Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa cho biết ông “không chắc chắn” khối EU và Anh sẽ đạt được một thoả thuận tự do thương mại vào ngày 31/12/2020 – thời điểm kết thúc quá trình chuyển đổi hậu Brexit của Anh.
Anh đã chính thức chấm dứt tư cách thành viên khối EU kể từ ngày 31/2/2020 sau 47 năm gắn bó và hoạt động trong một liên minh thống nhất. Anh và khối EU thống nhất một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài tới ngày 31/12/2020.
Trong thời kỳ này các hoạt động kinh tế giữa Anh và khối EU vẫn diễn ra bình thường như khi nước này còn là một thành viên của khối EU và 31/12 sẽ là thời hạn để hai bên kết thúc đàm phán về mối quan hệ thương mại mới.
Tuy nhiên, Anh và khối EU hiện đang gặp nhiều bất đồng lớn trong đàm phán thoả thuận thương mại trong bối cảnh khối EU duy trì đường lối thoả thuận cứng rắn được thúc đẩy bởi ông Emmanuel Macron.
Khối EU muốn Anh phải cam kết mạnh mẽ hơn về liên kết pháp lý nhằm đổi lấy các ưu đãi về thương mại tự do. Trong đó, khối EU yêu cầu có thể kiểm soát các khoản trợ cấp của Anh, áp đặt các quy tắc đối với chế độ thuế của Anh và yêu cầu Anh phải cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn của khối EU. Trong khi đó, Anh cho biết nước này mong muốn một thoả thuận thương mại “hợp tác dựa trên việc tôn trọng chủ quyền”.
Ông Emmanuel Macron cho biết các cuộc đàm phán giữa Anh và khối EU sẽ bắt đầu vào tháng 3/2020 tới đây và cảnh báo rằng việc đàm phán sẽ diễn ra rất “căng thẳng”. Phát biểu vào đầu tháng 2/2020, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng bày tỏ quan điểm cứng rắn về vấn đề đàm phán thoả thuận thương mại khối EU – Anh và tuyên bố phía EU muốn đàm phán xong một số vấn đề then chốt, gồm: khai thác thuỷ hải sản, dịch vụ tài chính và năng lượng trước khi khối EU có thể phê chuẩn thoả thuận thương mại.
Dự kiến cuối tuần này, Chính phủ Anh sẽ công bố các mục tiêu đàm phán mà nước này mong muốn đạt được với khối EU. Theo nhận định của giới phân tích, đàm phán sẽ diễn ra căng thẳng nhất ở các vấn đề về khu vực dịch vụ, tâm điểm là các dịch vụ tài chính. Khu vực dịch vụ, gồm bán lẻ, tài chính, luật, giải trí, văn hóa, hỗ trợ kinh doanh chiếm 81% GDP và 84% lao động của nền kinh tế Anh.
Trong đó, mặc dù chỉ chiếm 6,9% GDP của nước Anh, các dịch vụ tài chính được coi là “động lực” của toàn khối dịch vụ nước Anh thông qua các tác động lan toả thúc đẩy những hoạt động bổ trợ khác. Khối EU hiện là thị trường chủ chốt đối với các dịch vụ tài chính ở Anh như dịch vụ thanh toán, hỗ trợ giao dịch, quản lý tài sản và huy động vốn.
Chính phủ Anh hiện đang thúc đẩy khối EU thông qua một thoả thuận thương mại giống như thoả thuận mà khối EU đã đạt được với Canada. Thỏa thuận thương mại giữa khối EU và Canada, có hiệu lực một phần từ năm 2017, dỡ bỏ hầu hết thuế quan đối với các hàng hóa trong hoạt động thương mại giữa hai bên song không tác động nhiều tới hoạt động thương mại liên quan tới các dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, khối EU và Canada mất 7 năm để đạt được thoả thuận thương mại.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho biết quyền đánh bắt cá cũng là một điểm mấu chốt của quá trình đàm phán thoả thuận thương mại với Anh. Anh cho biết họ muốn thoả thuận với quan điểm “các ngư trường của Anh là ưu tiên cao nhất và quan trọng nhất đối với các tàu khai thác của Anh”. Trong khi đó, khối EU hiện có nhiều quan điểm khác nhau về thoả thuận khai thác thuỷ hải sản.
Trước vòng đàm phán với Anh, khối EU đã nhiều lần cảnh báo Anh không thể mong đợi tiếp cận được thị trường EU một cách tối đa nếu nước Anh vẫn khăng khăng tách rời khỏi các tiêu chuẩn xã hội và môi trường của khối EU.