Nhìn từ góc độ ngân hàng, cổng thanh toán điện tử sẽ giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí đầu tư cho nghiên cứu và phát triển hạ tầng công nghệ. Bằng việc tạo ra một cầu nối trung gian giữa các ngân hàng, cổng thanh toán điện tử được coi như đầu mối trung chuyển các lệnh nghiệp vụ, mà không đòi hỏi các ngân hàng phải triển khai cùng một hệ thống kỹ thuật như nhau.
Nhìn nhận dưới góc độ của doanh nghiệp, cổng thanh toán điện tử là tiền đề để xây dựng một mạng lưới thanh toán hiện đại, giúp các doanh nghiệp triển khai giao dịch thương mại điện tử theo một quy trình hoàn thiện. Quan trọng hơn cả, lợi ích của người tiêu dùng sẽ được nâng cao thông qua những tiện ích mà cổng thanh toán điện tử mang lại.
Hiện nay, do sự khác biệt giữa các ngân hàng và mức độ hợp tác chưa cao giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nên người tiêu dùng phải sử dụng nhiều loại thẻ, mở tài khoản tại nhiều ngân hàng; điều này gây bất tiện khá lớn khi tham gia vào thương mại điện tử. Với cổng thanh toán điện tử, chỉ cần có tài khoản tại một ngân hàng, người tiêu dùng có thể chi trả cho hàng hoá và dịch vụ của tất cả các nhà cung cấp với tài khoản nhận tiền ở nhiều ngân hàng khác nhau.
Do vai trò thiết yếu của cổng thanh toán điện tử, cũng như xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng, các doanh nghiệp đã có những phản ứng khá tích cực bằng việc đưa ra một số mô hình được xây dựng theo các cách tiếp cận khác nhau, nhưng cùng chung một mục đích là tạo ra “cầu nối” giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và ngân hàng. Dưới đây là những phân tích tổng quát về mô hình cổng thanh toán được đánh giá là có tính khả thi cao trong hoạt động thanh toán điện tử.
1. Công ty Cổ phần Dịch vụ thẻ (Smartlink)
Tiền thân là liên minh thẻ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) gồm 17 ngân hàng. Công ty Cổ phần Dịch vụ Thẻ (Smartlink) ra đời với chức năng chính là một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan đến thẻ thanh toán, quản lý và vận hành mạng thanh toán thẻ của các ngân hàng thành viên, phát triển kênh thanh toán điện tử với vai trò một cổng thanh toán.
Cuối năm 2007, Smartlink vận hành một mạng lưới thanh toán gồm 27 ngân hàng thành viên, trong đó 17 ngân hàng đã triển khai kết nối thành công và hoạt động ổn định với số lượng thẻ phát hành đạt 3 triệu thẻ và được chấp nhận thanh toán tại hơn 1.500 máy ATM và 10.000 đơn vị chấp nhận thẻ trên toàn quốc. 17 ngân hàng này được đánh giá là năng động và có khả năng mở rộng quy mô.
Với thế mạnh là mạng lưới các ngân hàng thành viên, Smartlink sẽ cung cấp 3 loại dịch vụ chính là dịch vụ chuyển mạch ATM và POS, thanh toán điện tử và thẻ trả trước mang thương hiệu Smartlink. Với dịch vụ chuyển mạch ATM và POS, Smartlink giúp người tiêu dùng tận dụng một thẻ nhiều chức năng tại tất cả các ngân hàng trong mạng lưới của mình. Trong đó, mảng quan trọng nhất của Smartlink là phát triển các kênh thanh toán điện tử kết nối ngân hàng thành viên với các nhà cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Mạng thanh toán điện tử cho phép khách hàng sử dụng thẻ của các ngân hàng thành viên thực hiện mua sắm hàng hóa, dịch vụ, trả cước phí điện thoại, tiền điện, nước qua các kênh giao dịch điện tử như Internet, điện thoại di động, ATM và POS. Việc đẩy mạnh các phương thức thanh toán điện tử sẽ giúp khách hàng dần dần chuyển từ việc sử dụng tiền mặt sang các công cụ thanh toán điện tử, đẩy mạnh quá trình xây dựng và phát triển hạ tầng thanh toán văn minh, hiện đại, trên cở sở ứng dụng công nghệ thông tin. Mô hình hoạt động của Smartlink được minh hoạ dưới đây.
Mô hình hoạt động của Smartlink
Ngày 21/11/2007, Smartlink đã ký thoả thuận hợp tác chiến lược với Banknetvn. Việc kết nối hệ thống thanh toán thẻ giữa hai đơn vị này giúp thẻ của các ngân hàng thành viên của Smartlink và Banknetvn phát hành đều có thể thực hiện giao dịch rút tiền mặt, in sao kê tài khoản và kiểm tra số dư tại mạng lưới ATM của tất cả ngân hàng thành viên. Đây là bước tiến dài trong việc tạo lập một dịch vụ chuyển mạch ATM và POS mà bên hưởng lợi chính là người tiêu dùng với mạng lưới chấp nhận thẻ rộng khắp. Trên cơ sở đó, các dịch vụ thanh toán và giá trị gia tăng dựa trên hệ thống này cũng sớm được triển khai để mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho chủ thẻ.
Ngoài ra, Smartlink cũng có kế hoạch liên kết với mạng thanh toán thẻ nội địa của các nước trong khu vực như Singapore, Thái lan, Malaysia, v.v... để mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ và gia tăng tiện ích cho khách hàng của các ngân hàng thành viên.
2. Hệ thống dịch vụ thanh toán điện tử Mobivi
Thị trường thanh toán điện tử Việt Nam mới bắt đầu có sự vận động rõ nét trong năm 2007. Do vậy, việc xuất hiện cùng một lúc nhiều mô hình thanh toán với các dịch vụ khác nhau là điều dễ hiểu. Bên cạnh Smartlink, dịch vụ thanh toán Mobivi của Công ty Cổ phần dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng Việt Phú hướng tới cải thiện môi trường thanh toán điện tử hiện nay, tạo ra một loại hình thanh toán tổng quát, đa năng và tiện tích cho người tiêu dùng.
Hệ thống Mobivi tạo dựng là một hệ thống mạng kết nối giữa các cơ sở bán hàng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hàng hoá, người tiêu dùng và các tổ chức tài chính, ngân hàng bằng những giải pháp tích hợp hệ thống. Dịch vụ này nhằm giải quyết lỗ hổng trong quan hệ giữa người mua - người bán - ngân hàng trong thương mại điện tử. Cụ thể, dịch vụ Mobivi bao gồm thanh toán trực tuyến qua mạng Internet, chi trả qua mạng điện thoại, di động và qua các loại thẻ Card Debit. Trong mối quan hệ giao thương, Mobivi đóng vai trò như một chiếc ví điện tử cho người mua và người bán, nhờ có tài khoản tại các ngân hàng nhằm thực hiện bước chuyển tiền từ tài khoản của khách hàng tới tài khoản của người bán.
Cũng giống như Smartlink, dịch vụ thanh toán Mobivi đảm bảo lợi ích cho cả 3 đối tượng là người tiêu dùng, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ và ngân hàng. Đối với khách hàng, Mobivi giúp họ thuận tiện hơn trong các giao dịch mua hàng trực tuyến, khi chỉ cần một tài khoản tại ngân hàng và tại Mobivi. Đối với doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ, hệ thống bán lẻ hay kênh bán hàng trực tuyến sẽ hoạt động hiệu quả hơn khi khâu thanh toán với khách hàng được giải quyết. Cuối cùng, lợi ích của ngân hàng được xem là khá rõ ràng. Chấp nhận triển khai dịch vụ thanh toán Mobivi, các ngân hàng có cơ hội gia tăng lượng giao dịch trên cơ sở khách hàng của Mobivi hay của các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ thành viên. Ngân hàng không phải đầu tư cho công nghệ về thanh toán, đồng thời tiết kiệm được chi phí, đặc biệt đối với công tác tăng cường chức năng bán lẻ. Hơn thế nữa, ngân hàng có thể hạn chế rủi ro kinh doanh trong giao dịch với khách hàng thông qua hệ thống thanh toán này. Đó là những lợi ích rất lớn mà một cổng thanh toán điện tử có thể mang lại.
Xét về chức năng, Mobivi và Smartlink đều cùng hướng tới một mục tiêu chung là tạo ra cổng thanh toán cho các giao dịch điện tử. Tuy nhiên, mỗi dịch vụ lại có xuất phát điểm và lợi thế khác nhau, nên cách tiếp cận thị trường cũng khác nhau. Smartlink với lợi thế sáng lập từ mạng lưới các ngân hàng thành viên của VCB nên dịch vụ khai thác triệt để mối quan hệ và mạng lưới khách hàng thẻ của các ngân hàng thành viên. Ngược lại, hình thức thanh toán Mobivi xuất phát từ mạng lưới khách hàng của các nhà cung cấp hàng hoá, sản phẩm. Mỗi cách thức thanh toán sẽ đem lại những lợi ích mang nét riêng biệt, nhưng khi dịch vụ tiến tới một mức độ hoàn chỉnh, thị trường sẽ có sự cạnh tranh mạnh giữa các nhà cung cấp cổng thanh toán, nhằm tìm ra mô hình cổng thanh toán tối ưu nhất. Do vậy, đây chính là quãng thời gian quan trọng của các doanh nghiệp cung cấp cổng thanh toán định vị thị trường và dịch vụ của mình.