Nhu cầu nhà ở tăng nhanh
Tại buổi họp đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động ở khu công nghiệp giữa UBND TP. Hồ Chí Minh và Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, hiện nay quy mô dân số TP. Hồ Chí Minh lên đến gần 13 triệu người (trong đó khoảng 500.000 hộ chưa có nhà, gần 81.000 hộ cần nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020…), ngoài ra nhu cầu nhà ở xã hội, ký túc xá sinh viên của Đại học quốc gia và các trường đại học, cao đẳng khác tại đây ngày càng tăng,… Do vậy, muốn giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội, thương mại giá thấp,… trước hết phải có nhiều căn hộ cho thuê giá thấp (có đủ các tiện ích cơ bản và an toàn). “Dự báo nhu cầu nhà ở của phân khúc trên tại địa bàn thành phố trong 10 năm tới có thể lên đến khoảng 1 triệu căn”.
Theo kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2020, nơi đây phát triển 39 dự án với quy mô 45.000 căn hộ (dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 30.000 căn, trong đó có 20% dành để cho thuê, 60% căn hộ để bán trả góp dài hạn, 20% căn hộ dành cho chủ đầu tư bán thương mại để bù đắp chi phí). Ngoài ra thành phố sẽ xây dựng lại hoặc sửa chữa nâng cấp tối thiểu 50% trong tổng số 474 chung cư cũ đã được xây dựng từ trước năm 1975 và triển khai thực hiện các dự án di dời, tái định cư trên 20.000 căn nhà trên và ven các kênh rạch.
Trước tình hình hiện tại về nhà ở xã hội của TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch HoREA đề xuất, có thể lấy quỹ đất từ các nông trường như Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh), Phạm Văn Cội, nông trường bò sữa (huyện Củ Chi), nông trường Láng Le (Bình Chánh) có tổng diện tích khoảng 6.000 ha… để phát triển nhà ở xã hội.
“Ngoài ra, quỹ đất công đang làm nhà xưởng sản xuất ô nhiễm tại các quận, huyện (thuộc diện phải di dời vào các khu công nghiệp), của các cơ quan Nhà nước thuộc diện sắp xếp lại, của các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện chủ trương cổ phần hóa hoặc thoái vốn nhà nước hiện nay và quỹ đất công được tạo lập trong quá trình quy hoạch các khu đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất (như: Khu đô thị mới Nam Sài Gòn - 2.965 ha; Khu đô thị công nghiệp Tây Bắc Củ Chi -6.000 ha; Khu đô thị công nghiệp cảng biển Hiệp Phước - 3.600 ha…)… như vậy cơ bản giải quyết được vấn đề trên”, Chủ tịch HoREA cho biết thêm.
Hướng tới căn hộ giá 200 triệu đồng
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, với quỹ đất công hiện tại như: Khu chế xuất Linh Trung I, II, III (326 ha); khu công nghệ cao (913 ha, nhất là trong quy hoạch phát triển giai đoạn 2); công viên phần mềm Quang Trung (43 ha); Đại học quốc gia TP.HCM (647 ha; trong đó có khoảng 2/3 diện tích thuộc Bình Dương), Khu chế xuất Tân Thuận (320 ha)… thành phố Hồ Chí Minh có thể làm được khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội 30m2 (gồm 20 m2 sàn và 10 m2 gác lửng) có giá bán khoảng trên dưới 200 triệu đồng/căn, nhưng sẽ chỉ có khoảng 10.000 người mua được loại nhà này chiếm khoảng 1% người có nhu cầu.
“Như vậy, đa số công nhân, lao động, người thu nhập thấp và người nhập cư sẽ không còn loại nhà này để mua, nên chưa giải quyết được nhu cầu rất lớn của xã hội; Trong lúc các khu công nghiệp, khu công nghệ cao lại cần phát triển nhiều căn hộ nhà ở xã hội cho thuê có diện tích từ 25 - 50m2/căn, thì phù hợp với nhu cầu thực tế và của các lớp công nhân, lao động tiếp theo”, đại diện HoREA nhận định.
Bên cạnh đó, để khuyến khích làm nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội tại TP. Hồ Chí Minh, HoREA đề xuất Bộ Xây dựng sớm ban hành quy chuẩn xây dựng căn hộ thương mại có diện tích dưới 45 m2 với tỷ lệ khoảng 25-30%. Song hành, cần có cơ chế quản lý, kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng và các tiện ích dự án. Ngoài các cơ chế chính sách khuyến khích bằng vốn vay, cơ chế, các điều kiện kinh doanh, cần phải tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.
Cũng tại cuộc họp, HoREA đề xuất TP. Hồ Chí Minh cần khuyến khích xã hội hóa, huy động các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở cho thuê giá rẻ.