1. Triển vọng phát triển thương mại hàng hóa

            Từ năm 2010, cơ hội sẽ mở ra rất nhiều cho các DN Quảng Tây XK sang thị trường Việt Nam khi nhiều mặt hàng sẽ được giảm thuế xuống 0% (do thực hiện chương trình thu hoạch sớm – EHP). Việc vận chuyển hàng hóa sẽ được thuận tiện hơn sau khi hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn – Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh được hoàn thành. Vấn đề còn lại là sự chuẩn bị của tỉnh Quảng Tây, đối với DN là cách thức bán hàng, xây dựng hệ thống phân phối, phát triển chế biến và sản xuất, nâng cao chất lượng; Đối với cơ quan quản lý là phải nhanh chóng thống nhất hành lang pháp luật để giải tỏa các rào cản kỹ thuật cho hàng hóa XNK. Nếu chuẩn bị tốt, triển vọng hàng Quảng Tây có thể xâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam.

            Mặc dù có thuận lợi đáng kể, nhưng Quảng Tây cũng sẽ gặp không ít khó khăn trong XK hàng hóa sang Việt Nam. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan chức năng và DN hai bên, thương mại hàng hóa giữa tỉnh Quảng Tây với Việt Nam sẽ có bước phát triển mới trong những năm tới, đặc biệt là khi hình thành Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA).

  1. Triển vọng phát triển quan hệ thương mại dịch vụ

            Từ 10/2003 Trung Quốc và các nước ASEAN đã bắt đầu thực hiện giảm thuế NK hàng nông thủy sản để thực hiện EHP và chuẩn bị cho việc hình thành ACFTA vào năm 2010. Do đó, trao đổi hàng hóa giữa Trung Quốc và ASEAN tăng rất nhanh và hàng quá cảnh qua Việt Nam cũng tăng nhanh. Vì vậy, triển vọng thương mại dịch vụ giữa tỉnh Quảng Tây với Việt Nam  trong những năm tới như sau:

- Thương mại dịch vụ sẽ phát triển nhanh, có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Trong nhóm dịch vụ thương mại, dịch vụ vận tải, kho ngoại quan và cảng biển sẽ phát triển rất nhanh. Nhu cầu vận tải của Trung Quốc qua tuyến đường sắt cũng như đường bộ Nam Ninh - Bằng Tường - Đồng Đăng – Hà Nội sẽ tăng nhanh. Mặt khác, khi hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn – Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh được hoàn thành, hàng quá cảnh các địa phương khác của Trung Quốc và của các nước khác cũng sẽ được vận chuyển qua tuyến hành lang này.

            - Triển vọng về hợp tác du lịch cũng rất khả quan. Tỉnh Quảng Tây có tiềm năng và lợi thế phát triển hợp tác du lịch với Việt Nam. Hai bên sẽ hợp tác mở các tuyến du lịch giữa Trung Quốc với Việt Nam, giữa Trung Quốc với ASEAN thông qua Việt Nam. Dự báo khách du lịch Việt Nam tới tỉnh Quảng Tây vào năm 2015 có thể lên tới trên 500.000 người. Khách du lịch đến Việt Nam từ tỉnh Quảng Tây nói riêng, Trung Quốc nói chung sẽ lên đến trên 1 triệu lượt người vào năm 2015.

  1. Triển vọng phát triển quan hệ hợp tác đầu tư

            Việc hình thành ACFTA sẽ tạo môi trường thuận lợi cho Trung Quốc và các nước ASEAN thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư lẫn nhau. Tỉnh Quảng Tây và Việt Nam đều có nguyện vọng là thực hiện nhiệm vụ CNH – HĐH, nhanh chóng thoát khỏi tình trạng kém phát triển, có nhu cầu về đầu tư rất lớn đối với công nghiệp và các ngành khác. Những lĩnh vực mà hai bên có khả năng thu hút đầu tư là: Xây dựng hệ thống giao thông theo Hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn – Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu; Xây dựng các khu công nghiệp; Nâng cấp và mở rộng cảng; v.v....

            Việc thực hiện EHP và ACFTA  đang mang lại cho cả hai bên cơ hội thuận lợi đẩy mạnh XNK hàng hóa lẫn nhau. Trung Quốc và ASEAN-6 phải hoàn thành tự do hóa thương mại vào năm 2010, Việt Nam thuộc nhóm ASEAN-4 đến năm 2015 mới phải hoàn thành. Như vậy, các nhà XK tỉnh Quảng Tây rất thuận lợi trong việc đẩy mạnh XK sang Việt Nam và các nước ASEAN khác. Các nhà đầu tư Trung Quốc, đặc biệt là các nhà đầu tư tỉnh Quảng Tây, một tỉnh giáp biên giới với Việt Nam sẽ không bỏ qua cơ hội thuận lợi này để đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất và chế biến hàng XK. Dự báo đến năm 2015, các nhà đầu tư tỉnh Quảng Tây sẽ đẩy mạnh hợp tác đầu tư với Việt Nam trong lĩnh vực chế biến nông, thủy sản XK khai thác khoáng sản và luyện kim.

            Bên cạnh đó, Việt Nam nói riêng, các nước ASEAN nói chung cũng sẽ tận dụng cơ hội mà Trung Quốc đang ngày càng hội nhập vào kinh tế quốc tế và đang thực hiện Chiến lược khai phá miền Tây để đầu tư vào tỉnh Quảng Tây và các tỉnh miền Tây và Tây Nam Trung Quốc. Dự báo đến năm 2015, các nhà đầu tư Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác đầu tư với tỉnh Quảng Tây trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc, hóa mỹ phẩm, đồ gỗ.

 

  • Tags: