1 m cho 100 năm!
Theo đô thị gia Kathrin Moore – một trong số những người có trách nhiệm chính trong việc thiết kế Nam Sài Gòn, thì Dự án Nam Sài Gòn được thiết kế để trở thành trung tâm mở rộng của trung tâm hiện hữu khi vùng đô thị Thành phố phát triển về hướng Nam. Nam Sài Gòn không thể ngập lụt vì Công ty SOM đã thiết kế độ nền của vùng cao hơn mực nước lụt là 4 bộ (khoảng 1,2m).
Chủ tịch Công ty Sasaki, ông Denis Pierz nhìn nhận, với sức ép phát triển hiện nay, tại trung tâm quận 1, đa số các công trình mới quá lớn và không mang một tỉ lệ tương xứng với các con đường bao quanh, gây nên sự chia cắt vụn vặt trong khu trung tâm lịch sử hiện hữu. Do đó, việc phát triển của Thành phố sang bán đảo Thủ Thiêm là một lô-gic và đồng thời cũng là một việc không thể tránh được. Trong bố cục qui hoạch vùng, Thủ Thiêm sẽ là cửa ngõ hướng Đông của trung tâm Thành phố và giúp nối kết trung tâm Thành phố chặt chẽ hơn với mạng lưới giao thông và hạ tầng xung quanh.
Tuy nhiên, cho đến nay, việc thiết kế qui hoạch Thủ Thiêm vẫn đang còn ở giai đoạn sơ bộ. Nền đường được thiết kế ở cao độ + 2,5m (tức 1m cao hơn mức nước lụt 100 năm sau... theo dữ liệu cung cấp bởi các chuyên viên về thủy văn của TP.HCM).
“Khoa học kỹ thuật ngày nay có thể giải quyết nhiều vấn đề, nhưng cái giá phải trả sẽ quá lớn. Cái mà chúng tôi không đồng tình nhất là: Quá tốn kém và gặp nhiều bất trắc. Đất vùng này là phù sa quá trẻ, phát triển trên tầng phèn tiềm tàng quá dày, ở độ sâu 25 cm -150 cm, độ phèn tiềm tàng cao (tổng lượng sulfate lên đến 4,5%, có nghĩa là tầng này cứ 100 kg đất có đến 4,5 kg sulfate sẽ thành phèn). Vì vậy, khả năng phèn hóa là đương nhiên mỗi khi ta đào xới nó lên. Nó sẽ trở thành sulfuric acid.
Ai cũng biết tác hại của nó: ăn mòn điện hóa học các vật liệu xây dựng kim loại. Vùng Thủ Thiêm, nhất là phía giáp sông Nhà Bè, độ mặn trong nước (có khi lên đến 7-8 g/l), trong đất (tổng số muối tan có khi lên đến 1% - 2%) là khá cao. Nghĩa là khả năng gây hiện tượng ăn mòn hóa học kể cả vật liệu phi kim loại (sodic hóa) là đương nhiên và rất cao.
Nền địa chất lại quá yếu, dễ bị thay đổi, sụt lở. Lớp trầm tích mới, nhất là những điểm uốn bãi bồi - dòng sông, khả năng sạt lở là rất cao. Trong tương lai gần, khi triều hiền trở nên triều dữ, mạnh hơn, khả năng đổi hướng tác động dòng chảy là rất có thể.
Muốn chống sạt lở lại phải xây kè, đê bao, gây tốn kém, độ an toàn thấp. Thủ Thiêm sẽ ngập, nhất là vào khoảng 15-20 năm nữa, khi băng cực tan, nước biển dâng, theo phương án thấp nhất 20 cm và cao nhất 50 cm.
Điều chúng ta còn phải bàn là: Xử lý như thế nào? Lượng tiền bỏ ra là bao nhiêu? Có tốn kém quá không? Tại sao không dùng tiền này đầu tư vào vùng khác rẻ hơn, an toàn hơn, như xây dựng đô thị phía Bắc, Đông Bắc?”.
Nhiều nhà khoa học Việt Nam đặt vấn đề bằng những luận cứ cụ thể như vậy.
Bài toán kinh tế sinh thái tài nguyên?
Ở bán đảo Thủ Thiêm hiện còn tồn tại một hệ sinh thái tự nhiên vô cùng quí giá, đó là sự giao thoa giữa hệ sinh thái nước ngọt (của sông Đồng Nai) và hệ sinh thái nước lợ (của Cần Giờ) giúp chống xói lở ven sông một cách hữu hiệu nhất. Đồng thời, thảm thực vật này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc trầm lắng phù sa, cặn bã và hấp thụ các chất gây ô nhiễm trong nước.
Có được một môi trường tự nhiên giống như 300 năm trước tồn tại ngay sát cạnh khu vực trung tâm của đô thị lớn nhất cả nước là một điều rất hiếm hoi, một quà tặng quí báu của thiên nhiên. Tự bản thân nó, hệ sinh thái tự nhiên này chứa đựng những giá trị quí giá mà nhiều siêu đô thị (mega-city) khác trong khu vực nằm mơ cũng không thấy được.
TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn đặt vấn đề: “Các nhà quy hoạch đã tính bài toán kinh tế sinh thái tài nguyên chưa? Đã tính khả năng chịu tải của môi trường tài nguyên Thủ Thiêm này chưa, khi quyết định xây nhà chọc trời và đường sá hiện đại nhiều làn xe ở vùng trũng, không nền? Nhà cao tầng (40 tầng) tạo ra tỉ lệ diện tích nhà sử dụng trên diện tích đất nền là quá lớn. Điều này gây ra một hiệu ứng dây chuyền cấp số nhân về tải lượng ô nhiễm và tác nhân suy thoái môi trường. Trong lúc đó khả năng tự làm sạch của hệ sinh thái môi trường ra sao? Điều này cũng chưa được trình bày, lý giải”.
“Chưa biết ta xây nhà cao 30-40 tầng ở đây được lợi gì hơn, nhưng rủi ro, hiểm họa thì đã lường! Còn tiền bỏ ra, dù có được vay, dưới bất cứ hình thức nào, con cháu chúng ta phải trả. Xin hãy tính kỹ hơn bài toán kinh tế sinh thái. Phương án xây dựng kiểu nhà vườn, phố sông nước, khu đô thị sinh thái kết hợp phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tại sao không? Một đô thị sinh thái như vậy, ngay bên cạnh đô thị hiện đại quận 1, quận 3, quận 5... là lý tưởng lắm chứ!”. TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn phản biện bằng một đề xuất.