Tổng công ty Giấy Việt Nam đầu tư mạnh trong đổi mới công nghệ bảo vệ môi trường

Với đặc thù là sản xuất giấy dễ gây ô nhiễm môi trường thời gian qua, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp đầu tư đổi mới công nghệ nhằm quản lý, xử lý hiệu quả chất thải, góp phần

Triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường

Đứng trước những yêu cầu ngày càng bức thiết của công tác bảo vệ môi trường, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã nhận thức sâu sắc về sự cần thiết và tầm quan trọng của việc thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề giảm thiểu và quản lý, xử lý chất thải.

Với quan điểm “Phát triển sản xuất phải gắn liền với bảo vệ môi trường nhằm hướng tới sự phát triển bền vững”, Tổng công ty luôn đặc biệt quan tâm đầu tư cho những giải pháp cải tiến công nghệ cùng với việc giảm thiểu chất thải, tiết kiệm vật tư, nhiên liệu để liên tục nâng cao hiệu quả sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường. Một số giải pháp đầu tư cụ thể là: Cải tạo công nghệ chưng bốc dịch đen từ trực tiếp sang gián tiếp để giảm thiểu hơn 80% khí mang mùi thoát ra từ lò hơi thu hồi; Cải tạo công nghệ tẩy trắng bột giấy theo hướng giảm 50% tiêu thụ clo nguyên tố từ đó giảm thiểu 50% hàm lượng COD và AOX trong nước thải bộ phận tẩy bột; Đầu tư thay thế màng điện phân từ màng Amiăng sang dùng màng ion, tuyệt đối không sử dụng màng amiăng trong sản xuất hóa chất; Tổng công ty đầu tư mới lò hơi đốt rác để công nghiệp vỏ cây, mùn cưa sinh ra trong quá trình bóc gỗ, chặt mảnh nguyên liệu và bùn vi sinh phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải nhằm giảm một phần tiêu thụ than cho việc sản xuất điện, hơi đồng thời giảm thiểu lượng thải rắn phát sinh; Đầu tư cải tạo lò hơi đốt than tại Nhà máy Điện để nâng cao hiệu suất đốt của lò, giảm tiêu hao than cho sản xuất hơi; Tận dụng lượng than cát bi qua sàng (thu hồi từ xỉ than) có nhiệt trị cao quay lại trộn với than cám 4a, 4b để đốt lại trong lò hơi động lực nhằm giảm tiêu hao than và giảm thiểu chất thải.   

Một góc của Nhà máy sản xuất Giấy Bãi Bằng  

 Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho hệ thống xử lý các chất thải

Để xử lý nước thải năm 2003 trong khi thực hiện dự án đầu tư mở rộng nâng cao năng lực sản xuất lên 100.000 tấn giấy/năm, Tổng công ty đã dành 15% kinh phí đầu tư cho các hạng mục xử lý chất thải để bảo vệ môi trường với giá trị đầu tư là 15 triệu USD (cho riêng phần thiết bị). Một trong những hạng mục quan trọng đó là đầu tư xây dựng mới hệ thống xử lý nước thải vi sinh với giá trị đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Đầu tư chuyển đổi chưng bốc dịch đen (giảm 90% lượng khí mang mùi ra môi trường (130 tỷ đồng)… Nước thải ô nhiễm của toàn bộ các phân xưởng sản xuất được thu gom bằng hệ thống cống ngầm và đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hệ thống xử lý nước thải của Tổng công ty có công suất thiết kế là 30.000 m3/ngày nhưng công suất thực tế sử dụng hiện nay chỉ khoảng 22.000 - 24.000 m3/ngày.

Theo kết quả quan trắc định kỳ hàng năm thì chất lượng nước thải sau xử lý của Tổng công ty đều đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cho phép. Đến nay, Vinapaco là một trong số rất ít doanh nghiệp giấy cơ bản giải quyết được vấn đề chất thải với hệ thống xử lý tương đối hoàn chỉnh, công nghệ tiên tiến, phổ biến trên thế giới. Nước thải sau xử lý, đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường, xử lý bụi đạt trên 96%, giảm được đến 90% lượng khí mang mùi ra môi trường… Tuy nhiên để vận hành liên tục hệ thống này, hàng năm, Vinapaco phải bỏ ra chi phí tương đương gần 40 tỷ đồng.

Đối với chất thải rắn, chất thải rắn thông thường toàn bộ chất thải rắn phát sinh trong quá trình sản xuất đều được phân loại, quản lý xử lý theo đúng quy đinh, cụ thể là: Bùn vôi là chất thải rắn thông thường thải ra từ quá trình xút hóa để tái tạo dịch nấu. Lượng thải này được Tổng công ty xử lý bằng phương pháp lưu giữ trong hồ chứa riêng biệt. Vỏ cây, mùn cưa được thu gom đốt trong lò hơi công nghiệp của Tổng công ty như là một loại nhiên liệu thu hồi. Xỉ than được thu gom và bán cho các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng. Bùn thải từ xử lý nước thải: Bùn sơ cấp được bán cho các cơ sở sản xuất bìa cactong. Bùn thứ cấp (bùn vi sinh) một phần chuyển cho Công ty cổ phần Công đoàn để làm phân vi sinh, phần còn lại được trộn với than đốt trong lò hơi động lực.

 Chất thải rắn nguy hại đều được phân loại ngay tại nguồn, thu gom riêng không thải lẫn với chất thải thông thường và lưu giữ tạm thời trong kho chứa chất thải nguy hại của Tổng công ty, sau đó Tổng công ty làm hợp đồng với đơn vị có đủ chức năng pháp nhân về xử lý chất thải nguy hại làm thủ tục thuê xử lý.

Ảnh minh họa
           Trong việc kiểm soát, xử lý khí thải Tổng công ty đầu tư hệ thống lắng bụi tĩnh điện để xử lý bụi trong khói thải trước khi thải ra môi trường. Từ năm 2003, Tổng công ty đã đầu tư thay đổi công nghệ chưng bốc dịch đen, với việc thay đổi công nghệ này đã làm giảm khoảng 90% hàm lượng khí mang mùi trong khói thải lò hơi thu hồi. Kết quả quan trắc thường xuyên của Tổng công ty cho thấy các thông số thải của hai nguồn khí thải đều đáp ứng tiêu chuẩn môi trường cho phép.

          Kiểm soát, sử dụng tiết kiệm năng lượng là biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả Tổng công ty đã thực hiện kiểm toán năng lượng toàn bộ khu vực sản xuất và kiểm toán chi tiết cụm các công đoạn sản xuất bột giấy. Trên cơ sở kiểm toán năng lượng, Tổng công ty đã tiến hành cải tạo hoặc thay thế dần các thiết bị có hiệu suất thấp; tận dụng lượng than cát bi thu hồi qua bể lắng có nhiệt trị còn cao quay lại trộn với than cám 4a để đốt lò hơi tại nhà máy điện (tiết kiệm khoàng 6.600 tấn than/năm). Tăng tải trọng xà lan chở than từ 230 tấn lên 260 tấn, giảm chi phí tiêu thụ dầu DO (tiết kiệm khoảng 900 triệu đồng/năm). Bên cạnh đó, Tổng công ty còn cải tiến và áp dụng những công nghệ mới tiên tiến hơn, như chuyển đổi hệ thống bơm, tháp giải nhiệt khu vực xử lý nước thải, tiết kiệm điện năng và tăng tuổi thọ của thiết bị. Đồng thời, Vinapaco còn nâng cao chất lượng sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị, giảm chi phí sản xuất nhờ cân đối hợp lý chi phí mua điện năng và chi phí tự sản xuất điện, vận hành lò, máy hiệu quả theo giờ, rút ngắn thời gian ngừng lò thu hồi, giảm lượng dầu đốt trong quá trình ngừng và khởi động lại lò hơi thu hồi; tái sử dụng nước làm mát tuabin của nhà máy điện cho sản xuất bột giấy.