“Trật tự” mới trên thị trường ô tô

Cùng với Nghị định 116 và Nghị định 125, cuộc chơi trên thị trường ô tô đã thay đổi, một “trật tự” mới trên thị trường ô tô đã xuất hiện.

Râm ran chuyện… nhân sự

Ngày 2/9 năm trước, Tập đoàn VinGroup khởi công tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại Khu kinh tế Cát Hải - Hải Phòng. Thế nhưng, dư luận hầu như không để ý đến con số 3,5 tỷ USD mà VinGroup dành cho dự án này, cao hơn 3 lần số vốn Thaco bỏ vào Dự án Khu Công nghiệp Cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải có công suất 100 ngàn xe/năm.

Dư luận cũng không nói nhiều đến tham vọng sản xuất ô tô thương hiệu Việt mang tên Vinfast - đối nghịch với chiến lược khoanh gọn vào tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu vốn rất thành công của Thaco, Hyundai - Thành Công hay Samco, TMT.

Cái được râm ran lan truyền rộng rãi nhất, hóa ra lại là… nhân sự. Đầu tháng 9/2017, ông Võ Quang Huệ xin rời chức vụ Tổng giám đốc Bosch Việt Nam, hãng chuyên về Phụ tùng và Thiết bị ô tô để về làm Phó Tổng Giám đốc Nhà máy ô tô VinFast. Tiếp đến, ông James B.DeLuca, người từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch điều hành sản xuất toàn cầu của GM, được mời về làm Tổng giám đốc Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast.

Cả 2 con người này đều có lý lịch “khủng” nhất trên thị trường nhân sự “siêu cao cấp” nước ta hiện nay. Ông James B.DeLuca thì khỏi bàn, vị trí Phó Chủ tịch điều hành sản xuất toàn cầu GM đã nói lên tất cả. Với ông Võ Quang Huệ, theo giới “săn đầu người”, chẳng có ai hợp với Vinfast hơn ông Huệ, người tốt nghiệp kỹ thuật ô tô ở thành phố Koeln và kỹ thuật cơ khí ở Achen, Đức - cái nôi của cơ khí chính xác. Từ năm 1980, ông có 26 năm làm việc tại BMW, một trong những hãng sản xuất ô tô hàng đầu thế giới, từng làm trưởng đại diện BMW tại Ai Cập 6 năm, và gia nhập Bosch Việt Nam vào tháng 8/2006 - tức là, ông có 12 năm kinh nghiệm ở Việt Nam, trong vai trò tổng giám đốc của hãng chuyên sản xuất, kinh doanh phụ tùng ô tô.

Điều đó có ý nghĩa gì? Việc 2 nhân sự cao cấp, sành sỏi nhất về ô tô được chiêu mộ về Vinfast đã phát đi một tín hiệu cho thấy cơ hội trên thị trường ô tô Việt Nam còn rộng đường. Ở trên đỉnh cao quyền lực, ông James B.DeLuca hay ông Võ Quang Huệ chẳng dại gì về Vinfast chỉ vì được “câu kéo” bằng mức lương khủng, mà chắc chắn phải được thuyết phục bằng niềm tin sắt đá rằng, Vinfast có thể vươn rất xa, có khả năng mang đến cho cuộc chơi trên thị trường ô tô một sức sống mới, một diện mạo mới, và sự có mặt của họ là để hiện thực hóa sức sống đó, diện mạo đó.

Thay đổi cấu trúc thị trường

Cơ hội trên thị trường ô tô nước ta rộng đến mức nào? Yếu tố nào để năm 2017 và đầu 2018 kích hoạt hàng loạt sự kiện hâm nóng thị trường ô tô:

- Cuối tháng 3, Tập đoàn Thành Công ký thoả thuận hợp tác với Hyundai Hàn Quốc mở rộng sản xuất xe Hyundai tại Việt Nam.

- Tháng 4, Trường Hải tiếp tục rót thêm 20.000 tỷ đồng xây dựng Nhà máy Thaco Mazda tại Quảng Nam công suất 100 ngàn xe/năm.

- Đầu tháng 9, Tập đoàn BMW chuyển quyền phân phối ôtô BMW cho Thaco, theo đó Thaco được phép sản xuất trong nước thay vì chỉ nhập khẩu và phân phối xe nguyên chiếc.

- Cuối tháng 9, Vingroup khởi công Nhà máy ô tô Vinfast.

- Đầu tháng 3 năm 2018, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam gửi công hàm tới Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; trong đó khẳng định, Nghị định 116 ảnh hưởng tích cực tới quyết định đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào lĩnh vực ô tô tại Việt Nam.

v.v và v.v… Các sự kiện trên diễn ra ở nhiều khu công nghiệp ô tô, ở cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, nhưng đều chung một hướng: chuyển mạnh sang sản xuất thay vì đơn thuần lắp ráp, hoặc chỉ làm những phụ tùng đơn giản như gương, kính, sơn, chi tiết nhựa…

Có nhiều nguyên do, nhưng yếu tố tác động hàng đầu là chính sách. Đầu năm 2017, Tổ công tác liên ngành đã làm việc với hàng loạt các cơ sở công nghiệp ô tô trong nước và FDI nhằm đánh giá tiềm năng thực tế, khả năng thích ứng của các doanh nghiệp để báo cáo, tham mưu cho Chính phủ xây dựng chính sách.

Kết quả là Nghị định 116 và Nghị định 125 ra đời. Nghị định 116 bảo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp nhập khẩu với doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Cụ thể, trước kia, chỉ doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước phải xuất trình Giấy chứng nhận kiểu loại xe, và phải sở hữu hoặc thuê đường thử ô tô, nay cả doanh nghiệp nhập khẩu cũng phải đáp ứng 2 điều kiện này.

Nghị định 125 áp dụng mức thuế suất ưu đãi là 0% cho các linh kiện ô tô nhập khẩu thuộc nhóm hàng 98.49. Điều kiện để được ưu đãi là các linh kiện phải thuộc loại trong nước chưa sản xuất được, và tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp phải đạt 20% năm 2018, 40% từ năm 2022.

Hai nghị định trên khiến cho cấu trúc thị trường xe hơi nước ta thay đổi. Bắt đầu từ thị trường đầu tư, Thaco, Hyundai - Thành Công, Vinfast… đã ra tay đón đầu; gần đây nhất, cuối năm 2017 Mitsubishi quyết định mở nhà máy ô tô thứ 2 ở Long An có công suất 100 ngàn xe/năm, gấp 20 lần công suất nhà máy đầu tiên ở Bình Dương; đầu năm 2018 Hyundai Hàn Quốc tuyên bố muốn mở cho riêng mình 1 cơ sở sản xuất ô tô, bên cạnh việc đã chuyển giao lắp ráp cho liên doanh Hyundai -Thành Công.

Ở thị trường sản xuất, chắc chắn nhiều cơ sở công nghiệp ô tô sẽ đẩy nhanh tốc độ nội địa hóa để đáp ứng điều kiện hưởng mức thuế ưu đãi 0% nhập khẩu kinh kiện, phụ tùng. Doanh nghiệp nào không đạt tỷ lệ nội địa hóa 20% năm 2018 và 40% từ năm 2022, sẽ rất dễ bị loại khỏi cuộc chơi do mất lợi thế cạnh tranh về giá.

Cuối cùng, trên thị trường tiêu dùng - là hệ quả đến sau của 2 thị trường đầu tư và sản xuất nói trên. Còn quá sớm để nói kết quả, nhưng xu hướng gia tăng nội địa hóa sản phẩm, giá cả cạnh tranh hơn… là điều khá rõ.

Như thế, cuộc chơi trên thị trường ô tô đã thay đổi, một “trật tự” mới trên thị trường ô tô đã xuất hiện: Ưu thế trước kia thuộc về doanh nghiệp có quan hệ mật thiết với chính hãng, mà thực chất là các liên doanh tại Việt Nam, như Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam… nhưng nay, ưu thế hướng về doanh nghiệp thuộc bất cứ loại hình nào gia tăng được tỷ lệ nội địa hóa lên đến mức cao nhất.


Nguyễn Văn