Kinh tế chia sẻ là gì? Xét về bản chất, Kinh tế chia sẻ (còn được gọi là sharing economy hoặc tiêu dùng cộng tác) là một mô hình thị trường lai (ở giữa sở hữu và tặng quà) trong đó đề cập đến mạng ngang hàng dựa trên chia sẻ quyền sử dụng hàng hóa và dịch vụ. Việc chia sẻ các nguồn tài nguyên là ví dụ điển hình như trong kinh doanh dịch vụ, doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư hệ thống giặt là, người tiêu dùng mang quần áo đến, tự vận hành hệ thống giặt là và trả phí dịch vụ sử dụng máy móc. Một thí dụ khác được nhiều người Việt Nam biết hơn là hoạt động của Grap. Các cá nhân tham gia dịch vụ tự bỏ tiền đầu tư phương tiện (xe máy, ô tô) như một hình thức cho doanh nghiệp (Grap) thuê lại.
Cơ quan soạn thảo đề án này đã nghiên cứu khảo sát với kinh nghiệm các quốc gia cũng như từ nhiều cơ quan bộ, ngành, đã đi đến kết luận rằng kinh tế chia sẻ là một cơ hội mới về thay đổi phương thức kinh doanh từ sở hữu tài sản sang sử dụng tài sản mà không cần sở hữu. Đây hình thức kinh doanh phi truyền thống nhưng đang có xu hướng dẫn dắt thị trường, nhất là trong dịch vụ vận chuyển và du lịch nên việc công nhận và chấp thuận mô hình này là tất yếu. Một khảo sát mới công bố của công ty Nielsen cũng cho thấy, kinh tế chia sẻ có tiềm năng lớn để phát triển tại Việt Nam. Kết quả khảo sát cho thấy, cứ 4 người Việt được hỏi thì có 3 người cho biết thích ý tưởng kinh doanh về mô hình này (chiếm 75%)... Trên thực tế, kinh tế chia sẻ đang và sẽ mang lại nhiều hiệu quả tiềm năng như: Mang đến trải nghiệm mới cho người tiêu dùng về các sản phẩm dịch vụ mới, tận dụng tài nguyên nhàn rỗi một cách hiệu quả...
Tuy nhiên, thời gian qua, sự phát triển của các dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ tại nước ta còn mang tính tự phát, trong khi các cơ quan quản lý còn khá lúng túng trong việc xác định bản chất và cách thức quản lý mô hình này. Chẳng hạn, mô hình này đang gây khó cho cơ quan quản lý kiểm soát nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ với xã hội, nghĩa vụ với các đối tượng tham gia. Đặc biệt, vấn đề an toàn cho người tiêu dùng rất khó quản lý. Luật Du lịch có những quy định khá thuận lợi để phát triển mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực lưu hành và lưu trú. Tuy nhiên, hầu như chưa có chính sách hay quy định nào về du lịch trực tuyến, bao gồm hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến theo mô hình kinh tế chia sẻ được ban hành.
Mô hình này cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý chính sách tại Việt Nam, bao gồm môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo hài hòa lợi ích đối với các mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống; Kiểm soát việc minh bạch về thông tin; Quản lý giao dịch điện tử, thanh toán quốc tế về thương mại bằng thẻ; Quản lý chất lượng dịch vụ, sản phẩm; Chống thất thoát thuế và một số vấn đề xã hội khác nảy sinh như lao động, việc làm và an sinh xã hội...
Do đó, cơ quan xây dựng đề án có đưa ra dự kiến một số khuyến nghị nhằm đảm bảo quyền và trách nhiệm của các bên tham gia mô hình này như người dân, nhà cung cấp, người tiêu dùng, doanh nghiệp… Trong đó đề cao trách nhiệm cũng như kiến thức của người tiêu dùng trong việc tự bảo vệ mình khi sử dụng những dịch vụ này. Các nhà cung cấp cũng phải có những bộ quy tắc, quy chuẩn để đảm bảo an toàn cũng như dịch vụ cho hoạt động kinh doanh của mình. Đối với dịch vụ thanh toán thì khuyến nghị liên quan đến hệ thống thanh toán hiện đại, đảm bảo an toàn trong thanh toán của kinh tế chia sẻ.
Đề án cũng hướng tới xây dựng các biện pháp để thúc đẩy, khuyến khích tranh thủ cơ hội mới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đưa các đổi mới sáng tạo cũng như các hình thức kinh doanh mới vào trong nền kinh tế một cách mạnh mẽ, nâng cao được sức cạnh tranh, sự sáng tạo của nền kinh tế.