Tôi và anh Ngô Cường tìm đến tư gia nhà báo Trần Cư tại khu tập thể quân đội số 34A phố Lý Nam Đế- Hà Nội. Đó là dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ ( 7.5.1954-7.5.1994 ) tôi phải thực hiện bài phỏng vấn nhân chứng, mà phải là người đã từng làm báo. Hồi đó, nhà báo Trần Cư vừa nghỉ hưu sau nhiều năm làm việc tại Báo Quân đội nhân dân với hàm đại tá. Ông sống rất đạm bạc trong căn nhà cấp 4 được cơ quan cấp. Xung quanh chỗ ông ở rất nhiều anh chị em văn nghệ sỹ của Tạp chí Văn nghệ quân đội và Báo Quân đội nhân dân cùng sinh sống. Chúng tôi hỏi ông nhiều chuyện nghề nghiệp làm báo của một phóng viên chiến trường. Nhưng cái đích vẫn là kỷ niệm của ông về buổi chiều chiến thắng lịch sử 7.5.1954 mà ông đã chứng kiến, đã xúc cảm ra sao để viết được bài tường thuật nổi tiếng “ở Mường Thanh, địch ra hàng như nước chảy” được xếp vào bài tường thuật sinh động nhất và ông là nhà báo đưa tin sớm nhất về chiến thắng Điện Biên Phủ?
Ông xúc động kể:
“Tôi là một phóng viên chiến trường của Báo Quân đội nhân dân. Ngày 5.5.1954, tôi được lệnh xuống Đại đoàn Biên Hoà (Sư 316) ở phía đông để dự cuộc “Tổng công kích”. Xếp công việc ở toà soạn, tôi xách túi dết đi luôn để kịp giờ tổng công kích đợt ba - đợt cuối cùng của Chiến dịch. Tôi được phổ biến mật hiệu lệnh quy định bằng một tiếng nổ của khối bộc phá gần1000kg đã được bí mật chôn trong đồi A1 do các chiến sỹ công binh thực hiện. Bộc phá sẽ nổ vào 8 giờ 30 phút tối ngày 6.5.1954. Sau đó, tất cả các cánh quân đồng loạt tổng công kích. Tôi còn được phổ biến thêm là nếu khối bộc phá 1000kg kia không nổ, thì sẽ có hai đồng chí Đảng viên cộng sản cảm tử, mỗi người vác 20kg bộc phá lao vào khối thuốc 1000kg đó.
Những chuyện này cứ ám ảnh tôi suốt đoạn đường xuống Sở chỉ huy đại đoàn Bến Tre, thúc giục tôi phải đi thật nhanh. Trời mấy ngày trước lúc công kích mưa quá nhiều. Phần lớn các trận địa đều bì bõm ngập nước. Có những đoạn chiến hào tôi phải lội bùn nước ngang thắt lưng. Dép cao su bị tuột quai, phải buộc dây vắt lên cổ. Nhìn anh em chiến sỹ ta sống bì bõm trong bùn nước, tôi không kìm được xúc động. Sau này, nhà thơ Tố Hữu viết “máu trộn bùn non, đầu nung lửa sắt” là đúng với thực tế ở Điện Biên lúc đó.
Sáng 6.5.1954, tôi có mặt ở Sở chỉ huy đại đoàn Bến Tre. Tôi được anh Mạc Ninh cho hai chiến sỹ trinh sát dẫn ra đồi E để theo dõi trận đánh cho tiện. Khẩu đội sơn pháo của Phùng Văn Khầu đã đặt pháo ở đỉnh đồi E chúc nòng hướng thẳng vào trung tâm Mường Thanh. Đêm hôm đó, tôi ngồi ở đồi E để chờ pháo lệnh nổ. Đến 8giờ 30 phút tối, chẳng nghe tiếng nổ “long trời lở đất” mà chỉ nghe một tiếng nổ “âm” ở trong lòng đất thì một lúc sau tôi nhận được tin “bộc phá lệnh đã nổ” đúng giờ và quân ta đã tấn công vào đồi A1.(vì bộc phá chôn sâu trong lòng hầm, nên tiếng nổ không phát ra được như lúc đầu tưởng tượng).
Tảng sáng ngày 7.5.1954 địch ở đồi A1 ra đầu hàng. Tôi lên đỉnh đồi E quan sát thì được tin báo về: “ Phía tây, một trung đoàn của sư 308 đã đánh chiếm được Nà Noọng, chỉ còn cách sở chỉ huy của tướng Đờ Cát hơn 300mét và đang chia thành ba mũi chọc vào sườn Đờ Cát”. Nhìn về phía nam đồi E, Đại đoàn Bến Tre đã đánh chiếm giòn giã các cứ điểm 505A, 505B, 506, chỉ còn lại hai cứ điểm 507 và 508 đang giao tranh ác liệt. Đến 13 giờ thì cứ điểm 507 bị tiêu diệt, thừa cơ đánh chiếm luôn 508 vào lúc 14 giờ. Cứ điểm cuối cùng bị tan vỡ, Đại đoàn Bến Tre ào ạt vượt cầu Mường Thanh bắc qua sông Nậm Rốn, đánh thẳng vào trung tâm. Đó là lúc 15 giờ chiều 6.5.1954 Bộ chỉ huy Chiến dịch mặt trận lệnh cho các đại đoàn tổng công kích, không cho địch chạy thoát.
Tôi theo đại quân lao vào Mường Thanh. Đến 17giờ 30 phút, đựoc tin phía trước báo về “ta đã bắt sống đựoc tướng Đờ Cát”. Tôi phải len ngược dòng quân địch ùn ùn kéo nhau ra hàng như nước chảy. Nhìn những hàng cờ trắng lần lượt kéo ra, dưới sự giải giáp của các chiến sĩ của ta, bản thân tôi cảm thấy ngây ngất, bàng hoàng, chỉ biết hét to lên: “A...ha... địch ra hàng rồi, bắt sống tướng Đờ Cát rồi!” Tôi muốn hát lên một bài hát gì mà không hát được. Chỉ biết hét to, chạy, thở. Tôi đã thấy Đờ Cát đi trong đám đông sỹ quan. Tên thì đầu trần, tên thì mặc soóc, tên thì cúi đầu. Đây là toàn thể Bộ tham mưu của Đờ Cát. Riêng Đờ Cát thì đội lệch cái mũ ca lô màu đỏ như máu, tay chống can. Theo sau hắn là một tên lính da đen hầu, dáng cao lớn, đeo một chiếc ba lô căng phồng. Bọn chúng đi theo chiến sĩ ta áp giải về Sở chỉ huy Đại đoàn Bến Tre.
Tôi muốn chụp ngay 1 bức ảnh, nhưng tiếc quá không có máy ảnh (vì hồi đó không có điều kiện như bây giờ). Cũng muốn theo đoàn hàng binh để được dự buổi lấy cung, nhưng cuối cùng, tôi quyết vào Sở chỉ huy Đờ Cát để nhìn tận mắt những di vật mang tính lịch sử này, nhất là ngắn lá cờ quyết chiến quyết thắng của ta cắm trên hầm Đờ Cát.
Mường Thanh hiện ra một cảnh hỗn độn, ngổn ngang. Nơi thì xe tải cháy dở, nơi thì mấy cỗ pháo gục ngã, nơi thì nghi ngút khói. Dù trắng, dù xanh rơi vãi khắp nơi. Trên trời cao, máy bay vận tải của địch vẫn thả dù xuống, trông giống như những con chim khổng lồ tuôn ra những quả trứng. Đám trứng đó thực chất là những hàng tiếp tế cuối cùng thả xuống Điện Biên. Bóng chiều đã ngả vàng, sáng rực cả khu lòng chảo, trông Điện Biên mới hùng tráng làm sao. Tôi vừa đi vừa lần theo chiến hào, lại vừa ngửa cổ xem chừng những chiếc dù hàng rơi xuống để mà tránh. Dù hàng cứ rơi phình phịch xung quanh, có kiện chỉ cách dăm mét. Tôi cứ phải luồn lách mà đi, cuối cùng tìm tới được hầm Đờ Cát. May mà không nhảy sang hai bên đường, vì ở đó đều có mìn. Tôi gặp anh Lê Minh( cán bộ tuyên huấn của Cục Chính tri đi công tác ở đôn vị). Hai chúng tôi kéo nhau đến hầm Đờ Cát. Có lẽ chúng tôi là hai nhà báo đầu tiên vào hầm Đờ Cát ngay khi quân địch vừa đầu hàng.
Hầm Đờ Cát lúc ấy thật kỳ dị. Cửa hầm thụt sâu xuống, xếp đầy bao cát, trên nóc là những mái thép uốn cong thành vòm có đường gân cho thêm cứng. Bên trên phủ đầy bao cát, đặc biệt lởm chởm rất nhiều cần ăng ten trông như một con nhím xù lông tua tủa. Một đường hầm rộng ở giữa, hai bên chia ra từng căn hầm nhỏ có màn che. Đó là các bộ phận tham mưu, chính trị, hậu cần của Đờ Cát. Nhìn vào trong thấy giấy tờ tung toé, có căn hầm còn những đống tro tài liệu vừa đốt xong còn ấm ấm. Cuối hầm chỉ huy của Đờ Cát, khá rộng, vách lót gỗ và căng vải. Trên cái bàn rộng phủ vải, bừa bãi giấy tờ rơi trắng xoá mặt đất. Tôi thấy đôi chỗ vách có lót cả những bức hoành phi câu đối chúng cướp của nhân dân đem về. Đèn trong hầm vẫn thắp sáng. Tôi rẽ sang một ngách hầm, thấy có ban thờ, thánh giá, ảnh Chúa, lăn lóc mấy cái cốc men sứ trắng. Đây là căn hầm làm nơi rửa tội của tên cố đạo tuyên uý trong quân đội Pháp. Tiếc là không có máy ảnh máy quay phim để ghi lại cảnh đáng nhớ ấy.
Tôi và anh Lê Minh đi sục quanh một lúc rồi ngồi nghỉ. Lúc đó là 6giờ 30 phút, trời bắt đầu sâm sẩm tối. Nhớ tới công việc rất khẩn cấp của Toà soạn là ngay sáng ngày mai ( 8.5.1954) phải có bài tường thuật sự kiện lịch sử này với nhân dân cả nước và bè bạn trên thế giới, tôi vội vã phóng ra khỏi cửa hầm Đờ Cát, vượt cầu Mường Thanh, rẽ trái ngược đường 4A, lần theo đường giao thông hào mà về.
Về tới Sở chỉ huy Đại đoàn Bến Tre thì trời đã tối hẳn. Tướng Đờ Cát đã được áp giải lên Bộ chỉ huy mặt trận. Tôi cứ tiếc mãi. Lại được tin ở Hồng Cúm địch tháo chạy sang Lào, Đại đoàn Nam Định đang đốt đuốc truy kích gấp.
Qua loa bữa cơm tối và tranh thủ thắp ngọn đèn hộp lên, tôi giở sổ tay ghi lại điều mắt thấy tai nghe. Rồi tôi bắt đầu viết bài báo tường thuật chiến thắng đầu tiên: “ở Mường Thanh, địch hàng như nước chảy”.
Trần Cư - Nhà báo đầu tiên có mặt tại hầm tướng Đờ Cát
TCCT
Người viết bài này có may mắn được hỏi chuyện nhà báo Trần Cư về kỷ niệm làm báo ở chiến trường Điện Biên Phủ. Hôm đó còn có thêm anh Ngô Cường (phóng viên báo Đại đoàn kết) cùng tham dự. Không ngờ mộ