sàng cùng Pháp tham gia đóng góp một cách có trách nhiệm vào nỗ lực chung nhằm tìm kiếm những giải pháp hòa bình cho các vấn đề nêu trên, vì hợp tác và phát triển tại mỗi khu vực và trên thế giới.
Hai là, gia tăng tin cậy chính trị giữa hai nước thông qua việc tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh.
Ba là, tăng cường quan hệ đối tác kinh tế nhằm phát triển trao đổi thương mại và đổi mới sáng tạo.
Bốn là, tăng cường hợp tác vì phát triển bền vững và tự cường, hướng tới sự cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Năm là, tiếp tục thúc đẩy giao lưu nhân dân, nền tảng trong quan hệ song phương, góp phần tăng cường đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Với quyết tâm cao của Lãnh đạo và nhân dân hai nước, cùng vốn quý là hơn 300.000 người gốc Việt và người Việt Nam đang sinh sống tại Pháp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tin tưởng, quan hệ Việt Nam - Pháp sẽ ngày càng phát triển. Pháp sẽ tham gia tích cực, sâu rộng hơn vào “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam".
* Ngay sau họp báo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chứng kiến Lễ ký kết 2 văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Pháp. Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn và Bộ trưởng Giáo dục Quốc gia Pháp Anne Genetet ký: “Thỏa thuận hợp tác về Giáo dục giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp”. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Hàng không VietjetAir Nguyễn Thị Phương Thảo cùng Tổng giám đốc Đinh Việt Phương và Tổng giám đốc tập đoàn Safran Oliver Andriès cùng Tổng giám đốc CFM International Gael Méheust ký: “Hợp đồng cung cấp động cơ và dịch vụ bảo dưỡng động cơ cho 200 máy bay thân hẹp”.