Về kinh tế, Bờ Biển Ngà là một nước có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc biệt có nhiều kim cương, măng gan và sắt.
Ngành công nghiệp, nông nghiệp của Côte d'Ivoire phát triển khá cân đối. Bờ Biển Ngà là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới về ca cao, đồng thời cũng là nước xuất khẩu quan trọng về cà phê và dầu cọ. Từ vài năm nay nước này còn có thêm nguồn thu xuất khẩu từ dầu lửa và vàng.Tuy nhiên thu nhập của Côte d'Ivoire vẫn dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp (68% dân số sống bằng nghề nông) và nền kinh tế phụ thuộc vào giá quốc tế và những biến động về thời tiết. Bên cạnh đó nền công nghiệp của Bờ Biển Ngà cũng khá phát triển như: công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, dệt may, da giày, hoá chất, khai khoáng, sản phẩm gỗ, sửa chữa và đóng tàu.
Những thách thức lâu dài đối với quốc gia Tây Phi này là tình hình bất ổn chính trị và cơ sở hạ tầng xuống cấp. Cuối năm 2011, kinh tế Bờ Biển Ngà đã phục hồi sau quý I bị tê liệt do cuộc khủng hoảng chính trị hậu bầu cử Tổng thống. Tháng 6/2012, Bờ Biển Ngà đã được Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) thông báo cho vay 4,4 tỷ USD (debt relief).
Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chiếm 26,3%, công nghiệp 21,3% và dịch vụ 52,4%. Năm 2013, GDP đạt 28,28 tỷ USD. Tỷ lệ tăng trưởng GDP đạt 8%, GDP bình quân đầu người là 1238USD, tỷ lệ lạm phát 2,9%.
Về ngoại thương, năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Bờ Biển Ngà đạt 12,96 tỷ USD với các mặt hàng ca cao, cà phê, gỗ, dầu lửa, bông, chuối, dứa, dầu cọ và cá. Các đối tác xuất khẩu chính gồm Hà Lan, Mỹ, Đức, Nigeria, Canađa, Pháp và Nam Phi. Kim ngạch nhập khẩu của Bờ Biển Ngà đạt 9,859 tỷ USD với các mặt hàng chính là dầu nhiên liệu, máy móc trang thiết bị, lương thực, thực phẩm. Do sản xuất lúa trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân nên mỗi năm, Bờ Biển Ngà phải mua khoảng 900.000 tấn gạo. Các nước cung cấp chính gồm Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, Nigeria.
Mặc dù trải qua gần 1 thập kỷ bất ổn chính trị nhưng Bờ Biển Ngà vẫn được xem là một trong những nền kinh tế hàng đầu khu vực Tây Phi. Với vị trí địa lý chiến lược, nguồn tài nguyên thiên nhiên, nông, lâm nghiệp phong phú, nước này tiếp tục duy trì vai trò là nhà cung cấp hàng hoá và dịch vụ chính cho các nước láng giềng như Ghi-nê, Mali, Buốc-ki-na Pha-xô… Cảng biển Abidjan và tuyến đường sắt nối TP Abidjan với thủ đô Ouagadouro (Buốc-ki-na Pha-xô) vẫn là tuyến đường xuất nhập cảnh ưu tiên, nhất là đối với những nước nằm sâu trong lục địa, mang lại nguồn thu ngoại tệ quan trọng cho ngân sách quốc gia.
Quan hệ hợp tác Việt Nam-Bờ Biển Ngà
Việt Nam và Côte d'Ivoire thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 6/10/1975. Hiện nay, Đại sứ quán ta tại Maroc kiêm nhiệm Bờ Biển Ngà và Đại sứ Bờ Biển Ngà tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam.
Thời gian gần đây Việt Nam đã tăng cường tổ chức các đoàn sang thị trường này để tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Năm 2008, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang đã dẫn đầu đoàn 15 doanh nghiệp Việt Nam sang thăm và làm việc tại Bờ Biển Ngà. Năm 2010, Bộ Công Thương lại tổ chức một đoàn nghiên cứu chính sách và xúc tiến thương mại sang Bờ Biển Ngà. Cùng đi có đại diện của Sở Công Thương tỉnh Long An và 10 doanh nghiệp. Trong các cuộc tiếp xúc, phía Bờ Biển Ngà kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư chế biến điều, dứa và tham gia các dự án trồng cao su tại nước này. Năm 2012, Bộ Công Thương đã gửi công hàm đến Đại sứ quán Bờ Biển Ngà tại Trung Quốc và Ma-rốc đề nghị đàm phán và ký Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo giữa hai nước (cho đến nay phía Bạn chưa phản hồi). Dự kiến tháng 10/2014, Bộ Công Thương sẽ tổ chức đoàn xúc tiến thương mại quốc gia tại thị trường này.
Bờ Biển Ngà là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở khu vực Tây Phi nói riêng và ở châu Phi nói chung. Năm 2013, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà đạt mức cao nhất 215 triệu USD, tăng 15% so với năm 2012 và kim ngạch nhập khẩu đạt 136 triệu USD, tăng 88%.
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Bờ Biển Ngà chủ yếu gồm gạo (chiếm 93% tổng kim ngạch xuất khẩu), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng thủy sản, sản phẩm dệt may, chất dẻo nguyên liệu, ...
Bảng 1. Xuất khẩu của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà năm 2013
Tên mặt hàng xuất khẩu
Kim ngạch (USD)
Gạo
228,456,297
Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện
4,077,489
Hàng hải sản
3,296,252
Sắt thép các loại
2,939,291
Chất dẻo nguyên liệu
2,438,800
Máy móc thiết bị, dụng cụ & phụ tùng
1,867,113
Xi măng
1,261,000
Hàng hoá khác
633,551
Bánh, kẹo & sản phẩm từ ngũ cốc
366,080
Sản phẩm hoá chất
351,688
Hạt tiêu
252,231
Phương tiện vận tảI khác và phụ tùng
166,380
Bao túi thuộc chương 63
158,151
Đĩa lưu trữ thông tin thuộc nhóm 8523
158,023
Lưới đánh cá
130,680
Tân dược
70,275
Giấy các loại
41,251
Vôi sống
11,546
Tổng cộng
246,676,098
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam
Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính từ Bờ Biển Ngà chủ yếu là hạt điều thô (chiếm tới 77% tổng giá trị nhập khẩu), bông các loại, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su, sắt thép phế liệu...
Bảng 2. Nhập khẩu của Việt Nam từ Bờ Biển Ngà năm 2013
Tên mặt hàng
Kim ngạch (USD)
Hạt điều
197,531,160
Bông các loại
51,669,896
Cà phê
3,809,199
Gỗ & sản phẩm gỗ
1,353,172
Cao su
900,094
Sắt thép phế liệu
894,572
Hàng hóa khác
82,897
Hµng rau qu¶
27,000
Tổng cộng
256,267,989
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam
Lưu ý: Kể từ năm 2009, Công ty chế biến và xuất khẩu điều SITA của Bờ Biển Ngà có tranh chấp thương mại với một số doanh nghiệp nhập khẩu điều của Việt Nam nên doanh nghiệp cần thận trọng, không nên giao dịch với công ty này. Cho đến nay, phần lớn điều nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà vẫn phải thực hiện qua trung gian nước ngoài là các tập đoàn của Singapore và Ấn Độ như Olam./.