Các nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới hiện nay đều có công suất trên 1.000 MW, được đặt chủ yếu tại 2 quốc gia là Ấn Độ và Trung Quốc. Các dự án nhà máy điện mặt trời liên tục được mở rộng bởi chúng được thực hiện theo nhiều giai đoạn phát triển. Dưới đây là 5 nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới
1. Bhadla Solar Park, Ấn Độ - 2.245 MW
Công viên năng lượng mặt trời Bhadla Solar Park ở Ấn Độ là nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới với tổng công suất 2.245 MW trải rộng trên diện tích 5.700 ha. Nhà máy điện mặt trời Bhadla Solar Park tọa lạc tại làng Bhadla thuộc quận Jodhpur, bang Rajasthan (Ấn Độ), nơi có khí hậu khô cằn, khắc nghiệt nhưng nhận được nhiều bức xạ nhiệt, yếu tố để đạt hiệu quả khi sản xuất quang điện.
Bhadla Solar Park khởi công từng phần từ năm 2016 và chính thức hoạt động tháng 3/2020. Nhà máy này có tổng chi phí đầu tư rẻ nhất tại Ấn Độ là 1,3 tỷ USD và giá điện của nhà máy cũng rẻ nhất, với 0,02 USD/kWh.
2. Huanghe Hydropower Hainan Solar Park, Trung Quốc - 2.200 MW
Công viên điện mặt trời Huanghe Hydropower Hainan Solar Park có công suất lớn thứ hai thế giới và lớn nhất Trung Quốc nằm ở tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc. Dự án được xây dựng trong 5 giai đoạn, rộng hơn 5.000 ha, công suất 2.200 MW. Huanghe Hydropower Hainan đi vào hoạt động vào tháng 9/2020.
Nhà máy vẫn đang tiếp tục được xây dựng để tạo thành tổ hợp điện tái tạo công suất 16.000 MW, gồm 11.000 MW điện từ mặt trời và 5.000 MW điện gió.
Huanghe Hydropower Hainan Solar Park được thực hiện bởi Công ty Phát triển Thủy điện Hoàng Hà. Dự án gồm 5 giai đoạn, được đầu tư hơn 2,2 tỷ USD, bắt đầu xây dựng từ 2019 trên diện tích đất 55 km2.
3. Pavagada Solar Park, Ấn Độ - 2.050 MW
Công viên năng lượng mặt trời Pavagada (Pavagada Solar Park) nằm ở quận Tumkur, Karnataka (Ấn Độ) có công suất 2.050 MW lớn thứ ba thế giới và lớn thứ hai ở Ấn Độ, trải rộng trên diện tích hơn 5.200 ha. Đây là khu vực đất đai cằn cỗi, nhận được lượng mưa rất ít, nhưng lại có số giờ nắng và bức xạ nhiệt cao. Dự án khởi công từ 2015, hoàn thành và đi vào vận hành toàn bộ từ tháng 12/2019 với tổng chi phí đầu tư 2,1 tỷ USD.
4. Công viên năng lượng Mohammed Bin Rashid Al Maktoum, Dubai - 1.963 MW
Công viên năng lượng mặt trời Mohammed Bin Rashid Al Maktoum được xây dựng sâu trong khu vực sa mạc Dubai với tổng vốn đầu tư 13,6 tỷ USD. Dự án được công bố lần đầu tiên vào năm 2012 và dự kiến công suất cuối cùng của công viên năng lượng mặt trời này lên đến 5.000 MW vào năm 2030. Đến lúc này Mohammed Bin Rashid Al Maktoum có thể đủ để cung cấp năng lượng cho 1,3 triệu hộ gia đình và giảm đến 6,5 tấn khí thải carbon mỗi năm ra môi trường.
Khí hậu nắng nóng quanh năm tại UAE được coi là một tiềm năng lớn để phát triển nguồn năng lượng tái tạo sạch và bền vững. Hiện nay, công suất dự án đã đạt được 1.963 MW và ghi tên mình vào danh sách những nhà máy điện mặt trời lớn nhất được vận hành trên thế giới. Mohammed Bin Rashid Al Maktoum sở hữu tháp hấp thu năng lượng mặt trời (CSP) Cao nhất trên thế giới với 260m. Dự kiến khi hoàn thành tòa tháp này sẽ được bao quanh bởi 70.000 kính định nhật (thấu kính tập trung ánh mặt trời trên đỉnh tháp để làm nóng chảy muối) và nhiệt lượng pháp ra có tác dụng làm chạy các tuabin hơi nước để sản xuất điện.
5. Công viên năng lượng mặt trời Golmud, Trung Quốc - 1.800MW
Công viên năng lượng mặt trời Golmud được xây dựng tại sa mạc Golmud phía đông thành phố Golmund (tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc). Công viên Golmud có tổng công suất hơn 1.800 MW bao gồm 55 nhà máy điện mặt trời gộp lại. Bao gồm 192 khu vực bố trí mô đun quang điện, mỗi khu vực có công suất 1MWp, bao gồm các tấm pin silic với các loại công suất 235 Wp, 240 Wp, 280 Wp. Trong mỗi một khu vực bố trí mô đun quang điện có một trạm biến tần phục vụ cho việc chuyển nguồn điện lên lưới.
Mỗi năm công viên năng lượng mặt trời Golmud sẽ phát lên điện lưới Trung Quốc khoảng 317 triệu KWh/năm tương đương với 120.000 tấn than trong các nhà máy nhiệt điện. Nhà máy điện mặt trời hoạt động sẽ giảm lượng khí thải CO2 khoảng 6.000 tấn, SO2 khoảng 2.760 tấn và 175 tấn bụi ra môi trường.